​Người sống trong ngõ nhỏ

HOÀNG VIỆT HẰNG 25/01/2015 03:01 GMT+7

Những ngõ nhỏ, phố nhỏ Hà Nội bao nhiêu thi nhân lớn lên ở đó, bao nhiêu họa sĩ khắc lên phong cách phố và Hà Nội mãi mãi là của mưa phùn và gió bấc...

 

Ngày cuối năm tôi hay đi bộ qua những con ngõ nhỏ Hà Nội trong mưa bụi. Tháng chạp cây phượng già vẫn còn những quả khô, treo lắc lư trên cây chưa kịp rụng. Cả Hà Nội mùa xuân chìm trong mưa phùn. Hình như với tôi chỉ Hà Nội mới có mưa phùn, chỉ có Hà Nội mưa phùn mới làm cho ngõ phố đẹp như tranh trong mảng màu phố Phái.

Ngõ Đoàn Nhữ Hài vẫn nằm sâu trong dãy phố nhỏ, hẹp của phố Trần Quốc Toản; ngõ năm nay vắng bóng nhà văn Tô Hoài. Ngôi nhà của ông trên tầng hai cũ kỹ bà Cúc, vợ ông, vẫn thắp đèn; vẫn như còn đọng bóng dáng của ông ngồi viết.

Đó là ngôi nhà mà nhà văn Tô Hoài mua được bằng tiền nhuận bút của phim Vợ chồng A Phủ. Đã non nửa thế kỷ trôi qua, bao ngôi nhà mới mọc lên, bao nhiêu chung cư nhà kính cao vài chục tầng mọc lên, cả một khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính, cả một Nam Thăng Long và Bắc Thăng Long đã thay da đổi thịt. Tòa nhà Vincom Bà Triệu chất ngất vài chục tầng, xóa hẳn đi một Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo (nhà máy Diêm xưa cũ), hiển diện một sự hoành tráng của thế kỷ 21 đổi thay tại Hà Nội.

Người Hà Nội cũ vừa vui, lại như vừa buồn. Con người không phải như chiếc máy vi tính, nhấn delete xóa ngay là được.

Xóa ẩn ức, kỷ niệm càng không dễ trong tim người.

Những năm xưa tôi còn nhớ nhà văn Tô Hoài vẫn ngồi viết trên chiếc bàn cũ xoàng xĩnh, ông vẫn sống đạm bạc, thanh tao như bao người cao tuổi. Ông vẫn viết như chưa có một ngày ngơi nghỉ. Chưa một lần nghỉ hưu trên cánh đồng chữ khó nhọc của đời mình.

Dù ông đã cống hiến cho nền văn học nước nhà hơn 150 đầu sách có lẻ, sách của ông đi ra thế giới từ chuyện Dế Mèn phiêu lưu ký, đến Cát bụi chân ai... Khi thì hoang hoải nhớ đến một căn gác nhỏ gạch mòn vẹt trơn lì màu đỏ au của bậc thang tầng hai, phòng nhỏ của họa sĩ Kim Bạch từng ở trong ngõ Trạm, bà Kim Bạch đã vẽ bao nhiêu hoa tàn và chân dung người ở căn gác nhỏ trên căn phòng cũ kỹ ngõ Trạm?

Dù bà Kim Bạch đã vào Sài Gòn sống, đã là khói sương thì căn phòng nhỏ trong ngõ Trạm tôi chưa dễ quên, bóng dáng bà Kim Bạch bao năm đơn lẻ đi về, đơn độc sống và vẽ. Bao nhiêu bức tranh hoa tàn còn chưa phôi phai trong lòng người xem từ những năm cuối thế kỷ 20.

Nhà 16 Ngô Quyền có bao thế hệ họa sĩ bày tranh, bao nhiêu người vẽ hoa tàn mà sao tôi chỉ nhớ mỗi bà Kim Bạch vẽ hoa tàn?

Còn con ngõ, một xóm Hạ Hồi duy nhất của thủ đô hôm nào còn bóng dáng nhanh nhẹn của nhà văn Kim Lân, người đã là tàn tro của đất, người của Kinh Bắc xưa, hóm hỉnh và u buồn nhưng mãi mãi còn một truyện ngắn nổi danh Con chó xấu xí.

Rồi rẽ sang bên phải ngõ Hạ Hồi, nhà nhiếp ảnh Quang Phùng vẫn vác máy đi trong ngày mưa, vẫn hướng ống kính về những vấn đề gai góc của xã hội. Ông vẫn báo cắt cơm trưa với bà Chín vợ ông để đi chụp ảnh cả ngày. Trong một chiếc giường bé con chiếm hết tư liệu ảnh, ông chỉ dành đủ một chỗ nằm co quắp, tất cả dành cho sự đam mê ảnh nghệ thuật và thời sự.

Ở tuổi ngoài 80 mấy ai còn khát vọng vì nghề như ông.

Đi quá chân lên ngõ Dã Tượng lại nhớ nhà văn Nguyễn Thành Long, người của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa trong chuyến xe ngược núi. Một anh thanh niên đã đẵn cây đổ ngang đường chặn xe chỉ cốt để gặp người và trò chuyện một câu. Bây giờ Sa Pa sau bão lũ, sau tuyết tan, chúng ta vẫn nhớ Nguyễn Thành Long, nhớ về một Sa Pa hôm nay không lặng lẽ như xưa.

Hà Nội vẫn chưa có bảo tàng nhà văn như nhà bảo tàng Victor Hugo ở Paris - thủ đô của Pháp. Những ngõ nhỏ, phố nhỏ Hà Nội bao nhiêu thi nhân lớn lên ở đó, bao nhiêu họa sĩ khắc lên phong cách phố và Hà Nội mãi mãi là của mưa phùn và gió bấc, mãi mãi xuýt xoa trong nỗi nhớ nhà, nhớ quê của bao người rời xa Tổ quốc.

Bao nhiêu người vẫn đợi tết để có nguyên cớ trở về ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà ta ở đó...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận