TTCT - Đã 10 năm trôi qua kể từ khi WikiLeaks xuất hiện. Ban đầu, tổ chức này và người sáng lập Julian Assange được ca tụng là những người tố cáo can đảm dám đứng lên vạch trần những dối trá của nền chính trị thế giới, nhưng đến nay đã xuất hiện câu hỏi rằng phải chăng WikiLeaks và cả Assange, rốt cuộc cũng chỉ là những quân cờ chính trị trong cuộc đấu lớn giữa các cường quốc mà thôi? Ông Assange phát biểu với những người ủng hộ từ Đại sứ quán Ecuador ở London tháng 8-2016, với hàng rào cảnh sát phía trước -AFP “Trai cò đánh nhau, ngư ông đắc lợi” Các bằng chứng mới nhất được báo The New York Times đưa ra trong một bài điều tra dài thườn thượt nói WikiLeaks chỉ đưa những tin tức có lợi cho Nga và có hại cho Mỹ, bao gồm việc công bố hàng ngàn thư điện tử của nội bộ Đảng Dân chủ ảnh hưởng lên cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, tạo lợi thế cho ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump, người được cho là ủng hộ Nga và Tổng thống Vladimir Putin. Nhà sáng lập người Úc kiêm tổng biên tập WikiLeaks, Julian Assange, 45 tuổi, trở nên nổi tiếng từ năm 2010 khi đăng tải lượng thông tin mật khổng lồ bao gồm điện tín của Chính phủ Mỹ, tài liệu về các cuộc tấn công của Mỹ ở Afghanistan và Iraq, và cả những công hàm ngoại giao đầy thủ đoạn của Mỹ khắp nơi. Tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador ở London từ năm 2012, ông Assange giờ sống trong một căn phòng vừa là nơi làm vừa là chỗ ở tối giản chỉ có một chiếc giường, đèn, điện thoại và máy tính mà mấy hôm trước vừa bị cắt mạng Internet, với lời giải thích từ Đại sứ quán Ecuador cho rằng họ không muốn bị nhìn nhận là tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ vì những thông tin mà Assange và tổ chức của ông tiết lộ. Những giả thuyết âm mưu về ông, thật dễ hiểu, rộ lên khắp nơi trên Internet, từ các tin tức nói ông đã chết, đã bị giao cho chính quyền Mỹ và hiện bị giam giữ ở một nơi bí mật, cho tới việc ông là người của tình báo Nga. Tất cả những điều đó không có cơ sở, nhưng dù ngày càng bị cách ly, Assange ngày càng tỏ ra cho thấy ông có quan điểm “bài Mỹ”, coi nước này là một kẻ chuyên đi bắt nạt; đã đạt được quyền lực đế quốc; đạo đức giả: tuyên bố tôn trọng những nguyên tắc nhân quyền trong khi lại triển khai các chiến dịch tình báo - quân sự buộc các quốc gia khác tuân theo ý muốn của họ; và trừng phạt những người như Julian Assange, hay Edward Snowden, người đang được Nga bảo bọc, vì dám nói sự thật. Tháng 7-2016, WikiLeaks công bố gần 22.000 thư điện tử của Ủy ban toàn quốc Đảng Dân chủ Mỹ, cho thấy nội bộ đảng này đã có âm mưu ủng hộ bà Clinton để hạ bệ đối thủ chính của bà, thượng nghị sĩ Bernie Sanders. Ông Assange trước giờ vẫn công khai chỉ trích bà Clinton, gọi bà là “kẻ thù của tôi”. Ông nói trên WikiLeaks vào tháng 2-2016: “Tôi đã có nhiều năm kinh nghiệm ứng phó với Hillary Clinton và đã đọc hàng nghìn điện tín của bà ta. Hillary thiếu nhận định khôn ngoan và sẽ đẩy Mỹ vào các cuộc chiến bất tận và ngu ngốc, trong khi để nạn khủng bố lan tràn... Bà ta dĩ nhiên không nên trở thành tổng thống Mỹ”. Trong phỏng vấn với New York Times, ông Assange cho biết bà Clinton và Đảng Dân chủ đang “chuẩn bị cho cơn lên đồng chống lại Nga”. Ông tuyên bố sẽ còn công khai nhiều tài liệu hơn nữa và có thể lật ngược tình thế trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của bà với Trump. Những ngày đầu tiên, ông Assange nói động cơ ông thành lập WikiLeaks là khao khát sử dụng “mã lệnh để bảo vệ nhân quyền”, và sẽ nhắm vào các nhà nước bị coi là toàn trị như Nga hay Trung Quốc. Nhưng theo New York Times, 4 năm qua WikiLeaks có vẻ bắt đầu thay đổi: Các tài liệu mà WikiLeaks tiết lộ và rất nhiều tuyên bố của ông Assange thường chỉ có lợi cho Nga và có hại cho phương Tây. Cho dù các quan chức Mỹ vẫn tin rằng ông Assange và tình báo Nga không có quan hệ trực tiếp. Nhưng ít nhất trong trường hợp các thư điện tử nội bộ của Đảng Dân chủ, Mỹ tin rằng tài liệu của Đảng Dân chủ đã lọt vào tay tình báo Nga, một quan chức giấu tên người Mỹ nói với New York Times. Điều này khiến những nhà quan sát đặt câu hỏi: Phải chăng WikiLeaks đã trở thành “máy rửa tài liệu” khi nhận những tài liệu do điệp viên Nga thu thập được? Và rộng hơn, thực sự quan hệ giữa Assange và điện Kremlin của Putin là thế nào? Khi mà chiến dịch tranh cử của Mỹ càng gay cấn vào cuối hành trình, vai trò của Nga càng trở nên quan trọng. Tổng thống Putin là người thường xuyên xung đột với bà Clinton từ khi bà còn là ngoại trưởng Mỹ, nhưng ông đã công khai ca ngợi ứng viên Trump. Đáp lại, ông Trump kêu gọi nước Mỹ nên gần gũi hơn với Nga và tỏ ra ủng hộ hành động của ông Putin ở Crimea. Trước những nghi ngờ, Assange giải thích rằng WikiLeaks có hạn chế về nguồn lực và ngôn ngữ, nên họ không nên tập trung vào Nga, khi còn những nước lớn khác như Trung Quốc và Mỹ, và quan trọng hơn, dù sao thì việc các chính quyền toàn trị mạnh tay với những kẻ chống đối đã là chuyện “thường ngày ở huyện”, không có gì thú vị và khó thu hút sự chú ý. Lửa và khói Từ khi xuất hiện, WikiLeaks đã cho thế giới biết những câu chuyện gây sốc ở gần như mọi ngóc ngách. Gavin MacFadyen, một người ủng hộ WikiLeaks và điều hành Trung tâm báo chí điều tra tại Đại học thành phố London (ông vừa qua đời tháng 10-2016), lúc đó cho rằng câu hỏi cho Assange không phải là tài liệu ông có bắt nguồn từ đâu, mà là nó có xác thực và phục vụ cho lợi ích chung không. Ông MacFadyen nói việc các cơ quan tình báo sử dụng những tổ chức tin tức để đăng tải thông tin có lợi cho họ, cả cố ý lẫn vô tình, là điều đã được làm từ lâu. Các hãng tin phương Tây cũng thường xuất bản những tài liệu đến từ CIA. Nhưng WikiLeaks từng được kỳ vọng mở đầu cho một nền báo chí kiểu khác và những sự kiện gần đây đã đặt ra câu hỏi về tính minh bạch mà họ vẫn cổ xúy. Liệu WikiLeaks có lạc lối trên con đường họ đã chọn từ đầu? John Wonderlich, giám đốc điều hành Sunlight Foundation chuyên về minh bạch của chính phủ, nói có sự khác biệt lớn giữa xuất bản tài liệu từ những người cung cấp tin tức như Chelsea Manning, cựu binh Mỹ, đã bị tòa án binh tuyên 35 năm tù vì cung cấp tài liệu cho WikiLeaks, và chấp nhận thông tin gián điệp từ một nhà nước. “Họ đang để mình cùng phe với bất kỳ ai cấp cho họ thông tin với mục tiêu gây chú ý, hoặc để trả thù - ông Wonderlich phân tích - Họ sẵn sàng chào đón các chính phủ xâm nhập trái phép vào hệ thống thông tin của nhau và cản trở quá trình thực thi dân chủ của nhau. Nếu lập luận rằng đó là vì lợi ích công thì đó là lập luận yếu”. Trong tuyên bố về sứ mệnh ban đầu năm 2006, WikiLeaks nói một trong những mục tiêu của họ là phơi bày “những cách hành xử bất hợp pháp hoặc vô đạo đức của các chính phủ, cụ thể là Nga, Trung Quốc và Đông Âu”. Nhưng cuộc sống của ông Assange đã thay đổi nhiều kể từ đó. Ngày 20-11-2010, ông bị truy nã quốc tế cáo buộc quấy rối tình dục ở Thụy Điển, điều mà Assange bác bỏ. 8 ngày sau, WikiLeaks công bố các điện tín của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó một nhà ngoại giao Mỹ đã gọi Nga là “nhà nước mafia”, và khi các vấn đề pháp lý với Assange thêm trầm trọng, Putin đã xuất hiện. Cuối tháng 11-2010, Mỹ tuyên bố sẽ điều tra WikiLeaks. Tháng 12, Assange bị cảnh sát London bắt giữ vì những cáo buộc từ Thụy Điển. Khi được tại ngoại hầu tra, ông đã xin tị nạn và được chấp thuận. Một ngày sau, tổng thống Nga có cuộc họp báo với thủ tướng Pháp trong một chuyến thăm chính thức. Khi được hỏi về các bức điện tín mà giới ngoại giao Mỹ nói Nga là một nhà nước không dân chủ, ông Putin đáp: “Nếu đã gọi là dân chủ thì phải là dân chủ hoàn toàn. Vậy thì vì sao họ lại định bỏ tù ông Assange? Người Mỹ có câu sống trong nhà kính thì đừng ném đá”. Đó là lần đầu tiên trong nhiều lần ông Putin tỏ ra ủng hộ Assange và nói việc truy bức Assange là có động cơ chính trị. Tháng 1-2011, Kremlin cấp thị thực cho Assange và một quan chức Nga gợi ý ông xứng đáng được trao Nobel hòa bình. Tháng 4-2012, khi WikiLeaks sắp hết tiền vì Visa và MasterCard, trước áp lực của Mỹ, buộc phải ngừng nhận tài trợ cho WikiLeaks, Đài Russia Today bắt đầu phát chương trình “The World Tomorrow” với Assange là người dẫn chương trình. Không ai biết Assange hay WikiLeaks được trả bao nhiêu cho 12 tập của chương trình đó. Assange cũng là người gợi ý Snowden đến tị nạn ở Nga sau khi bị Mỹ vô hiệu hóa hộ chiếu. Thực tế, như giải thích của Assange, ông cho rằng Nga có thể giúp bảo vệ Snowden tốt nhất để không bị CIA bắt cóc hay rơi vào hoàn cảnh tồi tệ hơn. Nhưng lẽ dĩ nhiên không phải ai cũng tin như vậy. Nhưng tất cả nghi ngờ vẫn chỉ là nghi ngờ. Những người ủng hộ Assange vẫn rất tin tưởng ở ông. Suelette Dreyfus, bạn lâu năm của ông và cũng là học giả nghiên cứu về “những người dám lên tiếng” (whistleblower), nói động cơ duy nhất của Assange là niềm tin sắt đá rằng chính phủ và các tổ chức quyền lực khác phải bị giám sát để bảo vệ quyền của mỗi cá nhân. “Đây không phải là cuộc chiến Đông Tây - bà Dreyfus nói, dù ngoài kia vẫn có những kẻ vì mưu đồ riêng thích mô tả nó như thế”. Nhưng tính cách của Assange khiến vấn đề thêm phức tạp. Giống như bộ phim năm 2013 The Fifth Estate mô tả, Assange được cho là một người có phần trẻ con nhìn thế giới chia hai: một nửa những người ủng hộ ông và một nửa còn lại là chống lại ông. “Thực tế này đã tạo nên một tình thế mà Assange chỉ đối đầu với Mỹ” - Daniel Domscheit-Berg, người từng là đối tác thân cận của Assange trước khi rời WikiLeaks năm 2010, nói. Hàng loạt tài liệu của WikiLeaks từ sau khi Assange bị đẩy vào tị nạn ở Đại sứ quán Ecuador tại London đi theo hướng đó: vụ rò rỉ thư điện tử của Đảng Dân chủ Mỹ, thông tin về các cuộc đàm phán nhọc nhằn liên quan Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định tương tự của Mỹ với 21 nước EU. Tiếp theo là gì? Ngày 18-1-2012, Tổng thống thiên tả của Ecuador Rafael Correa khẳng định Assange có thể ở lại Đại sứ quán Ecuador tại London vĩnh viễn, 2 ngày sau khi bộ trưởng ngoại giao nước này thông báo cho phép ông tị nạn chính trị. Chi phí riêng cho việc tìm cách bắt giữ Assange từ đó tới nay mà Chính phủ Anh phải chi ra là 12,6 triệu bảng (15,4 triệu USD). Hành động của Correa được ví như chọc ngón tay vào mắt Washington. Ông còn ôm thắm thiết mẹ của Assange tại dinh thự tổng thống ở Quito và gọi con trai bà là một nhà hoạt động vì sự thay đổi, và người đồng chí sát cánh chống đế quốc. Nhưng hiện giờ, tình hình đang thay đổi chóng vánh. Tháng 2-2017, cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra ở nước này và ông Correa đã chính thức tuyên bố sẽ không ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba. Ứng viên dẫn đầu hiện nay, cựu phó tổng thống, là người được xem là sẽ tránh đối đầu với Washington vì một người như Assange. Đại sứ quán Ecuador ở London, không biết có phải vì thế, đang đối xử với Assange như một người thuê nhà lâu ngày không chịu trả tiền, mà mới nhất là vụ cắt Internet, nhưng những bất tiện với ông Assange rất có thể không chỉ dừng lại ở đó.■ WikiLeaks còn gì trong tay áo? Đầu tháng 10-2016, Julian Assange nói sẽ công bố khoảng 1 triệu tài liệu liên quan tới bầu cử Mỹ và 3 chính phủ Mỹ, Nga, Trung Quốc và khẳng định hành động của WikiLeaks không nhắm vào cá nhân nào. Ông nói: “Hãy thử tưởng tượng vài năm tới, những cơ quan tình báo đối đầu nhau ở Mỹ, Trung Quốc cùng giải quyết xung đột về chuyện ai đúng, ai sai, ai diễn hay, ai diễn dở về những tình huống cụ thể bằng cách nói cho công chúng biết sự thật. Đây sẽ là sự tiến bộ tuyệt vời nhất mà tôi có thể nghĩ tới”. Tags: WikileaksJulian AssangeWikiLeaks và AssangeNgười hùng hay công cụ
Cảnh sát giao thông có quyền trấn áp người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh HỒNG QUANG 23/11/2024 Theo thông tư mới của Bộ Công an, khi lái xe không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, bỏ chạy, xúi giục lôi kéo người khác cản trở người thi hành công vụ, cảnh sát giao thông có quyền giải thích, trấn áp người vi phạm đó.
2 cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali, yêu cầu cởi đồ vì nghi lấy 20 triệu HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để lục vali, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng, khiến nhiều người bức xúc.
Vi rút H5N1 liên tục đột biến, nguy cơ lây lan nhanh ở người UYÊN PHƯƠNG 23/11/2024 Sau khi phát hiện một ca nhiễm vi rút cúm gia cầm H5N1 đột biến ở thành phố Vancouver, Canada, các nhà khoa học lo ngại vi rút cúm này có thể lây lan nhanh hơn ở người.
Mỹ nghi Triều Tiên sắp thử hạt nhân, ông Trump nhắc tên ông Kim Jong Un THANH BÌNH 23/11/2024 Ông Trump nhắc tên nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khi thông báo đề cử nhân sự mới, giữa lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.