Nghìn lượt stream mà chẳng có ai nghe

PHAN BẢO 10/04/2021 18:15 GMT+7

TTCT - Những bài hát trên các nền tảng phát nhạc trực tuyến (streaming) có lượt nghe lên đến hàng ngàn hàng vạn, thậm chí hàng triệu nhưng không mấy ai thực sự nghe chúng. Đó là kết quả của việc thao túng lượt nghe (streaming manipulation) - công cụ của những kẻ trục lợi lẫn những nghệ sĩ muốn sớm nổi tiếng và giàu có, nhưng lại là vấn nạn của ngành công nghiệp âm nhạc.

 
 Ảnh: SquareSpace.com

“Có cả một thị trường chợ đen cho việc trả tiền để cày lượt nghe nhạc” - John Phelan, tổng giám đốc Liên đoàn Các nhà xuất bản âm nhạc quốc tế (ICMP), nói với tạp chí Rolling Stone năm 2019.

Ai cũng làm được

Nếu các “trại” lượt click ảo (click farm) - chuyên dùng robot hoặc thuê nhân công để phù phép các chỉ số truyền thông trên mạng xã hội như lượt xem, lượt thích hay theo dõi - đã không còn xa lạ, thì việc lượt nghe trên các nền tảng như Spotify bị thao túng chỉ là chuyện sớm hay muộn. Và nó đã diễn ra, từ cách đây vài năm.

Xây dựng một trại cày lượt stream chẳng phải chuyện chi khó nhọc, miễn là biết cách. Nhà báo William Bedell của Vice đã tự mày mò làm được một trại cày view bằng cách tận dụng một loạt các máy chủ và hàng trăm tài khoản Spotify miễn phí liên tục nghe đi nghe lại các bài hát chính anh đăng trên nền tảng này. Bedell nhấn mạnh việc một người không phải hacker chuyên nghiệp mà vẫn có thể làm được cho thấy chuyện tự thao túng lượt nghe dễ dàng như thế nào.

Thực tế thì chẳng cần nhọc công như Bedell, chỉ cần tìm kiếm nhanh trên Google, kết quả sẽ trả về một loạt các trang web cung cấp hàng nghìn lượt nghe với một mức giá rẻ, bao gồm lượt nghe do máy tính và cả nhân công được thuê tạo ra, trên Spotify và bất kỳ nền tảng phát nhạc trực tuyến nào có trả tiền cho nghệ sĩ.

Cái ý “có trả tiền cho nghệ sĩ” chính là động lực chính của việc phù phép lượt stream. Spotify trả cho nghệ sĩ từ 0,0045 đến 0,0084 đôla tiền bản quyền cho mỗi lượt nghe bài hát của họ, theo trang PPC Protect. Trong trường hợp của Bedell, anh kiếm được 30 đôla bình quân mỗi ngày từ các lượt nghe giả các bài hát của mình. Nghe chẳng bõ bèn gì, nhưng nên nhớ đó mới là kết quả của một thí nghiệm.

Lợi nhuận có thể tăng lên ồ ạt nếu Bedell mở rộng mạng lưới; còn trên thế giới, tình hình thao túng lượt nghe đã đến mức báo động, gây thiệt hại cho cả các nền tảng phát nhạc lẫn nền công nghiệp âm nhạc.

Ảnh: Billboard

Trục lợi và hơn thế

Với việc các trại cày view rất dễ kiếm và dễ thuê, ngày càng có nhiều người sử dụng chúng để kiếm tiền, tăng khả năng hiển thị và thu hút sự chú ý của thính giả. Sự hiện diện của chúng đang tác động rất lớn đến Spotify và lợi nhuận của dịch vụ phát nhạc này.

Cho đến nay, trường hợp gian lận lượt nghe nhạc trực tuyến lớn nhất xảy ra vào năm 2017, với khoản tiền gian lận thu được ước tính lên đến khoảng 1 triệu đôla. Kẻ gian lận, được cho là đến từ Bulgaria, bị cáo buộc đã sử dụng 1.200 tài khoản Spotify có trả phí thuê bao khác nhau để nghe liên tục 467 bản nhạc. Kẻ này cày được hơn 72 triệu lượt nghe trong một tháng, quy ra khoảng 288.000 đến 415.000 đôla tiền bản quyền mỗi tháng.

Những phi vụ như vậy khiến các nghệ sĩ và hãng đĩa không khỏi hoang mang vì các dịch vụ phát nhạc trực tuyến chia doanh thu cho tổng số lượt nghe của tất cả các bài hát, bất kể đó là lượt nghe ảo hay chân chính. Vì thế, khi số lượt nghe bị thao túng, những người làm nhạc thực thụ không được hưởng đúng với công sức vì tiền bản quyền của họ bị chia bớt cho những bên dùng dịch vụ lượt nghe ảo.

Dịch vụ cung cấp lượt nghe giả trên Spotify đã trở thành một thị trường lớn, khiến không chỉ công ty này mà cả các nhà quảng cáo mất hàng triệu USD mỗi năm vì chi tiền để chuyển tải thông điệp cho người nghe, nhưng làm gì có người nghe nào.

Đại diện một hãng thu âm từng nói với Rolling Stone ước tính các lượt nghe giả mạo có thể trục lợi hơn 300 triệu đôla doanh thu mỗi năm. Người này cũng cho biết khoảng 3-4% lượt nghe nhạc trực tuyến trên thế giới là bất hợp lệ.

Nhưng không chỉ những kẻ lừa đảo đang lợi dụng hệ thống của Spotify để kiếm tiền. Một ban nhạc tên Vulfpeck từ Michigan (Mỹ) đã kiếm được 20.000 đôla từ một album “câm” mà họ phát hành trên Spotify vào tháng 3-2014. Cả album 10 bài mà chỉ dài vỏn vẹn 5 phút, do lẽ mỗi bài chỉ dài từ 31 đến 32 giây và hoàn toàn… không có tí âm thanh nào.

Thế mà Vulfpeck lại khuyến khích người hâm mộ nghe chúng trên Spotify, kịp thu về 20.000 USD trước khi nó bị Spotify xóa. Ban nhạc không sử dụng bất kỳ trại cày lượt nghe hay robot nào để nghe các bài hát của họ; nhưng trong trường hợp này, họ chỉ lợi dụng hệ thống của Spotify để kiếm tiền, và do đó, không cần lo ngại vi phạm bất kỳ luật nào.

Các trang trại cày lượt nghe không chỉ kiếm được tiền cho nghệ sĩ từ những lượt nghe giả, mà còn ảnh hưởng đến nhiều thứ khác. Cụ thể, một bài hát có nhiều người nghe có thể được xếp vào tuyển tập các bài hát (playlist) phổ biến và thịnh hành, từ đó sẽ thu hút được lượt stream thật từ người nghe chân chính hơn. Và nếu một bài hát đạt một số lượng lượt nghe nhất định, bài hát đó cũng có thể lọt vào các bảng xếp hạng hàng đầu. Điều này đồng nghĩa sản phẩm được cày lượt nghe sẽ chiếm chỗ của các sản phẩm chân chính, xứng đáng hơn.

 Trong một số trường hợp, nghệ sĩ hoặc quản lý của họ có thể vô tình bị kéo vào hoạt động thao túng lượt nghe. Họ đưa tiền cho các công ty marketing kỹ thuật số để đẩy lượt nghe một cách hợp pháp bằng cách chạy quảng cáo Facebook hoặc thêm bài hát vào những tuyển tập miễn phí, mà không hề hay biết rằng những công ty này lại sử dụng trại cày lượt nghe ảo. Ngược lại, trong một số trường hợp khác, các nghệ sĩ đôi khi tự ý triển khai hoạt động thao túng lượt nghe mà không cho hãng của họ biết.

Chỉ có thể “tự thân vận động”

Có rất ít quy định pháp lý về thao túng phát trực tuyến, mà chỉ có trong ngành tự điều chỉnh. Tháng 6-2019, 21 công ty trong ngành công nghiệp âm nhạc, bao gồm các dịch vụ phát trực tuyến, hãng thu âm và nhà xuất bản, cùng nhau ký một bản quy tắc ứng xử để giải quyết vấn đề này.

Bản quy tắc này, với sự góp sức của ICMP, được định nghĩa thao túng lượt nghe trực tuyến là việc tạo ra các lượt nghe bằng các tài khoản tự động, trại cày lượt nghe và các phương pháp khác không thể hiện “việc nghe thực sự”. Bản quy tắc cũng yêu cầu các bên liên quan giúp phát hiện, ngăn chặn và giảm thiểu hành vi thao túng lượt nghe trực tuyến.

Tuy nhiên, Rolling Stone nhận định rằng bản quy tắc, được soạn thảo trong hai năm và chưa từng có tiền lệ trong ngành này không ràng buộc về mặt pháp lý và không ảnh hưởng đến các thỏa thuận riêng tư giữa các dịch vụ phát nhạc trực tuyến và chủ sở hữu bản quyền. Vì vậy, mọi thứ chủ yếu trông cậy vào việc các bên liên quan có giữ lời hay không.

Với Spotify, nền tảng này tuyên bố bất kỳ bên nào thao túng để bài hát lọt vào các playlist phổ biến và thịnh hành, hoặc phù phép lượt nghe để đổi lấy tiền là vi phạm điều khoản dịch vụ. Tháng 1-2021, Spotify đã rút khỏi nền tảng của mình hàng chục nghìn bản phát hành mà công ty cho là đã thu thập lượt nghe ảo. Tuy nhiên, cách làm này chỉ như nhổ cỏ mà không diệt tận gốc, bởi Spotify không thể xác định được người đứng sau các playlist mà nó gỡ bỏ, theo Rolling Stone.

Trong khi đó, một đơn vị khác có tham gia ký bộ quy tắc của ICMP là Sony Music Entertainment cấm nhân viên của mình hoặc bất kỳ bên thứ ba nào thao túng lượt nghe các sản phẩm do hãng quản lý.

Trên thế giới, các dịch vụ kinh doanh lượt nghe cũng đang bắt đầu bị kiểm soát chặt chẽ hơn về mặt pháp lý. Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI), một tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho lợi ích của ngành kinh doanh âm nhạc toàn cầu, đã triển khai thành công nhiều lệnh chống lại các trang web cung cấp các dịch vụ lượt nghe ảo tại tòa án Đức trong 18 tháng qua, theo Rolling Stone.

IFPI đã bảo vệ thành công lập luận rằng những trang web này vi phạm Luật cạnh tranh không lành mạnh của Đức, bởi thao túng số lượt nghe tạo ra ấn tượng không chính xác về mức độ phổ biến của sản phẩm âm nhạc và có thể đánh lừa người tiêu dùng.■

Cũng giống như các công ty truyền thông xã hội đã và đang bị quấy nhiễu bởi các tài khoản mạo danh và các chiến dịch gây ảnh hưởng giả tạo, YouTube đã phải vật lộn với lượt xem giả trong nhiều năm. Ngay cả khi soi kỹ, YouTube vẫn có thể bỏ sót những video có lượt xem giả.

“Luôn luôn có cách để qua mặt YouTube” - Martin Vassilev, một người kinh doanh lượt xem ảo trên YouTube, nói với The New York Times. Chỉ ngồi nhà làm việc, Vassilev đã bán được khoảng 15 triệu lượt xem chỉ tính trong năm nay, tương ứng với khoản thu nhập dự kiến hơn 200.000 đôla.

Vassilev, 32 tuổi, không tự cày lượt xem, mà điều hành trang 500Views.com, kết nối khách hàng với các dịch vụ cung cấp lượt xem, lượt thích và lượt không thích (dislike) do máy tính tạo ra chứ không phải con người. Khách hàng của những trang như 500Views.com bao gồm nhiều đối tượng, từ công ty truyền thông, marketing, văn nghệ sĩ, cho đến cơ quan báo đài và các chính trị gia.

Họ mua view để trở nên phổ biến hơn nhờ vào việc xuất hiện nhiều hơn và ở thứ hạng cao hơn trên các kết quả tìm kiếm của YouTube, nơi người ta tìm kiếm thông tin chỉ sau Google, theo The New York Times. Những lượt xem ảo lại mang đến những lượt xem thật, tẩy trắng mọi sự phù phép.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận