Nói dại mồm, nhưng nếu cháy bảo tàng thì cứu báu vật nào trước?

THỦY TIÊN 07/04/2022 22:05 GMT+7

TTCT - Một phòng trưng bày hoặc bảo tàng có thể chứa hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu đồ vật, nhưng một danh sách gồm chục món giá hàng triệu, hàng tỉ bảng Anh phải được giải cứu trong vài phút.

Thử hình dung điều này: Bạn là giám đốc một phòng tranh. Hồi 3h sáng, bạn bị đánh thức bởi một cú điện thoại kinh hoàng: phòng tranh bị cháy. Mỗi phòng trưng bày có khoảng 10 tác phẩm nghệ thuật, mỗi tác phẩm trị giá từ 1 đến hàng chục triệu USD.

William Knatchbull, trưởng bộ phận quản lý di sản của Sở Cứu hỏa London, nói với The Economist rằng, kể từ khi tiếng chuông báo cháy vang lên, chỉ có “vài phút” cho việc cứu lấy các tác phẩm này. Trong ngọn lửa đang bùng cháy, nhiệt độ tăng vùn vụt và thời gian vài phút thì không thể cứu tất cả. Đấy là thời khắc của lựa chọn.

Tới đây, ta bước vào thế giới của những danh mục nhức nhối. Bảo tàng Louvre ở Paris gọi đấy là “danh sách ưu tiên”, nơi khác gọi đấy là “danh sách cứu nạn” hoặc “danh sách chộp lấy”. Bất luận là cái tên nào, tóm lại đây là một danh sách những tài sản mà khi đụng chuyện tai ách (lửa bắt đầu bùng phát, nước lũ chuẩn bị tràn vào, sóng thần sắp quét qua, hay quả bom khủng bố đang tích tắc sắp nổ...) sẽ được cứu đầu tiên. Đấy là danh sách của phương cách cuối cùng.

Và chúng ngắn một cách đáng ngạc nhiên. Một phòng trưng bày hoặc bảo tàng có thể chứa hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu đồ vật (Bảo tàng Anh có “ít nhất” 8 triệu hiện vật). Knatchbull cho biết danh sách “chộp lấy” lý tưởng bao gồm “10 - 20 món”. 10 món giá hàng triệu, hàng tỉ bảng Anh phải được giải cứu trong vài phút.

Chẳng bảo tàng nào thích nói về chuyện này. Họ luôn cố gắng thể hiện sự chuyên nghiệp trong bảo vệ và giữ gìn các tài sản vô giá của mình, nên thứ danh sách chộp lấy mà cứu nọ nghe có vẻ hỗn loạn. 

Nhưng Bảo tàng Louvre - nơi luôn có 14 lính cứu hỏa túc trực - rốt cuộc cũng hé lộ rằng họ có danh sách ấy, thậm chí cho biết mỗi hạng mục (hội họa, tác phẩm điêu khắc, cổ vật Ai Cập, cổ vật Hy Lạp, văn minh Etruscan và La Mã, nghệ thuật Hồi giáo…) đều có danh mục ưu tiên riêng. Và sau cùng, họ cam đoan: Mona Lisa và Thần Vệ nữ nằm trong số những bảo vật đầu tiên được giải cứu.

Ai cũng biết việc thảo luận để đưa ra một danh mục ưu tiên cứu như vậy là đau đầu nhức óc cỡ nào. Những tranh luận về giá trị nghệ thuật với những người chủ bộ sưu tập và các giáo sư nghệ thuật, các giám tuyển… có thể kéo dài hàng thập niên không kết thúc nổi với một kết luận kiểu “Manet và Degas - ai có giá trị hơn ai?”. 

 
 Một gian trưng bày ở bảo tàng Louvre. Ảnh: Reuters

Tranh luận về giá trị của món đồ cũng hiểm hóc không kém. Các bảo tàng thường rất hiếm khi định giá cho những bảo vật của họ, phần vì nhiều món là vô giá, phần vì làm thế chỉ tổ thu hút bọn trộm, nhất là khi hầu hết các bảo tàng không có bảo hiểm.

Đôi khi trọng lượng của món đồ là vấn đề: Hòn đá Rosetta, chìa khóa để giải mã chữ tượng hình, nặng sương sương 3/4 tấn. Những bức tranh cao hơn 2 mét cũng sẽ khiến ít nhất 3 lính cứu hỏa vật lộn để đưa được nó ra khỏi cửa.

Nhưng ngọn lửa, thường bạo phát, khốc liệt và nhanh chóng kết thúc trong tro tàn, đã giúp họ rốt cuộc cũng phải đồng ý với nhau trên một danh mục giải cứu.

Ở Ham House - một điền trang cổ từ thế kỷ 17 ở Richmond, nam London, thuộc sở hữu của National Trust - thực hành ứng cứu được diễn ra thường xuyên, theo quy trình nghiêm ngặt chi tiết. Chuông báo động, cánh cổng lớn của điền trang mở ra, xe cứu hỏa lao vào. Những người lính cứu hỏa biết rõ mình phải chạy tới đâu đầu tiên: đi lên chín bậc thang, rẽ trái, và “nó” ở đó. 

Hannah Mawdsley, người chỉ huy những buổi thực hành ứng cứu đó, cho biết mỗi tòa nhà của National Trust có một danh sách cứu đồ ưu tiên. Họ đều đã chứng kiến những đám cháy tại nhà thờ Đức Bà, lâu đài Windsor hay những dinh thự cổ khác. “Mọi thứ đều cháy” - Tom Conlon, trưởng trạm cứu hỏa, bác bỏ ảo tưởng rằng một số tòa nhà là an toàn. 

Và như Alexander Kellner - giám đốc Bảo tàng Quốc gia Brazil, người vào tháng 9-2018 đã chứng kiến phần lớn bộ sưu tập 20 triệu hiện vật bị phá hủy trong đám cháy - đã rớm nước mắt mà nói: “Tôi không theo đạo, nhưng tôi sẽ cầu Chúa để điều này sẽ không xảy ra với ai. Vì một khi nó xảy ra thì không thể quay lại từ đầu. Một khi nó đã mất, nghĩa là nó vĩnh viễn mất”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận