LTS: Những diễn biến đáng lo ngại trên thế giới sau vụ tấn công tuần báo biếm Charlie Hebdo đã khiến không ít người đặt câu hỏi: Phương Tây cần phải làm gì? Từ Thụy Điển, tiến sĩ xã hội học Jan Oberg, giám đốc Quỹ nghiên cứu tương lai và hòa bình xuyên quốc gia, đã giới thiệu câu trả lời của ông. TTCT trích dịch. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maizière trong một cuộc gặp các phụ nữ Hồi giáo ở Berlin hồi tháng 6-2014. Chính phủ Đức là một trong những chính phủ châu Âu kêu gọi cân nhắc và bình tĩnh trong đối phó với các diễn biến sau vụ tấn công ở tòa soạn Charlie Hebdo - Ảnh: Spiegel Ngay sau vụ thảm sát tại tòa soạn Charlie Hebdo ngày 7-1, tôi tự hỏi liệu có phải đây là vụ tấn công nhắm vào quyền tự do ngôn luận, vào dân chủ, thậm chí vào cả nền văn hóa và lối sống phương Tây như đã được nói suốt vừa qua? Hay là nó giới hạn hơn, chỉ là một cuộc báo thù nhắm vào một trong những tuần san mà một số người cho là báng bổ? Tự do không phải là bổn phận Châm biếm là gì? Phải chăng đó là xiên xỏ, nhạo báng mọi người và mọi thứ - kể cả bản sắc của họ? Là vẽ trần truồng ai đó vốn thiêng liêng với kẻ khác? Châm biếm chính trị tốt (là khi) đá lên cao, vào những kẻ quyền lực, chứ không phải (đá) xuống, vào những cộng đồng thiểu số dễ tổn thương. Chắc chắn nó có thể khiêu khích và thách thức nhưng hoàn toàn không phải khiêu khích vì bản thân sự khiêu khích. Tôi nghĩ nhiều về điều đó khi xem những biếm họa khiếm nhã, chẳng mấy buồn cười của Charlie Hebdo, nhắm vào Hồi giáo nhiều hơn các tôn giáo khác. (Jan Oberg) Rồi tôi lại hỏi liệu có phải người ta đang thực hành quyền tự do tỏ bày ý kiến, hay thật ra đang cắt giảm nó vì nhiều nguyên nhân? Và quyền tự do đó thật sự là như thế nào ở phương Tây? Mới vài ngày trước, một báo cáo mang tên Global Chilling đã phát hiện tới 75% tác giả cho biết họ bị ảnh hưởng bởi việc NSA (Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ) nghe lén và đã tránh đề cập một số đối tượng hay quan điểm. (Tức họ đã) tự kiểm duyệt, nói một cách khác. Cuối cùng, chẳng phải nhiều lãnh đạo chính trị tuần hành ở Paris hôm 11-1 cũng kiểm soát chặt các phương tiện truyền thông, như lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập? Phải thừa nhận rằng tôi từng trải qua việc hạn chế quyền tự do đó khi làm việc với truyền thông phương Tây. Từ nhiều thập niên trước, tôi đã rút ra kết luận rằng những thứ như sự đúng đắn chính trị, quyền sở hữu, những cân nhắc thị trường, thương mại, nhu cầu của nhà báo có được quan hệ tốt với các (kẻ) quyền lực - chẳng hạn như để có được những bài phỏng vấn - cũng đóng một vai trò (hạn chế quyền tự do ngôn luận). Tôi từng ở những nơi xảy ra xung đột và khi về nhà đã thấy những tường thuật quá thiên vị để kể được, dù chỉ là chút ít, những gì tôi chứng kiến. Và gần đây chúng ta đã thấy nhiều trường hợp từ thế giới hàn lâm Mỹ, nơi đã xảy ra đàn áp đối với một số quan điểm nhất định, với các ấn bản, các khóa học và các giáo sư liên quan tới cuộc xung đột Israel - Palestine. Hoặc thử nhìn vào tỉ lệ giữa quỹ chính phủ chi cho các nghiên cứu hòa bình và nghiên cứu quân sự trong hầu hết các xã hội phương Tây, khi nghiên cứu miễn phí là một thành tố sống còn trong sự tự nhận thức của xã hội phương Tây. Và chúng ta có được bao nhiêu? Tự do không phải là bổn phận. Liệu tự do ngôn luận có thật sự 100% không cần đếm xỉa tới việc thực hành quyền tự do đó có thể gây tổn thương, làm nhục, xúc phạm hoặc phân biệt đối xử với các dân tộc, tín ngưỡng và văn hóa khác? Ngay cả khi bạn có thể bày tỏ ý kiến của mình một cách tự do thì không phải lúc nào đó cũng là điều nên làm. Tôi vẫn có thể tránh đưa ra nhận xét về tôn giáo hay niềm tin chính trị của ai đó nếu thấy không cần phải xúc phạm họ liên quan đến điều gì đó họ trân trọng, thậm chí là một phần bản sắc của họ. Mặc dù chắc chắn là tôi có quyền nói điều đó. Sử dụng một quyền đến tối đa không nhất thiết là điều khôn ngoan nhất hoặc chín chắn nhất để làm. Tôi rút ra sự khác biệt giữa các vấn đề động chạm đến bản sắc cá nhân - như tôn giáo, dân tộc, giới tính - và những vấn đề khác. Chẳng có gì vui vẻ hoặc khôn ngoan khi châm biếm những gì là (bản sắc) của một con người. Thay vào đó, ta nên hỏi về thời kinh khủng chúng ta đang sống: Điều gì đang xảy ra với những từ như đoàn kết, tôn trọng, cảm thông và với những giá trị của nhân loại? Không thể có quyền mà không có nghĩa vụ như Mohandas K. Gandhi từng bày tỏ. … Phương Tây, giống bất cứ nền văn hóa nào khác, có quyền trình bày và bảo vệ văn hóa của mình. Nhưng bất lợi của phương Tây là ở chỗ họ đã hành xử như thế nhiều thế kỷ qua trên thế giới và đặc biệt là từ sau năm 1945 tới mức mà những giá trị của họ được xem là độc đoán, bóc lột và bắt nạt, vô cảm một cách kiêu ngạo đối với những nền văn hóa khác. Trong khi đó, bản thân phương Tây sẽ không bao giờ chấp nhận một nền văn hóa khác tiến hành sự thống trị này. Một nền văn hóa giữa những nền văn hóa không thể - với kinh thánh và thanh kiếm trong tay - mong đợi được chấp nhận là (nó) tốt hơn hoặc (nó là) chung của tất cả. Nó nên chờ đợi rằng sớm hay muộn cũng sẽ bị phản đối, thách thức, thậm chí bị đấu tranh chống lại… Tất cả chúng ta đều là con người… Chúng ta cần một kiểu phản ứng mới - sự cân bằng giữa các biện pháp an ninh và đối thoại hòa giải. Bạn có thể không đồng tình với những điểm tôi nêu ở trên. Nhưng cân nhắc kỹ thì chỉ có một con đường phía trước - chúng ta phải đầu tư và tạo ra nhiều không gian cho giáo dục liên văn hóa, cho hiểu biết lẫn nhau, và có thể thậm chí cho sự thật, cho tiến trình hòa giải giữa châu Âu/phương Tây với thế giới Ả Rập/Hồi giáo, và Trung Đông nói riêng. Chúng ta cần những cuộc tranh luận gay gắt và cởi mở, nhưng không nên là khiêu khích... Chúng ta cần những phân tích tự phê ở mọi bên nhưng (cần) rất ít chiến tranh, can thiệp hay những kiểu bạo lực khác. Chúng ta cần một phương Tây biết lắng nghe và học hỏi chứ không chỉ biết dạy bảo và làm chủ. Và chúng ta cần thế vì lợi ích của chính mình. Tôi biết một số người có thể diễn giải quan điểm của tôi như là biết lỗi - kiểu như “ôi chúng ta đã nhận được những gì đáng nhận trong vụ tấn công ở Paris”. Không đơn giản là thế. Một vài kẻ tuyệt vọng, cực đoan với các khẩu Kalashnikov không thể được xem là đại diện cho một nền văn hóa, một tôn giáo hay 1,6 tỉ người mà 99,9% trong số này không thể bị xem là những kẻ cực đoan. Nhưng có một số cá nhân cảm thấy bị làm nhục trong lịch sử bởi vị trí tận đáy xã hội của họ, bồi thêm vào đó nỗi giận dữ, sự không cội rễ và không có quy tắc nào đã đưa họ đến những cơn bùng phát bạo lực. Cách duy nhất chúng ta có thể đạt được một cuộc đối thoại xây dựng là phải cởi mở nhìn vào phương Tây về dài hạn và vào lịch sử Trung Đông đương đại. Các nước NATO đang có chiến tranh hoặc xung đột sâu sắc với tất cả (các nước), ngoại trừ một vài nước như Israel, Saudi Arabia và Bahrain. Cả Mỹ lẫn NATO và EU đều không có được một ý tưởng bao quát, hợp lý về việc chúng ta muốn ở đâu trong khu vực này, vào năm, thí dụ như 2020 hay 2025. Không một ý tưởng nào. Chương trình nghị sự hiện nay là “chúng tôi giết những kẻ giết người bởi vì giết người là sai” và do đó chúng ta ném bom IS (nhà nước Hồi giáo), đánh những nhóm khủng bố mà chúng ta từng nuôi dưỡng và đi từ xử lý sai lầm này sang xử lý sai lầm khác. Để lại đằng sau những đất nước bị tàn phá như Iraq, Libya. Nếu phương Tây cần có một cương vị lãnh đạo nào trong thế giới tương lai, nó phải vượt qua một kỳ thi mang tên Trung Đông. Ngay cả khi bạn nghĩ mọi thứ mà Anh, Pháp, Ý và Mỹ từng làm đều tốt đẹp thì hãy chắc chắn một điều: nó không còn hữu hiệu nữa và sẽ không hữu hiệu trong tương lai. Cho nên: (Nói) không (với tình trạng) bài Hồi giáo và kỳ thị! Không khủng bố Hồi giáo và bài châu Âu. (Nói) có với tương lai của các quốc gia và các khu vực có những nền văn hóa pha trộn; có với sự cảm thông, tôn trọng; có với sự thừa nhận rằng qua giáo dục và đối thoại chúng ta sẽ giàu lên nhờ tôn vinh sự đa dạng thay cho chủ nghĩa dân tộc và các loại chủ nghĩa thiển cận khác. Còn nếu những người khác không đi theo con đường đó? Bạn cứ là người đi bước dũng cảm đầu tiên và chỉ ra rằng bạn không yếu kém. Đừng làm những việc tạo ra những con người thù hận, tổn thương và giận dữ - hãy thừa nhận rằng chỉ những cuộc chiến tranh theo kiểu thực dân đối xứng mới làm điều đó. Đừng phản chiếu nỗi lo sợ của họ! Đừng sử dụng họ như một cái cớ, bởi khi đó bạn sẽ nhập vào cuộc chơi của họ. Hãy bắt đầu chính trò chơi xây dựng hơn của bạn, khi đó bạn sẽ được hoan nghênh và có được người theo. Và vì thế, không, tôi không phải là Charlie. Tôi không thể. Thay vào đó tôi tin rằng cuối cùng thì tất cả chúng ta đều là con người. Khi tự do va chạm với bác ái Trong chương trình “Tư duy trong ngày” (trên BBC radio 4), tiến sĩ Sam Wells, mục sư ở nhà thờ St. Martin-in-the-fields (Westminster, London), lập luận rằng bọn khủng bố thực hiện tội ác của chúng để bảo vệ... nhà tiên tri Mohammed mà theo chúng đã bị sỉ vả một cách tổn thương nhất trong những biếm họa của Charlie Hebdo. Tuy nhiên, trong khi ý niệm tự do thiêng liêng với rất nhiều người, đó không phải là cái ta cần tôn thờ bằng bất cứ giá nào. Trong các phản ứng xảy ra sau vụ Charlie Hebdo, Sam Wells cho rằng tự do đã được nâng lên “như một thứ đức tin và thờ phụng như chúa trời”. Đề cập ba khẩu hiệu của nước Pháp là tự do, bình đẳng, bác ái (fraternité - cũng có nghĩa là tình huynh đệ), ông lập luận rằng phương châm về tự do nên kết hợp với phương châm bác ái vì đôi khi ý tưởng tự do va chạm với quan điểm tình huynh đệ... "Chúng ta không thể tự do chạy vào đám đông và nổ súng để bảo vệ tự do ngôn luận. Tương tự như thế, nếu việc thực hành tự do va chạm với tình huynh đệ... ít nhất ta phải có chút quan tâm đến quan điểm tình huynh đệ”. Theo Sam Wells, người ta không nên quên khẩu hiệu thứ ba, cảm xúc của người cùng đất nước. Thách thức không phải là có tự do ngôn luận hay không mà là cách thực hiện quyền này sao cho tăng thêm tình yêu và cho phép chúng ta sống cùng nhau. (Trích bài viết của tiến sĩ Phương Đông học Farhang Jahanpour của Đại học Cambridge, “In-defense-of-freedom-of-expression” ) Tags: Charlie HebdoKì thi mang tên Trung đông
Đấu giá đất ngoại thành Hà Nội: Trả tới 30 tỉ/m² rồi xin rút vì 'sợ quá', công an vào cuộc PHẠM TUẤN 29/11/2024 Tại phiên đấu giá 58 thửa đất ngoại thành Hà Nội, nhóm này trả giá 30 tỉ đồng/m2 rồi xin rút vì 'sợ quá'. Công an huyện Sóc Sơn đang vào cuộc.
Tạm giữ bốn vệ sĩ dẹp đường cho xe đám cưới ở Thanh Hóa TRÀ PHƯƠNG 29/11/2024 Công an tỉnh Thanh Hóa đã tạm giữ hình sự bốn nhân viên vệ sĩ phân luồng tại ngã tư để đoàn xe đám cưới đi qua.
Black Friday chỉ thực sự sôi động buổi tối, người bán lo không đủ doanh số NHẬT XUÂN 29/11/2024 Dù hàng loạt cửa hàng tung ra chương trình khuyến mãi lớn dịp Black Friday nhưng nhu cầu mua sắm dịp này chủ yếu nhộn nhịp vào buổi tối. Với lượng khách thiếu cân đối, nhiều cửa hàng lo không đạt doanh số đề ra.
Tổng thống Pháp nói 'choáng ngợp' khi thăm nhà thờ Đức Bà Paris sau phục dựng NGỌC ĐỨC 29/11/2024 Tổng thống Pháp lần đầu đến thăm nhà thờ Đức Bà Paris sau phục dựng, chỉ một tuần trước khi di tích này mở cửa cho khách tham quan trở lại.