TTCT - Những ân oán từ đầu nhiệm kỳ của tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 Donald Trump, thái độ trước dịch COVID-19, cuộc nổi loạn ngày 6-1 vừa qua, cho tới cảnh báo của FBI về những cuộc xuống đường có vũ trang khi ông Joe Biden nhậm chức, phải chăng tất cả đều là dấu chỉ về sự tàn lụi của “đế quốc Mỹ”? Ký ức trở về năm 1965 cùng bộ phim Ngày tàn của đế quốc La Mã, thuật lại chuyện hoàng đế - nhà hiền triết Marcus Aurelius định không truyền ngôi cho con ruột là Commodus khét tiếng là một kẻ hung bạo. Đấu đá chính trị sau đó bắt đầu cho sự sụp đổ của đế chế La Mã. Nước Mỹ nay cũng gần như thế, khi hai ông Trump và Biden cùng các môn hạ quyết đấu tới kỳ cùng.Ngày hôm nay còn không màng tớiThật vậy, nước Mỹ ngày đầu tuần này chìm lỉm trong đại dịch COVID với tổng cộng hơn 23 triệu ca nhiễm và hơn 380.000 người tử vong. Nhưng từ lâu rồi, có vẻ như những con số đó chỉ nhận được cái nhún vai quen thuộc “Who cares?” (Ai mà quan tâm?), mọi chuyện phó mặc cho các hãng bào chế vaccine! Ảnh: Pew Research CenterNói cho ngay, cách đây đúng 5 tháng, 11-8 năm ngoái, Bộ Y tế và dịch vụ con người Mỹ (HHS) có loan báo một ngân quỹ 1,5 tỉ đôla hỗ trợ sản xuất và cung cấp vaccine Moderna, đổi lại chính phủ sẽ nhận được 100 triệu liều và có thể mua thêm. Hôm 11-8 đó, Mỹ mới có hơn 5 triệu ca nhiễm và hơn 164.000 ca tử vong.Vấn đề ở chỗ, như kết luận của CNBC 31-12-2020 về đại dịch: “Tổng thống Donald Trump hầu như không thốt ra một lời nào về con số bi thảm của COVID-19. Thay vào đó, tổng thống dành cả tháng ám ảnh với tuyên bố vô căn cứ về một cuộc bầu cử bị đánh cắp, trì hoãn luật cứu trợ... và đả kích các thành viên trong đảng của mình”. Có phải do “nhất tướng công thành” mà “vạn cốt khô”?Vấn đề không chỉ là số người nhiễm và tử vong, mà là tại sao lại để những con số đó tăng tốc chóng mặt? Nước Mỹ chống dịch theo cấp tiểu bang, với trách nhiệm trực tiếp nơi các thống đốc, song vẫn có vai trò lĩnh xướng, chỉ đạo, điều phối tài nguyên, và nhất là thái độ của tổng tư lệnh ở Nhà Trắng. Người Pháp có câu “Đừng giỡn với ái tình!”. Năm 2020, toàn thế giới có thể nhái theo thành: “Đừng giỡn với COVID!”. Song những gì chính quyền Mỹ đang làm lại chính là “giỡn mặt COVID”, dẫn tới thái độ coi thường dịch nơi một bộ phận không nhỏ quần chúng theo phò tổng thống. Mới hôm 11-1 thôi, trên một chuyến bay từ Charlotte tới Washington DC, một hành khách đã nhất định không đeo khẩu trang như mọi người và luôn miệng la lối “chế độ độc tài”.Sự hun đúc tâm lý quần chúng đó, mà truyền thông dòng chính cho là toàn những dối trá, lặp đi lặp lại riết thành đức tin.Cuộc bầu cử cũng vậy.Trưa 6-1, ông Trump có bài phát biểu ở quảng trường Ellipse kế bên Nhà Trắng và Điện Capitol, chỉ ít phút trước cuộc nổi loạn. Không cần một ngôn ngữ lý luận cao cấp, mà vẫn là kiểu ăn nói bỗ bã đơn sơ, bông lơn càng tốt, ông tuyên bố: “Hôm nay tôi sẽ đưa ra bằng chứng chứng minh rằng chúng ta đã thắng cuộc bầu cử này và chúng ta đã thắng long trời lở đất. Đôi khi tôi nói đùa, nhưng về chuyện này thì không có đùa”. Ngôn ngữ đó chủ yếu xoay quanh hai đại từ chủ chốt là “chúng ta” và “bọn nó” - như một lằn ranh bằng xương bằng thịt giữa ông và những người chống đối. Mới thứ ba 12-1 vừa rồi, ở biên giới Mỹ - Mexico khi thăm bức tường chặn người nhập cư, ông Trump vẫn lặp lại hai đại từ này: “Bọn nó nói [bức tường này] không thể xây được, nhưng chúng ta đã xây xong, một trong những dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất trong lịch sử đất nước chúng ta”.Trong thâm sâu, đó là kiểu trị quốc “bá đạo”. “Bá đạo” ở đây có nghĩa hiện đại là ngang ngược, lạ lùng, nhưng cũng có cả nghĩa cổ điển là kiểu cai trị bằng thủ thuật, thứ hạ cấp nhất trong ba kiểu cai trị: đế đạo, vương đạo, và bá đạo, vốn được cả Thương Ưởng ở Tàu lẫn Machiavelli ở Ý nói tới khi giảng giải cho những nhà quân chủ thời họ về nghề “cầm cương chúng dân”. Trong cuốn sách nổi tiếng Quân vương (Il Principe, 1513), Machiavelli đề xướng: “Không gì gây tuyệt vọng cho bằng không tìm ra một lý do mới để hi vọng”. Điều thu hút quần chúng chính là hi vọng, kể cả hi vọng hoang đường. Ở Mỹ lúc này là hi vọng “đuổi cùng giết tận” đối thủ chính trị, ngay cả khi đã liên tiếp thua, hết keo này lại bày keo khác, hết tòa này sang tòa khác, cho tới tận ngày nhậm chức, và sau đó nữa - “30 chưa phải là tết”, nhưng mùng 1 cũng chưa phải là tết luôn!Machiavelli viết: “Hầu hết mọi người, bị thu hút bởi sự hấp dẫn của điều tốt đẹp giả tạo hoặc ảo ảnh vinh quang, đều để cho mình bị quyến rũ, một cách tự nguyện hoặc do thiếu hiểu biết, trước sự sáng chói dối trá của những người đáng khinh bỉ hơn là khen ngợi”. Tự cổ chí kim, theo Machiavelli, “những tên tuổi lớn xem thất bại là điều sỉ nhục, còn gian lận để giành chiến thắng thì không hề”. Hậu quả là cả một đạo quân quần chúng chỉ cho rằng phe mình đúng, ai khác đều sai. Điều gọi là sự chia rẽ, phân hóa ở Mỹ bắt nguồn từ tâm lý và thái độ này, lên đến đỉnh điểm là vụ chiếm trụ sở Quốc hội, quyền lực cao nhất quốc gia.Tự hủy diệt thanh danhDù ai là chủ mưu vụ tấn chiếm Đồi Capitol hôm 6-1, biến cố này đã hủy hoại hình ảnh và vai trò “lãnh đạo nền dân chủ” của Mỹ. Thanh danh gầy dựng hơn hai thế kỷ đã hoen ố rất nhiều chỉ sau một buổi chiều điên loạn.Thế giới lập tức phản ứng theo.Đầu tuần này, ngay cả đồng minh chí cốt của Tổng thống Trump là Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng đã thấy tới lúc phải chia tay “bạn hiền”: trên Twitter của mình trước giờ ông Netanyahu vẫn gắn tấm hình chụp với ông Trump trong Nhà Trắng, qua thứ ba 12-1, ông đã gỡ tấm hình này.Đồng minh thì vậy, đối thủ thì được dịp ồn ào “lên lớp” Hoa Kỳ. Hoàn Cầu Thời Báo 10-1 oang oang xã luận về nước Mỹ: “Liệu việc bịt mồm Trump [ý chỉ việc Twitter treo tài khoản của tổng thống Mỹ] có vi phạm nguyên tắc tự do ngôn luận? Cho dù tu chính án thứ nhất nói gì, việc Trump không thể bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội và mất quyền mà mọi người Mỹ bình thường được hưởng chắc chắn vi phạm nguyên tắc tự do ngôn luận từng được giới tinh hoa chính trị Hoa Kỳ hậu thuẫn. Cảnh tượng như trong phim Hollywood: các nghị sĩ Mỹ phải ẩn nấp ngay trong điện Capitol trước những kẻ bạo động. Ảnh: BuzzFeed“Tôi phản đối những gì anh nói, nhưng sẽ bảo vệ quyền được nói của anh cho đến chết” vẫn là điều mà Hoa Kỳ lên lớp thế giới, với tư cách là “ngọn hải đăng của tự do””! Tuy khó nghe, nhưng những lý lẽ trên Hoàn Cầu cũng khó phản bác, khi nước Mỹ đang tự hại mình: “Khi ông ta [Trump] nắm quyền, ông ta nói quái đản gì cũng không sao. Nhưng nay khi ông mất quyền lực, một số nền tảng truyền thông xã hội của Hoa Kỳ đã hè nhau tổ chức một cuộc “đàn áp”, điều này phản ánh bản chất chính trị của việc buộc ông im lặng”.Một đối thủ khác của Mỹ là Nga cũng cho thấy ý kiến qua trang tin Sputnik 8-1: “Phần lớn người Mỹ dựa trên các phương tiện truyền thông chính thống chính thức, vốn là cánh hẩu của Đảng Dân chủ, bộ máy kỹ trị và Phố Wall... Ý kiến và thậm chí hiểu biết về các “dữ kiện” trên thế giới của dân chúng đều là dựa trên những thông tin mà các hãng tin này mớm cho họ”.Nói cho ngay, cả hai phe đều có trách nhiệm trong sự phân hóa này của nước Mỹ. Phải nhắc rằng Đảng Dân chủ đã chẳng hề kêu gọi hòa hợp gì mới cách đây không lâu: họ khăng khăng đòi truất phế tổng thống đương nhiệm. 4 năm ròng rã điều tra tới lui, một cuộc “săn phù thủy”, theo lời ông Trump, cũng đã tiêu tán không biết bao nhiêu thời gian, tiền của và công sức, mà lẽ ra có thể dành cho việc chung. “Việc chung” cũng chính là từ nguyên của chữ “cộng hòa” (Republic, gốc Latin là res: việc, publica: chung).Đáp lại việc trở thành đối tượng của cuộc “săn phù thủy”, không có gì lạ khi ông Trump bắt đầu “nuôi âm binh”, những kẻ cánh hữu cực đoan, thành phần ưu sinh da trắng, và cả không ít dân lao động cảm thấy bị chèn ép đã quá lâu. Chia rẽ đã không ít lần bùng lên thành bạo lực trong năm 2020 - điển hình là những vụ đụng độ sau cái chết của người da màu George Floyd dưới tay cảnh sát da trắng ở Minneapolis: 73% người theo Đảng Dân chủ ủng hộ cuộc phản kháng sau đó, so với chỉ 27% bên phe Cộng hòa, theo fivethirtyeight.com. Sự phân hóa chính trị đó dẫn đến cao trào chiều 6-1. Và không ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra thứ tư tuần tới 20-1.■Hôm thứ ba 12-1, tại Reynosa-McAllen, Texas, ở biên giới Mexico - Hoa Kỳ, ông Trump trả lời về những đe dọa truất phế ông vẫn bằng lối dùng đại từ nhị nguyên, “chúng ta” và “bọn nó”: “Tu chính án thứ 25 không phải là rủi ro với tôi, nhưng sẽ ám ảnh chính Joe Biden và chính quyền của ông ta… Trò lừa bịp luận tội là phần tiếp theo của cuộc săn lùng phù thủy lớn nhất và độc ác nhất trong lịch sử đất nước chúng ta, và nó đang gây ra sự tức giận và chia rẽ và nỗi đau lớn lao - lớn hơn nhiều so với những gì mà hầu hết mọi người sẽ hiểu, điều này rất nguy hiểm đối với Hoa Kỳ”. Chỉ có điều, ông Trump dẫn đoàn tùy tùng đi xem bức tường biên giới khi sắp hết nhiệm kỳ, nhưng không rõ ông có thì giờ xem lại bức rào che chắn Điện Capitol lần đầu tiên trong lịch sử được dựng lên hay không? Tags: MỹDân chủDonald TrumpBầu cử MỹBạo động
Vì sao hàng ngàn người tập trung trước Nhà hát lớn Hà Nội khiến đường tắc từ sáng tới chiều? PHẠM TUẤN 24/11/2024 Từ sáng tới chiều 24-11, tại trước khu vực Nhà hát lớn Hà Nội hàng ngàn bạn trẻ tập trung gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng, vì sao?
Cách đi xe buýt đến ga metro ở TP.HCM CHÂU TUẤN 24/11/2024 Bạn đọc Tuổi Trẻ tiếp tục đặt câu hỏi về các tuyến xe buýt đến metro, có loại xe nào khác để kết nối và đi metro có thể đi đâu tiếp.
Sang nhượng suất đạp xích lô, chèo ghe ở Hội An giá 500-700 triệu đồng THÁI BÁ DŨNG 24/11/2024 Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô Hội An Phan Phước Tùng cho biết mỗi suất đạp xích lô ở Hội An có giá từ 500-700 triệu đồng nhưng đa phần bà con anh em họ hàng nhượng lại cho nhau để kiếm sống.
NÓNG: Hơn ngàn căn nhà cháy rụi ở thủ đô Manila KHÁNH QUỲNH 24/11/2024 Một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng đã xảy ra tại khu ổ chuột ở thủ đô Manila của Philippines ngày 24-11 khiến ít nhất 1.000 ngôi nhà bị thiêu rụi.