TTCT - Đoàn nhà báo Nga tháp tùng Ngoại trưởng Sergey Lavrov công du Indonesia ngày 6-7 than thở về việc giãn cách nghiêm ngặt khiến họ khó lòng tác nghiệp. Câu hỏi lớn hơn: ngoại trưởng Nga tới Đông Nam Á làm gì giữa cao điểm đại dịch? Báo Độc Lập (Nga) nói đại dịch không thể ngăn cản chuyến công du được lên kế hoạch từ trước của ông Lavrov tới Jakarta, bởi lần cuối cùng ông tới Indonesia đã là bốn năm về trước.Quyền lực mềm vắc xinKhá nhiều vấn đề đang chờ giải quyết, và trong chuyến đi ngày 6-7, hai nước đã thảo luận nhiều yếu tố hợp tác để quan hệ song phương xứng tầm “đối tác chiến lược”. Indonesia mở đầu chuyến thăm Đông Nam Á của ông Lavrov. Ảnh: AP Theo tờ The Jakarta Post, hơn 20.000 trường hợp nhiễm virus corona mới mỗi ngày được ghi nhận ở Indonesia trong tuần trước khi ông Lavrov đến, và chủ nhật 4-7, con số này đã lên tới 30.000. Đối mặt làn sóng khủng hoảng mới, Jakarta đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng cho gần 300 triệu dân. Xét thực tế là vắc xin Sputnik V của Nga vẫn chưa được chính quyền Indonesia công nhận, các bên đã thảo luận chi tiết về triển vọng của một cuộc chiến chung chống COVID-19. “Chúng tôi đã xác nhận sự sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Indonesia về khả năng không chỉ cung cấp vắc xin mà còn thảo luận về sản xuất vắc xin ở Indonesia”, ông Lavrov nói.Chuyến thăm Indonesia mở đầu cho cuộc công du các nước ASEAN của ông Lavrov, mà trong trả lời phỏng vấn ngày 6-7 với báo Indonesia Rakyat Merdeka, ông nói là ưu tiên của Nga trong chính sách châu Á - Thái Bình Dương. Sau Indonesia, ông tới Lào cùng ngày 6-7, nơi các vấn đề hợp tác kinh tế và đối phó COVID-19 cũng được nhấn mạnh. Tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Lào Saleumxay Kommasith cảm ơn Matxcơva về việc cung cấp thiết bị y tế và thuốc. Ông Lavrov cho biết hồi tháng 3, nhà chức trách Lào đã thông qua việc sử dụng vắc xin Sputnik V, “và hiện Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga đang hoàn tất các cuộc đàm phán về việc cung cấp vắc xin”. Đồng thời, Matxcơva cũng xem xét lời kêu gọi của lãnh đạo Lào yêu cầu gửi thêm vắc xin để “hỗ trợ nhân đạo”.Trong tình hình khan hiếm vắc xin, Sputnik V của Nga là một khởi đầu tốt giúp cải thiện hình ảnh Nga ở Đông Nam Á. Không chỉ Việt Nam, Lào và Indonesia đã nhận được viện trợ hoặc có các kế hoạch hợp tác, 2 triệu liều Sputnik V sẽ đến Myanmar bắt đầu từ tháng 7. Philippines nhận thêm 170.000 liều vào cuối tuần trước, ngoài 180.000 liều được cung cấp trước đó.Chris Devonshire- Ellis, người sáng lập Dezan Shira & Associates, công ty tư vấn cho các nhà đầu tư ở châu Á, nói về việc “củng cố quyền lực mềm của Nga” bằng vắc xin: “Sputnik V mang đến cho chính phủ và các nhà lãnh đạo ở Nam và Đông Nam Á, những người trước đây không có nhiều kinh nghiệm với Nga, một tín hiệu tuyệt vời liên quan đến tiềm năng của y học và thương mại Nga”.Bán vũ khí, không gây áp lựcVắc xin không phải đề tài duy nhất liên kết Nga với ASEAN. Tại cuộc họp báo ở Lào ngày 7-7, Ngoại trưởng Lavrov cho biết chuyến công du còn đề cập đến khả năng cung cấp thiết bị và kỹ thuật quân sự bổ sung cho Lào. Apphich cuộc tập trận Nga - Lào Laros 2019. Ảnh: mil.ru Tường thuật cuộc làm việc, tờ Kommersant (Nga) nhắc về mối hợp tác trong lĩnh vực quân sự giữa hai nước.Hồi tháng 3, Trung tâm Hành động bom mìn quốc tế của quân đội Nga đã hoàn thành rà phá bom mìn gần sân bay Thong Hai Hin (Xiêng Khoảng). Hơn 1.000 thiết bị bom đạn còn sót lại sau cuộc ném bom của quân đội Mỹ giai đoạn 1964 - 1973 đã được dọn sạch. Lào và Nga đang có kế hoạch hiện đại hóa quy mô lớn sân bay này để sử dụng cho mục đích dân sự lẫn quân sự.Theo Hãng tin Sputnik, ngoài sân bay, Nga còn có kế hoạch xây dựng cơ sở để huấn luyện quân đội Lào sử dụng kỹ thuật quân sự Nga. Hiện quân đội hai nước đang tập trung chuẩn bị cho cuộc tập trận Laros 2021 với mục tiêu “tiêu diệt các đơn vị vũ trang bất hợp pháp sử dụng các chiến thuật khác nhau”. Cuộc diễn tập đầu tiên đã diễn ra cách đây hai năm tại Lào, cuộc thứ hai dự kiến diễn ra vào tháng 8 tại Primorsky, Nga.Tờ Nikkei Asian Review ngày 14-7 dẫn lời Collin Koh, thuộc nhóm nghiên cứu an toàn hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang Singapore (NTU), giải thích lý do Nga dễ dàng chinh phục thị trường vũ khí ASEAN.Đầu tiên, không giống các đối thủ phương Tây, Nga không ngại bán vũ khí mới nhất của mình cho các khách hàng ở Đông Nam Á. Thứ hai, Nga cung cấp hàng với mức giá thấp hơn mà không kèm theo yêu cầu chính trị. Thứ ba, Nga có thể chấp nhận thanh toán hàng đổi hàng từ các quốc gia có vấn đề về dự trữ ngoại hối, nhưng có thặng dư hàng hóa.Theo báo cáo của ISEAS, đến nay Việt Nam là khách hàng mua vũ khí Nga lớn nhất ở Đông Nam Á, chiếm 61% doanh số bán hàng trong hai thập niên qua. Từ năm 1995 đến 2019, Nga đã bán cho Việt Nam số vũ khí trị giá 7,4 tỉ USD, bao gồm tàu ngầm, khinh hạm, máy bay chiến đấu, hệ thống tên lửa phòng không và xe tăng. Ở quy mô nhỏ hơn là Lào. Năm 2018, thủ tướng Lào khi đó Thongloun Sisoulith (nay là tổng bí thư - chủ tịch nước Lào) tuyên bố rằng “mọi thứ trong các lực lượng vũ trang của Lào đều được kết nối với Nga”.Gần đây, Myanmar trở thành khách hàng nổi bật nhất của Matxcơva. Từ năm 2010 đến 2019, Nga đã bán khoảng 807 triệu USD vũ khí cho Myanmar, chỉ sau Trung Quốc với 1,3 tỉ USD. Hồi tháng 1, Nga đồng ý cung cấp cho Myanmar các hệ thống tên lửa phòng không, máy bay không người lái và thiết bị rađa.“Trọng tài độc lập”Nhân tố Trung Quốc cũng được tờ Kommersant đề cập khi bình luận quan hệ Matxcơva với ASEAN. Có thể thấy rõ nhất ở Lào. Cũng như với các nước khác trong khu vực, Bắc Kinh đang tích cực mở rộng hoạt động tại đây. Dự án cơ sở hạ tầng tham vọng nhất của họ là tuyến đường sắt nối thành phố Côn Minh của Trung Quốc với thủ đô Lào Vientiane. Cuối tháng 6, Tân Hoa xã đưa tin bất chấp đại dịch, việc xây dựng đang được tiến hành theo đúng kế hoạch. 90% công việc kỹ thuật đã được hoàn thành và tuyến đường dự kiến sẽ hoạt động vào ngày 2-12-2021.Theo nhiều nguồn tin, dự án có chi phí khoảng 6 tỉ USD, thuộc sáng kiến Vành đai con đường của Trung Quốc, xây dựng dựa trên các điều khoản của nước này, bởi các công ty Trung Quốc, với sự giúp đỡ của công nhân và tín dụng cũng của Trung Quốc. Theo Kommersant, “lợi ích kinh tế với Lào là không rõ ràng (bởi muốn vậy, ít nhất phải mở rộng tuyến đường đến thủ đô Bangkok của Thái Lan), còn những rủi ro có thể nhìn thấy bằng mắt thường”.Tháng 8 và 9-2020, Moody’s và Fitch đã hạ xếp hạng tín dụng quốc gia của Lào xuống các mức ngụ ý khả năng vỡ nợ là hiện hữu. Tính toán cho thấy trong 5 năm tới, Lào sẽ phải trả nợ trung bình khoảng 1 tỉ USD mỗi năm, con số có thể quá sức với Lào.Trong bối cảnh đó, sự trở lại của Nga là một tín hiệu đáng quan tâm.Nikkei Asian Review cho rằng sau một thời gian dài vắng bóng ở Đông Nam Á sau chiến tranh lạnh, Nga đang trở lại như một đối tác thay thế, một giải pháp thứ ba, khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đang cạnh tranh quyết liệt về ảnh hưởng trong khu vực.Trả lời báo Độc Lập, ông Dmitry Mosyakov, trưởng phòng Đông Nam Á của Viện nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, lưu ý: “Các nước ASEAN có truyền thống theo đuổi chính sách cân bằng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc". "Nhưng giờ việc tiếp tục đường lối này gặp khó khăn do quan hệ giữa hai cường quốc đã xấu đi. Trong tình hình đó, các nước Đông Nam Á tìm cách thu hút Nhật Bản, Úc, Ấn Độ. Nhưng ba quốc gia này đã tham gia Quad - “bộ tứ” cùng Hoa Kỳ và đang trên đường hình thành một liên minh quân sự - chính trị". "Hóa ra Nga là nước lớn duy nhất đứng bên lề cuộc xung đột. Ở đây, Nga có thể hoạt động như một kiểu trọng tài độc lập, ủng hộ tầm nhìn riêng của các nước Đông Nam Á về tương lai của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.Khi ISEAS thăm dò ý kiến hơn 1.300 chuyên gia khắp ASEAN vào cuối năm 2019 về “bên thứ ba” được ưu tiên để giảm thiểu rủi ro trong sự cạnh tranh Mỹ - Trung, Nhật Bản và EU đã được đa số lựa chọn - lần lượt là 38,2% và 31,7%. Nga chỉ được 6,1% những người được hỏi ủng hộ, dù Nga được ủng hộ hơn ở Lào - 26,1% và Myanmar - 10,2%. Hiện ASEAN và Nga đã có một kế hoạch hành động toàn diện để hợp tác mọi mặt, từ an ninh và thành phố thông minh đến y tế và quản lý thiên tai cho giai đoạn 2021 - 2025.Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) thống kê: từ năm 1999 đến 2018, doanh số bán vũ khí của Nga cho khu vực Đông Nam Á lên tới xấp xỉ 10,7 tỉ USD; Mỹ chỉ đứng thứ hai - 8,2 tỉ, tiếp theo là Pháp - 3,5 tỉ, Đức - 2,9 tỉ và Trung Quốc - 2,5 tỉ. Tags: NgaASEANVũ khíBán vũ khíSputnik V
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Đến lượt Temu, Taobao đổ bộ thị trường Việt Nam CÔNG TRUNG 15/10/2024 Sự xuất hiện của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Temu, Taobao và 1688 đang tạo ra một cơn sốt hàng giá rẻ tại Việt Nam.
Tiếp sức đến trường tân SV Tây Bắc: Khoản vay trả bằng tri thức cho xã hội VŨ TUẤN 15/10/2024 95 tân sinh viên sáu tỉnh khu vực Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình) đã được nhận học bổng Tiếp sức đến trường 2024 chiều 14-10.
Ông Kim Jong Un triệu tập họp an ninh quốc gia, chỉ đạo 'hành động quân sự ngay lập tức' THANH BÌNH 15/10/2024 Cuộc họp có sự tham dự của các quan chức an ninh cấp cao Triều Tiên, trong đó ông Kim Jong Un chỉ ra các nhiệm vụ quan trọng cần hoàn thành trong hoạt động răn đe chiến tranh.
Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi vinh danh người thợ trẻ KIM ANH 15/10/2024 Ngày 15-10, tròn 60 năm ngày liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, Thành Đoàn TP.HCM vinh danh 45 thanh niên công nhân tiêu biểu với giải thưởng mang tên Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Trỗi.