Tại sao, Prigozhin?

TƯỜNG ANH 03/07/2023 09:05 GMT+7

TTCT - Hiếm có cuộc nổi loạn nào chóng vánh và khó hiểu đến vậy. "Kỳ lạ" là từ hầu hết các phương tiện truyền thông lớn trên thế giới dùng để định tính cuộc "tuần hành công lý" của binh đoàn đánh thuê Wagner vào ngày sẽ đi vào lịch sử Nga: 24-6-2023.

Hiếm có cuộc nổi loạn nào chóng vánh và khó hiểu đến vậy. "Kỳ lạ" là từ hầu hết các phương tiện truyền thông lớn trên thế giới dùng để định tính cuộc "tuần hành công lý" của binh đoàn đánh thuê Wagner vào ngày sẽ đi vào lịch sử Nga: 24-6-2023.

Ảnh: The Daily Beast

Ảnh: The Daily Beast

24-6 là ngày mà điều đáng sợ nhất với nước Nga đã xảy ra: sự phản bội ở hậu phương trong khi Nga đang căng mình trong chiến sự với Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi diễn biến này là "nổi loạn vũ trang" và "sự phản bội" trong phát biểu sáng 24-6.

Hai bài phát biểu trong ba ngày

Người Nga đã chờ đợi phát biểu này "trong đau đớn và lo âu", như lời của sử gia Nikolai Starikov, sau khi chiều tối 23-6, người đứng đầu tập đoàn quân sự tư nhân Wagner Yevgeny Prigozhin cáo buộc "ban lãnh đạo quân sự Nga pháo kích vào doanh trại của Wagner, gây nhiều thương vong, vì vậy, quân Wagner đã giành quyền kiểm soát tất cả các cơ sở quân sự ở Rostov, kể cả sân bay".

Cùng lúc là hình ảnh các tay súng Wagner tại các cơ sở quân sự Rostov, miền nam nước Nga, nơi trú đóng một bộ phận ban chỉ huy Chiến dịch quân sự đặc biệt Nga ở Ukraine và là vùng hậu phương huyết mạch trong chiến sự ở Ukraine (cao tốc Matxcơva - Rostov bị Wagner chặn là tuyến đường cung cấp đạn dược cho tiền tuyến).

Ông Prigozhin yêu cầu "giao nộp" Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov, tuyên bố "tuần hành công lý" về Matxcơva. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định tin "pháo kích vào doanh trại Wagner" là không đúng sự thật. 

Cơ quan An ninh liên bang FSB thì mở án hình sự về việc kêu gọi nổi loạn vũ trang, và Văn phòng Tổng công tố thông báo khởi tố vụ án chống lại Prigozhin theo điều 279 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga.

Từ lâu, quan hệ giữa ông Prigozhin với Bộ Quốc phòng Nga, cụ thể là với các ông Shoigu và Gerasimov, đã không hòa thuận. 

Không chỉ bất đồng về chiến thuật quân sự (Prigozhin chỉ trích Bộ Quốc phòng Nga thiếu cứng rắn và quyết liệt, khiến chiến dịch Ukraine dằng dai, gây những tổn thất không đáng có), Prigozhin còn bộc lộ công khai thái độ bất hợp tác trong những ngày cuối đợt cao điểm chiến sự Bakhmut. 

Ông này cáo buộc Bộ Quốc phòng không cung ứng đủ vũ khí và dọa rút quân Wagner về, khiến Nga phải cử tướng tư lệnh mặt trận Sergey Surovikin gặp trực tiếp Prigozhin nhằm tìm giải pháp.

Nhưng nguyên nhân trực tiếp của cuộc binh biến là việc Bộ Quốc phòng Nga yêu cầu các tay súng Wagner ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng để đưa hoạt động của họ vào khuôn khổ pháp luật Nga. 

Ảnh: Spiegel

Ảnh: Spiegel

Theo Bộ Quốc phòng, với tư cách công ty quân sự tư nhân, Wagner có thể chiến đấu trên lãnh thổ Ukraine và Donbass, nhưng trên lãnh thổ Nga thì không được. Bây giờ, khi Nga coi những vùng đất này là lãnh thổ Nga, Wagner phải về dưới trướng Bộ Quốc phòng, điều mà chủ nhân Wagner không chấp nhận. 

Một lý do khả dĩ khác, như chính ông Prigozhin đã nói, là: "Chúng tôi không muốn đất nước sống trong tham nhũng, lừa dối và quan liêu". Ông cáo buộc đạn dược, vũ khí, tiền bạc cho chiến sự đã bị ăn chặn và "các quan chức đang tiết kiệm đạn dược cho mình: Họ cần đạn pháo để tự vệ trong trường hợp Matxcơva bị tấn công".

Sau khi phát biểu của ông Putin được truyền đi trên tất cả các phương tiện truyền thông Nga, lần lượt các thống đốc, chính khách, đảng phái, nhà báo, kênh Telegram của những nhân vật nổi tiếng ở Nga... lên tiếng ủng hộ tổng thống. 

Việc xã hội Nga không hưởng ứng "cuộc tuần hành công lý" của Prigozhin được cho là một trong các nguyên nhân khiến ông chủ Wagner chấp nhận dừng bước khi cách Matxcơva 200km. 

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, từng 20 năm quen biết Prigozhin, với sự đồng tình của ông Putin, đã đứng ra thương lượng suốt ngày 24-6. Cuối cùng, "một lựa chọn có lợi và có thể chấp nhận được" đã được nhất trí: khởi tố hình sự Prigozhin được dỡ bỏ, và chủ tịch Wagner sẽ được yên ổn sang Belarus. 

Các tay súng Wagner không tham gia cuộc nổi loạn vẫn có thể ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng. Không lâu sau, Prigozhin xác nhận: "Chúng tôi đang quay các đoàn xe của mình trở về doanh trại dã chiến theo kế hoạch".

Tối 24-6, cả nước Nga thở phào khi các đoàn quân Wagner lần lượt rút về doanh trại. Tuy nhiên, nhiều đồn đoán vẫn còn dai dẳng: "Thỏa thuận có lợi" nêu trên còn những điều khoản nào? Số phận của các quan chức quốc phòng Nga bị Prigozhin yêu sách sẽ ra sao? Thậm chí một số nhà bình luận còn dự báo ông Shoigu sẽ mất chức.

Tối 26-6, Tổng thống Putin có bài phát biểu thứ hai chỉ trong ba ngày liên quan đến vụ dấy loạn. Ông nói rõ: cuộc dấy loạn là sự phản bội của Prigozhin (dù cũng như trong phát biểu trước, ông Putin không hề gọi tên trực tiếp Prigozhin), nhưng không phải tất cả các tay súng Wagner đều xấu. 

Ông cảm ơn những người lính Wagner đã không để bị lôi kéo vào cuộc huynh đệ tương tàn, và khẳng định nhiệm vụ chính ông đặt ra ngày 24-6 không phải là đàn áp cuộc nổi loạn, mà là tránh đổ máu.

Ảnh: Molfar

Ảnh: Molfar

Tại sao, Prigozhin?

Một trong những câu hỏi hóc búa nhất của ngày 24-6 là động cơ của Prigozhin. Liệu thật sự có phải cuộc tìm kiếm công lý đã biến một "người hùng" trong thoáng chốc trở thành "kẻ phản quốc"?

Trong phát biểu đầu tiên của mình, ông Putin đã ám chỉ ông Prigozhin dấy loạn vì "tham vọng thái quá và lợi ích cá nhân". 

Đó là những tham vọng gì? Lần lại lai lịch của Prigozhin, thì ông này từng ngồi tù vì trộm cướp những năm 1980, rồi làm ăn thành đạt sau khi ra tù, trở thành giám đốc chuỗi siêu thị, nhà hàng, công ty cung cấp lương thực cho quân đội những 1990, và cuối cùng là chủ tịch công ty quân sự tư nhân từ năm 2014. 

Năm 2019, ấn phẩm Delovoy Petersburg xếp Prigozhin hạng 72 trong 100 tỉ phú Nga, với tài sản ước tính 14,6 tỉ rúp (khoảng 520 triệu USD). Năm 2016, ông được đưa vào danh sách 30 người có ảnh hưởng nhất ở St. Petersburg.

Theo cổng thông tin Meduza, ngay trong thời gian đầu hoạt động của Wagner, Prigozhin đã bất hòa với Shoigu. Chỉ trích hoạt động của quân đội Nga ở Syria, ông Prigozhin tin rằng "có thể làm việc hiệu quả hơn nhiều", và quân đội Nga đang chiến đấu ở đó bằng "các phương pháp lỗi thời" (Wagner cũng tham chiến ở Syria). Bộ trưởng Shoigu thì không thích cách Prigozhin cung cấp lương thực cho quân đội.

Khi chiến sự Ukraine nổ ra, Wagner trở thành một trong những đơn vị chiến đấu của quân đội Nga và hoạt động khá hiệu quả so với các đơn vị thông thường. Công trạng của Wagner được chính ông Putin nhắc lại sáng 24-6: họ "đã giải phóng Soledar và Artyomovsk (tức Bakhmut), các thành phố và thị trấn của Donbass, đã chiến đấu và hy sinh mạng sống vì Novorossia". 

Thậm chí vào tháng 6-2022, Prigozhin còn được tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng Liên bang Nga". 

Trong một cuộc làm việc ngày 27-6-2023 tôn vinh những binh lính đã bảo vệ nước Nga vào ngày bạo loạn, ông Putin tiết lộ Chính phủ Nga đã bỏ tiền nuôi đội quân Wagner tham gia chiến dịch quân sự Ukraine, chứ không phải công ty của Prigozhin: từ tháng 5-2022 đến tháng 5-2023 Matxcơva đã chi ra 86 tỉ rúp. Ông Putin cho biết việc chi xài số tiền này sẽ được kiểm toán riêng biệt.

Cựu đồng minh của Prigozhin, thủ lĩnh Chechnya Ramzan Kadyrov thì bình luận rằng ông nhận thấy Prigozhin "không thể tách rời tham vọng kinh doanh khỏi những vấn đề quan trọng của quốc gia". 


Kadyrov nói ông đã cố gắng thuyết phục Prigozhin thay đổi, nhưng không thành công. Theo Kadyrov, nguyên nhân dẫn đến "tâm trạng phẫn nộ kéo dài và âm thầm" của Prigozhin còn là do "một chuỗi các thương vụ không thành công", lên đến đỉnh điểm "khi chính quyền St. Petersburg không cung cấp cho con gái ông ấy mảnh đất mong muốn". 

Còn nhà báo A. Sladkov viết trên kênh Telegram của RT cho rằng động lực cho cuộc nổi dậy là "do Bộ Quốc phòng từ chối hợp đồng (hàng tỉ rúp) với các công ty của Prigozhin để cung cấp lương thực cho quân đội". ■

Những bài học với giới lãnh đạo Nga

Theo nhà khoa học chính trị S. Markov, dù ông Putin đã "đóng chủ đề này với các kênh truyền thông chính", nhưng trong cộng đồng chuyên gia, thảo luận về nguyên nhân và hậu quả của cuộc dấy loạn đương nhiên sẽ tiếp tục.

Cũng theo ông Markov, cuộc dấy loạn và những thỏa hiệp bắt buộc với Prigozhin sau đó cho thấy "hệ thống Nhà nước Nga đang gặp khủng hoảng, và cần đưa ra các kết luận và thay đổi chính sách". Đầu tiên, rõ ràng là quân đội tư nhân không thể được phép phát triển nếu không có sự kiểm soát đầy đủ. Theo Markov, "hiện tượng Prigozhin" xuất hiện bởi yêu cầu phải chiến thắng cuộc chiến Ukraine.

Thực tế là dù không ủng hộ cuộc nổi loạn của Prigozhin, phần lớn xã hội Nga lại ủng hộ những chỉ trích của ông này nhắm vào bộ máy quan liêu của Nhà nước Nga. Markov viết: "Thành tựu quan trọng nhất của V. Putin là ổn định chính trị và an ninh. Nhưng khi bốn đoàn quân tiến về Matxcơva và chỉ dừng lại cách đó 200km, đây chắc chắn không phải là ổn định chính trị".

Giám đốc Viện các chiến lược kinh tế và chính trị Nga Yelena Panina cho rằng hệ thống chính trị Nga đã vượt qua cuộc kiểm tra căng thẳng, chịu được tải trọng, tìm thấy các cơ chế phối hợp và lực lượng có khả năng vận hành hiệu quả trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, rõ ràng là các chiến thuật cũ để lẩn tránh xung đột đã dẫn đến thực tế là xung đột trở nên hủy diệt. Mâu thuẫn không biến mất, mà bùng nổ với sức mạnh tích lũy và dẫn đến tổn thất khó thể chấp nhận: ước tính thiệt hại của Bộ Quốc phòng Nga sau cuộc binh biến là 15 người - những quân nhân có mặt trên máy bay và trực thăng bị Wagner bắn rơi hôm 24-6.

Bài học cuối cùng giới lãnh đạo Nga rút ra là sự cảnh giác trong không gian truyền thông. Ngày 24-6 đã chứng kiến tình trạng thông tin nhiễu loạn chưa từng thấy kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Ukraine. Bà Panina lo âu kết luận: (Thông tin nhiễu loạn) mới chỉ là một nửa tai họa. Đáng lo hơn là người ta đưa ra quyết sách thế nào nếu dựa trên những thông tin đó...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận