Những giằng xé ở Gruzia

TƯỜNG ANH 09/12/2024 09:11 GMT+7

TTCT - Tình hình Gruzia đang diễn biến phức tạp khi cuộc đối đầu giữa hai phe phái thân phương Tây và thân Nga đứng trước nguy cơ bùng lên thành xung đột.

Những giằng xé ở Gruzia - Ảnh 1.

Biểu tình thân châu Âu ở Gruzia. Ảnh: Reuters

Cuối tuần trước, Tổng thống Gruzia Salome Zurabishvili (sẽ mãn nhiệm vào 16-12-2024) tham gia xuống đường trong cuộc đối đầu giữa phe đối lập và đảng cầm quyền. Xô xát nổ ra khiến gần 40 nhân viên an ninh bị thương, hơn 100 người biểu tình bị bắt giữ. Gruzia sẽ đi về đâu?

Theo dõi tình hình Gruzia những ngày qua, nhiều nhà phân tích nhắc lại bối cảnh dẫn tới cuộc cách mạng màu Ukraine, bắt đầu từ quyết định của thủ tướng Ukraine khi đó Viktor Yanukovich vào tháng 11-2013 đình chỉ việc chuẩn bị ký kết thỏa thuận liên kết giữa Kiev và EU. 

Ngay sau đó, biểu tình quy mô lớn và kéo dài nhiều tháng của phe đối lập nổ ra, cuối cùng dẫn đến đảo chính tháng 2-2014.

"Cách mạng màu kinh điển"?

11 năm sau, tại một quốc gia hậu Xô viết khác, biểu tình nổ ra ở Tbilisi sau khi Thủ tướng Gruzia Irakli Kobakhidze tuyên bố đến năm 2028, nước này sẽ không đàm phán việc gia nhập và từ chối mọi khoản viện trợ từ EU.

Tuyên bố này được ông Kobakhidze đưa ra hai giờ sau khi Nghị viện châu Âu (EP) thông qua nghị quyết cứng rắn chưa từng có về việc không công nhận kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Gruzia 26-10, muốn Gruzia tổ chức cuộc bỏ phiếu mới dưới sự kiểm soát của quốc tế. 

EP cũng kiến nghị Hội đồng châu Âu (EC) áp dụng các biện pháp trừng phạt với một số lãnh đạo Gruzia và xem xét lại chế độ miễn thị thực cho công dân Gruzia đến các nước Schengen.

Ngày 29-11, Thủ tướng Kobakhidze nói một số thế lực ở Brussels đã "sử dụng vấn đề Gruzia gia nhập EU như công cụ để tống tiền", điều mà ông cho rằng "hoàn toàn không chấp nhận được", đồng thời nói không nên coi việc gia nhập EU là "của bố thí". 

Ông nhấn mạnh lộ trình dự kiến của Tbilisi: "Đến năm 2030, trong tất cả các quốc gia ứng viên, Gruzia sẽ là nước được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất để trở thành thành viên EU. Đây là lời hứa của chúng tôi với người dân Gruzia, và lời hứa chắc chắn sẽ được thực hiện".

Tuy nhiên, với phe đối lập Gruzia, lời hứa đó chưa đủ. Biểu tình đã nổ ra từ sau khi công bố kết quả bầu cử và vẫn tiếp tục ở Tbilisi cùng các thành phố khác. Tổng thống Zurabishvili đích thân tham gia cuộc biểu tình ở thủ đô và kêu gọi tổ chức lại bầu cử quốc hội. 

Lực lượng an ninh đã sử dụng vòi rồng và hơi cay để giải tán người biểu tình. Đến 2-12, đụng độ vẫn chưa dừng lại, bom khói, chai lọ và đá ném vào cảnh sát khiến nhiều người bị thương. 

Bình luận về các diễn biến này, người đứng đầu Câu lạc bộ Phân tích Á - Âu Nikita Mendkovich nói trên đài Nga RIA Novosti 29-11: "Đây là một cuộc cách mạng màu kinh điển, được tài trợ từ nước ngoài".

Những giằng xé ở Gruzia - Ảnh 2.

Ông Kobakhidze và bà Zurabishvili. Ảnh: Georgian News

"Ukraine hóa Gruzia"?

Năm 2023, kim ngạch thương mại giữa Gruzia và EU đã vượt mốc 4,5 tỉ USD. Tỉ trọng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Gruzia từ châu Âu lên tới 60%, và năm 2021 là 76%. Gruzia cũng đã chính thức tuyên bố lộ trình hướng tới gia nhập EU từ những năm 1990. 

Các bước đi nghiêm túc hơn được triển khai trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Mikheil Saakashvili (2004-2013). Sau chiến thắng dành cho Đảng "Giấc mơ Gruzia" (đảng của ông Kobakhidze) trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2012, lộ trình này vẫn tiếp tục. 

Năm 2014, Gruzia trở thành thành viên liên kết của EU và năm 2017, chế độ miễn thị thực giữa họ và khu vực Schengen được thiết lập. Gruzia nộp đơn xin gia nhập EU vào tháng 3-2022 và trở thành ứng viên vào tháng 12-2023.

Nhưng sau đó mối quan hệ bắt đầu xấu đi vì nhiều lý do, gồm thái độ tương đối ôn hòa của Tbilisi với Nga (không tham gia các biện pháp trừng phạt liên quan tới chiến tranh Ukraine), vụ bắt giữ cựu tổng thống Saakashvili năm 2021, và việc thông qua luật cấm tuyên truyền LGBT. 

Nguyên nhân gần đây nhất khiến quan hệ Tbilisi - Brussels đổ vỡ là luật "Về tính minh bạch của ảnh hưởng nước ngoài" của Gruzia, nhắm vào các cơ quan truyền thông và phi lợi nhuận có hơn 20% nguồn tài trợ nước ngoài.

Theo Thủ tướng Kobakhidze, đạo luật này là phản ứng trước mưu toan của phe đối lập thân phương Tây muốn lật đổ chính phủ hợp pháp sau cuộc bầu cử quốc hội năm 2020 và trong các cuộc biểu tình năm 2022. 

Tháng 6-2024, EU đình chỉ quá trình tiếp nhận Gruzia và đóng băng một phần hỗ trợ tài chính cho nước này, gồm 30 triệu euro dự kiến phân bổ cho Bộ Quốc phòng Gruzia.

Theo ông Kobakhidze, phương Tây đang cố gắng thúc đẩy quá trình "maidan quốc gia" và "Ukraine hóa Gruzia". 

"Gruzia là quốc gia có thể chế mạnh mẽ luôn đi theo con đường hội nhập châu Âu. Bất chấp những nỗ lực liên tục kéo Gruzia vào chiến tranh, chúng tôi đã tránh được tình trạng Ukraine hóa đất nước và duy trì hòa bình", ông nói trong cuộc họp báo ngày 30-11, theo Interpressnews (Gruzia).

Những giằng xé ở Gruzia - Ảnh 3.

Ảnh: EPA

Một tuần nữa, bầu cử tổng thống

Sau cuộc bầu cử ngày 26-10, lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Quốc hội Gruzia chỉ có một đảng nắm quyền là "Giấc mơ Gruzia". Phe đối lập, gồm 4 đảng phái, nhận được 61 ghế sau cuộc bầu cử, đã tẩy chay kết quả và từ chối hợp tác. 

Quốc hội 150 ghế hiện chỉ có 89 đại biểu làm việc, tuy vẫn đủ để bỏ phiếu cho các nghị quyết yêu cầu quá bán, nhưng bị phe đối lập phản đối dữ dội. Tổng thống Zurabishvili không triệu tập cuộc họp của cơ quan lập pháp, dù theo hiến pháp, bà có nghĩa vụ đó trong vòng 10 ngày sau khi ủy ban bầu cử trung ương công bố kết quả. 

Bà Zurabishvili cho rằng kết quả bầu cử "đã bị giả mạo hoàn toàn", và quyết định kiện lên Tòa án Hiến pháp đòi tuyên bố các cuộc bầu cử không hợp lệ.

Ông Vadim Mukhanov, đứng đầu khu vực Caucasus của Trung tâm Nghiên cứu hậu Xô viết, giải thích trên tờ Vedomosti (Nga) rằng các cuộc biểu tình hiện nay nhằm mục đích thu hút sự ủng hộ của EU và Hoa Kỳ cho phe đối lập Gruzia, cả về thông tin và tài chính. 

Theo ông, các cuộc biểu tình cũng được sắp xếp trùng với thời điểm quốc hội bầu tổng thống vào ngày 14-12. (Ngày 27-11, Đảng "Giấc mơ Gruzia" đã đề cử nghị sĩ và cựu cầu thủ bóng đá Mikheil Kavelashvili làm ứng cử viên tổng thống).

Những giằng xé ở Gruzia - Ảnh 4.

Hai vùng lãnh thổ Abkhazia và Nam Ossetia được Gruzia coi là vấn đề lợi ích quôc gia không thể nhượng bộ. Ảnh: Caucasus Watch

Bản chất của chính sách thực dụng

Nghị quyết cứng rắn của EP và sự ủng hộ công khai của phương Tây với phe đối lập không phải là lý do duy nhất khiến giới cầm quyền Tbilisi hoài nghi về triển vọng châu Âu của Gruzia. 

Trên đài truyền hình Rustavi 2, Chủ tịch Quốc hội Shalva Papuashvili từng nói nếu gia nhập EU, Gruzia sẽ buộc phải thực hiện chế độ thị thực với nhiều quốc gia, bao gồm Nga, nơi du khách đang mang lại cho Gruzia 4 - 4,5 tỉ USD/năm. 

Sau khi nhận được tư cách thành viên đầy đủ của EU, Tbilisi sẽ không thể bán rượu vang sang Nga, thị trường nhập khẩu khoảng 70% sản lượng rượu vang của họ, điều mà ông Papuashvili cho rằng "sẽ dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn ngành sản xuất rượu vang trong nước".

Ngoài vấn đề kinh tế, Tbilisi không muốn thêm khó khăn trong việc giải quyết hòa bình mâu thuẫn giữa Gruzia và Nga liên quan đến các lãnh thổ Nam Ossetia và Abkhazia, một trong những ưu tiên chính của chính phủ. 

Thủ tướng Kobakhidze nhấn mạnh rằng đất nước có những "lằn ranh đỏ" riêng liên quan đến Nam Ossetia và Abkhazia, và toàn vẹn lãnh thổ sẽ được bảo vệ đến cùng. "Chúng tôi có chính sách thực dụng trong quan hệ Gruzia - Nga. Đây là công cụ quan trọng để chúng tôi duy trì hòa bình và bảo vệ lợi ích chiến lược của mình", ông Kobakhidze nói.

Nga công nhận Abkhazia và Nam Ossetia là các quốc gia độc lập vào năm 2008 sau một cuộc chiến ngắn ngủi. Ngoài Nga, chỉ bốn nước khác công nhận chủ quyền của các lãnh thổ này: Nicaragua, Venezuela, Syria và Nauru; phần còn lại của thế giới vẫn coi đây là lãnh thổ Gruzia. 

Tbilisi gọi tình trạng hiện tại của các nước cộng hòa này là "bị chiếm đóng", và đã công bố kế hoạch thống nhất hòa bình cũng như khôi phục toàn vẹn lãnh thổ.

Bộ Ngoại giao Nga trong khi đó khẳng định Nga sẽ không thay đổi lập trường về Abkhazia và Nam Ossetia. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết các bên sẽ phải "độc lập" xác định xem họ sẽ hòa hoãn theo hình thức nào và Nga sẵn sàng giúp đỡ để "đảm bảo các thỏa thuận về không xâm lược". 

Nhà khoa học chính trị Gruzia Sikharulidze nói với RBC: "Vấn đề không phải là các cuộc bầu cử công bằng hay gian lận, mà là thực tế Gruzia đã tham gia vào cuộc đối đầu địa chính trị giữa phương Tây và Nga".■

Về Tổng thống Zurabishvili, truyền thông thường nhắc tới lai lịch của nữ chính khách này: bà sinh tại Pháp trong một gia đình tị nạn chính trị người Gruzia, gia nhập ngành ngoại giao Pháp vào những năm 1970 và có một sự nghiệp thành công - từng là người đứng đầu Ban thư ký Quốc phòng Pháp về các vấn đề và chiến lược quốc tế (2001-2003), rồi đại sứ Pháp tại Gruzia (2003-2004).

Năm 2004, theo thỏa thuận chung của tổng thống Pháp và Gruzia lúc bấy giờ là Jacques Chirac và Saakashvili, bà Zurabishvili nhập tịch Gruzia và trở thành ngoại trưởng nước này. Năm 2005-2006, bà đứng đầu Phong trào xã hội Salome Zurabishvili, rồi lãnh đạo Đảng Con đường Gruzia, và trở thành tổng thống năm 2018.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận