Myanmar: Phất váy làm cờ

SÁNG ÁNH 15/03/2021 23:00 GMT+7

TTCT - Myanmar là nơi hiếm hoi dùng váy phụ nữ để làm cờ kiêm làm thành lũy.

Bầu cử ở Myanmar tháng 11-2020, đảng cầm quyền Liên minh quốc gia dân chủ (NLD) của bà Aung San Su Kyi đại thắng với khoảng 80% số phiếu. 

Những chiếc váy truyền thống đang trở thành biểu tượng cho cuộc phản kháng ở Myanmar. Ảnh: Twitter

Hiến pháp Myanmar rất đặc biệt: quân đội nghiễm nhiên được 25% ghế tại lưỡng viện. Các đảng phái, trong đó có đảng đại diện quân đội, tranh nhau 75% còn lại, nhưng kể cả như vậy, NLD chưa bao giờ thất cử.

Bà Suu Kyi thoát 15 năm tù tại gia và trở thành “cố vấn nhà nước” sau bầu cử 2015, vì hiến pháp cấm người có phối ngẫu là người nước ngoài làm tổng thống. 

Quân đội cười giả lả và vỗ vai tân cố vấn: Đằng nào thì 3 bộ có súng Quốc phòng, Nội an và Biên giới lúc nào cũng nằm trong tay quân đội rồi, vẫn theo hiến pháp 2009 do chính quân đội biên soạn. 

Về cơ bản, bầu bán kiểu gì, bà Suu Kyi vẫn chẳng làm gì được mấy ông tướng.

5 năm qua, chính quyền của bà đã phục tòng quân đội hầu như mọi mặt, không âu yếm thì cũng nói khẽ ngọt ngào. Có thể nói không ngoa là NLD và bà Suu Kyi đã cho quân đội sự chính danh quốc tế, giúp mở cửa kinh tế với phương Tây. 

Hai vợ chồng tuy không hợp nhưng có bà để đẩy ra trước mát thêm tí mặt, dù ông vẫn làm gia trưởng giữ sổ đỏ với tài khoản, có mất gì đâu? Vậy sao lại đảo chính?

Đây là điều Tây phương khó hiểu. Đông phương là Đông phương, và quân đội kỳ bầu cử này tuy không mất gì hữu hình, lại mất cái lớn nhất đời đeo súng: thể diện. 

Thể diện thì nó lớn lắm! Trước kết quả 2020, quân đội thấy phải đằng hắng, nhắc lại cho mà biết, này đừng tưởng bở.

Đảo chính này khó hiểu vì không đảo chính quân đội vẫn nắm quyền. Thành ra giống giận lẫy hơn, kiểu đập bàn đập ghế thị uy thôi, chứ ở Myanmar có ai (dám) làm gì họ đâu. Bà Suu Kyi hiện bị giam về tội tranh cử không tuân thủ cách ly COVID-19 và vi phạm luật sử dụng bộ đàm! Nhưng bà vốn ở tù quen rồi.

Đặc sứ Christine Schraner Burgener của Liên Hiệp Quốc lên tiếng răn đe quân đội thì họ trả lời là có cô lập và trừng phạt họ, họ cũng từng quen và chẳng coi ra gì. 

Vả lại, “chúng tôi phải tập đi chỉ với một số ít bạn đường thôi”, ý nói là Trung Quốc cũng đủ rồi chứ chẳng cần đến LHQ.

Ngay trụ sở ở New York, đại sứ Myanmar là Kyaw Moe Tun ngày 26-2 tố cáo đảo chính. Quân đội cách chức ông liền và bổ nhiệm phó đại sứ Tin Maung Naing thay thế. 

Chuyện này gây rắc rối vì LHQ không/chưa công nhận quân đội. May thay, sang 3-3, tới lượt tân đại sứ do quân đội bổ nhiệm từ chức nốt, trên… Facebook, mà không giải thích thêm lấy một lời!

Đông đảo phụ nữ tham gia các cuộc xuống đường ở Myanmar. Ảnh: Financial Times

Tin ông từ chức vào ban ngày ở Mỹ nên là ban đêm ở Myanmar, quần chúng Facebook không được biết ngay. 18 ngày qua, quân đội “giới nghiêm” treo Facebook mỗi đêm từ 1h đến 9h sáng vì lẽ gì không ai hiểu. 

Phần sứ quán Myanmar tại Mỹ, tuy không sử dụng Facebook, nhưng ra một thông cáo chính thức kiểu trên trời thì có tự do, dưới đất thì có dân chủ, người dân thì đi bầu cử, và đóng dấu bên dưới thông cáo câm không ai ký này.

Ngoài bà Suu Kyi ra, quân đội bắt giữ thêm 1.700 người khác và sang đến 8-3, xã hội Myanmar bắt đầu có biện pháp mạnh mẽ để chống đối. 18 nghiệp đoàn lao động kêu gọi đình công vì “chẳng ai bắt được chúng ta phải làm việc”. 

Phụ nữ Myanmar, ngoài hình ảnh bà cố vấn, lần này xuất hiện rất nhiều trong phong trào chống đối (trong nội bộ Đảng NLD, phụ nữ thật ra chỉ chiếm 20% ứng viên các cấp trong kỳ tổng bầu cử 2020). 

Thành phần chống đối có tổ chức là từ 3 nghiệp đoàn chính: y tế, giáo dục và công nhân ngành may mặc, những ngành đa số là phụ nữ.

Chiến thuật mới của họ là phất váy làm cờ. Váy htamein truyền thống được giương lên thành biểu tượng và nhiều khu phố lập “thành lũy váy” để cản đường cảnh sát và lính tráng, vốn tuyệt đại đa số là nam. 

Ngoài chướng ngại dưới đất, phe phản đối chăng váy trên dây bắc ngang đường. 

Nhiều nam quân nhân, vì mê tín, rất ngại phải đưa đầu dưới váy của đàn bà, kẹt hết đường lên sĩ quan và đánh số đề con nào trượt con nấy. Myanmar như vậy là nơi hiếm hoi dùng váy phụ nữ để làm cờ kiêm làm thành lũy.■

Myanmar là một quốc gia đa tộc và đa tôn giáo, một đế quốc hùng mạnh của thế kỷ thứ 18 mà Anh quốc phải mất hơn 50 năm và 3 cuộc chiến để chinh phục vào thế kỷ 19. 

Khi còn là thủ lĩnh đối lập và bị giam tại gia, bà Aung Sang Suu Kyi là kỳ vọng của tất cả các phong trào dân tộc Karen, Shan, Kachin, Chin, Rohingya… dưới ách quân đội. 

Lựa chọn hợp tác với quân đội của bà, qua đó nhắm mắt về vấn đề dân tộc thiểu số, đã làm họ thất vọng và hại cả danh tiếng của bà ở nước ngoài. Gần như toàn thể dân tộc Rohingya tại Myanmar phải bỏ nước ra đi. 

Còn 600.000 người chưa đi được hay bị trả lại Myanmar tập trung ở các trại trong nước. Khoảng 100.000 tị nạn ở Thái, 200.000 ở Pakistan và 1,3 triệu ở Bangladesh.

Dân tộc đa số ở Myanmar là người Bamar, chiếm 68% dân số.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận