Người phụ nữ tiếc trái sơ ri

LƯ THẾ NHÃ 21/12/2003 03:12 GMT+7

TTCN - Khi tìm đến địa chỉ “lò” rượu sơ ri Bình Phú ở số 103 ấp Bình Thành, xã Bình Phú, thị xã Bến Tre, tôi bất ngờ vì “nhà sáng chế” là một phụ nữ trẻ tên Lê Thanh Bích Vân, 28 tuổi, vốn là tiểu thư của một gia đình khá giả ở TP.HCM chuyên kinh doanh dịch vụ du lịch. Vân tốt nghiệp đại học du lịch, nhưng lại chọn việc trái nghề: sản xuất rượu vang sơ ri.

Phóng to
TTCN - Khi tìm đến địa chỉ “lò” rượu sơ ri Bình Phú ở số 103 ấp Bình Thành, xã Bình Phú, thị xã Bến Tre, tôi bất ngờ vì “nhà sáng chế” là một phụ nữ trẻ tên Lê Thanh Bích Vân, 28 tuổi, vốn là tiểu thư của một gia đình khá giả ở TP.HCM chuyên kinh doanh dịch vụ du lịch. Vân tốt nghiệp đại học du lịch, nhưng lại chọn việc trái nghề: sản xuất rượu vang sơ ri.

Chị có ý tưởng làm rượu sơ ri từ lúc về làm dâu nhà chồng ở thị xã Bến Tre. Đó là những lúc đi vườn, chân dẫm lên những trái sơ ri chín muồi rụng đỏ gốc, chị thấy tiếc và nghĩ sao không thử dùng trái sơ ri làm rượu như rượu nho của Pháp. Nghĩ vậy, nhưng chưa biết công thức làm rượu như thế nào, nên chị làm theo phương pháp giản đơn như gia đình vẫn thường làm rượu nho: một lớp đường, một lớp trái sơ ri. Sơ ri lên men thành rượu, uống ngon ngọt không kém gì rượu nho, nhưng không thể bảo quản được lâu.

Phương pháp truyền thống này chưa thành công, chị nghĩ: nếu có phương pháp khoa học, rượu sơ ri có thể bảo quản được lâu và đi vào sản xuất lớn ở vùng đất có trồng nhiều sơ ri này. Mơ ước về một tương lai tươi sáng khi sản xuất thành công rượu sơ ri, chị bàn với chồng cho đi học nghề ủ rượu ở Phân viện Vi sinh học thực phẩm TP.HCM.

Lớp học cơ bản về vi sinh thực phẩm chỉ có sáu tháng. Chị về áp dụng những kiến thức đã học được: trái tươi ép lấy nước cấy men vi sinh, đường và nước máy. Nhưng nhiều lần rượu ngon ngọt không có mà là... nước chua! Trăn trở không ngủ được, chị tự hỏi: chẳng lẽ mình làm sai công thức. Có phải lượng men, đường, nước không cân đối? Kiểm tra lại các công đoạn, chị thấy mình ứng dụng đúng như công thức đã học. Rượu bị chua là do ảnh hưởng thời tiết nóng. Phát hiện được nguyên nhân, chị bàn với chồng xây hầm ủ rượu, những hôm tiết trời quá nóng chị tưới nước vào hầm để hạ nhiệt độ. Lần này, sau 49 ngày lo lắng, mẻ rượu của chị thành công, màu rượu đỏ như rượu vang của Pháp và chất lượng ngon ngọt với nồng độ 11,5. Chị còn cho rượu qua công đoạn lọc để thêm trong và hấp dẫn.

Phấn khởi, chị bàn với chồng mua đất mở lò rượu. Vợ chồng mới cưới, vốn liếng không nhiều, gom góp nữ trang chỉ được hơn hai lượng vàng, phải xin và mượn thêm của người thân, cuối năm 1999 mới mua được 200m2 đất ở xã Bình Phú, là nơi có trồng nhiều sơ ri nhất thị xã Bến Tre. Ổn định ngôi nhà mới, chị đăng bảng thu mua trái sơ ri chua vụ thuận với giá 1.000đ/kg và vụ nghịch với giá thị trường. Nhiều nhà vườn đem bán sơ ri chín đỏ cho chị.

Xã Bình Phú (thị xã Bến Tre) có 180ha trồng sơ ri. Vào vụ nghịch trái sơ ri được giá từ 2.500-3.000 đồng/kg, nhưng vào mùa thuận chỉ bán được 800đ/kg, trong đó công hái hết 500đ/kg, nhiều nhà vườn bỏ mặc trái rụng đỏ vườn.

Hiện nay với chu kỳ 49 ngày, lò rượu của chị sản xuất được 10.000 chai. Để tạo lòng tin cho người tiêu dùng, chị đưa rượu đi kiểm định ở Viện Vệ sinh công cộng, Viện Pasteur TP.HCM và đăng ký ở Trung tâm Y tế dự phòng Bến Tre, các cơ quan chức năng này đều công nhận rượu vang sơ ri của chị đạt chuẩn và thời hạn sử dụng có thể năm năm.

Tuy nhiên, lúc đầu thị trường khó tính chưa chuộng mẫu mã chai rượu của chị. Chị phải thay đổi nhiều lần cho đến khi người tiêu dùng ưng bụng, chị đăng ký độc quyền nhãn hiệu hàng hóa: Rượu vang sơ ri Bình Phú và được cấp giấy chứng nhận vào tháng 4-2003. Rượu vang của chị gồm hai loại chai: loại 750ml giá 25.000đ/chai và loại 700ml giá 20.000đ/chai.

Để tiêu thụ được sản phẩm, chị bỏ công đi tiếp thị quảng bá nhiều nơi, từ TP.HCM đến Đà Nẵng và các tỉnh ở ĐBSCL. Tại hội chợ nào chị cũng đăng ký một quầy để giới thiệu với người tiêu dùng loại rượu mới, rất ngon ở Bến Tre và mời khách hàng uống vang sơ ri miễn phí. Người người khen ngon, mua về để dành tiếp khách. Nhiều cơ quan ở tỉnh biết tiếng mua làm quà biếu. Tết năm 2002 chị tiêu thụ trên 100.000 chai; tết này Trường đại học Hồng Bàng đã đặt mua trước hai tháng vì rút kinh nghiệm tết năm trước đến mua không còn.

Bây giờ, chị đang bối rối vì vang sơ ri không đủ bán, bởi cơ sở nhỏ hẹp, không thể sản xuất nhiều hơn. Hiện tại, mỗi ngày “lò rượu” của chị chỉ tiêu thụ 5-6 tấn sơ ri, trong khi lượng trái sơ ri ở Bình Phú gấp 10 lần như vậy. Chị tâm sự: “Tôi mơ ước có đủ vốn để mở rộng cơ sở và bao tiêu hết lượng trái sơ ri của nhà vườn ở Bình Phú để khỏi tiếc cho nhà vườn khi trái sơ ri vào mùa vụ rụng đỏ gốc phải bỏ đi.

Lê Thanh Bích Vân, “nhà sáng chế rượu vang sơ ri made in Bình Phú”, vừa được tuyên dương “Phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi” và được bình chọn là nhà doanh nghiệp trẻ của tỉnh Bến Tre làm ăn hiệu quả.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận