Nguyễn Nga: "Làm được cái mình thích"

UYÊN LY 20/07/2008 18:07 GMT+7

TTCT - Bước chân sang Pháp du học, người phụ nữ ấy luôn chung thủy với chiếc áo dài VN mỗi khi ra đường. Chiếc áo dài cho chị sức mạnh ở mỗi cuộc thương thuyết, mỗi dự án lớn. Người phụ nữ ấy đã góp phần tạo ảnh hưởng của văn hóa Việt ở Pháp. Khi đã đến tuổi nghỉ ngơi, chị lại trở về VN để xây dựng một trung tâm hoạt động, trao đổi nghệ thuật và tổ chức một festival lớn cho người Hà Nội. Chị tên là Nguyễn Nga.

Phóng to
Ảnh: Uyên Ly
TTCT - Bước chân sang Pháp du học, người phụ nữ ấy luôn chung thủy với chiếc áo dài VN mỗi khi ra đường. Chiếc áo dài cho chị sức mạnh ở mỗi cuộc thương thuyết, mỗi dự án lớn. Người phụ nữ ấy đã góp phần tạo ảnh hưởng của văn hóa Việt ở Pháp. Khi đã đến tuổi nghỉ ngơi, chị lại trở về VN để xây dựng một trung tâm hoạt động, trao đổi nghệ thuật và tổ chức một festival lớn cho người Hà Nội. Chị tên là Nguyễn Nga.

Nguyễn Nga sinh năm 1951 tại Hải Phòng. Cha chị là kiến trúc sư, ông rất thích hội họa, yêu âm nhạc và thường xuyên tổ chức những cuộc liên hoan văn nghệ tại nhà cho giới nghệ sĩ. Mẹ chị khéo tay, thành công với nghề may mặc. Bảy anh chị em trong gia đình chị đều có chất nghệ sĩ, nổi bật là anh cả Nguyễn Cầm, một họa sĩ nổi tiếng tại Pháp.

Hoạt động xã hội

Đức tính “mạnh thường quân” của cha, tài năng của anh trai, nết đảm đang khéo léo của mẹ, và sự thiếu vắng do cha mất sớm (cha mất năm chị lên 9 tuổi) đã rèn luyện cho Nguyễn Nga cách sống: luôn độc lập, bản lĩnh, vượt qua mọi thử thách để được làm những gì mình thích, sống không chỉ cho riêng mình. Năm 13 tuổi, khi một nửa gia đình đã chuyển sang Lào sinh sống, một hôm chị nhìn thấy những đứa con lai trong một cô nhi viện. Đôi mắt chúng rất buồn, không hồn nhiên trong trẻo như đôi mắt những đứa trẻ bình thường khác. Cô bé Nga quyết định rời gia đình đến sống trong cô nhi viện, dạy hát, dạy học, tổ chức đi chơi cho những bạn trẻ mồ côi, mời các bạn về nhà ăn uống.

Từ năm 1972, khi sang Pháp du học, Nguyễn Nga trở thành trung tâm kết nối những sinh viên VN tại Pháp thông qua những đêm văn nghệ do chị đứng ra tổ chức. Chị từng được bầu làm trưởng ban văn nghệ sinh viên VN tại Paris. Vào dịp tết, chị thường tổ chức những đêm tình ca về quê hương. Một trong những chương trình đáng nhớ mà chị tổ chức là buổi văn nghệ sau sự kiện tháng 4-1975 nhằm làm dịu lại những xáo trộn về tinh thần cho những người Việt ở Pháp.

Không chỉ hoạt động tích cực giữa cộng đồng người Việt, Nguyễn Nga còn tình nguyện làm việc cho Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Pháp. Chị đi các nơi quyên góp tiền giúp đỡ đồng bào và tích cực lên tiếng một cách dũng cảm trong phong trào đấu tranh đòi Chính phủ Pháp mở quota cho những người Việt di tản được quyền vào nước Pháp sinh sống.

Sau năm 1975, cộng đồng người VN ở Pháp bị chia rẽ. Để xóa bớt những nghi kỵ, một số người đề nghị Nguyễn Nga làm một dự án “bắc cầu”. Năm 1986, Nguyễn Nga tham gia thành lập Nhà VN tại Paris, một địa chỉ của Hội Những người VN tại Paris. Tại đây, nhiều hoạt động văn hóa VN đã diễn ra sôi nổi: các lớp dạy tiếng Việt, tiếng Pháp, đàn tranh, thái cực quyền, yoga, võ thuật; tổ chức trông trẻ cho bố mẹ đi học; tư vấn luật cho những người VN ở Pháp; thành lập ngân hàng băng cassette nhạc dân tộc VN; một thư viện sách VN và truyện tranh VN; một nhà hàng nấu các món ăn VN... Ngôi nhà VN giữa lòng Paris đã được báo chí Pháp xếp hạng là một trong những địa chỉ văn hóa hấp dẫn nhất Paris.

Vẽ truyện tranh cổ tích

Phóng to
Bộ truyện tranh cổ tích VN song ngữ Pháp - Việt do chị Nguyễn Nga cùng các con trai viết và vẽ minh họa, Nhà xuất bản L’Harmattan (Pháp) ấn hành

Nguyễn Nga chính là tác giả bộ truyện tranh cổ tích song ngữ Việt - Pháp nổi tiếng của Nhà xuất bản L’Harmattan. Bộ truyện ra đời với mục tiêu đầu tiên là để “dạy con”. Chị kể: “Con trai mình sinh ra ở Paris nhưng là người VN. Mặt mũi nó khác hẳn với những đứa trẻ khác. Nếu nó không biết nó là ai, nó sẽ lúng túng về bản thân”. Vì vậy, chị phải kể chuyện cổ tích cho các con mình nghe.

Từ đó chị suy ra: bao nhiêu cha mẹ cũng ở trong tình trạng như mình. Khi chị kể chuyện, các con chị muốn mẹ vẽ minh họa cho những gì đã kể. Ý muốn này giúp chị nghĩ đến chuyện làm sách. Và rồi sau đó, sáu cuốn truyện cổ tích VN song ngữ có kèm tranh minh họa do chính tay Nguyễn Nga viết và vẽ đã được Nhà xuất bản L’Harmattan cho ra đời vào năm 1984. Đến nay, bộ sách đã có chỗ đứng vững vàng, đã mở rộng biên giới và ngôn ngữ đến 30 quốc gia với hàng chục tựa sách được xuất bản mỗi năm. Các con trai của chị đang nối tiếp công việc của mẹ: viết và vẽ tranh minh họa cho những câu chuyện cổ tích VN.

Sống và làm việc tại Pháp nhưng Nguyễn Nga luôn trông mong được về VN để góp tay xây dựng đất nước sau hòa bình. Tuy vậy, ước muốn đó mãi sau này mới thành sự thật.

Vì quê hương yêu dấu

Năm 1986, sau khi thành lập Nhà VN một thời gian ngắn, chị có dịp về VN trong một hội thảo dành cho người Việt ở nước ngoài tại Cần Thơ. Ấn tượng từ chuyến trở về thăm quê hương làm Nguyễn Nga suy nghĩ rất nhiều. Trải qua mười mấy giờ di chuyển từ Pháp đến VN, chị như đến một thế giới khác ngay trên Tổ quốc mình, nơi chị đau xót nhìn thấy những đứa trẻ cầm ống lon đi nhặt đồ ăn thừa... Chị đi đến quyết định: “Phải làm gì đó”.

Đóng góp đầu tiên tại VN của Nguyễn Nga bắt đầu từ việc thay đổi chế độ dinh dưỡng cho nhà trẻ Đại học Cần Thơ và sau đó là các nhà trẻ khác. Ở Pháp, bằng uy tín trong nhiều năm hoạt động từ thiện của mình, chị kêu gọi quyên góp sữa, đồ chơi, tổ chức những bữa tiệc từ thiện, sau đó đem tiền về VN, đầu tư cho nhà trẻ nuôi bò, dê, gà lấy thịt, trứng bổ sung cho bữa ăn nhằm ngăn chặn tình trạng suy dinh dưỡng. Chị đứng ra kêu gọi những người quen ở Pháp hỗ trợ các nhà trẻ khác. Từ năm 1987, chị bàn giao lại Nhà VN ở Paris để có thể toàn tâm toàn ý tập trung vào công việc nhân đạo cho các nhà trẻ ở VN.

Năm 1989, Nguyễn Nga bắt tay vào các dự án phát triển tại quê hương sau khi lập Công ty đối lưu và chuyển giao công nghệ Bartech. Chị tìm đến những nơi cần đầu tư, sau đó thành lập dự án, tìm công nghệ, tìm nguồn vốn, làm thủ tục khớp nối các khâu lại với nhau. Từ đó đến nay đã có bốn dự án lớn được thực hiện một cách hiệu quả.

Tại Bến Tre, dự án than gáo dừa do chị thiết lập đã xuất khẩu 15.000-20.000 tấn mỗi năm, trị giá khoảng 300.000-400.000 USD. Tại Hà Nội, Công ty Bartech đã cung cấp dây chuyền sản xuất ống bêtông dự ứng lực cho Nhà máy bêtông Chèm. Đáng kể là hai dự án tài trợ của Pháp cho VN, đó là dự án xây dựng Nhà máy nước Ba La, cung cấp một lượng nước sinh hoạt lớn cho thị xã Hà Đông (đã hoàn thành) và gần đây nhất là dự án bảo vệ môi trường cho phố cổ Hội An trị giá hàng triệu USD mà chị theo đuổi năm năm trời mới có thể hoàn tất thủ tục.

Hiện tại, người phụ nữ này đang bước vào một cuộc phiêu lưu mới: đầu tư hết số tiền (mà lẽ ra ở tuổi của chị, chị hoàn toàn có thể dùng nó để đi du lịch vòng quanh thế giới) vào dự án Ngôi nhà nghệ thuật (Maison des Arts) tại 31A Văn Miếu, Hà Nội, nhằm biến nơi này thành một gallery nghệ thuật, nơi khuyến khích sự sáng tạo của nghệ sĩ, không gian dành cho các cuộc giao lưu văn hóa nghệ thuật, nơi giới thiệu, khơi dậy tình yêu đối với văn hóa truyền thống.

Song song với dự án này, Nguyễn Nga còn tham gia thành lập Hiệp hội các dân tộc Á châu trong một dự án khác có tên “Tiếng nói của các dân tộc” nhằm chuyển tải tiếng nói của những dân tộc thiểu số đang có nguy cơ bị mai một đến với công chúng, nhằm tác động và xây dựng ý thức gìn giữ và bảo tồn văn hóa dân tộc. Sắp tới, một festival qui mô lớn diễn ra trong suốt 24 giờ nhằm tôn vinh cây cầu Long Biên, Hà Nội nhân kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô (10-10) do chị tổ chức đang được gấp rút chuẩn bị.

Nguyễn Nga giải thích: “Từ nhỏ đến lớn tôi chưa làm công cho ai, muốn tự mình tạo dựng mọi việc. Tôi đi từ chuyến phiêu lưu này sang chuyến phiêu lưu khác. Tôi thường dạy con thế này: Với con người, quan trọng nhất là làm được cái gì mình thích”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận