Murayama và "Những vết sẹo chiến tranh"

ĐOAN TRANG 25/07/2009 19:07 GMT+7

TTCT - Murayama Yasufumi - nhà báo, nhiếp ảnh gia người Nhật - vừa trở lại Việt Nam lần thứ 28. Với cuộc triển lãm mang chủ đề “những Vết sẹo chiến tranh”(*) khai trương đúng vào ngày Thương binh - liệt sĩ 27-7.

Phóng to
Murayama Yasufumi - Ảnh: M.Y. (cung cấp)
TTCT - Murayama Yasufumi - nhà báo, nhiếp ảnh gia người Nhật - vừa trở lại Việt Nam lần thứ 28. Với cuộc triển lãm mang chủ đề “những Vết sẹo chiến tranh”(*) khai trương đúng vào ngày Thương binh - liệt sĩ 27-7.

Cuộc triển lãm lần này, ngoài những tấm hình ghi nhận về di tích chiến tranh VN mà anh chụp ở Sơn Mỹ (Quảng Ngãi), Murayama còn triển lãm thêm hình ảnh về sự hồi sinh của con người và đất nước VN như “Khu sinh thái Cần Giờ” (những khu rừng nguyên sinh ở Cần Giờ được khôi phục sau chiến tranh), “Rừng cao su” (rừng cao su ở Tây Ninh được trồng lại sau khi rà phá mìn)...

Cuộc triển lãm kéo dài qua tháng 8, một tháng rất có ý nghĩa với Murayama. “Nói về nước Nhật của tôi thì đó là một tháng không thể nào quên vì đánh dấu cuộc chiến tranh kết thúc, còn với đất nước của các bạn, ngày 10-8-2008 được chọn là ngày những nạn nhân chất độc da cam”.

Phóng to
Bà cụ này đã 73 tuổi: 11 lần mang thai, bà bị hư thai năm lần và mất ba đứa con bởi chiến tranh. Chồng của bà cũng bị chết trong chiến tranh - (ảnh và chú thích trích từ bộ ảnh của Murayama đem sang VN lần này)

Nói tới duyên nợ của anh với VN, Murayama tiết lộ về một góc buồn của cuộc đời mình: “Gia đình tôi nghèo lắm, cha tôi vì thế đâm ra nghiện ngập và bỏ đi, tôi sống trong gia đình không “nóc” từ nhỏ và phải tự lập mọi thứ, rồi một ngày kia cha tôi tự vẫn”. Trải qua thời thơ ấu buồn khổ, nên khi tiếp xúc với những người nghèo ở VN anh có cảm giác rất gần gũi. Trực tiếp tiếp xúc và cảm nhận từ trên nét mặt của những con người VN đã vượt qua chiến tranh, vượt qua số phận, không lùi bước như thế nào, khiến anh vừa yêu vừa cảm phục đất nước và con người VN.

Murayama nói anh không giàu. Để có được hai, ba chuyến đi VN mỗi năm như vừa qua, ở Nhật anh phải làm thêm nhiều công việc khác nhau ngoài giờ. Không giàu về tiền bạc, nhưng Murayama có cả một gia tài về lòng nhân ái mà ở VN, anh đã có cơ hội thể hiện trong suốt 11 năm qua.

Phóng to

Một nữ sinh chạy về hướng đang diễn ra lễ kỷ niệm 30 năm kết thúc chiến tranh VN (30-4-2005)

Dù vẫn nặng nợ với những câu chuyện “hậu chiến tranh VN”, nhưng sắp tới Murayama sẽ chuyển đề tài. Tháng sau, anh lại leo xe đò đi Quy Nhơn (Bình Định) để tìm lời giải đáp cho câu hỏi “Vì sao người dân ở đây cứ muốn vào miền Nam lập nghiệp?”. Đề tài dài hơi kế tiếp sẽ là vấn đề con lai Việt - Hàn (Raitaihan). Hiện tại anh vẫn đang nỗ lực tìm kiếm giúp một phụ nữ VN sinh sống ở quận 4, TP.HCM tìm cha là người Nhật đang sống ở Nhật.

Và như bao lần khác, lần này đi cùng Murayama cũng sẽ có 10 sinh viên Nhật. Tính đến nay, Murayama đã đưa được hơn 400 sinh viên Nhật đến VN để tìm hiểu về đất nước và con người đã gắn bó với anh suốt 11 năm qua. Murayama quả quyết anh sẽ tiếp tục khám phá VN cho đến khi nào... không đi nổi nữa mới thôi. “VN lúc nào cũng hấp dẫn, thu hút tôi” - Murayama cười nói.

Phóng to
Em bé VN với đôi mắt sáng hướng về một tương lai tốt đẹp

Trở lại VN lần này, Murayama thích thú khoe cái tên mới mà bạn bè ở khu phố Tây Bùi Viện đặt cho anh: Ông Tám Việt Nam. Murayama giải thích: “Họ gọi tôi là “tám” vì tôi... nói dữ lắm, gặp ai cũng thích bắt chuyện, nói chuyện... và vì tôi quá gắn bó với đất nước của các bạn, nên được gọi luôn là Việt Nam!”.

______________

(*) Triển lãm diễn ra tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh VN, số 28 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM, từ ngày 27-7 và kéo dài một tháng. Toàn bộ tiền thu được từ vé vào cổng (15.000 đồng/người) sẽ được trao lại cho bảo tàng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận