Ngôi làng 1.000 tuổi kêu cứu

NGUYỄN SĨ DŨNG 07/03/2004 01:03 GMT+7

TTCN - Làng Hòa Mục (nay thuộc phường Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) đã tồn tại hơn 1.000 năm nay. Nó chứa đựng những giá trị văn hóa, sự cố kết cộng đồng dân cư độc đáo. Nhưng ngôi làng cổ duy nhất còn sót lại này đang sắp sửa biến mất, nhường lại cho dự án xây dựng chung cư cao tầng.

Phóng to
các di tích cổ ở Hòa Mục
TTCN - Làng Hòa Mục (nay thuộc phường Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) đã tồn tại hơn 1.000 năm nay. Nó chứa đựng những giá trị văn hóa, sự cố kết cộng đồng dân cư độc đáo. Nhưng ngôi làng cổ duy nhất còn sót lại này đang sắp sửa biến mất, nhường lại cho dự án xây dựng chung cư cao tầng.

Ngược lại lịch sử

Cụ Sơn là người cao tuổi nhất được cả làng trọng vọng vì cụ biết rất rõ lịch sử của làng. Cụ đọc cho chúng tôi nghe 17 bản sắc phong đã hoen ố màu thời gian, khuyết cạnh rồi trầm ngâm nói: “Từ thời nước Đại Việt tự chủ cho đến độc lập đến các triêu đại về sau đều ban sắc phong, ruộng vườn cho dân làng Hòa Mục vì đã có nhiều công trạng đối với đất nước, vậy mà...”.

Từ thế kỷ thứ 5, làng có tên gọi là Trang Nhân Mục, thuộc tổng Dịch Vọng. Đến thế kỷ thứ 8, nơi đây đã chứng kiến sự hi sinh bất khuất của người cháu gái Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng là vợ của Mai Thúc Loan, hoàng hậu Phạm Thị Uyển trong cuộc chiến với giặc Đường ven sông Tô Lịch. Theo gương chị gái của mình, hai người em trai Phạm Miễn và Phạm Huy đã gia nhập đạo quân của cậu ruột Phùng Hưng đánh tan giặc Đường.

Khi đất nước thanh bình, Bố Cái Đại Vương trở về chiến trường xưa và nhận thấy nơi đây là mảnh đất lành, ông ra lệnh xây dựng hành cung và đền thờ cho những đứa cháu của mình và hướng dẫn dân làng cách làm ăn. Đình làng hiện nay là nơi dân làng Hòa Mục đã bao đời nay phong Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng là thành hoàng làng để tưởng nhớ công ơn trời biển của ông.

Đến đời nhà Lê, đây là trận địa vững chắc để mở ra những hướng quan trọng đánh tan giặc Minh. Đến cuối thế kỷ 19, người anh hùng áo vải Quang Trung khi tiến quân từ Đàng Trong ra cũng chọn mảnh đất của làng để thọc sâu vào lòng địch, diệt trọn gần 20 vạn giặc Thanh. Những sự kiện lich sử ấy đã gắn liền với sự phát triển của làng. Nhiều câu chuyện dân gian khác mà đến nay dân làng vẫn còn truyền tụng đã khắc ghi công trạng của con em dân làng phò vua, giúp nước.

Phóng to
Di tích cổ ở Hòa Mục
Làng Hòa Mục hiện nay cũng được xem là làng còn giữ gìn khá đầy đủ hệ thống thiết chế văn hóa cổ xưa nhất mà cơn sóng đô thị hóa vẫn không phủ mờ được. Có bảy di tích các loại như đình, đền, chùa, miếu, giếng cổ, cổng làng; trong đó có di tích đã được Nhà nước xếp hạng quốc gia như đình ngoài, đình trong (chính là hành cung thờ ba chị em họ Phạm) và đền thờ Dục Anh.

Làng Hòa Mục còn có bốn nhà thờ họ nổi tiếng và hàng chục ngôi nhà cổ trên dưới 200 tuổi. Rất nhiều đoàn du khách nước ngoài đã từng về thăm làng cổ Hòa Mục như một làng truyền thống tiêu biểu của đồng bằng Bắc bộ. Một đoàn khách Thái Lan đã ghi lại một trong những dòng cảm nghĩ như sau: “Đến đây mới cảm nhận được hết tầng nấc giá trị văn hóa của một làng quê VN, với những đường gạch cổ, cổng làng, giếng nước và tình cảm của người dân làng...”.

Chỉ cách hồ Hoàn Kiếm 3 - 4 km nhưng làng cổ Hòa Mục nằm nép mình bên dòng sông Tô Lịch vẫn giữ được hình dáng của một làng quê VN thuần túy, không bị những yếu tố đô thị hóa lấn át. Đã từng có nhà bảo tàng học nói rằng có thể biến làng cổ Hòa Mục thành một bảo tàng dân tộc ngoài trời.

Làng cổ bị xẻo

GS Trần Quốc Vượng:
“Tôi khẳng định Hòa Mục là một trong bảy làng nổi tiếng của Hà Nội cổ. Không chỉ có công trong việc giúp Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng bao vây diệt trọn thành Tống Bình mà còn là làng nghề nổi tiếng làm giấy thời Lý. Với tư cách là ủy viên tư vấn của UBND thành phố Hà Nội về các di tích, khảo cổ Thăng Long, tôi kiến nghị: phải giữ gìn và bảo vệ làng Hòa Mục và các làng Láng, làng Khương trong khu làng cổ Hà Nội, đấy là những di tích quan trọng hướng tới 1.000 năm Thăng Long. Ai đó nói rằng Hòa Mục không phải là làng cổ, là làng “nhảy dù” thì không biết gì về lịch sử”.

Cụ Tài, năm nay đã ngoại 70, ngồi trên tấm phản cổ nhâm nhi chén trà. Cụ đưa cho chúng tôi xem tập hồ sơ dày cộm cùng bảy lá đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng từ trung ương đến thành phố là hãy giữ lấy làng cổ như một bằng chứng sinh động để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Năm 2001, thành phố Hà Nội quyết định lấy một phần đất rìa làng để mở đường nối từ Láng Hạ sang Thanh Xuân. Chuyện này dân làng họp nhau bàn tính, và cuối cùng ủng hộ chủ trương của thành phố. Chỉ trong thời gian ngắn ai bị mất đất đều giao lại mặt bằng trước kỳ hạn.

Dĩ nhiên, số đất bị mất được đền bù không đáng bao nhiêu so với giá trị thật của nó. Tưởng chừng mọi chuyện dừng lại ở đó. Đầu năm 2003, thành phố lại có quyết định lấy gần nửa diện tích đất thổ cư của làng để xây dựng chung cư, chính xác là hơn 250.000m2. Cứ như vậy thì hầu hết dân làng phải lên nhà cao tầng, bỏ lại mảnh đất hương hỏa, nhà thờ tổ, những căn nhà cổ bao năm gây dựng nên.

Cụ Tài còn cho biết trong bản qui hoạch cắm ở đầu làng, phía thiết kế chú thích phần lấy đất làng là đất công cộng, khi dân lên hỏi các nhà qui hoạch thì được họ trả lời rằng dân làng Hòa Mục chủ yếu là dân “nhảy dù”. “Tôi cũng không hiểu nổi cách trả lời rất thiếu nghiên cứu như thế, đến đời tôi đây là bảy đời, chưa kể con cháu. Tôi nghĩ chắc người ta có sự lầm lẫn nào đó nên hỏi lại thì vẫn nhận được câu nói đó, điều này chứng minh rằng họ chẳng biết gì cả”.

Cụ Tài chuyển cho chúng tôi xem một văn bản quan trọng mà họ vừa sưu tầm được, trong đó đề cập một chi tiết khá trớ trêu: trong làng có hai nhà một trưởng và một nhân viên thuộc Viện Qui hoạch kiến trúc của thành phố cùng nằm san sát với các nhà khác trong làng. Bản qui hoạch đến phần cuối bị bẻ cong để tránh ra hai nhà đấy. Điều này cũng có nghĩa là hai nhà này sẽ ra mặt đường khi xây dựng chung cư, và quan trọng hơn không bị mất nhà để leo lên tầng 15 như bao người dân mất nhà khác.

Nhà sử học BÙI THIẾT
(chuyên gia về địa danh VN):
“Dám nói không ngoa rằng đi khắp Hà Nội khó tìm thấy làng nào như Hòa Mục vì có đầy đủ hệ thống thiết chế văn hóa cổ xưa nhất. Xin nhớ rằng Hòa Mục còn có tên nôm là Kẻ Đáy, điều ấy chứng tỏ rất có giá trị về lịch sử văn hóa, bởi lẽ làng nào có tên nôm bắt đầu từ từ “kẻ” đều thể hiện nền văn hiến và bản sắc của làng trong 1.000 năm Thăng Long. Phá làng cổ Hòa Mục là phá đi giá trị kết tinh hàng nghìn năm nay của cư dân nông nghiệp chung quanh Hà Nội, vi phạm nghiêm trọng Luật di sản văn hóa...”.

Từ khi biết tin, hơn hai năm nay dân làng cứ sống trong sự phấp phỏng lo âu, không biết đến khi nào người ta sẽ lấy đất hương hỏa, không còn chỗ thờ phụng tổ tiên. Gần 500 con người bị dời nhà cửa phải đi đâu về đâu?

Những chuyện còn lại

Đô thị hóa trong một thành phố đang phát triển như Hà Nội là qui luật tất yếu, trong đó bao gồm mở mang đường sá, xây dựng chung cư, nhà cao tầng, những đô thị mới. Nhưng quan trọng là nên qui hoạch ở đâu, xây dựng như thế nào để hài hòa, không ảnh hưởng đến các giá trị lịch sử, văn hóa khác.

Trên bản đồ qui hoạch, dự án chung cư cao 15 tầng không đụng chạm đến quần thể di tích trong làng, nhưng nó đã vi phạm Luật di sản văn hóa là phá vỡ cảnh quan của tổng thể di tích. Thử tưởng tượng hàng khối bêtông cao ngất ngưởng sẽ án ngữ, bao trùm lên cảnh quan di tích, cũng có di tích tồn tại đó nhưng là di tích chết. Hà Nội đã có nhiều bài học đau lòng khi xây dựng những dự án liền kề di tích.

Di tích từ trước tới nay được bao bọc bởi làng xóm, rặng tre, giếng nước, nay mất những yếu tố phụ trợ đó bị giảm rất nhiều giá trị. Không rõ khi lập dự án các nhà qui hoạch đã không tính đến những yếu tố này? Đi quanh vùng Hà Nội rất khó kiếm ra một ngôi làng cổ nào như làng Hòa Mục, và đây là làng cổ duy nhất của Hà Nội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận