TTCT - Cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp Hong Kong 2016 chứa đựng trong nó tất cả những mâu thuẫn ngấm ngầm trong lòng xã hội này, kể từ sau những cuộc biểu tình do giới sinh viên dẫn dắt hai năm về trước. Nhiều người Hong Kong đang muốn có cuộc cải cách lớn nhất kể từ năm 1997. Chungking Mansion, địa bàn của người Ấn, hạn chế nhập cư cũng là một lợi thế của phe "ổn định". Ảnh: Đức Hoàng “Nước Trung Quốc là một” Bến cảng Sai Kung, Tây Tân Giới (Hong Kong) là một địa điểm ưa thích của khách du lịch: hải sản ở đây rất rẻ và được phục vụ trong những nhà hàng được chấm 4 đến 5 sao trên TripAdvisor, nằm ngay cạnh cảng cá. Một làng chài rất dễ chịu với những shop đồ lưu niệm nhỏ, các mái nhà thấp san sát, ít xe đi lại và những rặng núi phía xa. Hơn 400 đôla Hong Kong (hơn 1,1 triệu đồng) cho một bữa ăn hai người có cả tôm hùm và sò điệp. Trong một ngày mưa nặng hạt, khi bão Nida vừa đi qua Hong Kong, bạn vẫn nhìn thấy những bàn ăn kín khách bên bờ biển. Và ở đó, ngay cạnh cầu cảng Sai Kung, bạn sẽ thấy một chuỗi cờ Trung Quốc lớn bay phần phật trong gió. Không có một lá cờ hoa dương tử kinh nào của Hong Kong. Cờ Trung Quốc đã bay trên mảnh đất này từ năm 1997. Nhưng ở hầu hết các địa điểm, ví dụ như tại sân bay quốc tế Hong Kong hoặc trên nóc trụ sở các tòa nhà, người ta vẫn treo nó cạnh lá cờ riêng của Hong Kong, cờ hoa dương tử kinh, được treo thấp hơn hoặc nhỏ hơn một chút. Nhưng từ bến cảng Sai Kung, bạn sẽ chỉ nhìn thấy lá cờ của Bắc Kinh. Chúng giống với các apphich thương mại hơn là chính trị: ngồi xuống một bàn ăn bên gần cảng, ở nhà hàng Chuen Kee nổi tiếng nhất vùng, bạn sẽ thấy tất cả các bàn bên cạnh đang nói tiếng Hoa phổ thông - cho thấy các thực khách đến từ đại lục. Họ gọi nhiều món, vui thích nhặt những con tôm hùm lớn nhất trong bể lên để chụp ảnh. Đó luôn là nơi tập hợp khách du lịch quan trọng nhất thế giới trong hơn một thập kỷ nay. Và ở đó, vùng Tây Tân Giới cũng là nơi bùng phát xìcăngđan lớn nhất liên quan đến cuộc bầu cử hội đồng địa phương năm 2016 của Hong Kong. Edward Leung, chính trị gia đang chạy đua vào Hội đồng lập pháp Hong Kong, đã bị loại khỏi cuộc tranh cử một cách ồn ào. Lý do: chính quyền đặc khu không tin anh ta đủ trung thành với Bắc Kinh. Trong cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp Hong Kong năm 2016, lần đầu tiên các ứng viên sẽ phải ký một cam kết bày tỏ sự trung thành với Bắc Kinh. Bản cam kết đó khẳng định rằng ứng viên hiểu rằng Hong Kong là một phần không thể tách rời của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Bản cam kết này được đưa ra bởi có rất nhiều ứng viên đang kêu gọi độc lập cho Hong Kong. Theo Ủy ban bầu cử Hong Kong, bản cam kết này hoàn toàn phù hợp với Luật cơ bản của đặc khu - bộ luật có hiệu lực từ năm 1997 sau khi về với Trung Quốc. Có rất nhiều ứng viên từ chối ký vào bản cam kết này. Trong đó có các thủ lĩnh của phong trào sinh viên đã “Chiếm khu Trung Hoàn” cách đây hai năm. Edward Leung cũng là một thủ lĩnh của phong trào sinh viên. Nhưng chính trị gia 25 tuổi này đã ký vào bản cam kết đó để đảm bảo tư cách ứng viên của mình. Xìcăngđan chỉ diễn ra sau khi Edward Leung ký rồi nhưng vẫn bị loại. Ủy ban bầu cử căn cứ vào những gì anh từng nói hay thái độ chính trị trong quá khứ để khẳng định: mặc dù đã ký, nhưng họ không tin “Leung thành thật trong việc thay đổi thái độ về việc đòi độc lập”. Ủy ban nghi ngờ nếu trúng cử vào hội đồng lập pháp, ứng viên này sẽ vẫn tiếp tục vận động đòi độc lập cho Hong Kong. Có một điều thú vị là Edward Leung sinh ở Vũ Hán, tức là người đại lục. Anh chuyển đến Hong Kong theo mẹ khi lên 1 tuổi. Nhưng 24 năm sau, Edward lại muốn Hong Kong trở thành một vùng đất tự trị, thành lập một đảng chính trị mang tên Bản thổ dân chủ tiền tuyến (tức Mặt trận dân chủ địa phương) để theo đuổi mục tiêu chính trị đó. Có đầy đủ lý do để ủy ban bầu cử nghi ngờ Edward sẽ tiếp tục đấu tranh dù đã ký cam kết trung thành với Bắc Kinh: anh thậm chí từng bị bắt giữ trong một cuộc bạo động chống lại các lực lượng hành pháp đầu năm nay. Ngay giữa Tết Nguyên đán, trong một chiến dịch truy quét các hàng quán đường phố của cảnh sát Hong Kong, Edward Leung đã kêu gọi mọi người xuống đường biểu tình để bảo vệ tiểu thương bán hàng trên phố. Đó là một cuộc xung đột lớn với cả trăm người bị thương, bao gồm cả cảnh sát, phóng viên và dân thường. Ngay trong mùng 1, gần 50 cảnh sát đã nhập viện khi người dân sử dụng mọi thứ có thể chống lại họ. Edward Leung và 20 người trong Bản thổ dân chủ tiền tuyến bị bắt. Mặc dù lý do để đụng độ bùng phát là mâu thuẫn liên quan đến các quán hàng rong, nhưng những nhà phân tích tin rằng nguyên nhân sâu xa của việc người dân tràn xuống đường và đối đầu với cảnh sát vẫn là những mâu thuẫn chưa được giải quyết từ “Cách mạng dù” năm 2014. Nhiều người dân Hong Kong vẫn tin rằng chính quyền hiện tại đang không đại diện ý nguyện của họ, mà tuân theo chỉ đạo từ chính quyền trung ương Bắc Kinh và không thực thi đủ quyền tự chủ, tự trị của đặc khu. Trong hội đồng lập pháp hiện nay, 43 trong tổng số 70 ghế thuộc về các nhóm chính trị có xu hướng thân Bắc Kinh, hay theo một cách diễn đạt khác là những người đề cao sự ổn định. 27 ghế còn lại thuộc về các nhóm đề cao sự tự chủ của đặc khu. Và đã có 6 ứng viên bị loại ở cuộc bầu cử năm nay vì có quan điểm đòi độc lập. Cuộc bầu cử căng thẳng Ủy ban bầu cử Hong Kong, với quan điểm tuân thủ nguyên tắc “một nước Trung Quốc”, có lý do để nghi ngại những người như Edward Leung. Vì trên thực tế họ đã để “lọt” những ứng viên có quan điểm đòi độc lập vào danh sách bầu cử. Chan Chak-to là một người như vậy: mặc dù anh này đã ký bản cam kết khẳng định tôn trọng Luật cơ bản của Hong Kong, nhưng ngay sau khi danh sách bầu cử được chốt đã lập tức quay sang khẳng định quan điểm đòi độc lập bằng một luận điệu khá quyết liệt. “Không cần đến súng đạn, chỉ cần sự ủng hộ của người dân, Hong Kong có thể độc lập” - Chan Chak-to tuyên bố hồi tuần trước trong một buổi nói chuyện kéo dài hai tiếng trên kênh truyền hình RTHK. Anh ta đã tuyên bố luận điểm này trên Đài TVB hồi giữa tháng 8. “Chúng ta nhìn thấy rằng các giá trị cốt lõi của mình như dân chủ và pháp trị đang bị giẫm đạp. Ta phải vứt bỏ bất kỳ thứ gì liên quan đến chính sách này (ám chỉ chính sách một nước Trung Quốc) nếu muốn Hong Kong được độc lập” - Chan tuyên bố. Theo phân loại của tờ South China Morning Post, các ứng viên của cuộc bầu cử hội đồng lập pháp được chia làm năm loại: (1) những người ủng hộ độc lập cực đoan, (2) những người ủng hộ dân chủ (nhưng không đòi độc lập), (3) những người ủng hộ sự ổn định (hay là ủng hộ việc Hong Kong là một phần không thể tách rời của Trung Quốc), (4) những ứng viên trung lập, (5) các ứng viên độc lập chưa thể hiện quan điểm. Nhưng ngay cả trong những người đòi độc lập, được gọi là các “localist”, tạm dịch là theo đuổi chủ nghĩa bản địa, cũng lại tự phân loại. Một là những người muốn xé bỏ Luật cơ bản - thứ có thể coi là Hiến pháp của Hong Kong - một nền tảng luật khẳng định Hong Kong là một phần của Trung Quốc. Còn lại là những người ủng hộ quyền tự quyết của Hong Kong nhưng không đả động gì đến Luật cơ bản. Những người như Chan Chak-to tuyên bố mình là ứng viên “đích thực” cho sự tự chủ của Hong Kong và lên án những người còn mắc mứu với Luật cơ bản. Một cuộc bầu cử căng thẳng. Chỉ mới tuần trước, các nhà hoạt động đòi tách khỏi Trung Quốc đã đấu tranh để có một cuộc biểu tình hợp pháp ngay trước văn phòng trưởng đặc khu. Các thành viên ủy ban bầu cử nhận được thư đe dọa kèm vàng mã vì quyết định loại những người như Edward Leung. Rất khó tìm thấy một chiếc dù vàng trong một cửa hiệu tại khu Cửu Long thời điểm này, dù chúng là một mặt hàng thiết yếu tại Hong Kong (nơi có hệ thống giao thông công cộng thượng hạng và phần lớn dân số đi bộ ra khỏi nhà). Biểu tượng của phong trào “Chiếm khu Trung Hoàn” năm 2014 vẫn là một thứ có giá tại Hong Kong lúc này. Nếu bạn bung một chiếc dù vàng giữa phố khi trời không mưa, bạn sẽ trở thành tâm điểm của đám đông: tất cả mọi người sẽ dừng lại để ngước nhìn. Họ biết rằng đằng sau chiếc dù ấy là một thông điệp chống Bắc Kinh. Cuộc biểu tình năm 2014 đã chia rẽ sâu sắc đời sống xã hội và chính trị Hong Kong. Nhiều người trẻ, như Chan Chak-to và Edward Leung hay tiêu biểu hơn là Joshua Wong, tin rằng nếu không độc lập về mặt chính trị với Bắc Kinh, Hong Kong sẽ không thể theo đuổi các giá trị dân chủ của họ. Một số người khác muốn tìm kiếm sự ổn định: họ lên án các thủ lĩnh sinh viên đã làm xáo trộn đời sống xã hội và làm ảnh hưởng tới kinh tế Hong Kong bằng các cuộc biểu tình và đụng độ với cảnh sát. Hầu hết các đảng nghiêng về phía hợp tác với Bắc Kinh đều là các đảng có cương lĩnh tập trung cho phát triển kinh tế. Luận điểm của các đảng “ổn định” thuyết phục được không ít người Hong Kong, đặc biệt là khi vùng đất giàu có này đang chững lại về kinh tế. Trên tờ South China Morning Post (đã vào tay tỉ phú người Trung Quốc Jack Ma năm ngoái), bạn có thể đọc được nhiều bài xã luận có nội dung xoa dịu những người cực đoan. “Rất nhiều người Hong Kong vẫn đang trong cảnh khốn khó với những mối lo về điều kiện sống, mức lương và sức khỏe - tác giả Phil CW Chan viết - Các ứng viên cần hiểu rằng họ đại diện cho cử tri Hong Kong chứ không phải bản thân họ. Các nhà hoạt động đòi bản địa hóa đang thổi bùng ngọn lửa từ mọi phía. Họ thêm thắt vào sự bất tín với các nhân viên chính phủ, mô tả họ như những con rối của Bắc Kinh, kêu gào đòi độc lập và xúi giục mọi người rằng Bắc Kinh đang kiểm soát thành phố”. Cho đến lúc này, hai “phe” đang cạnh tranh quyết liệt trên từng con phố, từng bài báo và show truyền hình. Cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện với 1,8 triệu cử tri gần đây cho thấy Đảng Công dân (ủng hộ dân chủ ôn hòa) đang dẫn đầu, nhưng hai đảng xếp ngay phía sau với tỉ lệ không chênh lệch nhiều lại là các đảng ủng hộ sự chung sống ổn định với chính quyền Bắc Kinh. Xét tổng quan, phe “ổn định” chiếm 42,7% số người được thăm dò. Cuộc bầu cử sẽ diễn ra ngày 4-9, vì thế hứa hẹn là một trong những cuộc bầu cử kịch tính nhất lịch sử Hong Kong. Ngay từ bây giờ, công tác an ninh đã được thắt chặt tối đa. Tags: Bầu cử Hồng KôngHội đồng lập pháp Hong Kong 2016
Thành phố Huế chính thức trực thuộc trung ương TIẾN LONG 30/11/2024 Với số phiếu tán thành rất cao, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.
Tin tức thế giới 30-11: Ukraine chịu nhường đất cho Nga; Ông Kim ủng hộ sự đáp trả mạnh của Nga BÌNH AN 30/11/2024 Ông Zelensky thể hiện thay đổi đáng kể trong lập trường với Nga; Ông Kim Jong Un nói Nga cần buộc "các thế lực thù địch phải trả giá".
Vĩnh biệt nhạc sĩ Lã Văn Cường, lỡ hẹn với đêm nhạc mừng sinh nhật HOÀI PHƯƠNG 30/11/2024 Nhạc sĩ Lã Văn Cường - chủ nhân của những bản hit Có đôi khi, Lẻ loi, Vườn yêu, Tìm bóng, Ngón út trái tim… - ra đi mãi mãi, để lại niềm tiếc thương cho người hâm mộ.
Tạm giữ bốn vệ sĩ dẹp đường cho xe đám cưới ở Thanh Hóa TRÀ PHƯƠNG 29/11/2024 Công an tỉnh Thanh Hóa đã tạm giữ hình sự bốn nhân viên vệ sĩ phân luồng tại ngã tư để đoàn xe đám cưới đi qua.