TTCT - Từ TP Điện Biên Phủ đến xã Na Ư (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) không phải là quãng đường quá dài, chỉ ngót chừng 40 cây số và cũng không quá khó đi. Nhưng nếu gọi taxi đến Na Ư thì chẳng tài xế nào muốn chở: Phức tạp lắm, lỡ vạ lây thì chết! Bản Na Ư nhìn từ trên núi - Ảnh: Hoàng ĐiệpNỗi lo của nhiều tài xế taxi và xe ôm ngoài thành phố đã nói lên phần nào những áp lực tinh thần mà các “kỹ sư tâm hồn” ở Na Ư phải gánh chịu khi lần đầu đặt chân đến đây công tác. Tuy nhiên, tại Trường tiểu học bán trú Na Ư, người gắn bó lâu nhất với trẻ là 19 năm, người gắn bó ít nhất là bốn năm. Và cũng bởi đặc thù riêng của Na Ư, những “kỹ sư tâm hồn” ở đây không chỉ là thầy cô mà còn là cha mẹ nuôi nấng, chăm sóc và dạy dỗ các em.Học sinh đặc biệtNa Ư là xã đặc thù biên giới, lại là điểm nóng về ma túy của Điện Biên hàng chục năm nay, thầy hiệu trưởng Vũ Văn Đảo cho biết: “Toàn trường tiểu học có 210 học sinh thì có đến 83 cháu có cha mẹ hoặc người thân liên quan đến ma túy, trong đó hơn 40 cháu có cha hoặc mẹ bị đi tù vì vận chuyển chất cấm”. Bởi vậy, dù không có chức năng nội trú, nhưng một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn vẫn được đến trường và ở lại.Ngày 20-5, Trường tiểu học bán trú Na Ư tổ chức cuộc thi học sinh giỏi môn mỹ thuật vòng hai. 15 học sinh được chọn trong tổng số hơn 200 học sinh của cả trường đang miệt mài bên những hộp sáp màu và giấy A3. Ly Thị Vàng (học sinh lớp 2) cũng mê mải đưa tay theo những vệt màu trên giấy.Một bức tranh phong cảnh quê hương dần hiện ra sau những nét bút: là màu xanh của đồng cỏ, ruộng lúa; là mái trường còn hồng tươi màu ngói; là con suối trong có hàng tre già rủ bóng... Một cuộc sống yên bình và tĩnh lặng hiển hiện giống hệt bản Na Ư nhìn từ đỉnh đèo.Cũng giống nhiều gương mặt trẻ em người Mông khác với đôi mắt một mí và làn da rám nắng, cô bé Ly Thị Vàng có mái tóc thật mượt được kẹp gọn sau gáy. Chiều thứ sáu, các bạn cùng ở nội trú sẽ được cha mẹ hoặc anh chị đón về, trong khi Vàng ở lại trường. “Cả bố và mẹ cháu đều bị bắt vì vận chuyển ma túy, giờ cháu ở luôn trong trường với cô” - thầy hiệu trưởng Vũ Văn Đảo ngậm ngùi nói sau khi ra khỏi khu vực phòng thi.Ly Thị Vàng, cô bé ốm nhách và gầy nhẳng khi bắt đầu đi học giờ đã phổng phao hơn nhiều. Bố bị bắt trước khi Vàng được sinh ra. Vàng là con út trong gia đình rất đông anh chị em. Chị gái lớn của Vàng đã đi lấy chồng, còn các anh chị em khác đều đã nghỉ học. “Vàng học rất giỏi, lớp trưởng đấy” - cô chủ nhiệm Nguyễn Thị Đào khoe.Cô Viềng chuẩn bị bữa ăn trưa cho các em - Ảnh: Hoàng ĐiệpĐang buổi học vừa sau cái tết người Mông thì một người anh chạy đến trường kéo Vàng ra khỏi lớp vì mẹ bị công an bắt do vận chuyển ma túy. Vàng chạy ra khỏi lớp, chạy theo chiếc xe chở mẹ. Không khóc nhưng gương mặt thì đỏ bừng. Cái xe chở mẹ đi rồi, em cũng không quay về lớp học nữa và gục mặt xuống gối khóc.Hai ngày sau, Vàng cũng không đến trường. Cô chủ nhiệm Đào, rồi cô quản nội trú Ngô Thị Viềng tìm đến nhà mà cô bé cũng vẫn cứ khóc vậy.Cô Viềng nói mãi: “Về trường ở với cô, cô giặt quần áo và tắm cho”. Cô bé vẫn khóc. Nhưng rồi em bảo: “Các cô cứ về trường đi, bao giờ hết buồn, bớt nhớ mẹ thì con sẽ đi học lại”.Và đúng như đã nói, hai tuần sau Vàng trở lại trường với bọc quần áo và toàn bộ sách vở trên tay: “Con ở lại luôn trong trường với cô có được không?”. Cô Viềng gật đầu. Dù Vàng nghỉ học hai tuần liền, cô Đào vẫn chưa tìm người thay thế chức lớp trưởng của em. Mà làm gì có em nào học giỏi và xứng đáng làm lớp trưởng hơn Vàng? “Mấy hôm đầu ngủ với cô giáo Vàng khóc nhiều lắm, rồi dần dần có nhiều bạn, cháu cũng nguôi ngoai đi và tập trung vào việc học” - cô Đào nói.Cùng hoàn cảnh của Vàng là cô bé Sùng Thị Si (học lớp 1). Bố mẹ Si bị bắt cùng ngày với mẹ của Vàng. Đón các em về, những ngày đầu cô cho ngủ chung với cô, nấu cho các em ăn, giặt quần áo, các thầy cô cho sách và bút. Dần dần hai đứa trẻ nguôi ngoai nỗi nhớ bố mẹ. “Những đêm cháu nóng sốt, trong giấc mơ vẫn thường gọi mẹ và nước mắt chảy đẫm gối” - cô Viềng nói.Hay những buổi chiều chạng vạng, khi tiếng con cuốc cuốc và con chim bìm bịp râm ran cũng là lúc các em nhớ mẹ nhất. Nhưng không em nào khóc lâu, bởi sợ cô buồn.Tối đến, mỗi đứa một bên rúc vào nách cô, cố kềm lại những tiếng khóc. Tiếng khóc bị kềm giữa tiếng nấc như tiếng chim non chiêm chiếp, hoang hoải giữa rừng già. Thật khuya, cô dậy soạn giáo án. Hai đứa trẻ rúc đầu vào nhau ngủ như cố tìm chút hơi ấm mà mẹ các em mang đi chưa xa.Ly Thị Vàng trong giờ thi vẽ - Ảnh: Hoàng ĐiệpXâu măng cho cô giáoChỉ qua một khoảng sân nhỏ và một vườn hoa xinh xắn đủ màu sắc là khu nội trú. “Đều là do các học sinh trồng” - thầy Đảo tự hào khoe. Trong gian bếp hừng hực lửa, cô Viềng đang rán đậu và nấu canh phục vụ bữa trưa cho cả thầy trò. Bên cạnh, Si tay cầm xâu măng cuối vụ mà người bác đi nương bẻ được mang vào trường cho cô giáo.Trong suốt 34 năm gắn bó với trường nội trú, đã có 10 năm cô Viềng bám trụ ở bản Na Ư. Việc bà con đi nương mang cho mớ rau, con cá hay xâu thịt biếu cô giáo không còn là chuyện lạ.Nói về lựa chọn và gắn bó của mình đối với những đứa trẻ tóc loe hoe vàng và đôi má chín đỏ như trái bồ quân, cô Viềng tâm sự: “Trước đây tôi công tác ở trường dân tộc và nội trú ở Điện Biên Đông nên biết nhiều tiếng các dân tộc thiểu số. Khi tôi đến Na Ư thì ở đây đang là điểm nóng về ma túy mà không có nhiều thầy cô giáo tự nguyện đi, dù phụ cấp ở khu vực này cao hơn nhiều so với những nơi khác”.Khi đến với Na Ư, không chỉ là thông thạo tiếng, phong tục của người Mông mà cô Viềng còn có hàng chục học sinh đã có con cháu. “Như gặp lại người quen thôi. Mình đã dạy cha mẹ, thậm chí cả ông bà các cháu. Thế nên việc vận động đi học rất dễ dàng” - cô khẳng định.Phụ trách công tác nội trú của trường, cô Viềng dường như bận rộn hơn rất nhiều bởi ngoài chuyện lo cơm nước ngày ba bữa cho các học sinh lớn, cô còn phải tắm rửa, giặt giũ cho các học sinh bé. Si và Vàng bé nhất trường nội trú, lại thiệt thòi hơn các bạn bởi thiếu hơi ấm của bố mẹ. Thế nên, bao giờ Si và Vàng cũng được ưu tiên hơn: những ngày đầu thì hai em ngủ với cô, buổi tối cô thủ thỉ kể chuyện dưới xuôi, chuyện học hành trong các trường dân tộc nội trú, chuyện tấm gương những học sinh người Mông của Na Ư đã đậu đại học rồi trở thành thầy cô giáo.Học sinh Trường tiểu học bán trú Na Ư - Ảnh: Hoàng ĐiệpMà chẳng riêng gì cô Viềng, 26 giáo viên khác đang dạy học ở Na Ư đều chăm sóc các học sinh như thế. “Vậy nên các cháu quý thầy cô lắm, người Mông có nhiều phong tục tập quán và kiêng cữ, nhưng đối với các thầy cô giáo thì đều được ưu tiên” - thầy hiệu trưởng nói.Bữa chúng tôi đến, dù mới chớm vào hè nhưng những trận gió Lào đã ràn rạt thổi tới khiến không khí càng thêm nóng bức. Những đứa trẻ của sáu lớp nội trú trong khi chờ các cô chuẩn bị bữa đã “tót” ra cây đào góc trường để rình bắt mấy con chim vừa ra ràng.“Nhanh về nào, xếp cơm ăn nào” - cô Viềng vừa lấy khăn mướt mải lau mồ hôi trên mặt, vừa chạy ra góc vườn gọi mấy cậu bé về rửa mặt bên chiếc giếng giữa vườn hoa sân trường. Đám trẻ ríu rít chạy về phòng ăn, bày những đĩa đậu phụ trắng lên bàn. Đứa lớn giúp cô lấy cơm vào tô, đứa bé giúp cô mang bát đũa.Người Mông có câu: “Rãnh nhà ai nhà ấy đào”. Thế nên, dù đây là điểm nóng với 95% số hộ dân có liên quan đến ma túy, việc học của các em vẫn được đảm bảo: không có em nào phải bỏ học như những năm trước đây. Hơn hết, trong mái Trường tiểu học bán trú Na Ư, các học sinh được dạy dỗ và chăm sóc như nhau. Chẳng có gì khác biệt!Có rau ăn rau, có cá ăn cáĐây là chuyện thường ngày trong bữa cơm của các em học sinh Trường tiểu học bán trú Na Ư và các thầy cô giáo. Mỗi em được hỗ trợ 70.000 đồng/tháng. Nhưng là xã đặc biệt giáp biên giới nên các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh vẫn hỗ trợ thêm. Tuy nhiên, do nguồn hỗ trợ không ổn định nên các thầy cô trong trường đóng góp thêm.“Thường thì mỗi tháng chúng tôi góp mỗi người khoảng 200.000 đồng để bữa ăn của các cháu không quá đạm bạc” - thầy Mạc Văn Úc giải thích. Tags: Biên giớiPhóng sựHọc sinh đặc biệtNa Ư
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục TTXVN 26/11/2024 Công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp sẽ được nghỉ từ 25-1 đến 2-2-2025 (26 tháng chạp đến hết mùng 5 tháng giêng).
Hot TikToker Thu Nhi đóng cửa thương hiệu thời trang Meo vì 'bán ế quá' NHẬT XUÂN 26/11/2024 Hot TikToker Thu Nhi - Eat Clean Hồng thông báo đóng cửa thương hiệu thời trang Meo, khiến nhiều người hâm mộ tiếc nuối.
Ông Lê Đức Thọ, Đỗ Thắng Hải xin lỗi Đảng và nhân dân TUYẾT MAI 26/11/2024 Chiều 26-11, phiên tòa xét xử 15 bị cáo trong vụ sai phạm tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan kết thúc tranh luận.
Nga tấn công UAV lớn chưa từng có vào Ukraine THANH HIỀN 26/11/2024 Ukraine cáo buộc Nga phóng 188 thiết bị bay không người lái (UAV) vào nước này trong đêm, gây ra thiệt hại nặng nề với lưới điện ở thành phố Ternopil.