"Những người lịch sự" ở Crimea

MINH NHIÊN tổng hợp 27/04/2014 07:04 GMT+7

TTCT - “Thưa tổng thống, những người trẻ đó họ là ai?”. “Những người trẻ nào?”. “Những người lịch sự”, hay (như người Ukraine) còn gọi là “những người nhỏ xanh”. “...Sau lưng những lực lượng phòng vệ Crimea là các binh sĩ của chúng ta. Họ đã hành động rất đúng mực, kiên quyết và chuyên nghiệp”.

“Những người lịch sự” canh gác trong những ngày chuẩn bị trưng cầu ý dân ở Crimea 16-3 - Ảnh:KP

Đó là trích đoạn cuộc giao lưu trực tuyến của Tổng thống V. Putin với người dân ngày 17-4 tại Nga. Đây là câu trả lời công khai đầu tiên của ông V. Putin về “những người lịch sự” - những người bí ẩn che mặt, trang bị thiện chiến, cư xử hòa nhã góp phần giải quyết êm thắm cuộc chuyển giao Crimea vào Liên bang Nga cuối tháng 2-2014.

Suốt thời gian qua, giới truyền thông đã không ít lần đặt câu hỏi: “Những người lịch sự” là ai?

Xuất phát từ mạng xã hội

Chiến dịch Nga lấy lại Crimea không chỉ bất ngờ. Nó còn mang dấu ấn thời kỹ thuật số, khi một meme (*) xuất hiện trên mạng xã hội đi vào đời sống và trở thành một thuật ngữ đặc trưng của chiến dịch. Tra “những người lịch sự” trên Wiki tiếng Nga, người ta đọc thấy: “Đó là những người vũ trang không rõ nguồn gốc, không mang phiên hiệu để nhận dạng, có vẻ giống binh lính Nga.

Cuối tháng 2 đầu tháng 3, “những người lịch sự” này bất ngờ xuất hiện ở Crimea, đặc biệt là chỉ (xuất hiện) bên cạnh các đơn vị quân đội Ukraine, trong khi bỏ qua các đơn vị của hạm đội Biển Đen Nga. Họ lịch sự bảo vệ công việc của... thành phố, các sân bay và sự an toàn của một cuộc trưng cầu không kém lịch sự và thống nhất”.

Theo trang web này thì lần đầu tiên cụm từ xuất hiện trên blog của một cư dân mạng tường thuật diễn tiến tối 28-2 ở Crimea (colonelcassad.livejournal.com/1440088.html): “Khoảng 1 giờ đêm sân bay Simferopol (thủ phủ Crimea) bị chiếm bởi những người mang vũ khí mặc quân phục. Trưởng đội cảnh vệ (sân bay) kể những người này đề nghị người của ông ta hãy lịch sự ra đi”.

Từ mạng xã hội, “những người lịch sự” đi vào đời sống. Tổng thống Putin cũng có lần dùng cụm từ này. Ngày 21-3, trên kênh Russia Today khi được hỏi về một số nhân vật Nga bị phương Tây cấm vận, liệu có phải vì họ là bạn bè của ông hay vì họ có liên hệ với Crimea, ông V. Putin đã mỉa mai: “Nói thật thì đúng đấy. Đó chính là những người lịch sự mặc binh phục, ôm súng trước bụng... Tôi nghĩ tôi cần tránh xa họ ra” (www.ntv.ru/novosti/865179/).

Lần khác, được hỏi về những người bí ẩn này, ông chối: “Những binh sĩ không nhận dạng được đó không có liên hệ với quân đội Nga, đó là những đội tự vệ địa phương, còn binh phục thì mua ở cửa hàng nào chẳng có”. Tuy nhiên, đến cuộc đối thoại trực tiếp hôm 17-4, ông Putin đã ngả bài như trên.

Họ đã “lịch sự” vào Crimea ra sao?

Tờ Báo Mới của Nga dường như chỉ chờ sự thừa nhận này của tổng thống Nga để đăng bài điều tra “Những người lịch sự” trong số báo ra ngày 18-4-2014 (**). Bài báo dựa trên nhiều nguồn tin cậy nhưng giấu tên, cho biết: trước khi đưa quân vào Crimea, người Nga đã cân nhắc tính hợp pháp của quyết định. Họ dựa trên hai cơ sở pháp lý:

1) Lá phiếu của Hội đồng liên bang (tức Thượng viện Nga) cho phép tổng thống sử dụng quân đội ở nước ngoài, và 2) Thỏa thuận giữa hai nước Nga và Ukraine về việc binh sĩ Nga được phép đồn trú ở Crimea, với cơ số không quá 26.000 người.

Vì vậy, những binh sĩ Nga có mặt tại Crimea được Nga gọi là “nhóm binh sĩ có mặt tại Crimea theo thỏa thuận giữa hai nước” (đến cuối chiến dịch này, thỏa thuận trên vẫn không bị Kiev bác bỏ). Bằng cách này, họ loại trừ các cáo buộc cho rằng quân Nga “chiếm đóng” Crimea.

Tiếp đó, vẫn theo bài báo, trước chiến dịch, người Nga đã tìm hiểu kỹ thực lực quân sự Ukraine. Cơ số quân Ukraine đóng ở Crimea không quá 30.000 người. Theo đánh giá của phía Nga, hải quân Ukraine và bộ đội biên phòng nước này không có khả năng chiến đấu cao. Đa số các tàu chiến của Ukraine hoặc đang chờ ngừng hoạt động hoặc đã quá cũ.

Từ phía mình, các chuyên gia Mỹ và châu Âu nhận thấy trước khi “những người lịch sự” xuất hiện ở các tòa nhà hành chính Simferopol, không hề có tình trạng hoạt động nhộn nhịp trên sóng điện thoại. Dường như họ chỉ thông tin với nhau bằng liên lạc viên. Vì vậy chiến dịch bắt đầu từ ngày 27-2 hoàn toàn bất ngờ với tình báo nhiều nước.

Theo các điều khoản của Hiệp ước Montreux về chế độ đi lại của tàu thuyền qua eo biển Dardanelles và Bosphorus, các tàu chiến không thuộc các nước quanh biển Đen không được lưu lại đây quá 21 ngày. Tháng 2-2014, trong thời điểm Olympic Sochi, ở biển Đen có hai tàu chiến Mỹ: tàu chỉ huy Mount Whitney và tàu khu trục nhỏ Taylor.

Mount Whitney không vi phạm thời hạn 21 ngày, trong khi Taylor thì lưu lại quá hạn với lý do hỏng cánh quạt tại cảng Samsun của Thổ Nhĩ Kỳ trước khi tiến vào biển Đen. Người ta cho là chính Taylor có trang bị rađa cần thiết để do thám. Tuy nhiên Taylor đã không phát hiện gì đặc biệt.

Mặt khác, người Nga cũng không bỏ qua một thành phần quan trọng khác trên bán đảo Crimea: người Tatar Crimea, vốn cũng không thiện cảm lắm với người Nga do từng bị trục xuất hàng loạt khỏi Crimea thời Stalin. Đó là lý do có cuộc gặp của tổng thống Nga với các đại diện người Tatar Crimea tại Matxcơva cũng như với tổng thống Cộng hòa tự trị Tatarstan Rustam Minnikhanov những ngày cuối tháng 2.

Chiến dịch

4g20 sáng 27-2, 120 tay súng trang bị thiện chiến không phiên hiệu đã được bố trí quanh các tòa nhà nghị viện và chính phủ Crimea. Trên nóc các tòa nhà này giương cờ Nga, trong khi lối vào các tòa nhà được dựng rào chắn. Đêm 27 rạng sáng 28-2, những người vũ trang cũng bao vây hai sân bay Belbek và Simferopol.

Ở hai sân bay này, họ đóng cạnh các binh sĩ Bộ Nội vụ Ukraine nhưng hai bên không hề có va chạm nào. Đêm 1-3, theo lệnh từ Kiev, binh sĩ Ukraine đã cố chiếm tòa nhà Bộ Nội vụ Crimea, nhưng họ bị ngăn cản bởi các “nhóm tự vệ” được đặc nhiệm Nga yểm trợ. Đây là nỗ lực đầu tiên và cuối cùng của Ukraine ngăn chặn chiến dịch này.

Ngày 2-3, biên phòng Ukraine thông báo có 10 máy bay Mi-8 và Mi-24 vượt không phận Nga - Ukraine. Chiều cùng ngày, thêm năm máy bay vận tải IL-76 đáp xuống sân bay Gvadeiskoye (cách Simferopol 13km về phía bắc). Theo tờ Báo Mới, các máy bay này chở biệt kích dù từ Pskov, Tula và Uliyanovsk (Nga) đến tham gia chiến dịch. Các tính toán nói Nga đã đưa tới Ukraine khoảng 4.300 binh sĩ tham gia chiến dịch.

Lần lượt, “những người lịch sự” cùng các đội tự vệ phong tỏa các tòa nhà chính quyền, các trọng điểm hạ tầng rồi cơ sở quân sự Crimea. Trong đa số trường hợp, khi quân đội Ukraine không tự nguyện đầu hàng, “những người lịch sự” đã phong tỏa họ. Mục đích của “những người lịch sự” là thực hiện một cuộc tiếp quản không đổ máu, dù trong nội bộ các binh sĩ Ukraine, giằng xé đã xảy ra quanh quyết định “đầu hàng/không đầu hàng”…

Ngày 19-3, Sở chỉ huy hải quân Sevastopol của Ukraine bị đột kích, tư lệnh hải quân Sergei Gaiduk bị bắt. Tuy nhiên, sau khi Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu can thiệp, ông Gaiduk đã được thả. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Ukraine đã cho phép binh sĩ Ukraine ở Crimea được phép sử dụng vũ lực. Nhưng đã quá muộn. Chiến dịch đã chấm dứt. Trong vòng kiểm soát của Kiev chỉ còn vài điểm hậu cần không liên lạc được với nhau.

Theo đánh giá của Báo Mới, từng có khả năng một số đơn vị Ukraine ở Crimea nổ súng, nhưng do chiến thuật nhanh gọn và hành xử “lịch sự” của các binh sĩ Nga mà bạo lực đã không nổ ra. Mặt khác, nhiệm vụ của binh sĩ Nga trong giai đoạn đầu là chiếm giữ và phong tỏa những kho vũ khí.

Các nguồn tin kể đặc nhiệm Nga đã được giao canh gác những điểm khá lạ: nhà trẻ, trường mẫu giáo, như ở Alusta. Điều đó có nghĩa phía Nga còn tính trước khả năng bị bắt cóc con tin. Một thông tin thú vị: đội đặc nhiệm canh gác trước nhà trẻ Alusta còn được yêu cầu khóa nòng súng!

Lính thủy đánh bộ cận chiến với lính dù

Tình huống thú vị nhất trong diễn biến không đổ máu này là việc chiếm giữ trụ sở binh đoàn lính thủy đánh bộ Feodosian số 1 hải quân Ukraine do trung tá Dmitri Delyatitski chỉ huy. Đơn vị của ông là nơi cuối cùng giương cờ Ukraine trên bán đảo. Trước đó, hơn một nửa lính thủy đánh bộ Ukraine ở Crimea đã chuyển sang phía Nga, nhưng những người kiên cường nhất vẫn trụ lại dưới sự chỉ huy của ông.

Theo các đặc nhiệm Nga tiến vào trụ sở này, khi đó tại đây vẫn còn khoảng 80-120 quân trung thành với trung tá Delyatitski. Binh sĩ Nga đã phá cửa, ném lựu đạn sáng vào doanh trại, nhưng các binh sĩ Ukraine vẫn không đầu hàng. Một giải pháp tình thế tránh đổ máu được đưa ra: các chỉ huy quyết định hai bên tay không cận chiến.

Các binh sĩ Ukraine từ doanh trại lần lượt dàn quân thành cả bức tường. Phía đặc nhiệm Nga có 40 binh sĩ bước ra. Thật khó tưởng tượng một cảnh tượng yêng hùng hơn thế, khi hai bên tay không quần thảo nhau như trong lễ Maslenhitsa. Kết quả là trung tá Dmitri Delyatitskii và người phó của ông, thiếu tá Rosticlav Lomtev, những người tham gia cận chiến vòng đầu, đã được gửi tới trại giam với xương sườn bị gãy.

Ba ngày sau, trung tá Dmitri Delyatitski rời Crimea. Các sĩ quan tuyên thệ tận trung với Ukraine được trả về nhà, trong khi các binh lính quyết định tiếp tục phục vụ được đón trở lại doanh trại. Cứ bốn sĩ quan, binh lính thì có ba người về phía Crimea, trong đó có cả thiếu tá Lomtev. Có lẽ sẽ không thể có kết cục này nếu một phát súng nổ ra (một binh sĩ Ukraine tham gia cận chiến kể lại ở đây www.youtube.com/watch?v=gBGfAFZ3XP8).

Đến cuối ngày 20-3, sau khi ông Putin ký sắc lệnh công nhận vào hàng ngũ quân đội Nga các đơn vị trước là của Ukraine, binh lính, chỉ huy của 72 đơn vị quân đội, xí nghiệp và tàu chiến đồn trú ở Crimea đã chuyển sang quân đội Nga. Trận đột kích cuối vào cơ sở không quân sân bay Belbek hôm 22-3 đã được truyền hình trực tiếp, và trước mắt công chúng, “những người lịch sự” biến thành binh sĩ Nga!

(*): meme: một ý tưởng, hành vi hay một phong cách được lan truyền rất nhanh trên Internet. Thuật ngữ meme được tác giả Richard Dawkins tạo ra trong quyển sách The Selfish Gene xuất bản năm 1976 nhằm giải thích cách mà thông tin văn hóa truyền đi. (Wikipedia)

(**): www.novayagazeta.ru/inquests/63246.html.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận