Người dân và Nhà nước đều được lợi

VÕ VĂN THÀNH THỰC HIỆN 20/03/2009 17:03 GMT+7

TTCT - “Việc thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã và địa phương không tổ chức HĐND là một vấn đề mới, chưa quy định trong Hiến pháp, Điều lệ Đảng, Luật tổ chức HĐND và UBND nên cần phải thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm, nếu phù hợp thì nhân ra diện rộng” - Ông Nguyễn Đức Hà (Vụ trưởng Vụ tổ chức cơ sở Đảng, Ban tổ chức trung ương) cho Tuổi Trẻ cuối tuần biết như vậy.

Phóng to
Ông Nguyễn Đức Hà

-Thực hiện thí điểm chủ trương này nhằm nghiên cứu, xây dựng mô hình để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các mặt công tác của địa phương, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu.

Đây có thể gọi là “nhất thể hóa” cán bộ chủ chốt cấp cơ sở vì nhiệm vụ chủ yếu của cấp cơ sở là vận dụng, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bí thư cấp ủy “đồng thời” là chủ tịch UBND, chứ không phải bí thư cấp ủy “kiêm” chủ tịch UBND. Nếu dùng từ “kiêm” thì có việc chính, việc phụ, còn trong chủ trương này hai công việc đều như nhau.

* Theo ông, đâu là vấn đề cần chú ý trong quá trình thực hiện chủ trương này?

- Việc thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND được tiến hành ở cấp huyện và cấp xã, cả nơi có tổ chức HĐND (xã, thị trấn) và nơi thí điểm không tổ chức HĐND (huyện, quận, phường). Những tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được chỉ đạo thực hiện thí điểm chủ trương không tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường thì thực hiện thí điểm tại 20-30% số đơn vị không tổ chức HĐND. Những đơn vị này bắt đầu thực hiện ngay sau khi kết thúc hoạt động nhiệm kỳ 2004-2009 của HĐND vào ngày 25-4-2009. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chọn và chỉ đạo thí điểm tại 2-3% tổng số xã, thị trấn ở địa phương.

Thời gian thực hiện trong năm 2009. Tôi cho rằng để thực hiện tốt chủ trương trên, một trong những vấn đề cần chú ý là phải coi trọng chỉ đạo thực hiện thí điểm ở cả cấp huyện và cấp cơ sở, cả nơi không tổ chức HĐND (huyện, quận, phường) và nơi có HĐND (xã, thị trấn) để qua đó có cơ sở đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm chỉ đạo chung, giúp việc đề xuất những chủ trương, giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thời gian tới.

* Việc chọn đơn vị làm thí điểm và công tác chuẩn bị nhân sự sẽ dựa trên tiêu chí nào?

- Đối với những địa phương thí điểm không tổ chức HĐND (huyện, quận, phường), Quốc hội đã có quyết định danh sách cụ thể. Còn khi lựa chọn các xã, thị trấn (nơi có HĐND) làm thí điểm cần chọn những nơi đại diện cho các vùng, miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; tình hình kinh tế - xã hội của địa phương phát triển tương đối ổn định; nội bộ đoàn kết, thống nhất; đã thực hiện tốt việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ...

Việc lựa chọn, bố trí nhân sự bí thư đồng thời là chủ tịch UBND ngoài bảo đảm tiêu chuẩn cán bộ chung thì phải có tác phong làm việc dân chủ, sâu sát, nói đi đôi với làm, có sức khỏe và uy tín ở địa phương. Đối với nơi không tổ chức HĐND thì chức danh chủ tịch UBND do chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm. Nơi nào có HĐND thì cấp ủy giới thiệu bí thư với HĐND để HĐND bầu giữ chức chủ tịch UBND. Nếu bí thư cấp ủy đang kiêm chủ tịch HĐND thì phải có đơn xin rút chủ tịch HĐND. Cấp ủy giới thiệu đồng chí phó bí thư với HĐND để HĐND cho bí thư rút chức chủ tịch HĐND và bầu phó bí thư thay chức này.

* Việc thí điểm chủ trương này có hướng đến thực hiện ở cấp cao hơn, thưa ông?

- Thực hiện thí điểm chủ trương này là để cụ thể hóa tinh thần của nghị quyết trung ương 5 và 6 (khóa X). Hai nghị quyết này mới đặt vấn đề thí điểm không tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường và bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã. Hiện nay chưa có chủ trương thực hiện ở cấp cao hơn. Sau khi tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện thí điểm chủ trương này mới có cơ sở thực tiễn để có hướng xử lý tiếp theo.

* Theo ông, người dân được lợi gì khi Đảng và Nhà nước thực hiện “nhất thể hóa” cán bộ?

- Người dân sẽ được lợi từ những ưu điểm của mô hình này. Khi bí thư đồng thời là chủ tịch UBND thì chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được quán triệt và thực hiện kịp thời hơn, tác động đến kinh tế - xã hội của địa phương nhanh hơn. Thực hiện “nhất thể hóa” cán bộ cũng sẽ hạn chế được tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của cấp ủy đối với chính quyền. Đề cao tính chủ động, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa cấp ủy và chính quyền, giữa tập thể và cá nhân.

Hiện nay ở không ít địa phương còn có những chuyện chưa êm ả giữa bí thư và chủ tịch UBND, khi đã “nhất thể hóa” thì tình trạng thiếu thống nhất giữa bí thư và chủ tịch UBND sẽ được khắc phục.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận