TTCT - Nam June Paik (1932-2006) hiện hữu trong mọi cuốn sách về lịch sử nghệ thuật trên hành tinh này. Tại sao trên thị trường, các tác phẩm của ông không đắt giá? Đức Phật vàng (Golden Buddha) Khi giá tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ Mỹ thời kỳ giữa thế kỷ trước tăng đến mức các tỉ phú cũng phải chóng mặt, các đại lý nghệ thuật đã chuyển hướng sang khu vực Hàn Quốc, miền bắc Ý hay nông thôn Cuba để “khai phá” các nghệ sĩ ở những thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Những nhà sưu tầm khôn ngoan, những người thấu hiểu lịch sử nghệ thuật phương Tây không tránh khỏi bàng hoàng khi nhận thấy một số nghệ sĩ quan trọng bậc nhất thế kỷ 20 lại là những món hời chưa được khai thác. Những nhà sưu tầm này có thể bắt đầu với Nam June Paik (1932-2006), một người Mỹ gốc Hàn, người được công nhận rộng rãi là cha đẻ của video art. Tác phẩm của Paik, khởi đầu là các bài biểu diễn và sáng tác, sau đó được chuyển sang video art, có mặt trong bộ sưu tập lâu đời tại nhiều viện bảo tàng trên toàn thế giới. Hơn thế nữa, những tác phẩm của ông còn được lưu giữ tại Viện Smithsonian và vào năm 2015, nhà trưng bày nghệ thuật đa quốc gia nổi tiếng Gagosian đã trở thành đại diện mới cho những di sản của Paik. Và giá các tác phẩm của Paik, tuy không phải ở cấp độ chợ trời (dao động từ 20.000-200.000 USD, đôi lần vượt trên 1 triệu USD), vẫn là quá thấp so với các nghệ sĩ đương đại như Robert Rauschenberg, người có những tác phẩm thường xuyên được định giá gấp 10 lần như vậy. “Paik là một nghệ sĩ đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử phát triển nghệ thuật trong vòng 40 năm qua - Heike Grossman, giám đốc phòng trưng bày Thomas Modern ở Munich, nơi năm ngoái đã tổ chức triển lãm kết hợp các tác phẩm của Paik và Joseph Beuys, nghệ sĩ được biết đến nhiều hơn - Nhưng so với các nghệ sĩ cùng trang lứa khác, ông đang bị đánh giá thấp trên thị trường”. Khi sáu tác phẩm của Paik được mang đến buổi đấu giá vào mùa xuân năm nay tại New York, Seoul và Hong Kong, với mức giá từ 3.000 đến 230.000 USD, các đại lý nghệ thuật đang nghiêm túc nhìn nhận lý do vì sao các tác phẩm của Paik vẫn không được thị trường chú ý. Hầu hết nguyên nhân khiến ông không phổ biến hơn là do sự nhận thức chưa đầy đủ về lịch sử nghệ thuật của các nhà sưu tầm, sự thiếu vắng hỗ trợ tích cực từ các nhà trưng bày và một lý do đơn giản hơn nhiều là những lo lắng về điều kiện bảo quản lâu dài của các tác phẩm. Câu hỏi cuối cùng - liệu người ta sẵn sàng trả hàng trăm nghìn đô cho video art - chỉ được khẳng định vào thập kỷ trước: năm ngoái, một video của nghệ sĩ Bruce Nauman đã được bán với giá 1,6 triệu USD tại nhà đấu giá Christie’s New York, trong khi tác phẩm của nghệ sĩ Bill Viola (mức đấu giá kỷ lục 700.000 USD) thường bán được hơn 200.000 USD tại các cuộc đấu giá công khai. TV con mắt thứ ba (Third Eye Television), 2005. Ảnh: Benjamin Blackwell, © Di sản Nam June Paik, với sự cho phép của Nhà trưng bày Gagosian Quá nhiều đại lý Paik sáng tác nhiều. Ông đã bắt đầu với các sáng tác âm nhạc vào đầu những năm 1960, bằng cách phối ghép bản nhạc piano, các hiệu ứng âm thanh và tiếng la hét của bản thân. Ít lâu sau, ông bắt đầu làm việc với những chiếc tivi, đầu tiên là xếp quanh phòng và làm méo bằng nam châm. Ông gần như ngay lập tức tìm được nhà bảo trợ tại Đức - gia đình tỉ phú Flick, được cho là đã trực tiếp mua nhiều tác phẩm đầu tay của Paik ngay tại phòng thu. Cuối những năm 1980, khi thị trường của Paik được mở rộng, “Ông ấy đã làm việc với quá nhiều đại lý nghệ thuật - Hans Mayer, người sở hữu nhà trưng bày tại Dusseldorf, nơi đã bán các tác phẩm của Paik trong suốt hơn 25 năm qua, cho biết - Tôi đã kinh doanh nhiều với Paik, nhưng tất nhiên khi các đồng sự của tôi nhận ra có thể kinh doanh như thế, mọi người đều đổ xô vào”. Lúc đó, nhiều đại lý đang bán các tác phẩm của Paik nhưng không một nhà trưng bày nào đứng ra điều hành kênh phân phối hay gia tăng giá trị cho ông. Giám đốc nhà trưng bày Gagosian tại Hong Kong và quản lý di sản của Paik, Nick Simunovic, cho biết: “Các tác phẩm của Paik có vẻ đã biến mất trên thị trường trong nhiều năm. Một phần bởi không có một nhà trưng bày nào đủ mạnh, và cũng có thể khía cạnh công nghệ của các tác phẩm đó đôi khi khiến các nhà sưu tầm cảm thấy e ngại”. Do các đại lý nghệ thuật chưa xóa bỏ nghi ngại của các nhà sưu tầm hoặc thúc đẩy việc tăng giá, thị trường của Paik đang bị cạnh tranh. “Các kiệt tác đang được bán với giá 600.000 đô - Mayer cho biết - Nếu tính đến vị thế của người nghệ sĩ, chúng phải được bán với giá gấp đôi”. Ghế tivi (TV Chair), 1968 Được đánh giá cao ở Hàn Quốc Hàn Quốc vẫn được coi là thị trường ổn định nhất của Paik. “Tại Hàn Quốc, ông ấy là một siêu sao - Carl Solway, người sở hữu nhà trưng bày tại Cincinnati, là đại lý lâu năm nhất của Paik, nói - Ở Seoul, thậm chí các tài xế taxi đều biết Paik là ai. Đây là thị trường lớn của Paik, bởi ông là một trong những nghệ sĩ Hàn Quốc đầu tiên tự khẳng định mình trên bình diện quốc tế”. Nhà trưng bày Gagosian gần đây đã tổ chức triển lãm các tác phẩm di sản của Paik tại Hong Kong. “Cuộc trưng bày rất thành công - Simunovic nói - Người mua hầu hết là các bảo tàng hoặc các nhà sưu tầm tư nhân đang xây dựng các viện bảo tàng tại châu Á”. Dù vậy, hào quang của Paik tại Mỹ chắc chắn cũng đã phai nhạt. “Một phần lý do là trạng thái của bản thân tác phẩm, đòi hỏi phải có sự học hỏi và hiểu biết - Jochen Saueracker, một nghệ sĩ đã làm việc trong phòng thu của Paik trong hơn 25 năm và hiện đang là cố vấn cho các tác phẩm của Paik, nhận xét - Về mặt hình ảnh, tác phẩm của Paik thì rất đẹp, nhưng nội dung lại có thể nặng nề và mang nặng tính triết lý. Thật không hề dễ dàng”. 359 phố Canal (359 Canal Street), 1991 Sự khó hiểu này trong các tác phẩm của Paik có thể là rào cản đối với một số nhà sưu tầm mới. Mayer nói: “Điều này giống như việc bạn được mời đến nhà ai đó chơi và nhìn thấy một tác phẩm của Lucio Fontana, bạn biết nó đáng giá cả triệu đô. Và vì thế mọi người có thể bước vào, ra vẻ hiểu biết và thốt lên “Fontana này thật tuyệt vời”. Cũng tương tự trong thời trang, nếu bạn mua gì đó từ Prada, mọi người đều hiểu đó là sản phẩm đắt tiền”. Ngược lại, khi bạn bước vào một căn phòng và xem một tác phẩm sắp đặt video của Paik, phải có những lời giải thích cho bạn hiểu”. Vì vậy, các tác phẩm nghệ thuật của Paik, bao gồm các màn chiếu video được sắp xếp theo hình dạng các chú chó hay một lô các màn hình trông giống như người máy có thể khiến các nhà sưu tầm mới bỏ qua bởi chúng không mang nét sang trọng văn hóa. Tuy vậy, theo Saueracker, sự khó hiểu này cũng cho thấy một cơ hội: “Hiện nay, sở hữu một tác phẩm của Paik đồng nghĩa với việc sành nghệ thuật, hoặc là nhà sưu tầm đã trực tiếp gặp gỡ người nghệ sĩ. Nhưng điều này sẽ thay đổi theo thời gian, và ý tưởng khám phá những lời nhắn của Paik sẽ tạo ra một động lực mới”. Đức Phật đứng với bàn tay vươn dài (Standing Buddha with Outstretched Hand), 2005. Ảnh: Benjamin Blackwell. © Di sản Nam June Paik, với sự cho phép của Nhà trưng bày Gagosian Liệu tivi có thể giết ngôi sao video? Một rào cản nữa đối với thị trường của Paik là câu hỏi về tình trạng các tác phẩm. Paik đã chọn thứ công nghệ không sử dụng được lâu dài: tivi sẽ cháy hỏng, máy móc sẽ vỡ, bóng đèn sẽ trở nên tối thui. Khi tác phẩm nghệ thuật có hạn sử dụng nhất định, thật dễ hiểu, các nhà sưu tầm có thể thận trọng trước khi tiêu hàng triệu đôla mua nó. Những người ủng hộ Paik đã gạt đi các lo ngại về việc bảo dưỡng. Mayer cho rằng: “Bạn chỉ cần gọi chuyên gia sửa chữa khi tivi bị hỏng. Đây không phải là vấn đề. Các tác phẩm có thể tồn tại trong 20, 30, thậm chí 40 năm”. Saueracker, một chuyên gia mà mọi người thường liên lạc khi tác phẩm Paik của họ cần sửa chữa, cũng xác nhận các tác phẩm sẽ vẫn còn tốt ngay cả sau 40 năm. “Tất cả đều có thể sửa được - ông nói và chỉ vào một kỹ thuật viên ở Đức, người có thể thay thế các đèn hình tivi - Giờ đây, chúng ta có thể tạo nên một vòng đời mới cho một chiếc tivi, đây mới là điều đáng nói”. Người máy bằng nhựa (Bakelite Robot), 2002. Ảnh: Erich Koyama, © Di sản Nam June Paik, với sự cho phép của Nhà trưng bày Gagosian. Còn theo Simunovic: “Vấn đề ở đây là các tác phẩm điêu khắc hoặc sắp đặt của Paik không phải là các vi mạch hoặc linh kiện bên trong. Vấn đề là định dạng của tác phẩm cũng như cảm xúc mà nó truyền tải. Và hiển nhiên là nếu có yếu tố hình ảnh động, khi yếu tố này được thể hiện trên một phương tiện khác, chẳng hạn như một tệp dữ liệu, nó sẽ trở nên vô nghĩa”. Cuối cùng, Saueracker kết luận: “Không dễ gì để có được một tác phẩm của Paik, nhưng nó trở thành một thứ rất riêng tư. Bạn phải sống cùng với nó, và nếu có thể vượt qua thử thách này, đó thực sự là phần thưởng xứng đáng dành cho bạn”.■ Zac Herman (dịch từ Bloomberg) Tags: Hàn QuốcNghệ sĩTranhVideo artĐấu giáTrưng bàyNam June PaikThị trường nghệ thuật
Video: Sự việc cầu thủ Nguyễn Xuân Nam xô xát đổ máu ở đường hầm sân Thống Nhất HOÀNG TÙNG 14/11/2024 Tối 14-11, sau trận CLB Trẻ TP.HCM - PVF-CAND (0-0) ở vòng 4 Giải hạng nhất 2024 - 2025, hai cầu thủ Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn của hai đội đã lao vào nhau xô xát đổ máu trong đường hầm sân Thống Nhất.
Giá vàng thế giới chỉ còn tương đương 78,7 triệu/lượng, liệu đã chạm đáy? ÁNH HỒNG 14/11/2024 Giá vàng thế giới tối nay 14-11 giảm nhanh về 2.559,3 USD/ounce. Như vậy giá vàng thế giới đã bốc hơi 227,8 USD/ounce so với mức đỉnh.
Vừa lên sàn, tập đoàn chuyên bán nguyên liệu của ông Nguyễn Thiên Trúc 'mất' ngay nghìn tỉ BÌNH KHÁNH 14/11/2024 Vừa lên sàn hôm 11-11 với giá 63.000 đồng/cổ phiếu, sau vài phiên điều chỉnh, vốn hóa CTCP Nguyên liệu Á châu AIG 'bốc hơi' hơn nghìn tỉ đồng.
Công ty mẹ Facebook bị châu Âu phạt hơn 840 triệu USD TRẦN PHƯƠNG 14/11/2024 Châu Âu phạt gã khổng lồ Meta, công ty mẹ Facebook, hơn 840 triệu USD vì vi phạm luật chống độc quyền và lạm dụng vị thế thống lĩnh để chèn ép các đối thủ.