Nobel hòa bình: Hi vọng nào cho hòa bình

CHIÊU VĂN 15/10/2016 20:10 GMT+7

TTCT - Vinh dự dành cho Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos thật ra đã làm chính không ít người dân Colombia ngạc nhiên, bởi họ vốn phản đối thỏa thuận hòa bình của ông Santos với nhóm du kích cánh tả FARC.

Từ trái sang: Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos, Chủ tịch Cuba Raul Castro và lãnh đạo FARC Rodrigo Lodono chụp ảnh ở Havana trong một phiên đàm phán hòa bình tháng 9-2015 -Reuters
Từ trái sang: Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos, Chủ tịch Cuba Raul Castro và lãnh đạo FARC Rodrigo Lodono chụp ảnh ở Havana trong một phiên đàm phán hòa bình tháng 9-2015 -Reuters

Có vẻ như chính ủy ban trao giải cũng coi đó là một động thái mang tính khích lệ hơn là vinh danh, nhằm góp chút công sức vào nỗ lực gian truân kết thúc cuộc xung đột đã kéo dài 52 năm ở Colombia.

Tôi nhận giải thưởng này... như một sự ủy nhiệm để nỗ lực hơn nữa vì hòa bình cho tất cả những người Colombia - ông Santos nói vào buổi sáng sau khi nhận giải - Tôi nhận giải này đại diện cho người dân Colombia, nhất là hàng triệu nạn nhân của cuộc xung đột hơn 50 năm qua”.

“Sự ủy nhiệm” mà ông Santos nói tới có thể so sánh với giải Nobel được trao cho Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông mới nhậm chức hồi năm 2008: một lời khích lệ rằng những nhân vật có quyền lực cần và có thể nỗ lực hơn nữa cho hòa bình, thay vì là một sự vinh danh thông thường.

Thành tựu bị chối bỏ

Hơn 220.000 người đã thiệt mạng và 6 triệu người mất nhà cửa trong những cuộc xung đột vũ trang suốt từ năm 1964 tới giờ.

Sau bốn năm đàm phán căng thẳng ở Havana (Cuba), chính quyền và FARC đã đạt được thỏa thuận cuối cùng vào tháng 8 vừa rồi, bản giao kèo mà Tổng thống Obama gọi là một “thành tựu lịch sử”. Nhưng rồi tiến trình đó lại lâm vào hỗn loạn vào đầu tháng 10 sau khi người dân Colombia bỏ phiếu phản đối thỏa ước trong một cuộc trưng cầu ý dân.

Ủy ban Nobel ở Na Uy nói họ hi vọng giải thưởng này sẽ khiến các đảng phái chính trị không vì kiếm phiếu mà chùn bước trên con đường hòa giải.

Có rủi ro thật sự là tiến trình hòa bình sẽ bị ngăn cản và nội chiến lại bùng phát - báo Anh Guardian dẫn lời chủ tịch ủy ban Kaci Kullmann Five - Việc đa số cử tri nói không với thỏa thuận hòa bình không có nghĩa là tiến trình đó đã chấm dứt. Cuộc trưng cầu ý dân không phải là bỏ phiếu ủng hộ hay chống lại hòa bình”.

Chính quyền và những nhóm phản đối thỏa thuận, do cựu tổng thống Álvaro Uribe đứng đầu, đã bắt đầu thảo luận về những thay đổi với bản giao kèo nhằm lưu tâm hơn các quan ngại của họ, then chốt là các điều khoản cho phép những lãnh đạo FARC bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh không bị bỏ tù và được quyền ra tranh cử.

Quan trọng là kết thúc chiến tranh

Tin tốt là FARC, dù nói “quyết tâm” với thỏa thuận ban đầu, cho biết họ sẵn sàng thảo luận những thay đổi. Sergio Jaramillo, ủy viên hòa bình của chính quyền Colombia, nói với Đài phát thanh RCN từ Havana rằng những chuyên gia đàm phán của hai bên hiểu kết quả của cuộc trưng cầu ý dân là: “Chúng tôi nghe thấy phía nói không, nhưng cũng cần nghe phía nói có”.

Cho tới giờ, hai phía vẫn cam kết sẽ tuân thủ lệnh ngừng bắn song phương đã có hiệu lực từ ngày 29-8 và tiếp tục các cơ chế giám sát lệnh ngừng bắn này thông qua các giám sát viên của Liên Hiệp Quốc, vì lẽ đơn giản súng ngừng nổ thì mới có thể nói chuyện tiếp.

Điều quan trọng nhất, rốt cuộc vẫn lại quay về các chính trị gia: liệu họ có chấp nhận hi sinh vốn chính trị và đồng ý với những nhượng bộ để có hòa bình?

César Rodríguez Garavito, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Dejusticia ở Colombia, nói: “Giải Nobel tỏa hào quang tích cực lên tiến trình (hòa bình). Nó không thể thay đổi kết quả cuộc trưng cầu ý dân, nhưng là lời nhắc nhở các đảng phái rằng điều quan trọng là kết thúc chiến tranh chứ không phải những tính toán chính trị”.

Ông Santos, 65 tuổi, là thành viên của một danh gia vọng tộc lâu đời ở Colombia vốn nắm trong tay quyền kiểm soát tờ báo đầy ảnh hưởng El Tiempo gần 100 năm qua.

Ông là kinh tế gia có bằng thạc sĩ về quản trị công ở Đại học Harvard, từng làm bộ trưởng thương mại, tài chính và quốc phòng dưới các thời tổng thống khác nhau. Chính trong cương vị bộ trưởng quốc phòng dưới quyền Uribe, ông Santos đã giám sát những chiến dịch lớn tấn công FARC.

Nhưng sau khi thể hiện lập trường cứng rắn trên chiến trường khi còn là bộ trưởng, ông Santos được bầu làm tổng thống năm 2010 và ngay lập tức mở đối thoại với FARC, dồn hết tâm sức chính trị của ông cho điều đó.

Tuy nhiên, trong khi được quốc tế ca ngợi, ông Santos lại rất không được lòng cử tri ở Colombia, với tỉ lệ ủng hộ đâu đó khoảng 25%, một phần vì tính cách có phần xa lạ với số đông quần chúng và nền kinh tế èo uột vì giá dầu giảm sâu.

Bà Ingrid Betancourt, cựu ứng viên tổng thống Colombia từng bị FARC bắt giữ làm con tin trong sáu năm, nói rằng các lãnh đạo FARC cũng nên được trao giải Nobel hòa bình.

Nhận xét của bà Betancourt tất nhiên không phải là hội chứng Thụy Điển, bà chỉ tin rằng giải thưởng sẽ là “sự khích lệ lớn” giúp FARC “tự họ thay đổi”. “Đúng, với tôi đó là một câu trả lời khó khăn, nhưng câu trả lời là có” - bà Betancourt nói khi được hỏi liệu những kẻ bắt cóc bà có xứng đáng chia sẻ giải Nobel với ông Santos không.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận