Nhiệm vụ bất khả thi?

TRẦN ĐỨC ANH SƠN 25/05/2011 00:05 GMT+7

TTCT - Công tác trong ngành bảo tồn, bảo tàng ở Huế suốt 18 năm, tôi rất quan tâm đến việc hồi hương cổ vật VN từ nước ngoài, nhưng cũng thấy rằng đây là nhiệm vụ bất khả thi trong hoàn cảnh hiện nay.

Nhiều cổ vật quý của Việt Nam đang bị rao bán ở nước ngoài
Chậm chân mua tranh quý

Phóng to

Trấn phong bằng vàng, thuộc sưu tập của hoàng tử Bảo Long, được nhà đấu giá Binoche ở Paris (Pháp) bán với giá 40.000 franc năm 1996 - Ảnh do tác giả cung cấp

Thời gian qua nhiều cổ vật quý của VN được rao bán ở nước ngoài, dù đã có nhiều tổ chức, cá nhân trong nước mong muốn mua được những cổ vật ấy nhưng đáng tiếc đều “chậm chân”. Mới nhất là bộ tranh quý về lễ phục của triều Nguyễn được Eric Chaim Klein Bookseller rao bán với giá 35.000 USD (xem TTCT các số ra ngày 1-5 và 15-5).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: 1 - VN chưa có hành lang pháp lý cho phép các tổ chức và cá nhân tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài; 2 - Kinh phí quá hạn hẹp; 3 - Chúng ta có quá ít thông tin về các cuộc đấu giá và rao bán cổ vật VN ở nước ngoài...

Không có hành lang pháp lý, không có thị trường trong nước

Các văn bản pháp lý hiện tại liên quan đến lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng ở VN chưa có điều khoản cụ thể nào cho phép các tổ chức và cá nhân trong nước được tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài hoặc cho phép thành lập thị trường đấu giá cổ vật chuyên nghiệp ở VN. Vì thế khi có thông tin về cổ vật VN đang rao bán ở nước ngoài, các bảo tàng, nhất là bảo tàng công lập, không biết dựa vào đâu để đề xuất với các cấp có thẩm quyền cho phép tham gia đấu giá.

Mặt khác, do chúng ta chưa có thị trường mua bán cổ vật chuyên nghiệp nên các nhà đấu giá ở nước ngoài không tiếp cận được thị trường này ở VN. Các bảo tàng ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... thường nhận được catalogue của các nhà đấu giá 3-6 tháng trước khi diễn ra phiên đấu giá, do vậy họ có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu về những cổ vật được rao bán để quyết định cũng như có đủ thời gian huy động tài chính. Các bảo tàng này còn cử chuyên gia thường xuyên đi “săn lùng” cổ vật ở các cửa hiệu đồ cổ và sưu tập tư nhân.

Nhờ vậy trong một số bảo tàng ở châu Âu có nhiều cổ vật quý hiếm của VN do các chuyên gia của bảo tàng mua từ các cuộc đấu giá hoặc truy tầm, tìm mua từ các sưu tập cá nhân, chẳng hạn sưu tập của ông Hồ Đình Xuân (Pháp), của Nam Phương hoàng hậu (Pháp), của cựu hoàng Bảo Đại (Pháp), của hoàng thái tử Bảo Long (Anh)... Tôi cũng có cơ hội chiêm ngưỡng nhiều cổ vật VN quý hiếm trong các bảo tàng ở Nhật Bản, Hàn Quốc được mua bằng những cách tương tự.

Phóng to

Sách phong bằng bạc mạ vàng của vua Thiệu Trị phong cho Lương phi Vũ Thị Viên, được nhà đấu giá Loudmer ở Paris (Pháp) bán với giá 9.500 franc năm 1996

Giá cổ vật và các thủ tục nhiêu khê ở VN

Giá của cổ vật in trên các catalogue trước khi đấu giá chính thức chỉ là giá dự kiến (estimate), thường cách biệt rất xa với giá sau cùng (hammer price) khi một món cổ vật được mua. Ngoài số tiền phải trả theo giá sau cùng, người mua phải trả thêm lệ phí cho nhà đấu giá (thường 10-20% giá sau cùng tùy theo giá trị món đồ), cùng với thuế giá trị gia tăng và tiền đóng gói, vận chuyển cổ vật từ nơi đấu giá đến địa chỉ của người mua.

Đây là một thách thức lớn cho những bảo tàng công lập ở VN khi muốn mua cổ vật đấu giá ở nước ngoài. Bởi lẽ không ai biết trước những cổ vật ấy sẽ có giá sau cùng là bao nhiêu để đề xuất Nhà nước mua chúng. Sự thất bại của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế trong việc đấu giá bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi là một ví dụ.

Ngoài ra, một bảo tàng công lập tại VN muốn mua cổ vật nào đó ở trong nước, sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép phải thành lập một hội đồng xét duyệt (gồm đại diện bảo tàng, các nhà chuyên môn, sở tài chính, công an...) để thảo luận xem có cần thiết mua hay không; thẩm định giá trị, niên đại, lai lịch của hiện vật (và cả lai lịch của người bán hiện vật); đàm phán về mức giá do người bán đề xuất và đưa ra giá mua mà hội đồng cho là thích hợp...

Đây cũng là nguyên nhân khiến việc mua cổ vật cho bảo tàng gặp nhiều trở ngại, bởi nhiều thành viên hội đồng không am hiểu giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa, kinh tế của cổ vật nhưng lại có những can thiệp quá sâu và không cần thiết trong việc mua cổ vật.

Khoảng năm 2000, cháu một hoàng thân triều Nguyễn (giấu tên) vì gia cảnh nên muốn bán cho Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế ba cuốn sách phong bằng đồng mà vua Tự Đức đã “cải cấp” cho vị hoàng thân đó năm 1859. Một nhà sưu tập tư nhân muốn mua ba cuốn sách phong này với giá 9 triệu đồng nhưng người giữ chúng chỉ muốn bán cho bảo tàng vì sợ tư nhân mua chỉ để bán kiếm lời. Lúc ấy ông và gia tộc sẽ vĩnh viễn mất cơ hội tìm lại bảo vật gia truyền.

Người muốn bán cũng đệ trình đầy đủ giấy tờ liên quan chứng minh ông là cháu của vị hoàng thân được phong. Tuy nhiên các thành viên đại diện cơ quan công an và sở tài chính đưa ra nhiều ý kiến khiến việc thương thảo mua cổ vật này bất thành. Tôi đành phải đề xuất: nếu hội đồng không đồng ý cho mua ba cổ vật này vì nghi ngờ tính xác thực và vì cho rằng giá bán quá cao, tôi sẵn sàng mua cho cá nhân và cam kết sẽ giữ gìn chúng. Đến lúc đó hội đồng mới đồng ý cho bảo tàng mua ba cuốn sách phong.

Trước đó, vào khoảng năm 1996, có người rao bán một bộ “cành vàng lá ngọc” của triều Nguyễn. Đại diện ngành tài chính cho biết do chưa có quy định nào về việc mua cổ vật bằng vàng và đá quý nên nếu muốn mua phải tách riêng “cành vàng” với “lá ngọc” để xác định trọng lượng và tuổi vàng, trọng lượng và tuổi ngọc rồi căn cứ vào đó tính tiền mua. Kết quả, chủ nhân bộ “cành vàng lá ngọc”... đi một mạch!

Thời gian tôi làm việc ở Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, mỗi năm bảo tàng được cấp 50 triệu đồng để mua cổ vật bổ sung, nhưng ít khi tiêu hết vì số tiền đó quá ít để mua được những cổ vật xứng đáng, có giá trị mà bảo tàng đang thiếu. Ở Pháp, Đức, Áo, Bỉ... việc mua cổ vật ở các bảo tàng do các nhà chuyên môn của bảo tàng quyết định. Lãnh đạo bảo tàng chỉ chuẩn y và cấp kinh phí mua, không can thiệp việc giám định giá trị của cổ vật. Các chuyên gia sẽ bị mất uy tín chuyên môn (thậm chí mất việc) nếu mua phải cổ vật giả, phải chịu trách nhiệm hình sự nếu bị phát hiện thông đồng với người bán để mua cổ vật với giá cao nhằm hưởng tiền “boa”.

Phóng to
Kim bài bằng vàng nạm hồng ngọc của vua Khải Định được nhà đấu giá Binoche ở Paris (Pháp) bán với giá 16.500 franc năm 1996 - Ảnh do tác giả cung cấp

Giải pháp nào?

Để không “chậm chân” khi mua cổ vật VN ở nước ngoài và để có thể hồi hương những cổ vật ấy, cần có hành lang pháp lý cho phép các tổ chức và cá nhân ở VN tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài. VN cần có một thị trường mua bán cổ vật hợp pháp, tạo điều kiện để những nhà đấu giá danh tiếng như Sotheby’s, Christie’s, Butterfield, Nagel Auction, Loudmer, Spink... tham gia đầu tư thị trường đấu giá cổ vật và tác phẩm mỹ thuật trong nước.

Những chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư vào cổ vật, tạo điều kiện cho các nhà sưu tập cổ vật thành lập bảo tàng tư nhân bên cạnh các bảo tàng nhà nước... cũng hết sức cần thiết và cấp bách. Các doanh nhân khi mua cổ vật để hiến tặng các bảo tàng nhà nước hoặc để mở các bảo tàng tư nhân sẽ được khấu trừ thuế thu nhập (hoặc vào chi phí quảng cáo). Nhờ vậy sẽ hạn chế được tình trạng “chảy máu cổ vật” một khi Nhà nước không đủ ngân sách để mua.

Hàn Quốc và Nhật Bản đã thực hiện thành công việc hồi hương cổ vật bằng việc áp dụng thuế suất nhập khẩu bằng 0% và đơn giản thủ tục nhập khẩu đối với tất cả vật phẩm văn hóa, lịch sử, mỹ thuật... có niên đại hơn 100 năm. Nhờ vậy, không chỉ các cổ vật đã “châu về hợp phố” sau nhiều năm lưu lạc mà nhiều di sản văn hóa của các quốc gia khác cũng tìm về với hai nước này.

Hàn Quốc còn cử chuyên gia đi khắp thế giới để nghiên cứu, thống kê, lập hồ sơ khoa học cho những cổ vật của đất nước, đặc biệt là bảo vật quốc gia, đang lưu lạc ở nước ngoài và in thành vựng tập. Sau đó mời các nhà sưu tập, các bảo tàng ở nước ngoài đang sở hữu cổ vật đó đưa chúng về Hàn Quốc trưng bày, triển lãm với quan điểm “chưa thể đưa về hẳn thì tạm thời đưa về để công chúng trong nước được tận mắt chiêm ngưỡng những bảo vật quốc gia đang lưu lạc”.

Tiếp đến họ thương lượng trao đổi hoặc mua lại những cổ vật này cho các bảo tàng hay các sưu tập tư nhân ở Hàn Quốc. Nhà nước còn vận động những người giàu có bỏ tiền mua các cổ vật này để giữ chúng lại và nếu được thì tặng các bảo tàng công lập.

Phóng to
Bình rượu, pháp lam đời Minh Mạng (1820-1841) do nhà nghiên cứu Philippe Truong mua tại một cửa hiệu đồ cổ ở Paris (Pháp)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận