Trường đại học và đại học: Có khó gì một cái tên?

XÊ NHO 26/11/2024 14:00 GMT+7

TTCT -Đọc tin chuyển trường đại học tư thục đầu tiên của cả nước, Trường đại học Duy Tân thành Đại học Duy Tân nhiều người tôi có dịp khảo sát đều nói sao mà rối quá...

Có khó gì một cái tên? - Ảnh 1.

Trường kinh doanh Harvard, thuộc Đại học Harvard (Mỹ). Ảnh: Shutterstock

Tôi thử làm một cuộc thăm dò bỏ túi, hỏi những người quen xem họ có biết sự khác nhau giữa "trường đại học" và "đại học" với một dẫn chứng thời sự khi có tin Trường đại học Kinh tế Quốc dân trở thành Đại học Kinh tế Quốc dân. 

Đa số những người từ tuổi trung niên trở lên nói không thấy khác nhau chỗ nào, không hiểu ý nghĩa của tin này. Một vài sinh viên đang học ở các trường đại học vừa chuyển đổi thành đại học thì biết - nhưng nhìn chung số người không biết "trường đại học" khác "đại học" như thế nào chiếm đa số.

Không thể trông chờ vào định nghĩa của luật để hiểu rõ sự khác nhau bởi điều 4 Luật Giáo dục đại học năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2018 chỉ nêu sự khác nhau ở chỗ: trường đại học là "cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành" và đại học là "cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực". 

Giải thích cho người bình thường rằng trường đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lãnh vực thì chẳng khác nào đánh đố họ bởi với nhiều người, ngành đào tạo với lãnh vực đào tạo không biết khác nhau chỗ nào.

Nói nôm na, đại học là cấp cao hơn trường đại học, trong một đại học sẽ bao gồm nhiều trường đại học, làm trường thành viên. Còn trường đại học có thể là một cơ sở giảng dạy độc lập, cũng có thể là thành viên của một đại học. 

Tính đến nay, Việt Nam có 9 đại học gồm 2 đại học quốc gia (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM), 3 đại học vùng (Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Thái Nguyên) và Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế TPHCM, Đại học Duy Tân, Đại học Kinh tế Quốc dân.

Đọc tin chuyển trường đại học tư thục đầu tiên của cả nước, Trường đại học Duy Tân thành Đại học Duy Tân nhiều người tôi có dịp khảo sát đều nói sao mà rối quá, không lẽ tiếng Việt nghèo nàn đến nỗi không có từ nào gán cho hai loại hình cơ sở đào tạo này để tránh hiểu nhầm hay sao. Luật dùng hai khái niệm "ngành" và "lĩnh vực" trong phần định nghĩa nhưng sau đó thì không nhắc gì đến chúng nữa; sau đó luật đi sâu vào sự khác biệt giữa "trường đại học" và "đại học" nằm ở cơ cấu tổ chức, nhất là cách tổ chức hội đồng trường đại học và hội đồng đại học.

Tại sao không mạnh dạn dùng một từ nào đó để phân biệt, chẳng hạn một bên là "trường đại học" một bên là "viện đại học". Nói "Viện đại học Huế có 9 trường đại học thành viên" nghe thuận tai và rõ ràng hơn so với nói "Đại học Huế có 9 trường đại học thành viên". Từ "viện đại học" rất phù hợp với loại hình đại học quốc gia, đại học vùng.

Nếu vì lý do nào đó chưa thích cụm từ "viện đại học", chúng ta có thể chọn lựa để dùng một trong những từ gợi ý như "liên đại học", thậm chí các từ chưa quen tai như "khối đại học", "hệ thống đại học"… vì bất kỳ từ nào cũng có ý nghĩa phân biệt rõ nét hơn là dùng hai cụm từ "trường đại học" và "đại học". 

Ở đây có thể huy động trí tuệ của cả nước động não để tìm và nhất trí một từ thích hợp. Cũng có thể với các mô hình đại học khác nhau có thể dùng các từ khác nhau như "Viện đại học Quốc gia Hà Nội" nhưng "Liên đại học Kinh tế Quốc dân".

Có một điều lạ, nghị định 99/2019 của Chính phủ quy định 4 điều kiện để các trường đại học trở thành đại học, gồm: trường phải được công nhận đạt chuẩn chất lượng, có ít nhất 3 trường thuộc trường đại học được thành lập theo quy định; ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người. Không thấy đề cập đến ngành đào tạo và lĩnh vực đào tạo như Luật Đại học quy định để phân biệt giữa "trường đại học" và "đại học".

Như vậy có thể nói từ "trường đại học" nâng cấp thành "đại học", mấu chốt nằm ở quy mô đào tạo. Điều này có thể thể hiện ở cơ cấu tổ chức, định hướng phát triển chứ không nằm ở tên gọi. 

Vì thế nên chọn một cách gọi khác để tránh dư luận thắc mắc, khó hiểu - tiếng Việt không nghèo nàn đến nỗi không có một tên gọi phù hợp để chúng ta chọn. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận