TTCT - Theo nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động. Anh Trần Xuân Bảo Thiệp, chủ cơ sở sản xuất may mặc Đăng Khoa, Q.Tân Bình (đứng), hướng dẫn công nhân may -Tự Trung Tại TP.HCM, Sở KH-ĐT TP cho biết đang phấn đấu đến năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp hoạt động (hiện có 300.000 doanh nghiệp). Nhưng mục tiêu này không dễ thực hiện. Trong số hơn 200.000 doanh nghiệp (DN) thành lập mới từ nay đến năm 2020, dự kiến các quận huyện tại TP.HCM sẽ vận động 90.000-100.000 hộ kinh doanh cá thể thành lập DN. Thực tế theo ghi nhận, nhiều hộ kinh doanh chưa sẵn sàng thành lập DN với rất nhiều lý do. Ngại thủ tục, thiếu vốn... Tại Q.9, trong danh sách 12 hộ kinh doanh có từ 10 lao động trở lên, được UBND quận cho là đủ điều kiện để thành lập DN, đến giờ này chỉ mới có một cơ sở thành DN. Phòng kinh tế quận cho biết đây là 12 trường hợp cơ sở kinh doanh bắt buộc phải thành lập DN theo nghị định 78 hướng dẫn thực hiện Luật DN. Một hộ kinh doanh quán ăn uống ở mặt tiền đường Quang Trung (P.Hiệp Phú, Q.9) rộng hơn 20m, với phần lớn diện tích quán được dựng khung sắt và mái che mưa nắng. Chủ quán ăn cho biết hiện quán có 9 lao động cố định, số lao động còn lại là sinh viên làm thời vụ, không ổn định. Quán cũng có người làm sổ sách kế toán theo dõi thu chi. Tuy nhiên, chủ quán cho biết chưa thể thành lập DN theo vận động của quận bởi thủ tục hoạt động của DN đòi hỏi phải có hóa đơn chứng từ đầu vào. Trong khi quán ăn này có phần lớn nguyên liệu là hải sản tươi sống, phải nhập hằng ngày và đặt hàng của các ghe biển từ Phan Thiết, Nha Trang và các hộ nuôi hải sản ở miền Tây. Chưa kể ở Q.9 đa số là khách bình dân nên giá bán cũng mềm, nếu phải thu mua hải sản qua một DN phân phối thì không bảo đảm độ tươi, giá nguyên liệu cũng sẽ đội lên rất nhiều, không bảo đảm giá bình dân phục vụ đa số khách như tiêu chí ban đầu của quán đặt ra. “Chúng tôi cũng muốn mở thêm cơ sở kinh doanh, nhưng các hộ cung cấp nguyên liệu không thể cấp được hóa đơn nên chưa biết gỡ sao” - người chủ quán nói. Để lập DN, theo vị này, Nhà nước cần hỗ trợ cơ sở về hóa đơn đầu vào. Tương tự, chị Nguyễn Hồ Phương, quản lý cơ sở Hưng Long (P.9, Q.Tân Bình) chuyên sản xuất đế, gót giày cung cấp cho nhiều nơi, cho biết dù đã được cán bộ quận giải thích, vận động nhưng chủ cơ sở vẫn chưa muốn lên DN. Chị Phương lý giải: cơ sở Hưng Long có nguyên liệu đầu vào lẫn đầu ra đều khó có hóa đơn rõ ràng. Phía đầu vào là những sản phẩm nhựa tái sinh, tái chế, được thu mua lại, còn sản phẩm đầu ra nhiều khi chỉ bán lẻ một vài bộ gót - đế giày, dép tùy nhu cầu khách đặt. Khách cũng không có nhu cầu lấy hóa đơn. “Dù kinh doanh theo kiểu hộ cá thể hằng năm đều phải nhận mức thuế khoán có chiều hướng tăng nhưng ông chủ của chúng tôi chấp nhận điều đó. Ông là người Hoa, vốn không rành về các thủ tục hành chính nên rất ngại phải làm nhiều thủ tục” - chị Phương chia sẻ. Hơn nữa, theo chị, việc làm ăn ngày một khó khăn, hễ cơ sở vừa ra bộ khuôn mẫu mới lập tức có hàng nhái cạnh tranh về giá nên chủ cơ sở không có chủ trương mở rộng kinh doanh và thuê mướn thêm nhiều lao động. Còn bà Lương Bích Thủy, một hộ kinh doanh phụ tùng xe ôtô trên đường Tú Xương (Q.9), cho biết cơ sở của bà thành lập khoảng 4 năm nay. Những năm gần đây khách ngày càng ít bởi hàng Trung Quốc nhiều, giá rẻ hơn mà mẫu mã cũng bắt mắt. Nếu thành lập DN, bà Thủy nói khó khăn lớn nhất là vốn. Ban đầu phải có vốn điều lệ, mà muốn có vốn phải đi vay. Nhưng trong điều kiện khó khăn chung của thị trường hiện nay, việc mở rộng kinh doanh là “năm ăn, năm thua” nên cơ sở này chưa dám mở rộng hay phát triển lớn. Chưa kể trở thành DN phải thành lập công đoàn, phải đóng bảo hiểm xã hội, ký thỏa ước lao động tập thể cho người lao động... và tất nhiên phải thuê thêm nhân viên khi lên DN. “Làm DN, mở nhiều chi nhánh phải có khả năng quản lý, có tài kinh doanh. Chứ không thì mở rộng ra, “thuyền lớn, sóng lớn”, phải tốn thêm nhiều chi phí, thuê thêm nhiều nhân công mà kinh doanh không hiệu quả thì nguy cơ mang nợ rất lớn. Nhà nước nên để các cơ sở tự nguyện kinh doanh theo khả năng của họ, đi chậm cũng được nhưng phát triển bền vững” - bà Thủy đề xuất. Lo bị “hành” thủ tục Tại khoản 1, 3 điều 66 nghị định 78/2015/ NĐ-CP ngày 14-9-2015 của Chính phủ quy định hộ kinh doanh có từ 10 lao động trở lên hoặc có từ hai điểm kinh doanh trở lên thì phải chuyển lên DN. Một nhóm bạn trẻ là chủ cơ sở kinh doanh bán lẻ quần áo trên đường Đỗ Xuân Hợp, Q.9 thẳng thắn nói rằng các bạn chưa thấy được lợi gì nếu thành lập DN mặc dù các bạn thừa sức quản lý. “Cơ sở tụi em bán sỉ như các sạp ở chợ Tân Bình, nhưng khách hàng là người mua trực tuyến và chủ các cửa hàng bán lẻ nên họ không cần xuất hóa đơn. Chiến lược kinh doanh sắp tới của tụi em cũng nhắm vào nhóm khách hàng này. Thành lập DN thì phải thêm kế toán, tăng thuế môn bài..., tức là thêm chi phí trong khi cơ sở chưa có nhu cầu mở rộng kinh doanh” - bạn Lê Văn Quốc, đại diện cho cơ sở, phân tích. Còn về các chính sách hỗ trợ vay vốn, họ cho biết rất ngại các thủ tục hành chính phải vượt qua mới “chạm” được đồng vốn hỗ trợ. “Đôi khi đi vay bên ngoài tiện lợi hơn cho công việc” - Quốc chia sẻ. Cùng tâm lý e ngại như vậy, anh Trần Xuân Bảo Thiệp, chủ cơ sở may trên đường Võ Thành Trang (P.11, Q.Tân Bình), cho biết dù anh đã hứa với cán bộ quận là sẽ chuyển đổi cơ sở lên DN, nhưng vẫn băn khoăn chưa quyết định chuyển đổi lúc nào. Một nguyên nhân khác khiến anh còn chần chừ là việc kinh doanh sản phẩm may mặc của cơ sở đang có chiều hướng chựng lại. “Chưa tết nào bết như tết năm nay. Hàng từ Trung Quốc cạnh tranh dữ quá. Lúc quận khảo sát thì nhân công trên 10 người, giờ còn ít hơn. Biết là nếu muốn phát triển, mở rộng sản xuất lâu dài thì phải lên DN để thuận lợi hơn, quận cũng cam kết hướng dẫn, hỗ trợ trong việc làm thủ tục hành chính nhưng tôi thấy chưa tự tin lắm. Trước giờ làm ăn theo kiểu hộ cá thể thì đơn giản hơn nhiều nên tôi vẫn đang tìm hiểu” - anh Thiệp nói. Anh Hoàng Thanh Hải, quản lý hệ thống một cơ sở vừa hoàn thành các thủ tục chuyển đổi thành Công ty TNHH Giang Ghẹ (đường Trường Chinh, P.15, Q.Tân Bình), cho biết công ty đang kiện toàn lại đội ngũ, tuyển thêm nhân viên, đặc biệt là kế toán, thủ quỹ có chuyên môn. “Lên DN thì mọi thứ phải rõ ràng, minh bạch hơn, phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn nhưng cũng có cái thuận tiện là sẽ được tuyển thêm nhiều nhân viên, có điều kiện mở rộng nhiều chi nhánh. Khách hàng muốn lấy hóa đơn giá trị gia tăng sau khi ăn uống thì mình cũng có thể cung cấp”. Anh Hải cho biết thêm quá trình làm thủ tục chuyển đổi sang DN rất mau lẹ do được UBND Q.Tân Bình tạo điều kiện tối đa. Tuy nhiên theo anh, điều DN lo lắng là việc hoạt động sau đó có bị các thủ tục khác “hành” hay không. “Thật sự chúng tôi vẫn ngại nhiều thủ tục hành chính phải đáp ứng khi lên DN như phải có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, các thủ tục về thuế...” - anh Hải nói. Nhiều chính sách hỗ trợ RÀ SOÁT, THÁO GỠ CÁC VƯỚNG MẮC Theo một cán bộ Sở KH-ĐT TP.HCM, sở đã khảo sát sơ bộ và nắm bắt được phần lớn các vướng mắc cũng như tâm lý e ngại của các hộ kinh doanh cá thể. Sở đang lập kế hoạch trình UBND TP để xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển DN, trong đó có hỗ trợ khởi nghiệp và giúp các hộ kinh doanh vượt qua những trở ngại, khó khăn để thành lập DN, mở rộng kinh doanh, xây dựng thương hiệu. Các chính sách, kế hoạch sẽ được UBND TP ban hành sớm để các sở ngành nhanh chóng triển khai trong thực tế. Theo số liệu thống kê mới nhất của Phòng kinh tế Q.Tân Bình, tổng số hộ kinh doanh đang quản lý tại quận hơn 16.300 hộ, trong đó kinh doanh đường phố hơn 12.000 hộ, còn lại kinh doanh ở các chợ. Hộ kinh doanh đường phố chủ yếu ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ ăn uống (trên 90%), hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực sản xuất chiếm tỉ lệ khá thấp. Bà Lê Thị Nga, phó trưởng Phòng kinh tế Q.Tân Bình, nói việc vận động, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo hình thức DN được UBND quận xác định là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết để thúc đẩy hoạt động kinh doanh ngày càng phát triển, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu chung của TP. Thời gian qua, quận đã rà soát các hộ kinh doanh có từ 10 lao động trở lên, hộ kinh doanh có số thuế khoán và sử dụng hóa đơn cao. Tính đến nay, có 15 hộ đồng ý chuyển lên loại hình DN trong năm 2017. Chia sẻ thêm về quá trình vận động, bà Nga cho biết UBND quận khi triển khai đã gặp rất nhiều khó khăn, do tâm lý e ngại nhiều thủ tục hành chính khi lên DN. Ví dụ khi lên DN, chủ DN phải tuân thủ các quy định về môi trường, phòng chống cháy nổ, phải mua bảo hiểm bắt buộc cho người lao động. Ngoài ra, thủ tục giải thể đối với DN thì phức tạp trong khi hộ kinh doanh không hiệu quả chỉ cần thực hiện hết nghĩa vụ thuế, làm đơn trả giấy phép là xong. Về chế độ thuế và kế toán: lên DN đồng nghĩa phải có bộ phận làm kế toán riêng biệt (chuyển từ chế độ thuế khoán sang tự khai, tự nộp, tự in và sử dụng hóa đơn). Chưa kể với hộ kinh doanh, nguồn nguyên vật liệu thường lấy tại nhiều cơ sở, không cung cấp hóa đơn (đầu vào). Khi lên DN, quy định bắt buộc phải xuất hóa đơn khi giao dịch sẽ là một trở ngại lớn khi chủ hộ kinh doanh chưa có thói quen và mất nhiều thời gian để thực hiện. Ông Phan Hoàng Đấu, trưởng Phòng kinh tế Q.9, cũng thừa nhận 11/12 hộ kinh doanh của quận chưa đồng ý lên DN do ngại các thủ tục về thuế. Từ nay đến năm 2020, Q.9 sẽ phấn đấu vận động 500 hộ kinh doanh cá thể thành lập DN. Những hộ kinh doanh các ngành nghề có điều kiện được “nhắm” tới đầu tiên là dịch vụ cầm đồ, nhà hàng ăn uống, karaoke, kinh doanh khí đốt hóa lỏng... Trong năm 2017, Q.9 phấn đấu vận động từ 50-100 hộ kinh doanh thành lập DN. Quận cũng đã thành lập một tổ vận động, chuyên tư vấn và giúp đỡ các hộ kinh doanh về thủ tục quyết toán cho cơ sở cũ, thành lập DN mới. Đối với những hộ kinh doanh ngành nghề có điều kiện, khi lập DN thì tất cả đều được xóa bàn, làm lại từ đầu. UBND quận đang đề nghị cơ quan chức năng phối hợp cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất cho người dân. Đối với các cơ sở kinh doanh mới đăng ký, những hộ có số vốn đăng ký hoặc ngành nghề có quy mô lớn, Q.9 sẽ vận động người dân thành lập DN. Cũng theo ông Đấu, so với hộ kinh doanh, DN có lợi hơn nhờ tiếp cận nhiều nguồn vốn vay ưu đãi. Như gói vay 2.000 tỉ đồng trong chương trình kết nối giữa ngân hàng và DN của quận có 37 cơ sở tiếp cận nhưng chỉ có một hộ kinh doanh đủ điều kiện vay, còn lại là các DN. DN mới thành lập còn được tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp 1.000 tỉ đồng của TP, được tiếp cận các nguồn vốn kích cầu và hỗ trợ về khoa học kỹ thuật... Ngoài các nguồn hỗ trợ về vốn, các DN còn thuận lợi hơn trong việc mở rộng kinh doanh, được thành lập chi nhánh, thu nhận lao động không hạn chế... Tuy nhiên, cũng có những ràng buộc là phải thu nhận lao động địa phương, kinh doanh tuân thủ pháp luật, bảo vệ môi trường... “Đây là cách để khuyến khích các hộ kinh doanh thay đổi tư duy, phát triển kinh doanh bề thế, quy mô hơn” - ông Đấu cho biết. ■ GIẢM THỦ TỤC, TẠO THUẬN LỢI CHO DN HOẠT ĐỘNG Theo nghị quyết 35 của Chính phủ (ban hành ngày 16-5-2016) về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, mục tiêu đến năm 2020 là xây dựng DN VN có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân VN đóng góp khoảng 48-49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30-35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hằng năm có khoảng 30-35% DN VN có hoạt động đổi mới sáng tạo. Để đạt mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các đơn vị liên quan phải thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp: cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN; công khai quy trình, thủ tục, điều kiện kinh doanh, kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của DN trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; đào tạo, nâng cao trình độ và đạo đức đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để thực hiện tốt nhiệm vụ theo tinh thần hỗ trợ DN; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo; rà soát, đề xuất sửa đổi quy định về các loại thuế, quản lý thuế, hải quan theo hướng liên thông giữa các bộ, cơ quan liên quan để giảm thủ tục, thời gian và chi phí thực hiện… Tags: Hộ kinh doanhLập doanh nghiệpLên đời hộ kinh doanhLên doanh nghiệp
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đổi mới, sắp xếp bộ máy là đòi hỏi rất cấp thiết THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết trong tình hình thực tiễn.
Viện kiểm sát: Không có căn cứ giảm án tử hình cho bà Trương Mỹ Lan ĐAN THUẦN 25/11/2024 Ngày 25-11, phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB tiếp tục phần tranh luận. Các luật sư đề nghị không tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan, viện kiểm sát nói không có căn cứ giảm án.
Bộ Tài chính đề xuất sửa toàn diện luật thuế thu nhập cá nhân LÊ THANH 25/11/2024 Hôm nay 25-11, Bộ Tài chính chính thức xin lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của Luật thuế thu nhập cá nhân.
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.