TTCT - Theo cách hiểu của không ít người, tết 3 tháng ba (gọi là Tết Hàn thực, tức tết ăn thức ăn nguội) xuất phát từ Trung Hoa. Tương truyền lúc cơ hàn Giới Tử Thôi phò tá công tử Trùng Nhĩ, có lúc từng xẻo cả thịt vai mình để nướng cho công tử Trùng Nhĩ ăn. Phóng to Bánh trôi của người Việt ngày tết 3 tháng ba Khi lên làm vua (Tấn Văn Công) Trùng Nhĩ đã quên phong tước cho ông, Giới Tử Thôi giận quá bỏ vào núi ẩn cư. Sau vua nhớ ra cho tìm. Tử Thôi ở sâu trong rừng không chịu ra. Vua sai đốt rừng với hi vọng Tử Thôi sẽ chạy ra, không ngờ ông chịu chết cháy ở trong đó. Hôm đó là ngày 5-3. Vua thương tiếc, cấm dân gian đốt lửa trong ba ngày, bắt đầu từ ngày 3-3. Về sau, hễ vào ngày 3-3 hằng năm, dân gian ăn thức ăn nguội để tưởng nhớ ông, gọi là Tết Hàn thực. Nhiều ý kiến cho rằng Tết Hàn thực truyền vào Việt Nam từ thời Lý. Có nhiều bằng chứng cho thấy người Việt cổ đã từng có ngày tết 3 tháng ba thuần Việt, trước cả Tết Hàn thực phương Bắc. Xét về mặt không gian và chủ thể, các dân tộc được cho là hậu duệ của cư dân Bách Việt cổ (vùng đất từ nam Dương Tử đến bắc Đông Dương) đều có ngày tết 3 tháng ba riêng, có trước và hoàn toàn độc lập với Tết Hàn thực của người Hán. Tại Việt Nam, đồng bào Tày, Nùng vùng Việt Bắc (được cho là hậu duệ Âu Việt) coi ngày này là lễ tết lớn thứ hai trong năm, chỉ sau Tết Nguyên đán. Họ nấu các món bánh đặc biệt để cúng tổ tiên như bánh củ chuối, bánh gai, bánh mật... kết hợp với tục đi tảo mộ và thăm viếng lẫn nhau. Phóng to Lễ hội lồng tồng vùng Việt Bắc nước taTại Trung Quốc, người Choang (cũng là hậu duệ của Âu Việt) ăn tết 3 tháng ba long trọng nhất, gọi là tết longtong. Lễ tết này có cùng nguồn gốc với lễ hội lồng tồng (lễ hội xuống đồng) của các dân tộc vùng Việt Bắc nước ta, cũng như lễ hội xuống đồng ngày xuân trong văn hóa người Việt. Theo sách sử (như Thuyết Man) thì từ trước khi Tần Thủy Hoàng bình định đất Lĩnh Nam, tổ tiên người Việt vùng này đã có lễ hội này rồi. Ngoài người Choang, các dân tộc hậu duệ hay có quan hệ gần gũi với Bách Việt khác cũng có ngày tết 3 tháng ba mang phong cách bản thổ. Dân tộc Đồng gọi ngày này là “tết pháo hoa”, tổ chức đốt pháo, chọi trâu, đua ngựa, hát đối ca, nhảy sạp... Người Bố Y thì mở “địa tàm hội” (địa tàm = sâu đất), mổ lợn tế bái thần đất, thần núi; nhà nhà thổi cơm nếp vàng; các thôn trang tổ chức nghi lễ diệt sâu đất hại lúa. Dân tộc Dao thì gọi là “cán ba tiết”, mọi người đánh bắt cá tập thể và cùng vui hưởng số cá thu được. Người Xá thì cho 3-3 âm lịch là sinh nhật của thóc lúa, nhà nhà thổi cơm gạo đen ăn. Người Bạch cũng tổ chức nam nữ hát tình ca hay lên đền, chùa thắp hương cầu tự. Dân tộc Lê thì gọi là “phù niệm phù”, là ngày hội săn bắt và nam nữ ca hát kết tình, còn gọi là “ngày yêu đương”... Theo Hậu Hán Thư, Tết Hàn thực Trung Hoa xuất hiện rất muộn, từ đời Hán về sau, khi mà Trung Hoa đã chinh phục vùng đất nam Dương Tử. Họ gọi ngày này là “Thượng tỵ tiết” (tỵ = chi thứ sáu trong thập nhị địa chi), tức lễ hội tắm gội rũ bỏ bệnh tật, trừ tà; về sau thêm các hoạt động đi chơi ngoài đồng (đạp thanh), ăn uống yến tiệc bên bờ sông... Phóng to Múa sạp trong tết longtong người Choang Về nguồn gốc, do quan hệ văn hóa, lịch sử, nguồn cội hết sức gần gũi với các dân tộc Choang, Thủy, Mao Nam, Bố Y, Lê... lại cùng sống trong một môi trường văn hóa Bách Việt cổ, tổ tiên Lạc Việt của chúng ta không thể không có phong tục này. Có thể trong tiến trình giao lưu văn hóa với phương Bắc suốt ngàn năm đằng đẵng, tên gọi và ý nghĩa đích thực của lễ hội đã mai một, song nội dung của phong tục vẫn đậm chất truyền thống: làm bánh trôi - bánh chay để dâng cúng tổ tiên mà không cần biết đến Giới Tử Thôi là ai. Xét về mặt thời gian, tháng ba là khoảng thời gian đặc biệt, cái rét đậm của mùa đông đã xa, rét nàng Bân vừa kịp đến, vụ mùa chưa đến hạt..., là thời khắc đẹp đẽ trong năm. Một số địa phương Việt Nam hiện còn tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian gắn với ngày 3-3, ví như hội Phủ Giày (Nam Định) tổ chức lễ hội Thánh mẫu Liễu Hạnh từ mồng 1 đến mồng 10-3, chính hội rơi vào ngày 3-3. Giỗ tổ Hùng Vương cũng diễn ra trong tháng ba này (10-3).
Nhiếp ảnh gia chiến trường Thomas Billhardt: Cô ấy chỉ mơ một cốc nước chanh đá… CODET HANOI 30/04/2025 2202 từ
Vĩnh biệt nhà văn hóa Hữu Ngọc THIÊN ĐIỂU 04/05/2025 Nhà văn hóa Hữu Ngọc, học giả có tiếng của thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21, qua đời tại Hà Nội, hưởng đại thọ 107 tuổi.
Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo xử nghiêm vụ bè bán 1kg cá bò hòm 3,5 triệu đồng NGUYỄN HOÀNG 04/05/2025 Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đã chỉ đạo UBND TP Nha Trang xử lý nghiêm vụ bè ở Nha Trang bán 1kg cá bò hòm 3,5 triệu đồng.
Ông Trump gây phản ứng dữ dội vì đăng ảnh chế mặc đồ Giáo hoàng DUY LINH 04/05/2025 Hành động của ông Trump khiến nhiều người Công giáo nhíu mày, cho rằng nó không thực sự phù hợp với Tổng thống Mỹ.
Vụ tai nạn ở Vĩnh Long: Tài xế có dấu hiệu phạm tội CHÍ HẠNH 04/05/2025 Bộ Công an đã rút toàn bộ hồ sơ vụ tai nạn để thẩm tra và có kết luận ban đầu tài xế Trung có dấu hiệu vi phạm quy định giao thông đường bộ.