TTCT - Đúng 64 năm trước, lớp sĩ quan trẻ chúng tôi trong cơ quan Bộ Tổng tham mưu rời Hà Nội. Đêm 19-12-1946 là một đêm mưa phùn, trời tối và rất rét. Từ khu ấp Thái Hà - Gò Đống Đa, tất cả chúng tôi đều hành quân bộ. Không ai nghĩ rằng đây là những bước đầu tiên của cuộc trường chinh vạn dặm. Phóng to Đồng chí Võ Nguyên Giáp và cán bộ Bộ Tổng tham mưu kiểm tra xưởng sản xuất vũ khí Giang Tiên (Thái Nguyên) - Ảnh tư liệu Huyện Chương Mỹ (Hà Đông) là địa bàn đứng chân đầu tiên của cơ quan tham mưu chiến lược, cách Hà Nội chừng vài chục kilômet đường chim bay. Dọc đường, dưới trời mưa phùn, đi cùng chiều với chúng tôi là từng đoàn người tản cư từ thủ đô về hướng nam, hướng thị xã Hà Đông. Có những bà mẹ gánh một bên là thúng đựng mấy bọc quần áo, một bên là một em nhỏ ngồi lọt thỏm dưới cái chiếu uốn khum để che mưa. Mấy đứa lớn chạy gằn theo bước chân mẹ. Không ai nghĩ rằng hòa mình vào đoàn người tản cư ấy lại là các thành viên của một cơ quan tham mưu chiến lược, giúp Bộ Thống soái tối cao chỉ đạo cuộc kháng chiến vừa bùng nổ. Sau lưng chúng tôi, những ánh chớp cùng tiếng đại bác vẫn nổ trong nội thành Hà Nội. Chặng đường xuất quân đầu tiên của chúng tôi lên căn cứ địa Việt Bắc đúng vào giờ phút lịch sử của dân tộc vừa sang trang. Với trình độ hiểu biết còn hạn chế, nhất là với tính vô tư của tuổi trẻ, không ai nghĩ rằng cuộc kháng chiến sẽ kéo dài gần chục năm. Hội nghị quân sự đầu tiên ngay bên cạnh địch Ngay đêm đầu hành quân, dọc đường chúng tôi nói đủ thứ chuyện. Từ chuyện thời tiểu học nghịch ngợm đến chuyện tình yêu đôi lứa vừa chớm nở. Và cả những “cuộc tranh luận thì thầm” trong từng nhóm. Người thì dự đoán các chiến trường trong toàn quốc liệu có nổ súng đồng loạt với Hà Nội theo đúng chủ trương của tổng hành dinh hay không, cuộc tập kích sân bay Gia Lâm dự kiến diễn ra trong đêm kháng chiến đầu tiên này có thực hiện đúng kế hoạch hay với số thuốc nổ quá hạn hẹp, liệu các chiến sĩ công binh của bác Hoàng Đạo Thúy có thực hiện được ý định đánh sập cầu Long Biên hay không? Cả những trăn trở đến bao giờ ngành quân giới mới thành công trong việc sản xuất bazoka cho bộ đội đánh xe tăng địch... Hồi đó chưa có quân phục thống nhất, ai có gì mặc nấy. Vũ khí không có, ngoài balô mỗi người chỉ mang theo một cái thùng sắt đựng tài liệu quân sự cơ mật. Sau này khi kháng chiến đã thắng lợi, đọc sách báo phía bên kia mới biết những ngày đầu kháng chiến, hướng di chuyển của các cơ quan chỉ đạo kháng chiến từ thủ đô lên căn cứ địa là một trong những mục tiêu quan trọng, luôn trong tầm mắt theo dõi của Phòng nhì Pháp. Tiêu diệt bộ máy kháng chiến của đối phương là cái giá rẻ nhất đối với mọi đội quân viễn chinh để nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược. Trong mấy tuần dừng chân ở Chương Mỹ, giữa những ngày giáp tết, cơ quan tham mưu tập trung vào việc chuẩn bị hội nghị các khu trưởng (từ Khu 4 trở ra) nhằm rút ra những kinh nghiệm chỉ đạo tác chiến sau những ngày chiến đấu đầu tiên và định hướng chỉ đạo các bước tiếp theo sau cuộc tổng giao chiến trong các thành phố và thị xã. Bộ chỉ huy Pháp không thể ngờ rằng tại thị trấn Chúc Sơn (Chương Mỹ), trong tầm lượn của máy bay lại có thể diễn ra hội nghị quân sự quan trọng đầu tiên của phía bên kia. Trong giờ giải lao, nhiều đại biểu đến hỏi anh Vương Thừa Vũ về trung đoàn Thủ đô, những chiến sĩ đang đối mặt với quân Pháp trong trung tâm thành phố Hà Nội. Mấy ai biết rằng trung đoàn nổi danh ngay từ ngày đầu kháng chiến ấy lại bao gồm những thành viên đặc biệt, “rất Hà Nội”, sớm mang đậm dấu ấn kháng chiến toàn dân: nam có, nữ có, nhà báo, nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh và cả cầu thủ bóng đá. Tuổi họ trung bình từ 22-25, nhưng cũng có khá nhiều thiếu niên như Trần Xuân Tám, Nguyễn Văn Phúc, Trang Công Lũy, Phụng “còi”, Sơn “con” - những chú bé 10-15 tuổi đã gắn bó với đơn vị ngay từ những ngày đầu. Chiến sự dù ác liệt đến mấy, đường dây liên lạc chỉ huy chiến đấu giữa các đơn vị trong thành phố cũng không bao giờ đứt là nhờ những “sóc con” can đảm ấy... Chai xăng-crếp và lời hứa của nhà khoa học Trần Đại Nghĩa Trong điều kiện trang bị rất chênh lệch giữa ta và địch hồi đầu kháng chiến, vũ khí - nhất là vũ khí chống tăng - là vấn đề được quan tâm, mong đợi hơn cả. Tại hội nghị, tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã mời cục trưởng Cục Quân giới Trần Đại Nghĩa phát biểu về vấn đề này. Nhà khoa học đứng lên, thoạt vẻ mất tự nhiên. Anh xa Tổ quốc đã lâu ngày, mới theo Cụ Hồ về nước được vài tháng thì chiến tranh bùng nổ. Nhiều từ khoa học - kỹ thuật anh diễn đạt bằng tiếng Việt rất khó khăn. Anh nói về việc thí nghiệm bazoka chưa thành công khiến cả ngành quân giới canh cánh trong lòng. Ngoài bom ba càng, tuy số chai xăngcrếp chưa nhiều nhưng bộ đội đã có thêm vũ khí thô sơ để đánh xe tăng. Song việc nghiên cứu đạn bazoka vẫn chưa thành công, khiến cục trưởng Cục Quân giới day dứt không nguôi. Anh kể lại một ngày cuối tháng 12, anh gặp một chiến sĩ Vệ quốc đoàn từ mặt trận Hà Nội ra. Được hỏi về tình hình chiến đấu trong thành phố, chàng lính trẻ nói một hơi không nghỉ, vẻ nuối tiếc: “Lẽ ra chúng em đã cho thằng Mooc-li-e đi đời rồi (tướng Morlière là chỉ huy quân Pháp ở miền Bắc - người viết). Hắn vừa từ nhà riêng ở phố Hàng Trống đi ra, một cậu trong bọn em nổ súng, đạn bị tắc. Chúng em ném tiếp mấy quả lựu đạn, không một quả nào nổ. Một cậu tức quá, bất chấp nguy hiểm lao ra đường, ném thêm quả lựu đạn thứ năm. Lựu đạn nổ nhưng chiếc xe bọc thép của hắn đã chạy quá tầm. Thật là uổng. Nếu có súng tốt, lựu đạn tốt, nhất là có một loại súng nào đó bắn được xe tăng, xe bọc thép địch ở cự ly dăm chục mét thì cơ giới của chúng không thể nghênh ngang trên đường phố được, mà anh em cũng đỡ tốn xương máu...”. Kể đến đây, giọng Trần Đại Nghĩa nghẹn lại. Câu chuyện của người chiến sĩ khiến Trần Đại Nghĩa thức suốt đêm đó, chong đèn đọc lại lý thuyết, kiểm tra lại quá trình tính toán về đạn bazoka. Anh nói: “Tất cả đều đúng. Vậy thì tại sao qua bắn thử, kể cả lần thử gần đây nhất ở huyện Ứng Hòa, sức công phá, cụ thể là sức xuyên của đạn, chưa đạt yêu cầu? Chúng tôi đang tập trung giải đáp điều nghi vấn về vai trò gợi nổ của “đề-tô” (détonateur - hạt nổ, kíp nổ - người viết). Phải làm sao cho thuốc nổ trong viên đạn cháy hết để tạo nên nhiệt độ và áp suất cần thiết, có được uy lực vừa phá, vừa xuyên... Xin hứa với anh Giáp, anh Bửu và các anh chỉ huy: chúng tôi quyết hoàn chỉnh viên đạn bazoka và trong vòng một tháng nữa có thể sản xuất hàng loạt...”. Hơn một tháng sau, lời hứa của nhà khoa học đã trở thành hiện thực: cuối tháng 2-1947, hai khẩu bazoka và mười viên đạn hoàn chỉnh về kỹ thuật được giao cho bộ đội Khu 2. Và tin chiến công đầu của bộ đội dùng loại vũ khí này đã nhanh chóng bay về cơ quan tham mưu tổng hành dinh: ngày 5-3-1947, hai chiếc xe tăng địch bị súng bazoka bắn cháy ở chùa Trầm khi quân Pháp đánh ra hướng Quốc Oai. Sau hội nghị quân sự, đúng dịp xuân Đinh Hợi đang về, cơ quan Bộ Tổng tham mưu chúng tôi rời đất Chương Mỹ, “thiên đô” lên Việt Bắc, đón cái tết kháng chiến đầu tiên giữa những xóm làng và người dân mấy xã Ngọc Thán, Sài Sơn, Thôn Bùng... thuộc Quốc Oai, huyện địa đầu phía nam của tỉnh Sơn Tây. Cái tết kháng chiến đầu tiên, xen giữa công việc theo dõi diễn biến chiến sự với buổi liên hoan văn nghệ “cây nhà lá vườn” với địa phương... qua đi rất nhanh. Tiếp đến là tình hình chiến đấu khẩn trương của các chiến trường, trong đó có cuộc lui quân thần kỳ của trung đoàn Thủ đô sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiêu hao và kìm chân quân địch trong thành phố..., tất cả thu hút toàn bộ tâm trí chúng tôi cho đến ngày được lệnh lên đường, tiếp tục cuộc hành quân lên căn cứ địa. Phải thêm bảy mùa xuân nữa trên vùng rừng núi Việt Bắc, ước vọng của chúng tôi về sum vầy với gia đình trong dịp tết mới thành hiện thực. Để bộ đội có thứ vũ khí đánh được xe tăng địch, cục trưởng Trần Đại Nghĩa đã cho sản xuất và hướng dẫn cách dùng “chai cháy Mô-lô-tốp”, còn gọi là chai xăng-crếp. Đây là một thứ vũ khí thô sơ đánh chiến xa có hiệu quả nhất định trong chiến tranh thế giới thứ hai. Chiến đấu trong thành phố, người chiến binh từ trên tầng cao ném chai xăng-crếp xuống xe địch. Chất hỗn hợp bám dính trên vỏ thép và bốc cháy. Nhiệt độ trong xe tăng lên rất cao, khiến lính địch ở trong không chịu nổi phải mở nắp chui ra, đó là cơ hội tốt để tiêu diệt chúng bằng súng bộ binh. Cách đánh này đã được áp dụng trong các trận chiến đấu ở thủ đô vừa qua. Nhân dân phố Hàng Da và Hà Trung đã ủng hộ nguyên liệu để Cục Quân giới chế tạo loại vũ khí này. Nhờ vậy mà chỉ trong ít ngày trước khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, hàng ngàn chai xăng-crếp đã được đưa về các đơn vị. __________ Khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, một trong những tài liệu rất quan trọng được tìm thấy trong hầm của tướng De Castries chính là tập tài liệu báo cáo về những vũ khí tự tạo của quân đội Việt Nam khiến người Pháp vô cùng ngạc nhiên và khâm phục. Phóng to Ảnh: Hà Châu Bước vào tuổi xưa nay hiếm từ lâu nhưng đại tá Phan Thượng Trí vẫn giữ được tác phong quân đội là sự gọn gàng, nề nếp và đúng giờ. Dù bàn tay trái không còn sau tai nạn từ một lần chế tạo lựu đạn nhưng ông vẫn nhanh nhẹn làm tất cả mọi việc cho bản thân. “Tôi lớn lên ở Hà Nội, ngày nhỏ theo học lớp hướng đạo sinh của cụ Hoàng Đạo Thúy và Tạ Quang Bửu. Những anh em trong lớp hướng đạo ấy đều thấm những câu chuyện về tinh thần yêu nước và ý chí chống ngoại xâm của dân tộc. Sau đó tôi tham gia cách mạng, làm việc ở Cục Quân giới và gắn bó với vũ khí, đạn dược đến khi nghỉ hưu” - ông kể. Những vũ khí tự tạo đầu tiên của Việt Nam là do ông và đồng đội trực tiếp làm ra. Quả lựu đạn khói và cánh tay của chàng thanh niên 19 tuổi Đại tá Phan Thượng Trí sinh năm 1929 tại Hà Nội, năm 1946 vào bộ đội và tham gia nghiên cứu vũ khí, đạn dược tại Nha nghiên cứu kỹ thuật. Ông làm giám đốc Nhà máy Z121 từ năm 1973 đến khi nghỉ hưu (1992). Với những đóng góp của mình, năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.Rời lớp hướng đạo, cậu thiếu niên Phan Thượng Trí và hai người bạn Phạm Văn Ngân, Bùi Hữu Phương đã rủ nhau đi “làm cách mạng”. Nơi đầu tiên thầy Hoàng Đạo Thúy giới thiệu cho ba anh em khi ấy là Nha nghiên cứu kỹ thuật (Cục Quân giới) do ông Trần Đại Nghĩa làm cục trưởng, đặt trụ sở tại Tuyên Quang. “Khi ấy không có tài liệu, không có thầy dạy, tất cả đều do chúng tôi tự mày mò. Cụ Trần Đại Nghĩa lúc ấy mới từ bỏ cuộc sống đầy đủ ở nước ngoài về, sống trong một căn nhà bằng tre nứa, gia tài của ông chỉ có sách” - ông Trí nhớ lại. Với nhiệm vụ phải nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí, đạn dược để phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp, dưới sự chỉ đạo của cục trưởng Trần Đại Nghĩa, những người lính cần cù đã chế tạo thành công từ quả lựu đạn đầu tiên đánh Pháp ở Vân Đình đến súng bazoka đánh xe tăng, súng không giật SKZ... Ông Trí nhớ lại: Năm 1949, Pháp đóng ở Việt Trì, tên đồn trưởng bắt người dân sống xung quanh đồn, nếu đồn bị đánh thì nhân dân bị thương vong nhiều nhất - một thủ đoạn thâm độc có thể làm chùn bước nhiều cuộc tấn công của quân ta. Nhiệm vụ của Cục Quân giới giao cho phòng kỹ thuật khi ấy là phải sản xuất loại lựu đạn nổ chậm hoặc chỉ có khói để nhân dân thấy khói mà chạy đi. Ông Trí cùng hai người khác là ông Trần Duy Lượng (em ruột bác sĩ Trần Duy Hưng) và ông Đặng Tuyên (một người làm nghề sửa đồng hồ) được trưng dụng để sản xuất lựu đạn khói. Họ mày mò nghiên cứu dây cháy chậm của một quả lựu đạn Mỹ dùng trong kháng chiến chống Nhật để tìm ra nguyên lý tạo khói. Để làm được quả lựu đạn ấy, phải nhồi thuốc thật chặt vào lòng quả lựu đạn. Trong một lần mải mê nhồi thuốc, thuốc bị ma sát mạnh nên phát nổ, bàn tay trái của ông Trí văng ra cùng bốn mảnh vỏ lựu đạn găm vào người. Khi ấy ông Trí mới 19 tuổi, chưa vợ. Mất một tay, ông vẫn kiên trì bám công việc. Suốt những năm kháng chiến chống Pháp, tổ nghiên cứu bốn người do ông làm tổ trưởng đã chế tạo thành công các loại ngòi nổ chậm để làm thủy lôi, ngư lôi, đạn pháo... cho lính đặc công đánh sân bay, tàu thủy và căn cứ quân sự địch. Họ đã “ăn, ngủ cùng ngòi nổ chậm” bởi từ việc pha dung dịch hóa chất theo tỉ lệ nhất định, xác định thời gian bao lâu thì hóa chất ăn mòn dây kim loại rồi nổ... đều làm thủ công, qua nhiều lần thử mới tìm ra quy luật và thời gian định lượng của ngòi nổ. Pháo hoa cho ngày độc lập Giải phóng miền Nam xong, trước tết độc lập năm ấy, trong nước không có pháo hoa để bắn ăn mừng. Bộ Quốc phòng lại chỉ định Nhà máy Z121 (lúc ấy ông Phan Thượng Trí làm giám đốc) phải sản xuất bằng được pháo hoa để kịp bắn vào dịp Quốc khánh. Chỉ có hai tháng để mày mò tìm kiếm mà cũng không biết bắt đầu từ đâu, may mắn là cuối cùng ông tiếp cận được một kho giữ pháo hoa (từ năm 1954) trong một hang núi tận Hòa Bình. Kho pháo còn hàng ngàn quả nhưng đều bị chảy nước, vỏ đã rách nát. “Đó là lần đầu tiên tôi được sờ vào quả pháo hoa. Trông nó như cái mũ cối được bọc trong lớp vỏ giấy hoặc vải”. Ông Trí lại cùng các cán bộ chiến sĩ của mình trong Nhà máy Z121 mổ xẻ quả pháo hoa để tìm hiểu thành phần thuốc, các chất tạo màu... Đúng hai tháng sau, những quả pháo hoa đầu tiên của Việt Nam được sản xuất thành công mang những cái tên ý nghĩa: bông sen Đồng Tháp, cờ đỏ rợp trời, màu xanh hi vọng... Quốc khánh năm ấy (1975) - tết độc lập đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, hàng trăm quả pháo hoa được bắn sáng rực bầu trời Hà Nội. Dây chuyền sản xuất pháo hoa duy nhất của Việt Nam ấy tồn tại đến tận ngày nay, có thể sản xuất hàng trăm mẫu pháo hoa phục vụ các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước và xuất khẩu.
Mạo danh shipper giao hàng lừa đảo ngày càng tinh vi CÔNG TRUNG 25/11/2024 Lừa đảo từ việc mạo danh shipper ngày càng tinh vi, khiến khách hàng lúng túng và rơi vào vòng xoáy mất tiền mà không hề hay biết.
Máy bay Nga bốc cháy dữ dội tại sân bay Thổ Nhĩ Kỳ THANH BÌNH 25/11/2024 Động cơ của chiếc máy bay chở khách do Nga sản xuất đã bốc cháy dữ dội sau khi hạ cánh tại sân bay Antalya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 24-11.
Nước trên các sông dâng cao do mưa lớn, Huế khẩn cấp cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học NHẬT LINH 25/11/2024 Tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát thông báo khẩn cấp cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học vì mưa lớn, nước các sông dâng rất nhanh.
Cận cảnh mảnh vỡ tên lửa siêu vượt âm Oreshnik THANH BÌNH 25/11/2024 Cơ quan An ninh Ukraine đã cho các nhà báo thấy những mảnh kim loại được cho là của tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik.