Sáu Rõ

LƯ THẾ NHÃ 24/09/2006 18:09 GMT+7

TTCT - Ông thứ sáu, tên là Lê Văn Rõ, bà con trong làng thích gọi ông bằng cái tên “ông Sáu từ thiện” bởi nhiều năm nay ông góp công, góp của cất 60 căn nhà tình thương cho người nghèo...

Phóng to
Ông Sáu Rõ trước căn nhà lá của gia đình
TTCT - Ông thứ sáu, tên là Lê Văn Rõ, bà con trong làng thích gọi ông bằng cái tên “ông Sáu từ thiện” bởi nhiều năm nay ông góp công, góp của cất 60 căn nhà tình thương cho người nghèo...

Lần đầu đến thăm ông ở ấp Tích Đức (xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày, Bến Tre) thấy trước mắt là một căn nhà cây lá xiêu vẹo, tôi buột miệng hỏi ông Sáu Rõ: “Căn nhà này cũ quá rồi sao không sửa lại?”. Ông trả lời tỉnh khô: “Nhà mình còn ở được, nhiều bà con nhà còn mục hơn, có người ở đậu gần nửa đời người chưa cất được cái nhà bằng cây lá”.

Có sống trong cảnh nghèo mới thương cái thiếu khó của người đồng cảnh. Những năm 1997-1998 gia đình ông nghèo lắm, đến nỗi mua chịu gạo, thực phẩm ở quán, lâu ngày không có tiền trả họ không bán nữa. Không có thức ăn, vợ chồng Sáu Rõ xuống sông xúc tép cá.

Có tép cá rồi nhưng gạo trong nhà không còn một hột, nhìn mấy đứa con húp canh rau mà ông không cầm được nước mắt. Những năm thiếu khó ấy các con của ông không được học hành. Bây giờ với nghề thợ mộc vá ghe, cuộc sống gia đình ông đã tạm ổn.

Phóng to

Dựng nhà tình thương

Việc làm nhà cho người nghèo của ông bắt đầu từ nghề thợ mộc. Một lần (năm 2001) đến xã An Thới, Mỏ Cày dựng nhà, ông được người dân địa phương điềm chỉ một người quá khó khăn, không có một mái nhà, mỗi khi trời mưa chui vào cái tủ cây, xoay vách lưng về hướng mưa tránh ướt (tủ không còn cánh cửa, chỉ còn nóc tủ và vách lưng).

Con người khốn khổ đó là ông Nguyễn Văn Thặng, mù một mắt và cụt một cánh tay bởi trục máy ép đường cán dập nát. Chứng kiến cảnh nghèo khó của ông Thặng, ông Sáu Rõ về vận động bà con quê mình người ít cây, ít lá và thuê ghe chở đến dựng cho người có hoàn cảnh đặc biệt này mái lá che mưa nắng.

Sau lần cất nhà đó, bà con nghĩ ông có lòng thương người, đến xin ông giúp cho cái nhà mà gia đình họ không thể lo nổi. Người nghèo thì nhiều, không thể giúp cùng một lúc, nên ông đến từng nhà tìm hiểu từng hoàn cảnh, gia đình nào đặc biệt khó khăn thì giúp trước. Vật liệu để làm nhà cũng đơn giản, chỉ “cây nhà lá vườn”: bạch đàn, mù u, dừa...

Phóng to

Đóng giường cho hộ nghèo

Và để có vật liệu làm nhà, ông đã bỏ ra nhiều thời gian đi vận động những gia đình khá trong và ngoài xã xin cây, lá đưa về trại mộc vá ghe của mình và cùng bạn nghề trong làng cưa xẻ làm thành khung nhà. Còn mái nhà, đó là phần việc do vợ ông (bà Trần Thị Út) lo. Bà cùng các chị phụ nữ trong xóm chằm giúp. Mỗi khi có thợ đến phụ như vậy, vợ chồng ông đều lo cơm nước cho họ.

Nhà tình thương ông làm tặng gia đình nghèo thường là nhà một căn, chiều ngang 4m, dài 6m, trị giá mỗi căn 2,5-3 triệu đồng. Với gia đình có từ năm người trở lên, ông làm nhà kích cỡ 6x6m. Với trường hợp quá nghèo, ông đóng cho thêm cái giường, cái bàn, cái ghế, như trường hợp gia đình bà Ngô Thị Nhi ở ấp Tích Khánh, xã Khánh Thạnh Tân mà tôi được ông mời dự đám dựng nhà hôm 11-9-2006 vừa qua. Hoàn cảnh bà Nhi quá khó khăn, gia đình nghèo, có ba mẹ con ở đậu hơn nửa đời người chưa cất nổi nhà riêng.

Gặp người cần giúp đỡ ngay như trường hợp chị Phạm Thị Bé Sáu (ở xã Hưng Khánh Trung, huyện Chợ Lách, năm 2004 nhà bị lốc xoáy đổ sập) đang chịu cảnh màn trời chiếu đất, ông năn nỉ người chị họ cho mượn hai chỉ vàng mua cây lá dựng ngay căn nhà cho gia đình bị thiên tai. Sau đó dành dụm tiền làm công vá ghe trả dần, đến ba tháng sau ông Sáu Rõ mới trả đủ hai chỉ vàng. Qua sự việc này ông trở nên lo xa: luôn chuẩn bị sẵn trong nhà một khung nhà tình thương, dành khi gặp hoàn cảnh bức xúc, nhà người nghèo bị thiên tai, hỏa hoạn là có để giúp ngay. Ông tâm sự: “Lúc nào trong nhà có sẵn một bộ nhà là tôi an tâm như còn 100 giạ lúa”.

Phóng to

Cầu rạch Ngọn Từng

Làm nhà tình thương cũng có lúc vui buồn. Do tiếng lành đồn xa, nhiều người và địa phương khác trong huyện nghĩ ông giàu có mới tặng nhà tình thương nên gửi rất nhiều đơn nhờ ông giúp đỡ. Lẫn trong những lá đơn của người nghèo thật sự cũng có một vài trường hợp lầm tưởng ông tặng nhà tình thương là nhà tường trị giá 15-20 triệu. Vì vậy khi ông đến tìm hiểu hoàn cảnh nhiều người và cho biết chỉ làm nhà tình thương bằng cây lá, họ không nhận... Ông Sáu nói: “Mình khả năng đâu lo nổi nhà tường...”.

Ngoài lo nhà tình thương cho gia đình nghèo, ông còn tìm thuốc nam tặng người bệnh. Ông có “mối” quen lương y ở Hội Chữ thập đỏ huyện Tân Châu, Phú Tân, Chợ Mới... (tỉnh An Giang, Đồng Tháp) sẵn lòng tặng thuốc nam cho người bệnh. Những người bạn ấy chỉ yêu cầu ông mang đến những cây thuốc có ở Bến Tre như: cây quau, lá cách, ô rô, lá sa kê, trái mù u... họ sẽ trao đổi thuốc đã hốt thành thang. Ông nói: “Đi tìm cây thuốc, rồi thuê ghe chở lên Đồng Tháp khá vất vả mà dọc đường còn bị cảnh sát giao thông thủy hỏi thăm bằng lái ghe, nhưng nghĩ tới bà con nghèo bệnh, mình không thấy việc ấy là nhọc nhằn”.

Tuy được huyện, tỉnh tặng nhiều giấy khen, bằng khen, nhưng ông vẫn hay nói: “Nếu không có những nhà hảo tâm và bạn nghề trong làng cùng chung sức, bản thân tôi đâu thể lo được ngần ấy cái nhà”. Những người chung sức mà ông hay nhắc đến là vợ chồng ông Ba Hát ở ấp Vĩnh Trị, xã Khánh Thạnh Tân có vườn cây bạch đàn cao chót vót, khi ông ngỏ ý xin cây làm nhà tình thương, vợ chồng ông Ba Hát không chỉ cho một mà cho cây đủ làm đến 10 khung nhà.

Rồi ông Huỳnh Văn Phước - thường gọi là Sáu Rớt - ở ấp Rạch Vọp, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, nghe tiếng ông Sáu Rõ tặng nhà tình thương nên tìm đến hỗ trợ, khi là cây gỗ, khi là tiền mặt. Ngoài hỗ trợ tiền của, khi biết người nghèo ở đâu cần giúp đỡ cho cái nhà che mưa tránh nắng, ông Sáu Rớt mời ông Sáu Rõ sang cùng đi cất nhà. Những khi như vậy, dù xa xôi ông vẫn khăn gói đến ngay. Với ông Sáu Rõ, người nghèo ở đâu cũng khổ chứ đâu chỉ bà con ở xứ mình.

Bên cạnh những nhà hảo tâm, mạnh thường quân, ông còn có những bạn nghề cùng chung sức với ông bào, đục, cưa xẻ... và dựng nhà. Những bạn nghề này thấy ông thật lòng lo cho người nghèo, họ rủ thêm bạn bè, con em cùng chung sức với ông ngày càng đông và có đủ ngành nghề: thợ mộc, thợ hồ, thợ lợp nhà... Và họ đã kết nhau lại thành “Hội từ thiện dân lập” có đến 20 thành viên. Hội này không chỉ làm nhà tình thương mà còn làm cầu đường. Khi có công trình, dù khó khăn, mất nhiều thời gian họ vẫn xông vào làm mà không tính toán thiệt hơn.

50 tuổi đời, cuộc sống gia đình chưa dư dả nhưng ông Sáu Rõ đã nói chắc như đinh đóng cột: “Bao giờ đi trên đường không còn thấy người nghèo khó, khi ấy tôi mới dành nhiều thời gian lo cho gia đình mình...”.

Sư Như Chơn (bà Thái Thị Kiều), trụ trì chùa Vĩnh Bửu ở ấp Vĩnh Trị, xã Khánh Thạnh Tân, là người tài trợ cho xã làm nhiều cầu bêtông nối liền các đường liên ấp, liên xã, có nhận xét về ông Sáu Rõ:

“Giao vốn cho Sáu Rõ rất an tâm vì ông ấy thật thà và tận tình với công việc. Khi tôi ngỏ ý cấp vốn làm cầu bêtông bắc qua rạch Ngọn Từng, nhiều người nói phải 30 triệu đồng trở lên mới làm được, nhưng ông Sáu Rõ cam kết sẽ làm cây cầu đó (dài 23m, ngang 1,8m) chỉ 21.962.000 đồng, các phiếu mua vật liệu đều được ông Sáu công khai. Những hôm làm cầu tôi có xuống xem, thấy ông Sáu và những người cùng làm với ông rất nhiệt tình. Ban đêm, ông Sáu mình trần cùng thợ lội bì bõm dưới nước đổ bêtông trụ cầu. Cầu được làm rất chất lượng”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận