TTCT - Khi SVĐ Hàng Đẫy, sân nhà của các CLB V-League và hạng nhất của Hà Nội, nhiều năm nay luôn trống vắng với chỉ vài chục khán giả, những sân “phủi” (tiếng lóng chỉ một dạng bóng đá phong trào) lại đông hơn bao giờ hết vì người xem cho rằng chỉ có “phủi” mới đá thật. Phóng to Các CLB tham dự HPL-S1 tại Hà Nội - Ảnh: Quang Minh Những ngày này, bóng đá “phủi” Hà Nội đang sôi sục với giải Hanoi Premier League Season 1 (HPL-S1) rất hấp dẫn lần đầu tiên được tổ chức theo thể thức League (thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm). Giải khởi đầu cho hệ thống các giải League phong trào phân thành nhiều hạng đấu tại Hà Nội rồi sau đó mở rộng khắp cả nước. Tham gia giải có 12 đội bóng hay nhất của giới “phủi” Hà Nội gồm Trà Dilmah, FC Top Group, FC Thăng Long, FC Thành Đồng, FC MV Corp, FC Triều Khúc, FC Hanel, FC Cường Quốc, FC Coca, FC An Dương, FC SHB và FC Xuân Đỉnh. Ngôi sao V-League cũng đá “phủi” HPL-S1 được tổ chức từ ngày 5-5 đến 21-7 trên sân cỏ nhân tạo và thi đấu theo luật bóng đá bảy người. Mỗi đội tham dự đóng 10 triệu đồng (trong đó 5,5 triệu đồng là lệ phí dự giải, còn lại là tiền đặt cược trong trường hợp phạm lỗi). Phần thưởng cho nhà vô địch là 20 triệu đồng, 10 triệu đồng cho đội về nhì và 5 triệu đồng cho đội đứng thứ ba. Mười hai đội thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm xếp hạng. Mười đội có thứ hạng cao nhất sẽ được tham dự giải HPL-S2, hai đội xếp chót sẽ phải xuống thi đấu tại giải hạng nhất Hà Nội trong mùa kế tiếp. Sân Hàng Đẫy ngày càng vắng CĐV không có nghĩa là phong trào bóng đá Hà Nội đang đi xuống. SVĐ trung tâm CLB bóng đá Hà Nội tại Mỹ Đình những chiều chủ nhật luôn chật cứng khán giả. Dù người đến xem chủ yếu là dân chơi bóng đá nghiệp dư và các đội bóng “phủi”, nhưng nó phản ánh được sức sống của môn thể thao vua. Đưa con trai đến xem vòng đấu thứ hai HPL-S1, anh Nguyễn Minh Dũng (Mỹ Đình) cho biết rất thích thú với lối chơi tốc độ và kỹ thuật của các cầu thủ đá “phủi”. Là người yêu bóng đá và tham gia nhiều giải bóng đá phong trào ở cơ quan, anh Dũng cho rằng những giải đấu chất lượng như HPL-S1 rất được giới yêu bóng đá phong trào say mê. Nhiều người hâm mộ ngạc nhiên khi thỉnh thoảng bắt gặp những ngôi sao hoặc cựu ngôi sao bóng đá chuyên nghiệp tại giải HPL-S1. Những cái tên như Thành Lương (đang khoác áo Hà Nội T&T) thi đấu cho FC Hanel, cựu tuyển thủ quốc gia Đặng Phương Nam thi đấu cho FC Cường Quốc, cựu tuyển thủ Tuấn Thành thi đấu cho FC Thăng Long, trợ lý HLV đội tuyển futsal VN Ngọc Anh thi đấu cho Trà Dilmah, cựu đội trưởng đội tuyển futsal VN Tuấn Tú là HLV trưởng cho FC Top Group... Thậm chí Nghiêm Xuân Tú (FC Cường Quốc) vừa mới ghi bàn tại giải HPL-S1 cũng xuất hiện trong đội hình Thanh Hóa tại vòng 9 V-League ngày 11-5, ghi bàn giúp đội chủ nhà thắng SLNA 2-1. Trò chuyện với TTCT, Thành Lương cho biết không phải bây giờ anh mới tham gia đá “phủi”: “Từ khi còn tập cho đội trẻ ACB trước đây, lúc nào rảnh tôi đều ra sân phủi đá cho vui. Sân phủi anh em đá rất thoải mái, hết mình mà lại không có chuyện nọ chuyện kia. Khi rảnh rỗi, việc đá phủi cũng giúp rèn luyện thể lực bởi giới phủi đá rất tốc độ, kỹ thuật. FC Hanel hầu hết là các anh người Hà Tây đồng hương nên tôi đã chơi cùng với họ nhiều năm rồi”. Không có bóng dáng tiêu cực Đó là khẳng định của hầu hết giới chơi “phủi”. Cựu đội trưởng đội tuyển futsal VN Tuấn Tú cho biết từ ngày rời đội futsal là anh lao vào các sân “phủi”. Bóng đá “phủi” đem đến cho anh công việc thật ngoài đời (nhân viên Công ty Xổ số Hà Nội) và thỏa niềm đam mê với bóng đá chân chính. Tuấn Tú giải thích: “Hằng năm giới phủi có hàng trăm giải đấu với hàng ngàn CLB khác nhau và gần như thi đấu quanh năm suốt tháng. Với những CLB phủi ở tốp đầu, mỗi năm cũng có 5-6 giải uy tín, tùy tính chất công việc mà các đội có thể bố trí thời gian tham dự giải nào đó mình thích. Những người chơi phủi hầu hết đều có công ăn việc làm ở các công ty, tham gia đá bóng chỉ là đam mê lúc rảnh. Tất nhiên sân phủi hay sân chuyên nghiệp đều có thể có những va chạm, mâu thuẫn, nhưng đá trên sân phủi thì kết quả phản ánh đúng trình độ đội bóng. Sân phủi không có chỗ cho tiêu cực, dàn xếp tỉ số kiểu bóng đá chuyên nghiệp hiện nay”. Trong nhiều năm qua, FC Trà Dilmah, FC MV Corp (tập hợp những người Nghệ An tại Hà Nội) là những CLB “phủi” được đánh giá cao nhất, số còn lại tham dự HPL-S1 đều có trình độ “một chín một mười” nên các trận đấu diễn ra rất quyết liệt. Trước đây từng là cầu thủ đội trẻ ACB, Hoàng Anh Gia Lai, anh Linh - biệt danh Linh “cười” - đang thi đấu cho FC MV Corp và rất nổi tiếng trong giới “phủi” Hà Nội. Anh nói: “Bóng đá chuyên nghiệp đôi khi người ta không thể tin vào kết quả trận đấu, khán giả đến sân ít vì điều này diễn ra nhiều năm nay rồi. Nhiều đội bóng ngay tại Hà Nội mà không có cầu thủ Hà Nội nên CĐV Hà Nội không đến sân cổ vũ. Màu cờ sắc áo của các đội bóng cũng vì thế mà nhạt nhòa. Những người chơi phủi như chúng tôi lại càng không đến sân để xem các CLB đá ở giải chuyên nghiệp”. Nhà tài trợ vẫn tìm đến Thời gian gần đây nhiều đơn vị đứng ra tổ chức giải cho người chơi bóng đá phong trào. Có thể kể ra các giải như 6V6, Larue Cup... Dù dành cho giới “phủi”, nhưng các giải đều được tổ chức bài bản, hấp dẫn và có nhà tài trợ hẳn hoi. Cuối tháng 4-2013, dân “phủi” Hà Nội rất vui mừng khi lần đầu tiên một giải “phủi” như HPL-S1 được tổ chức chuyên nghiệp, thậm chí họp báo tại khách sạn năm sao Hilton. HPL-S1 có nhiều nhà tài trợ như Canon, Vinamilk, Adidas, Thiên Minh, Tập đoàn T&T... Nhà báo Dương Thanh Liêm, phó giám đốc Công ty CP bóng đá Việt (Vietfootball) - đơn vị tổ chức HPL-S1, chia sẻ lý do tổ chức giải: “Đầu tiên và quan trọng nhất để chúng tôi thành lập công ty là đam mê và mong muốn được dấn thân. Chúng tôi cũng có con em và nhiều năm nay bức bối trước thực trạng trẻ em không có sân chơi, tuổi thơ với những năm cấp I, cấp II có quá ít dấu ấn ngoài thời gian ngồi ghế nhà trường. Con trai HLV thủ môn đội tuyển quốc gia Quách Ngọc Minh học lớp 6 Trường Trưng Vương thích đá bóng, lớp có 27 bạn trai thì cả 27 bạn thích đá bóng. Thế nhưng không ai tổ chức, không có sân chơi dù cô giáo chủ nhiệm, ban phụ huynh mong muốn. Thế nên chúng tôi cho ra đời Vietfootball với mục tiêu góp phần xây dựng sân chơi phong trào và sân chơi cho học sinh. Chưa ai làm thì chúng tôi làm. Các nhà tài trợ cũng đồng hành mà không yêu cầu quảng bá, không đòi hỏi bất cứ quyền lợi nào. Đây là cách chúng tôi định nghĩa khái niệm xã hội hóa thể thao”. Tags: Bóng đáBóng đá phong tràoBóng đá phủi
Tin thế giới 27-11: Israel và Hezbollah ngừng bắn; Nga tiến nhanh, tiến mạnh trên đất Ukraine THANH HIỀN 27/11/2024 Mỹ, Pháp môi giới thành công thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah; Nga kiểm soát thêm 235 km2 ở Ukraine trong tuần qua.
Tin tức sáng 27-11: Đề nghị thiết kế chỉ tiêu lợi nhuận Vietlott thấp hơn xổ số miền Nam 500 tỉ đồng TUỔI TRẺ ONLINE 27/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Vinhomes tiết lộ giá thương vụ lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam; BIM Group có chủ tịch mới; Một công ty chứng khoán bị phạt nặng...
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục TTXVN 26/11/2024 Công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp sẽ được nghỉ từ 25-1 đến 2-2-2025 (26 tháng chạp đến hết mùng 5 tháng giêng).
Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh lạc hậu: Chờ đến năm 2027, người nộp thuế kiệt quệ rồi THÀNH CHUNG 27/11/2024 Mức giảm trừ gia cảnh đã quá lạc hậu, cần phải được điều chỉnh ngay cho phù hợp với thực tế cuộc sống.