Nhiếp ảnh: Đã tới lúc cần các chỉ dẫn đạo đức nghề nghiệp

ETIENE BOSSOT 31/03/2019 20:03 GMT+7

TTCT - Sau những ồn ào tranh cãi liên quan tới bức ảnh vừa đoạt giải cao nhất của giải thưởng HIPA tuần qua, anh Etienne Bossot, nhà sáng lập Tổ chức Pics of Asia, đã chia sẻ với Tuổi Trẻ Cuối Tuần quan điểm của anh về việc thiết lập những tiêu chuẩn cho nhiếp ảnh du lịch (travel photography).

Ảnh: MIKE POLLOCK/PICSOFASIA
Ảnh: MIKE POLLOCK/PICSOFASIA

 Chúng ta hãy bắt đầu từ việc quan sát nhiếp ảnh trong bối cảnh rộng hơn. Khi nó lần đầu được phát minh, các bức ảnh được dàn dựng gần như là lựa chọn duy nhất. Thiết bị lúc đó lớn, cồng kềnh (và đắt tiền), thời gian tạo dáng để chụp rất lâu. Những người muốn chụp ảnh sẽ phải đứng im trong nhiều phút. Ngay cả với việc phát minh ra kỹ thuật collodion năm 1851, thời gian đứng chụp vẫn phải là 2-3 phút. Một việc không thực sự là chớp nhoáng.

Tới năm 1901, Kodak Brownie xuất hiện, loại máy ảnh thương mại đầu tiên cho giới trung lưu. Nhiếp ảnh bùng nổ từ đó và tất cả các loại hình nhiếp ảnh khác nhau mà chúng ta biết ngày nay đã ra đời.

Nhiếp ảnh tư liệu (documentary photography) bắt nguồn từ mong muốn minh họa của các bài báo, và rất nhanh chóng, một loạt “nguyên tắc”, hay những hành vi ứng xử được chấp nhận phổ biến, được thiết lập.

Nhiếp ảnh báo chí và nhiếp ảnh tư liệu phải phản ánh sự thật, không có sự can thiệp của người chụp. Ngày nay, nếu một phóng viên ảnh bị phát hiện dàn dựng ảnh của họ hay chỉnh sửa chúng theo cách nào đó, sự nghiệp của người này chấm dứt.

Ở phía đối nghịch, là nhiếp ảnh thời trang (fashion photography), loại ảnh rất ít khi được chụp mà không có dàn dựng, không có ai đó đạo diễn cho toàn bộ hình ảnh. Từ người mẫu, đạo cụ sử dụng, tới chọn địa điểm... mọi thứ đều được kiểm soát và dàn dựng để có những kết quả tốt nhất.

Nhưng nhiếp ảnh du lịch thì sao? Với tôi, nhiếp ảnh du lịch được xem là “nhiếp ảnh sở thích”: bất cứ ai cũng có thể cầm lấy máy ảnh, lên đường và bắt đầu chụp. Nếu bạn cố nhớ về những tên tuổi lớn trong nhiếp ảnh du lịch, bạn sẽ nghĩ tới ai?

Điều này chứng tỏ nhiếp ảnh du lịch bị phớt lờ trong các sân chơi chuyên nghiệp của nhiếp ảnh - vậy nên chẳng ai bận tâm thiết lập ra bất cứ chỉ dẫn đạo đức nào. Sau nhiều sự kiện gần đây, có lẽ đã tới lúc chúng ta nên làm điều đó.

Với nhiếp ảnh du lịch

Năm 2015, Steve McCurry (nhà báo, nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ) bị tố cáo đã dùng Photoshop chỉnh sửa một số bức ảnh của ông để chúng dễ chịu hơn về mặt thẩm mỹ. Thoạt đầu ông nói nhân viên của ông làm việc này. Nhưng rồi ông nói ông “coi bản thân giống một người kể chuyện bằng hình ảnh hơn là một phóng viên ảnh”.

Về cơ bản, nếu đó không phải ảnh báo chí, sẽ không ai quan tâm. Nhưng vấn đề là tôi quan tâm và Tổ chức nhiếp ảnh gia du lịch quốc tế (đừng tra Google tên tổ chức này, tôi vừa mới nghĩ ra nó đấy) đang không làm gì với chuyện này. Vậy nên tôi nghĩ mình sẽ thiết lập một số nguyên tắc cơ bản vì lạ là, chưa ai khác làm nó.

Sống tại châu Á, tôi đã chứng kiến nhiều người tới đây để chụp ảnh người mỗi ngày. Tôi sẽ đưa ra ví dụ về cái mà tôi cho là những hành vi không thể chấp nhận trong thế giới nhiếp ảnh du lịch ngày nay.

Một người bạn của tôi đã chứng kiến chuyện rất khó chịu trong khi du lịch ở Bangladesh. Khi lên một chuyến tàu ở Dhaka, anh trông thấy một nhóm người trong đoàn đi tour chụp ảnh (photography tour). Một người đàn ông Bangladesh đang ngồi trên tàu, cầu nguyện.

Một trong các thành viên của nhóm đi tour, có lẽ nghĩ người đàn ông cầu nguyện đang ngồi ở một góc chưa đúng, hoặc quá thiếu sáng, nên đã đặt tay họ lên đầu người đàn ông và kéo nó nghiêng về phía trước. Không một lời nói, một câu chào hay một tiếng cảm ơn.

Rất nhiều người nghĩ rằng châu Á là một nơi tuyệt vời để chụp ảnh người. Thật không hay là một số người trong họ nghĩ rằng có thể làm bất cứ những gì mình muốn với người dân sở tại - như thể họ không phải là người nữa, mà chỉ là những vật có sẵn cho các bức ảnh của anh. Giống như tới vườn thú, vỗ nhẹ vào những con khỉ và quẳng cho chúng vài hạt đậu phộng vì chúng có vài động tác hay. Đó là điều một số “nhiếp ảnh gia du lịch” tin là thế. Một điều rõ ràng không thể chấp nhận.

Và cho đến nay, thực sự chưa có những nguyên tắc cho nhiếp ảnh du lịch. Hầu hết mọi người đang thực hành loại hình nhiếp ảnh này khi đi du lịch. Một số chụp như một cách để ghi nhớ những nơi từng đến. Số khác là để có được những bức hình đẹp và tự hào khoe với bạn bè, gia đình. Số khác nữa làm vậy để giành chiến thắng tại các cuộc thi nhiếp ảnh du lịch.

Vấn đề đạo đức

Tôi bắt đầu viết bài này với ý định áp dụng đạo đức trong nhiếp ảnh du lịch - nhưng thành thực mà nói, nó không chỉ với nhiếp ảnh. Đó là chuyện về một tiêu chuẩn đạo đức cơ bản và thậm chí là tối thiểu. Con người là con người, những con người giống như bạn và tôi. Không phải vì họ sống tại một đất nước nghèo hơn mà bạn có quyền biến họ thành những người mẫu miễn phí cho các bức hình đẹp của mình.

Nếu bạn muốn đi du lịch và chụp ảnh người theo một cách có đạo đức, trước hết hãy nhìn nhận con người là con người, bình đẳng với chính bạn. Điều này có nghĩa hãy thể hiện sự tôn trọng họ, tương tác với họ và - một trong những phương diện quan trọng nhất - hãy đền đáp lại họ một điều gì đó. Không nhất thiết phải là một thứ gì đó vật chất, đơn giản chỉ là một sự giao tiếp cá nhân.

Khiến họ bật cười với việc cho họ xem bức hình bạn chụp, hoặc, thậm chí đơn giản hơn, để họ nhìn ngắm bạn thoải mái, một người nước ngoài mà có thể họ chưa từng gặp trước đó.

Về chuyện dàn dựng, rất nhiều tay máy du lịch khắp thế giới và dàn dựng những tấm hình ở bất cứ nơi đâu họ tới. Không có gì sai với chuyện dàn dựng hình ảnh, chúng có thể giúp bạn chụp những tấm hình đẹp hơn, và đảm bảo bạn trở về nhà với “tấm ảnh”. Tôi biết rất nhiều tay máy xuất sắc đã dàn dựng các tấm hình là một phần của dự án họ đang thực hiện. Nhưng không ai trong họ nói dối về điều đó.

Nếu bạn dàn dựng một bức ảnh, hãy trung thực về điều đó. Hãy nói là bạn đã dàn dựng nó. Vì việc nói với mọi người rằng bạn đã cố gắng để chớp được bức ảnh chân thực tuyệt vời trong khi nó thực sự được dàn dựng... quả là vô đạo đức.

Đó là sự dối trá với những người xem bức ảnh của bạn, và cũng là dối trá với nhân vật của bạn. Nó thể hiện nhân vật của bạn theo cách mà anh/cô ấy không muốn như vậy. Nếu bạn dàn dựng tấm hình của mình, bạn đã dàn dựng nó với ý tưởng đã định trước của bạn về việc đó nên trông như thế nào. Không phải là cái thực sự trông như thế nào.

Nếu bạn không tin điều này vì các lý do đạo đức liên quan, hãy cân nhắc điều này: Bạn hiểu rõ thế giới ngày nay ra sao, ở thời đại thông tin này. Mọi người sẽ phát hiện ra. Mọi người luôn phát hiện ra.

Hiện không có những nguyên tắc trong nhiếp ảnh du lịch, vậy nên ai cũng có thể làm điều họ muốn. Điều đó dường như là sự đồng thuận đáng buồn. Nhưng có những quyền cơ bản của con người mà mọi người đều nên tôn trọng. Bạn không thể sử dụng người khác như những người mẫu riêng của bạn nếu bạn không tôn trọng họ, hoặc thậm chí không tiếp xúc với họ trong lúc chụp.

Điều này xảy ra rất nhiều khi mọi người giả vờ một tấm hình được dàn dựng là một tấm hình tự nhiên - thường là với mục đích tham dự các cuộc thi ảnh và gia tăng giá trị được cảm nhận của chúng.

Nếu họ chụp những bức ảnh đó một cách thành thực, nó có nghĩa họ là các tay máy giỏi. Trong khi đó việc dàn dựng các tấm hình có thể thực sự biến bạn thành một tay máy tệ hơn - chắc chắn rồi, bạn có thể kiểm soát tất cả các yếu tố trong khuôn hình, nhưng sự sáng tạo nằm ở đâu?

Tại sao bạn chụp ảnh?

Hãy tự hỏi mình câu này: Tại sao bạn chụp ảnh? Nếu mục tiêu của bạn là trở nên nổi tiếng và giành chiến thắng các cuộc thi bằng việc dàn dựng những bức ảnh đẹp, không có gì sai về mặt đạo đức với chuyện đó NẾU bạn nói rõ ràng về việc bạn đã làm gì và cách bạn làm nó. Điều tệ nhất là khi phát hiện ra một người chụp ảnh đã nói dối về việc dàn dựng các tấm hình. Điều đó thường có nghĩa, với họ, đã chấm dứt một sự nghiệp hứa hẹn.

Sáng tạo đến từ sự bất ngờ, là điều trái ngược với việc lên kế hoạch bài trí cẩn thận và sử dụng các mẫu. Việc dàn dựng hình ảnh có thể khiến bạn trở thành một người chụp ảnh tồi và lười biếng, có thể dẫn bạn tới việc đi du lịch trong đám đông đúc những người cũng muốn bức ảnh. (Chắc chắn rồi, mọi người đều sẽ có bức ảnh, nhưng ai cũng nhận được bức ảnh giống nhau).

Điều quan trọng nữa là các tay máy đừng rơi vào cái bẫy của các cuộc thi ảnh hay mạng xã hội. Điều đó sẽ khiến bạn chụp về những gì bạn hi vọng mọi người sẽ thích, để khiến bạn được nổi tiếng hơn. Đây là điểm kết thúc của nghệ thuật và bắt đầu của tiếp thị.■

D.KIM THOA lược dịch

 Tôi phản đối dàn dựng - với tôi, đó là phản sáng tạo. Sự sáng tạo trong nhiếp ảnh, và nghệ thuật nói chung, đến từ sự xung đột, từ bất ngờ, và thường từ sự ngẫu nhiên. Tôi chưa bao giờ thức giấc trong buổi sáng và cảm thấy như mình là một thiên tài sáng tạo. Không, những lần tôi cảm thấy sáng tạo với các tấm ảnh bố cục của mình là khi tôi đã làm hỏng chúng - tôi đã quá chậm, tôi đã cắt cảnh theo một cách khác lạ, tôi đã chọn bố cục sai, hoặc nhân vật của tôi đã di chuyển bất ngờ. Những lần này, trên thực tế, đã là những lần tôi có được những bức ảnh đẹp nhất.

Việc dàn dựng hình ảnh sẽ ngăn lại tất cả những yếu tố này, những yếu tố có thể khiến sự sáng tạo xuất hiện. Dĩ nhiên nó không đơn giản như thế. Việc trở thành một tay máy giỏi, có thể chớp được một bức ảnh tốt trong bất cứ điều kiện nào, đòi hỏi nhiều năm luyện tập. Nhưng không có đường tắt trong nghệ thuật, và nghệ thuật chân thực đòi hỏi nhiều năm để sáng tạo.

EtienNe Bossot

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận