Sách và cha và...

NGỌC VINH 28/03/2004 03:03 GMT+7

TTCN - Ông là người gửi nhiều sách nhất đến hội thi “những cuốn sách vàng” lần 2 (55 cuốn) và chiếm đến 4 giải - dù đây là lần đầu tiên ông tham dự...

Phóng to
Linh mục Nguyễn Hữu Triết

Gian phòng nhỏ của ông nằm nép sau lưng nhà thờ Tân Sa Châu (đường Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình, TP.HCM) chứa đầy đồ cổ và... sách. Những quyển sách cổ được ông để riêng trong những chiếc tủ kính ngay mặt tiền gian phòng, còn các loại sách xuất bản mới đây thì nằm ở vị trí khiêm tốn hơn: sau lưng vách ngăn căn phòng!

Những bộ bàn ghế bằng gõ đỏ cũng... cổ với tuổi đời gần 100 năm. Trước gian phòng là một chiếc xe ngựa cổ và một chiếc xe bò... đang sắp cổ mà ông mua để sưu tập. Sau chiếc xe bò là một bệ linga bằng đá khá to...

Trong số sách dự thi của ông có nhiều cuốn có tuổi đời trên 100 năm. Cuốn sách đoạt giải nhất của ông xuất bản năm 1872. Ông đã mua được quyển sách này cách đây ba năm qua sự giới thiệu của một người quen biết với giá khoảng 1 triệu đồng. Cuốn sách mà ông hi vọng nhất lại không được giải (do có một sô trang bị hư hỏng) dù nó do chính một nhà xuất bản VN tại Quảng Nam in tận đầu thế kỷ 18 (năm 1719). Đây là một sách giáo khoa, (có thể) là quyển từ điển Hán Nôm đầu tiên của nước ta mà ông sưu tầm được cũng do tình cờ.

Quyển Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du do Duy Minh Thị trùng san khắc in năm Tân Mão (1891) theo bản in năm Nhâm Thân (1872) ở Quảng Đông, Trung Quốc và do nhà Thiên Bảo lâu tổng phát hành (1891). Người được giải 1
là linh mục Nguyễn Hữu Triết

Có những cuốn sách quí mà ông sưu tầm được là từ... những gánh ve chai. Hiện trong căn phòng ông còn một số thùng sách Hán Nôm cổ mà người quen của ông mua lại từ những gánh đồng nát. Là một linh mục nhưng ông không chỉ sưu tầm “sách đời” như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên (bản in 1883), Đào Nương ca (bản in 1931)... mà cả kinh Phật (Ngự chế lục tổ pháp bảo đàn kinh tựa, bản tiếng Hán in năm 1805). Vì sao ư? Đồ cổ đối với ông “là một quyển lịch sử sống” và “đã là sách quí thì không phân biệt sách đạo và sách đời”. Ông tham gia hội thi “những cuốn sách vàng” vì nó là một “sự kiện văn hóa” và vì ông muốn góp mặt với xã hội.

Ông bảo giữ gìn sách cổ chính là góp phần bảo tồn kho tàng văn hóa của dân tộc (kho tàng này đã bị hao hụt do thiên tai, chiến cuộc, do ngoại nhân và sự thờ ơ của người trong nước), là hành động tôn vinh các bậc tiền bối, tri ân và ngưỡng mộ các ngài và công việc này còn khuyến khích các nhà văn đương đại viết ra những cuốn sách để đời.

Trong diễn từ nhận giải của ông có đoạn: “Cuộc thi sách vàng nhằm cổ vũ cho nền văn hóa đọc (dường như) đang bị lấn át bởi nền văn hóa nghe nhìn. Thông qua những cuốn sách quí hiếm được nâng niu gìn giữ qua nhiều đời, cuộc thi gieo vào lòng bạn đọc sự say mê đối với sách”. Rồi ông đề xuất ngành văn hóa hình thành một câu lạc bộ những người yêu sách để làm điểm giao lưu cho những người sưu tập.

Năm nay 59 tuổi, ông có 32 năm làm linh mục kể từ lúc được thụ phong. Đi tu từ nhỏ và được giáo dục tốt trong hệ thống trường dòng của Sài Gòn nên ông gắn liền cuộc đời mình với sách dù mới chỉ thật sự trở thành người “chơi” sách cổ 10 năm lại đây. Thâm niên chơi đồ cổ của ông thì lâu hơn (20 năm).

Ông bảo có lẽ tình yêu sách trong ông có nhiều nhưng chưa đậm nên ông đến với chuyện sưu tập sách có phần hơi muộn màng. Bên cạnh quá nhiều việc phải làm của một cha chánh xứ với 5.000 giáo dân trong giáo xứ Tân Sa Châu, sách giờ đây đã là nỗi đam mê của ông bởi sách quí vừa như người bạn thân, vừa như người thầy gần gũi mà mình muốn được cố vấn lúc nào cũng được và lúc nào cũng sáng suốt. Giữ gìn và tôn trọng sách là một cách giữ gìn và tôn trọng văn hóa.

Bà Hồ Thị Hoàng Anh: giải nhất lần II với quyển Annam - Tonkin

Phóng to
“Đây là một quyển sách quí thuộc bộ sưu tập của cụ Vương Hồng Sển. Nhưng nhân duyên quyển sách này với nhà tôi lại liên quan đến một món đồ cổ: chiếc tô của bà thái hậu Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức). Chiếc tô này do chính tay bà thái hậu Từ Dũ trao lại cho phụ thân. Sau, nó lưu lạc đến Sài Gòn, một người ở Gò Vấp mua được với giá 2.000 đồng, và anh Sơn chồng tôi mua lại.

Vào năm 1988, cụ Sển thấy và rất thích chiếc tô này. Còn anh Sơn rất thích tập sách Annam - Tonkin của cụ. Thế là cụ Sển gạ đổi quyển sách lấy chiếc tô. Thời đó giá trị chiếc tô cổ hơn rất nhiều giá trị tập sách cổ. Nhưng tôi biết đây là tư liệu quí, có cả hình đám tang của bà Từ Dũ mà tôi chưa thấy ở nơi nào có. Thế là đổi, nhưng sau đó thì người nào cũng thấy tiếc món đồ mình đã đem đi đổi, nên hai người vẫn thường xuyên qua lại nhà để thăm lại món đồ của mình.

Tôi đem quyển sách này đi dự thi vì muốn chia sẻ với công chúng một bản sách cổ, một tư liệu quí về hình ảnh nước ta một thời”.

Gs. Ts Nguyễn Tiến Hữu - giải nhì với quyển từ điển Latin - Việt Nam tựa đề Dictionarium Latino - Anamiticum

Phóng to

“Tôi có hơn 40 năm sống ở châu Âu, kể từ khi sang Pháp học vào năm 1960. Trong một buổi đi dạo trên đường phố Paris ở khu chợ trời bán sách cách nay 20 năm, tôi đã mua được quyển từ điển này. Rất mừng, vì lúc ấy tôi dạy tiếng Việt và văn hóa Việt cho các trường đại học ở Đức, cần loại từ điển này. Tôi cũng từng mang quyển từ điển này triển lãm trong các hội sách ở Đức, nói thật là cũng muốn khoe với người Đức rằng có một quyển từ điển Latin - Việt Nam như thế này ra đời từ thế kỷ 19. Trong 20 năm kể từ khi có quyển sách này, tôi đã chuyển chỗ ở qua các nước Pháp, Đức, Bỉ, Ý, Tây Ban Nha. Đi đâu tôi cũng mang nó theo”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận