TTCT - Chính quyền Mỹ của tổng thống Joe Biden đã quyết định bật đèn xanh cho Ukraine dùng tên lửa tầm xa bắn vào lãnh thổ Nga, khi chỉ còn hơn một tháng nữa là họ chuyển giao lại cho tổng thống đắc cử Donald Trump. Đêm thứ ba 19-11, Ukraine đã tấn công vùng biên giới Bryansk của Nga lần đầu tiên bằng sáu tên lửa tầm xa ATACMS, Bộ Quốc phòng Nga loan báo. Biến cố xảy ra chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden "bật đèn xanh" cho Kiev sử dụng tên lửa tầm xa tấn công lãnh thổ Nga, vào những ngày cuối cùng ông còn trong Nhà Trắng, và ngay khi Thượng đỉnh G20 đang diễn ra ở Brazil. Ông Biden đang làm những gì còn có thể cho ông Zelensky? Ảnh: AFP"Thực tế là nhiều [tên lửa tầm xa] ATACMS đã được sử dụng đêm qua nhắm vào vùng Bryansk cho thấy họ [tức phương Tây] muốn leo thang… Họ [tức Ukraine] không thể sử dụng tên lửa công nghệ cao này nếu không có người Mỹ… [Tổng thống Nga Vladimir] Putin đã nhiều lần nói như vậy", Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov phát biểu tại cuộc họp báo sau khi tham gia hội nghị thượng đỉnh G20, nơi quy tụ 20 nền kinh tế lớn của thế giới, gồm cả Mỹ lẫn Nga.Vụ tấn công đầu tiên bằng ATACMSThông tấn xã Tass của Nga dẫn Bộ Quốc phòng nước này cho biết vào đêm 19-11, Ukraine đã tấn công vùng giáp biên giới Bryansk bằng sáu tên lửa ATACMS. Năm trong số đó bị hệ thống phòng thủ tên lửa Pantsir và S-400 của Nga bắn hạ, còn một cái khác bị hư hại. Các tên lửa rơi xuống khuôn viên một cơ sở quân sự ở vùng Bryansk, gây ra hỏa hoạn và được dập tắt ngay lập tức. Không có ai bị thương và không có thiệt hại nào được báo cáo. Hãng tin Reuters cho biết thêm chi tiết về thời điểm vụ tấn công: "Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine đã bắn sáu tên lửa đạn đạo vào một cơ sở ở Bryansk lúc 3h25 sáng giờ địa phương hôm thứ ba, và tên lửa ATACMS đã được sử dụng".Trong khi đó, hãng tin Ukrinform của Ukraine loan tin: "Vào đêm 19-11, các đơn vị của lực lượng vũ trang Ukraine, phối hợp với các thành phần khác của lực lượng phòng vệ, đã thực hiện một cuộc tấn công vào kho vũ khí của trung tâm hậu cần 1046 gần thành phố Karachev, vùng Bryansk của Liên bang Nga". Ukrinform bình luận ngắn kiểu "hạ quyết tâm" động viên tinh thần dân chúng và binh sĩ ở thời điểm ngày thứ 1.000 của cuộc chiến: "Việc phá hủy các kho đạn dược của quân đội Nga chiếm đóng nhằm ngăn chặn hành động của Nga chống lại Ukraine sẽ được tiếp tục".Từ Kiev, Ukrinform nói chi tiết hơn: "Ukraine lần đầu tiên khai hỏa nhiều tên lửa do Hoa Kỳ sản xuất có tầm xa hơn vào nước Nga". Trong khi báo chí vẫn cơ bản gọi ATACMS là tên lửa tầm xa thì bản tin trên chua rõ "tên lửa có tầm xa hơn", để nhấn mạnh tính đặc tính của tên lửa ATACMS mà Ukraine lần đầu sử dụng.Để hiểu rõ hơn, có thể xem bài viết của CNN 24-4-2024: "… Mùa thu năm ngoái, Hoa Kỳ đã lần đầu tiên gửi cho Ukraine phiên bản tầm trung của hệ thống tên lửa ATACMS, tầm bắn có thể đạt khoảng 160km, trong khi phiên bản tầm xa hơn có thể đạt tới 305km..." "Tới tháng 2, Tổng thống Biden mới bí mật chấp thuận việc chuyển giao tên lửa ATACMS để sử dụng từ lãnh thổ Ukraine. Số tên lửa này được đưa vào gói viện trợ trị giá 300 triệu USD công bố hôm 12-3, và cuối cùng cũng được chuyển giao cho Ukraine vào đầu tháng 4".Tại sao có chuyện "bí mật chấp thuận" ở đây? CNN giải thích: "Giới chức Hoa Kỳ trước đây đã phản đối [việc chuyển tên lửa tầm xa cho Ukraine], viện dẫn các vấn đề về nguồn cung và lo ngại về việc sẽ tiếp tục khiêu khích Matxcơva". E rằng lý do sợ khiêu khích Nga mới là chính. Sự e ngại này từng thể hiện qua việc cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine trước đó. Các đồng minh của Mỹ muốn "xả" lô F-16 của họ cho Ukraine vì đang có nhu cầu thay máy bay này bằng F-35 mới hơn, song phía Mỹ, mà cụ thể là chính quyền Biden, thì nhất định "không" do ngại "va chạm" với Nga.Quân Ukraine đang chịu áp lực lớn ở tuyến phòng thủ xung quanh Kharkov. Ảnh: ReutersCũng thế, cho tới trước chủ nhật vừa rồi 17-11, ngày mà ông Biden được cho là "bật đèn xanh" cho sử dụng tên lửa ATACMS bắn vào lãnh thổ Nga, Ukraine chỉ được phép sử dụng tên lửa này trong lãnh thổ của họ, tức bắn vào các khu vực giao tranh hiện hữu ở đông Ukraine.Hiện cuộc tấn công của Nga xung quanh Kharkov gây áp lực rất lớn lên tuyến phòng thủ của Ukraine, có tính đe dọa sống còn.Ukraine muốn sử dụng ATACMS bắn vào lãnh thổ Nga để "vây Ngụy cứu Triệu", thay vì cứ phải mở hay duy trì mặt trận tấn công trên bộ với nhiều tổn thất ở khu vực Kursk. Ukraine càng cần tên lửa tầm xa khi mà Nga đang tận dụng ưu thế tên lửa và máy bay không người lái tấn công Ukraine suốt thời gian qua.Cả năm nay, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không ngớt "chu du" hết châu Âu sang Hoa Kỳ, nài nỉ viện trợ tên lửa tầm xa hơn nữa và cả cho phép sử dụng. Bất chấp tình cảnh đó, các chính trị gia phương Tây cứ "lưỡng lự và trì hoãn hết lần này đến lần khác" với "các cuộc thảo luận vô nghĩa" về sự leo thang của Nga. Các nhà lập pháp phương Tây "nhấn mạnh vào sự xa xỉ về thời gian chính trị mà quân đội tiền tuyến Ukraine phải trả bằng máu", The Week 6-8 từng tán thán.Trở lại với cục diện hiện giờ. Tổng thống Zelensky, khi được hỏi tại một cuộc họp báo ngày 19-11 rằng liệu Ukraine có tấn công kho đạn dược vùng Bryansk bằng ATACMS không, đã chỉ trả lời: "Ukraine có năng lực tầm xa, bao gồm cả máy bay không người lái tầm xa do trong nước sản xuất. Chúng tôi có tên lửa Neptune và bây giờ chúng tôi cũng có ATACMS", cũng theo Reuters.Về phía Nga, Tass 19-11 đăng một bản tin đánh giá tình hình mới này: "Các hệ thống phòng không của Nga có thể đánh chặn hiệu quả tên lửa tầm xa, các chuyên gia được tờ Izvestia thăm dò cho biết". "Chúng có thể bị bắn hạ bởi các hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-300 và S-400 trong khi bay và bởi các hệ thống phòng không S-350, Tor và Pantsir trong đường bay cuối cùng"."Tuy nhiên, các khu vực Smolensk, Kaluga, Lipetsk, Voronezh và Kursk của Nga, cũng như Crimea và khu vực Krasnodar, có thể bị Ukraine sử dụng vũ khí có tầm bắn 300km tấn công, các chuyên gia cảnh báo".Tên lửa ATACMS rời bệ phóng. Ảnh: USAASCThay đổi chính sách?Cuộc tấn công bằng ATACMS của Ukraine vào lãnh thổ Nga, mà ông Biden được cho là đã "bật đèn xanh", rơi đúng vào ngày thứ 1.000 của cuộc chiến, quãng thời gian cũng là "quá đủ" với cả hai bên. Nga và Ukraine đều đang chịu sức ép rất lớn từ cuộc chiến, dù Nga tất nhiên có thể tiếp tục lâu hơn do có nguồn lực lớn hơn. Việc Matxcơva cầu viện Triều Tiên và nhận 11.000 quân Triều Tiên sang vùng giao tranh Kursk, hay nhận tên lửa và UAV của Iran, là dấu chỉ cho sự hụt hơi của Nga, sau mấy lần động viên từng phần trong cuộc chiến một ngàn ngày đã qua.Có vẻ cũng chính sự tham gia của quân Triều Tiên đã thúc đẩy chính quyền Biden xem xét lại lệnh cấm Ukraine sử dụng ATACMS bắn vào trong nước Nga. Quyết định này trùng hợp với việc Anh và Pháp cũng có thể sẽ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa hành trình SCALP/Storm Shadow của họ, có tầm bắn khoảng 250km, với mục đích tương tự.Cuộc họp báo của Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh trưa 18-11 cho thấy giới báo chí ngờ rằng Nhà Trắng - tức ông Biden - đã tự ý quyết định việc này mà không thông qua Bộ Quốc phòng. Một nhà báo hỏi liệu "Lầu Năm Góc có hay biết gì trước về quyết định này không?". Bà Singh né tránh: "Tôi biết có lẽ nhiều người có câu hỏi về chuyện này, mà câu trả lời của tôi sẽ không thỏa đáng. Tôi không có gì để cung cấp ngay bây giờ".Câu hỏi tiếp theo yêu cầu một thông tin quan trọng: "Hoa Kỳ đã gửi cho Ukraine bao nhiêu ATACMS cho đến nay? Số lượng ATACMS mà Hoa Kỳ có trong kho dự trữ thì sao? Có thiếu hụt không?". Bà Singh đáp: "Chúng tôi chắc chắn sẽ không đưa ra con số cụ thể... Chỉ có một số ít quốc gia khác có khả năng sản xuất... Vì vậy, chúng tôi sẽ không hạ thấp mức độ sẵn sàng (tác chiến với ATACMS) của mình, nhưng tất nhiên chúng tôi đã đồng ý hỗ trợ Ukraine thông qua các lệnh tháo khoán quân sự của tổng thống và cung cấp cho họ ATACMS trong suốt nhiệm kỳ của chính quyền này".Tất nhiên, đến đây phải nhắc lại rằng "nhiệm kỳ này" chẳng còn bao lăm nữa. Đó chính là lý do ở cuộc họp báo của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, vấn đề này đã được cánh báo chí đặt ra thẳng thừng: "Kể từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống, ông đã nói quý vị sẽ tăng cường viện trợ quân sự còn lại cho Ukraine... Có bình luận từ phía Nga nói đây là một chính quyền sắp mãn nhiệm và đang hành động vô trách nhiệm bằng cách leo thang xung đột hơn nữa. Có nguy cơ nào không khi các ông đang đổ thêm dầu vào lửa cuộc xung đột mà người kế nhiệm có thể có quan điểm khác?".Tên lửa S-400 của Nga. Ảnh: Sputnik IndiaÔng Miller phớt lờ tính khiêu khích của câu hỏi: "Người dân Mỹ đã bầu ông Joe Biden với nhiệm kỳ bốn năm, chứ không phải 3 năm 10 tháng, và chúng tôi sẽ sử dụng từng ngày trong nhiệm kỳ để theo đuổi lợi ích chính sách đối ngoại của quốc gia và người dân Mỹ". Sau đó, ông Miller mới nói tới thì tương lai bằng giọng cũng rất phớt tỉnh: "Nếu chính quyền mới muốn có quan điểm khác, tất nhiên đó là quyền của họ, và tôi kỳ vọng trong nhiều trường hợp họ sẽ làm như vậy. Nhưng nhiệm vụ của chúng tôi là hoàn thành nhiệm vụ mà người dân Mỹ đã giao cho Tổng thống Biden, và chúng tôi sẽ tiếp tục như vậy".■ Ông Putin răn đe hạt nhânNgày 19-11, Tass loan tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê chuẩn học thuyết hạt nhân sửa đổi, tên gọi "Nền tảng của chính sách nhà nước về răn đe hạt nhân".Điều khoản đinh trong học thuyết này được Tass tóm tắt: "Răn đe hạt nhân nhằm vào một đối thủ tiềm tàng, có thể bao gồm quốc gia riêng lẻ và liên minh quân sự coi Nga là kẻ thù tiềm tàng và sở hữu vũ khí hạt nhân và/hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, hoặc có năng lực chiến đấu đáng kể của các lực lượng đa năng". "Nga cũng sẽ tham gia răn đe hạt nhân với các quốc gia cung cấp lãnh thổ, vùng biển, không phận và tài nguyên để tiến hành hoạt động xâm lược Nga. Tổng thống là người có thẩm quyền tối cao về việc sử dụng vũ khí hạt nhân". "Hành động xâm lược từ bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, nhưng có sự tham gia hoặc hậu thuẫn của một quốc gia hạt nhân, sẽ được coi là một cuộc tấn công hỗn hợp vào Nga".Điều khoản răn đe hạt nhân mở rộng "không gian thù địch" này là mới mẻ và "nặng ký" hơn trước. Bởi thế, trong cuộc họp báo sau đó do khoảng cách múi giờ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 19-11, một phóng viên đã hỏi: "Ông Putin đã tuyên bố hạ ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, tất nhiên, sau khi Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ bắn vào lãnh thổ Nga. Ông nghĩ gì về thời điểm công bố? Liệu Hoa Kỳ có lo ngại về leo thang hạt nhân không?". Ông Matthew Miller trả lời: "Tôi không ngạc nhiên trước những bình luận mà Điện Kremlin đưa ra xung quanh việc công bố học thuyết hạt nhân mới được sửa đổi này..." "Nga đang ám chỉ ở đây rằng họ sẽ sử dụng hoặc có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại một quốc gia không có vũ khí hạt nhân nếu họ thực hiện cùng một loại hành động xâm lược mà chính Nga đang gây ra cho Ukraine và người dân của họ. Vì vậy, chúng tôi không thấy lý do gì để điều chỉnh lập trường hạt nhân của riêng chúng tôi". Tags: UkraineBidenPutinTổng thống ZelenskyTên lửa tầm xa
Hôm nay Quốc vương Campuchia đến Việt Nam DUY LINH 28/11/2024 Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đến Việt Nam hôm nay 28-11 trong chuyến thăm cấp nhà nước theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường. Chuyến thăm Việt Nam lần này diễn ra đúng vào dịp tròn 20 năm ông lên ngôi vua.
Số người bị ngộ độc nghi do ăn bánh mì ở Vũng Tàu tăng lên hơn 200 ĐÔNG HÀ 27/11/2024 Công an TP Vũng Tàu đang truy xuất nguồn gốc bánh mì, thịt heo, giò chả cung cấp cho một tiệm bánh mì sau khi hơn 200 người nhập viện do bị ngộ độc.
Lại tai nạn, tạm đóng cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tại nút giao quốc lộ 1 ĐỨC TRONG 27/11/2024 Đến 22h30 ngày 27-11, cảnh sát giao thông vẫn đang giải quyết hiện trường vụ tai nạn giữa 2 xe tải trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Giá vàng thế giới bật tăng trở lại ÁNH HỒNG 27/11/2024 Giá vàng thế giới tối nay 27-11 bất ngờ tăng trở lại 20 USD/ounce, có lúc chạm 2.653 USD/ounce.