Nên "trẻ hóa" độ tuổi được cấp giấy phép lái xe

TTCT - Gần đến ngày khai trường, cơ quan chức năng lại tốn hao nhiều công sức tìm giải pháp để ngăn chặn tình trạng học sinh THPT đi môtô (xe có động cơ từ 50cc trở lên) đến trường. Nhiều biện pháp đã được đưa ra, thế nhưng hiệu quả cuối cùng là hết sức hạn chế.

Sau mỗi năm học, vấn nạn trên hầu như vẫn còn nguyên.

Phóng to
Giảng dạy luật và dùng luật để chấn chỉnh tình trạng học sinh vi phạm việc chạy xe máy - Ảnh: Minh Đức

Nhu cầu và sự đáp ứng

Có thể thấy rằng việc học sinh THPT đi xe máy nói chung và môtô nói riêng đến trường hiện nay là một nhu cầu có thật và rộng khắp, nhất là ở các thành phố lớn. Vấn đề đó còn xuất phát từ thực tế khi bước vào cấp THPT, nhất là lớp 11 và 12, học sinh phải đi học trái buổi, ngoại khóa tại trường và đi học thêm khá nhiều trong khi phương tiện công cộng chưa phát triển đủ để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Cho học sinh sử dụng xe máy, môtô thì rõ ràng không ai lo lắng cho sự an toàn của con cháu mình bằng chính phụ huynh và gia đình học sinh. Thế nên khi giao môtô cho các cháu đi học là gia đình cũng đã cân nhắc và “tin tưởng” vào khả năng sử dụng, sự “chững chạc” cũng như sự an toàn của học sinh.

Ở góc độ nhìn nhận của xã hội, dường như cũng có sự đồng cảm, nếu không muốn nói là đồng thuận về vấn đề này. Hệ quả tất yếu là không tổ chức, lực lượng nào từ người dân, nhà trường đến cảnh sát giao thông “nỡ” mạnh tay, quyết liệt làm đến nơi đến chốn việc ngăn học sinh đi môtô đến trường.

Mạnh dạn “trẻ hóa”

Vậy đâu là giải pháp căn cơ? Theo quy định của pháp luật hiện hành, người từ 16 tuổi trở lên mới được đi xe máy dưới 50cc và từ 18 tuổi trở lên mới được học lấy giấy phép lái xe (có nghĩa là mới được đi xe trên 50cc). Quy định có thể nói là đã lạc hậu so với thực tiễn hiện nay.

Chúng ta có thể đối chiếu các quy định này với các quy định của một số nước khác như: tại Thái Lan độ tuổi để lấy bằng và đi xe có động cơ 110cc trở xuống là 15 tuổi, độ tuổi để lấy bằng và đi xe có động cơ trên 110cc và ôtô là 18 tuổi (tại Hoa Kỳ từ 16 tuổi đã có thể thi lấy bằng lái ôtô).

Do đó, để giải quyết căn cơ vấn nạn trên, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu sửa đổi quy định về độ tuổi được phép lấy bằng lái môtô. Hai phương án sau có thể được đề xuất nghiên cứu áp dụng:

- Phương án 1: độ tuổi để lấy bằng và đi môtô có động cơ 110cc trở xuống là 15 tuổi: khi đó sau khi học xong lớp 9, các em có thể học và thi lấy chứng chỉ lý thuyết về lái xe môtô. Đến khi tròn 15 tuổi (hết học kỳ 1 lớp 10 tất cả học sinh THPT đều đạt độ tuổi này), các em sẽ chỉ phải thi thực hành để lấy bằng lái.

- Phương án 2: độ tuổi để lấy bằng và đi môtô có động cơ 110cc trở xuống là 16 tuổi: khi đó sau khi học xong lớp 9, các em có thể học và thi lấy chứng chỉ lý thuyết về lái xe môtô. Đến khi tròn 16 tuổi (hết học kỳ 1 lớp 11 tất cả học sinh THPT đều đạt độ tuổi này), các em sẽ chỉ phải thi thực hành để lấy bằng lái.

Khi phương án mới được áp dụng thì các lực lượng chức năng cũng như nhà trường có thể mạnh tay khi xử lý các vi phạm mà không cảm thấy “áy náy”. Gia đình học sinh cũng như bản thân các em cũng có điều kiện để chấp hành quy định pháp luật tốt hơn. Đồng thời quy định mới sẽ giúp học sinh sớm nắm rõ Luật giao thông (thông qua việc học và thi chứng chỉ lý thuyết vào hè năm lớp 9) để tham gia giao thông tốt hơn.

Việc có được tấm bằng lái khi đủ tuổi cũng là một sự hãnh diện, nó như một cột mốc quan trọng đánh giá sự trưởng thành của các em. Điều đó là một sự khích lệ để các em “thi đua” nhau lấy được tấm bằng lái để có thể hãnh diện khoe với bạn bè, người thân.

Và trên hết việc này sẽ giúp các em đi xe đúng luật hơn, an toàn hơn, đường đường chính chính chứ không phải vừa đi vừa nơm nớp “né” cảnh sát giao thông và nhà trường, hệ quả tiếp theo là tai nạn giao thông do học sinh gây ra có thể sẽ được giảm thiểu. Thực tế cho thấy nhiều bạn trẻ sau khi học luật để được cấp giấy phép lái xe thường điều khiển xe nghiêm chỉnh hơn trước nhiều.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận