TTCT - Nhiều boardgame buộc phải "hiện đại hóa" để thu hút một thế hệ người chơi ít kiên nhẫn, bị chiều hư bởi video ngắn. Thẻ nhiệm vụ - một cải tiến của trò Scrabble. Ảnh: MattelBoard game - những trò chơi truyền thống không cần Internet như xếp chữ hay cờ tỉ phú - đã tồn tại bao đời mà hầu như không thay đổi gì nhiều. Nhưng giờ một số buộc phải "hiện đại hóa" để thu hút một thế hệ người chơi ít kiên nhẫn, bị chiều hư bởi video ngắn.Các cập nhật nhắm vào Gen Z (sinh năm 1996-2012) - dù là về hình thức hay luật chơi - nhằm để trò chơi đảm bảo yếu tố "mì ăn liền", không tốn nhiều thời gian, dễ tiếp thu, mà vẫn đủ sức thu hút. Tuy nhiên, một số thay đổi vấp phải chỉ trích vì đang đi theo trào lưu "phải đạo" (woke) - quá tập trung vào mục đích tuyên truyền đạo đức mà xa rời chức năng cơ bản là giúp người chơi giải trí.Cứ vì Gen Z là "phải đạo"?Tháng 4 vừa qua, lần đầu tiên kể từ khi phát hành trò chơi xếp chữ "quốc dân" Scrabble năm 1938, hãng đồ chơi Mattel (Mỹ) đưa ra phiên bản cải tiến - Scrabble Together, bổ sung các thẻ trợ giúp chứa gợi ý, tính điểm đơn giản hơn, chơi nhanh hơn và cho phép người chơi hợp tác cùng có lợi.Điểm khác biệt đáng kể nằm ở chỗ: trong khi mấu chốt của phiên bản gốc là ghi điểm theo con số trên từng miếng ghép, người có số điểm cao nhất khi trò chơi kết thúc là người thắng cuộc, thì ở bản mới, người chơi phải thu thập thẻ nhiệm vụ. Ai hoàn thành 20 thẻ nhiệm vụ là người chiến thắng, còn người chơi sử dụng hết thẻ trợ giúp mà không được thẻ nhiệm vụ nào là người thua cuộc.Như vậy, người chơi phiên bản cải tiến không cần tốn thời gian làm toán cộng, trừ để tìm ra người chiến thắng như bản cũ. Mattel cho biết nước đi mới nhằm thu hút các người chơi Gen Z không thích tính chất cạnh tranh ghi điểm của phiên bản gốc và những ai từng nghĩ mấy trò xếp chữ không dành cho mình.Ray Adler - phó chủ tịch kiêm giám đốc toàn cầu mảng trò chơi của Mattel - khẳng định với báo New York Post: "Scrabble Together tiếp tục tôn vinh sự kỳ diệu của ngôn từ giống như phiên bản cổ điển, nhưng nhờ lối chơi theo đội mới mẻ, năng động, đầy thú vị, nó dễ chơi hơn và gắn kết mọi người lại với nhau hơn".Tuy nhiên, không như lời Adler, phiên bản mới nhanh chóng vấp phải nhiều ý kiến mỉa mai nó là trò chơi dành cho những bông tuyết mong manh (snowflake generation), hay trò chơi "phải đạo". Trong đó có cây bút Darragh McManus của tạp chí Spiked (Anh).Đối với những người thuộc Gen X (sinh năm 1965 - 1980) như McManus, khía cạnh cạnh tranh khốc liệt chính là điều khiến Scrabble trở nên thú vị. Không còn thi thố, người chơi chỉ đang đánh vần các từ giống như hồi đi học, thậm chí tệ hơn.McManus đưa ra đề xuất trào phúng rằng nếu các công ty sản xuất trò chơi cứ cải tiến để "phải đạo", để bao quát tất cả đối tượng khách hàng thì sao không gắn một cái chuông có thể kêu lên khi người chơi Scrabble đánh vần những từ nhạy cảm.Tương tự, cờ tỉ phú có thể đổi tên thành Hợp tác xã theo chủ nghĩa hiệp hội vô chính phủ phi lợi nhuận của nhân dân - không còn mua bán bất động sản, vì điều này chỉ có lợi cho giai cấp địa chủ ăn bám. Và cũng trên tinh thần bình đẳng, những ô đen trắng mang tính phân biệt chủng tộc trong cờ vua nên được thay thế bằng 32 đốm xám có hình dạng không xác định, không ưu tiên quân trắng đi trước nữa.Thông qua những đề xuất trên, McManus muốn nhấn mạnh một điều: "Ngày nay, mục đích của hầu hết các sản phẩm giải trí là đưa ra những hướng dẫn đạo đức cho đại chúng chứ không thực sự giúp mọi người giải trí".Cờ tỉ phú cũng theo thờiThật ra không cần McManus gợi ý, cờ tỉ phú, một board game có tuổi đời 85 năm hiện do hãng Hasbro phát hành, đã cũng đã tự thay đổi cách đây 3 năm.Cụ thể, 16 thẻ khí vận (community chest) - có chức năng thưởng hoặc phạt người chơi một cách ngẫu nhiên khi họ di chuyển quanh bàn cờ - đã được thay đổi nội dung, từ chỗ thiên về lợi ích cá nhân sang các hoạt động liên quan đến phục vụ cộng đồng và nhận thức xã hội, đúng với nghĩa của "community chest" - quỹ cứu tế cộng đồng.Thẻ khí vận cũ và mới: Thay vì trả tiền đi bác sĩ thì bị phạt vì "không chịu mua đồ ủng hộ địa phương".Chẳng hạn, không còn những thẻ chiến thắng một cuộc thi sắc đẹp, hoàn thuế hoặc nhà băng lộn tiền, mà chỉ có nhận thưởng khi đến thăm một người hàng xóm lớn tuổi, phụ bán bánh từ thiện ở trường hoặc hiến máu, hoặc ra tù miễn phí vì trước đó có gọi điện chia sớt tâm sự với bạn bè.Mánh lới truyền thông không khó nhận ra này được Jim Stanford của tờ Toronto Star ví như một phép ẩn dụ cho trào lưu doanh nghiệp nào cũng tuyên bố ủng hộ trách nhiệm xã hội, hay rộng hơn là cổ vũ tư tưởng cấp tiến, nhưng thực chất lại rỗng tuếch. Song, Stanford cũng "trấn an" người mê cờ tỉ phú rằng thay đổi trên không làm trò này mất đi chất tập trung và bóc lột kinh điển, như khẩu hiệu "Đối thủ phá sản thì ta thắng tất" bấy lâu nay.Cứ "phải đạo" là kém giải trí?Từ trường hợp của Mattel với trò Scrabble, tờ The Economist đúc kết: Với các thương hiệu có lịch sử lâu đời và lượng khách hàng trung thành, người tiêu dùng có xu hướng không thích sản phẩm bị thay đổi.Một nghiên cứu của Fabien Pecot và các đồng nghiệp đến từ Trường Kinh doanh TBS Barcelona cho thấy người tham gia sẵn sàng trả nhiều tiền cho sô cô la có phông chữ cổ điển và hình minh họa đen-trắng theo phong cách hoài cổ, hơn là sản phẩm đóng gói trong bao bì hiện đại.Trong một nghiên cứu khác do Minju Han và các đồng tác giả đến từ Đại học Quản lý Singapore thực hiện, hai nhóm người đều đánh giá sản phẩm cải tiến kém hơn sản phẩm nguyên thủy, bất kể nó đến từ công ty mỹ phẩm đã 100 tuổi hay chỉ mới thành lập.Một nghiên cứu của Giulia Cancellieri ở Đại học Ca' Foscari (Venice), Gino Cattani (Đại học New York) và Simone Ferriani (Đại học Bologna) cũng cho thấy những người mua vé cho cả mùa diễn ở các nhà hát opera Ý và khán giả đã quen thuộc với các tác phẩm kinh điển sẽ ít chấp nhận yếu tố sáng tạo trong vở diễn. Còn du khách mua vé lẻ lại thích sự mới lạ hơn.Ba nghiên cứu trên chỉ ra rằng, Scrabble Together bị "ném đá" không phải do bản thân nó nhàm chán mà do chấp niệm của một bộ phận khách hàng. Đánh giá một cách công bằng, The Economist cho rằng việc Mattel in kèm phiên bản Scrabble mới sau bản gốc là "nhất tiễn hạ song điêu" - vừa đáp ứng được những người thích truyền thống vốn gắn bó với trò chơi này suốt tuổi thơ, vừa có thể thử thu hút những người chơi mới.Đây không phải quan điểm ngược đường lẻ loi. Cây bút Dan Kois của tạp chí Slate đã thử chơi Scrabble Together cùng vợ và con gái Gen Z. Anh cảm thấy phiên bản mới quả thật có thể thực sự thu hút người chơi trẻ tuổi. Riêng cô con gái tuổi teen nghĩ rằng không chỉ có Gen Z mới mê trò này, mà bất cứ ai cũng đều sẽ như vậy. Chính Kois - hiển nhiên không phải Gen Z - thực sự đã có 20 phút hợp tác vui vẻ với gia đình để thực hiện thành công các thẻ nhiệm vụ ghép chữ mà không nhàm chán chờ đợi từng người chơi căng não xếp cho được một từ tập hợp những chữ cái nhiều điểm nhất.Tom Brewster, tổng biên tập của trang chuyên đánh giá board game Shut Up and Sit Down, cũng đánh giá cao rằng phiên bản mới của Scrabble có thể giúp những người chơi lớn tuổi mài giũa chiến thuật."Rất nhiều người nghĩ Scrabble chỉ dành cho ai có vốn từ vựng rộng. Thực tế thì không phải vậy. Cốt lõi của Scrabble là chiếm đóng và kiểm soát các ô trên bàn cờ. Đây là một trò chơi chủ quyền lãnh thổ. Vì vậy, trên thực tế, phiên bản mới đang thúc đẩy người chơi phát triển chiến thuật thông minh, bổ sung thêm sự phức tạp mới vào trò chơi, chứ không hề đơn điệu" - Brewster nói với tờ The Telegraph.Ngoài ra, hiện nay không thiếu những game hợp tác, không chú trọng ghi điểm mà lứa tuổi nào cũng có thể chơi. Ngay cả trò chơi mang tính hơn thua phổ biến nhất trong vài năm qua như Wingspan cũng thưởng cho người chơi khi hỗ trợ người chơi khác.Mặt khác, Kois chỉ ra rằng đa số chỉ trích dành cho Scrabble Together tập trung vào những từ mới bổ sung hoặc từ cũ bị loại - vốn sẽ chỉ ảnh hưởng đến người chơi thi đấu chuyên nghiệp, chứ không liên quan gì đến cách chơi.Theo Kois, vấn đề thực sự nằm ở chỗ những ai gay gắt chỉ trích Mattel và Scrabble Together thật ra chỉ muốn "mượn gió bẻ măng" để củng cố định kiến rằng: Gen Z là những bông tuyết yếu đuối, quen được chăm sóc tận răng, thì làm sao đủ khả năng chơi trò Scrabble nguyên bản. Giữa làn sóng "phải đạo", mới đây, phiên bản cập nhật của trò Catan - game chiến thuật, xây dựng, phát triển thành phố ra đời từ năm 1995 - được Đài NPR khen là không có ý đồ truyền thông, mà mang ý tưởng nhân văn đúng nghĩa. Thêm vào những tùy chọn như sử dụng năng lượng tái tạo thay cho nhiên liệu hóa thạch, hạn chế tài nguyên khi ô nhiễm cao, mua bán tín chỉ xanh để chống ô nhiễm, sau mỗi ván, bản Catan: New Energies giúp người chơi rút ra kinh nghiệm xây dựng bền vững, làm sao tránh lặp lại sai lầm gây ô nhiễm trong lần chơi tiếp theo, từ đó hòa chung mục tiêu chống biến đổi khí hậu không khác gì ngoài đời thực. Tags: BoardgameTrò chơiGen ZNgười trẻChủ nghĩa phải đạo
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Hàn Quốc muốn mở rộng hợp tác công nghệ cao, hạ tầng giao thông với Việt Nam DUY LINH 15/10/2024 Đây là bày tỏ của ông Chang Ho Jin, cố vấn đặc biệt về ngoại giao và an ninh của tổng thống Hàn Quốc, trong cuộc gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
La Nina sắp xuất hiện, thời tiết ở Việt Nam sẽ ra sao? CHÍ TUỆ 15/10/2024 Dự báo từ tháng 11 năm nay, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60-70% và mùa mưa ở Trung Bộ có thể kết thúc muộn, miền Bắc khả năng xuất hiện rét đậm rét hại kéo dài.
NÓNG: Hàn Quốc công bố 11 khu vực nguy hiểm trên biên giới liên Triều TUỔI TRẺ ONLINE 15/10/2024 Nhà chức trách Hàn Quốc công bố 11 khu vực nguy hiểm ở biên giới liên Triều, trong khi Trung Quốc kêu gọi các bên kiềm chế.
Tập đoàn Sun Group đề xuất làm đường ven sông Sài Gòn 8-10 làn xe ĐỨC PHÚ 15/10/2024 Sun Group đề xuất làm đường ven sông Sài Gòn từ Củ Chi đến cầu Cần Giờ dài 78,2km từ 8-10 làn xe, thay vì chỉ 3-4 làn.