TTCT - Điều gì đã dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế - xã hội vô cùng nghiêm trọng hiện nay ở Venezuela, một đất nước dầu hỏa hàng đầu theo “chủ nghĩa Chavez”? Dân chúng xếp hàng dài trong siêu thị chỉ để mua giấy vệ sinh -ibtimes.co.uk “Venezuela là một quả bom có thể phát nổ bất cứ lúc nào” - Henrique Capriles, cựu ứng cử viên tổng thống của các cuộc bầu cử năm 2012 (đối đầu với tổng thống quá cố Hugo Chavez) và 2013 (với đương kim Tổng thống Nicolas Maduro), cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn trên tờ Der Spiegel phát hành thứ bảy tuần rồi. Nhân vật được xem là một trong những thủ lĩnh của phe đối lập ở Venezuela qua đó bày tỏ sự bất mãn đối với quyết định của Tổng thống Maduro: sang năm 2017 mới tổ chức trưng cầu ý dân về việc bãi nhiệm ông hay không. Phe đối lập muốn tổ chức trưng cầu trước tháng 1-2017 để tận dụng tâm lý bất mãn trong dân chúng hiện giờ và tổ chức bầu một tổng thống mới, tức “xóa bài làm lại”, còn nếu cứ lần lữa qua năm 2017 thì có khả năng phó tổng thống sẽ lên thay, tức vẫn là đảng cầm quyền hiện nay. Phe đối lập cáo buộc chính quyền Maduro điều hành yếu kém khiến quốc gia giàu dầu mỏ này rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ hiện nay. Thủ lĩnh đối lập Capriles nhắc lại: “Cuộc khủng hoảng trong hai năm qua đã trở nên tồi tệ, quốc gia này đang bị hủy hoại và chết dần... Trong những tuần sắp tới, tình hình thiếu hụt này sẽ làm trầm trọng hơn nữa... Chúng tôi không muốn có một cuộc đảo chính mà là một cái gì khác”. “Cái gì khác” chính là sự ra đi của Tổng thống Maduro và kết thúc tình hình bế tắc chính trị hiện tại, mà theo ông Capriles thì “ông Maduro đã vi hiến khi tuyên bố bằng sắc lệnh tình trạng khẩn cấp. Quyết định của ông đã bị từ chối bởi quốc hội”. Ông Capriles cũng muốn chấm dứt điều ông gọi là “chủ nghĩa Chavez”: “Những cuộc trưng cầu ý dân được quy định bởi hiến pháp và cuộc bỏ phiếu sau đó sẽ là lối thoát duy nhất của cuộc khủng hoảng”. Thế lực thù địch? Trong số các giải thích hiện thời từ phía chính quyền, nổi bật nhất vẫn là lý lẽ “âm mưu lật đổ của đế quốc Mỹ”. Báo L’Humanité (Nhân Đạo) của Đảng Cộng sản Pháp ngày 19-5-2016 chạy tít: “Tổng thống Nicolas Maduro tố cáo một kế hoạch Condor mới”. Kế hoạch Condor, còn gọi là chiến dịch Condor, là tên của một chiến dịch mật thanh toán cánh tả, khởi sự từ năm 1968 ở Nam Mỹ (đặc biệt là ở Argentina, Chile, Uruguay, Paraguay, Bolivia và Brazil), có dính líu đến cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger, nhằm đánh bật gốc ảnh hưởng cộng sản và của Liên Xô vào lúc đó ở khu vực này, nhắm vào cả các chính phủ cánh tả lẫn các phe đối lập thiên tả. Khoảng 60.000 người được cho là đã thiệt mạng vì chiến dịch Condor, trong đó có tổng thống Salvador Allende của Chile năm 1973. Tổng thống Maduro, trong một thông điệp truyền hình, cho rằng đất nước Venezuela đang phải đối mặt với một âm mưu gây bất ổn định nghiêm trọng và nguy hiểm nhất ở khu vực trong một thời gian dài vừa qua, bắt đầu bằng cuộc tấn công nhắm vào nữ tổng thống Brazil vừa bị truất phế Dilma Rousseff, cũng là một đại diện của cánh tả. Cũng theo ông Maduro, đây không phải là lần đầu “bàn tay nước ngoài” can dự vào chính trị Nam Mỹ nói chung và Venezuela nói riêng. Ông nói năm 2002, cố tổng thống Chavez từng là mục tiêu của một âm mưu đảo chính; năm 2003 là cuộc đình công của giới chủ nhân trong lĩnh vực dầu hỏa. Tổng thống Maduro nhấn mạnh: “Đế quốc đang ra sức khôi phục tầm ảnh hưởng đã bị mất trong thập niên trước do sự thắng cử của các đảng cánh tả và trung tả. Đế quốc muốn biến châu Mỹ của chúng ta trở lại thành sân sau của mình, muốn giành lại ảnh hưởng chiến lược hầu nắm lấy tài nguyên thiên nhiên của chúng ta, và trên bình diện quốc tế, muốn qua đó quấy phá Trung Quốc, Nga, phá hoại khối BRICS - liên minh quy tụ Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi”. Theo ông Maduro: “Nay đến lượt Caracas gánh chịu một âm mưu lật đổ, với sự trợ giúp của một thế lực truyền thông quốc tế nhằm loại bỏ Đảng Xã hội thống nhất cầm quyền bằng cách dựng lên những màn bạo động”. Ông Maduro tố cáo rằng một máy bay Boeing do thám của Hoa Kỳ đã không ngừng xâm phạm không phận Venezuela, gần biên giới với Colombia, để hỗ trợ truyền tin cho các nhóm vũ trang và để gây nhiễu hầu khiến các thiết bị thông tin của chính phủ, quân đội và cả bộ máy kinh tế của Venezuela trở nên vô dụng. Theo ông Maduro, riêng trong vế sau cùng này, bộ máy kinh tế, tình hình là vô cùng đáng báo động, do giới chủ ở Venezuela nay đang giở lại những chiêu thức cũ mà những người đồng nghiệp Chile của họ từng sử dụng để lật đổ tổng thống Allende vào năm 1972, tức phong tỏa nền kinh tế, qua đó làm tê liệt đất nước. Chính vì thế mà, cũng theo L’Humanité, Tổng thống Maduro ra sắc lệnh tuyên bố tình trạng đặc biệt chính trị và khẩn cấp kinh tế, kêu gọi các công nhân viên chiếm lấy các xí nghiệp nào tham gia chiến dịch làm khan hiếm lương thực, khiến các cơ sở sản xuất ở Venezuela chỉ hoạt động với 43,8% công suất. Ông Maduro còn loan báo một dự án tiến hành sản xuất nông nghiệp ở các đô thị nhằm tháo gỡ nạn khan hiếm lương thực: bước đầu, một khoản ngân sách lên đến 100 triệu USD đã được tháo khoán để giúp dân chúng khôi phục các cơ sở nông nghiệp đã đóng cửa. Song, theo L’Humanité, phe đối lập đang chiếm đa số trong quốc hội đã tuyên bố sẽ chống lại sắc lệnh mở rộng tình trạng đặc biệt chính trị và tình trạng khẩn cấp kinh tế, kêu gọi xuống đường và bất tuân lệnh chính phủ - điều từng diễn ra cách đây hai năm trong những cuộc tuần hành và bạo động khiến hơn 40 người chết. Tình hình bất ổn hồi năm 2014 từng được một cây bút của cơ quan ngôn luận Đảng Cộng sản Pháp, Jean Ortiz, mô tả lại trong một bài báo đậm tinh thần đoàn kết giai cấp: “Cuộc tấn công nhằm làm lung lay cuộc Cách mạng Bolivar (tên gọi của chế độ Chavez và Venezuela) bằng bạo động và nổi loạn đã thất bại. Đồng lãnh đạo cánh cực hữu là Maria Corina Machado, trong một thư điện tử trao đổi với các nhà ngoại giao Bắc Mỹ, đã viết: “Cái chuồng heo vẫn chưa được dọn... Trừ một phần tầng lớp trung lưu, dân chúng đã không đi theo phe nổi loạn... Tổng thống hợp pháp Nicolas Maduro đã tháo gỡ ngòi nổ của làn sóng bạo lực được chỉ huy bởi các lực lượng quốc gia, và bởi Washington, CIA (Cục Tình báo trung ương Mỹ), các cơ quan đế quốc dưới dạng các tổ chức phi chính phủ, USAID (Cơ quan Viện trợ phát triển Mỹ), NED (Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ), các băng đảng ma túy, bọn phát xít Colombia...”. Lỗi tại ai? Thế nhưng, L’Humanité không chỉ nhìn thấy “âm mưu của các thế lực thù địch”. Cũng trong bài báo nêu trên, tác giả đã nhìn lại tình hình trong góc nhìn “phê và tự phê” với những người đang cầm quyền ở Caracas: “Phải chăng cuộc cách mạng đã chệch hướng, ra khỏi con đường xã hội chủ nghĩa? Câu hỏi này làm lu mờ chủ nghĩa Chavez cùng các thành tựu đáng kể. Liệu Tổng thống Maduro chỉ cần tiếp tục di sản của Chavez hay phải còn hơn là một người thừa kế? Ông ấy đã hiểu ra rằng mình phải “cụ thể” hơn và có được hậu thuẫn của đa số trong chủ nghĩa Chavez”. Tờ L’Humanité nêu ra một số ví dụ cho thấy tân lãnh đạo Maduro chưa có được hậu thuẫn của đa số trong đảng: “Temir Porras, từng điều hành Quỹ phát triển quốc gia và Ngân hàng Phát triển kinh tế xã hội, bị bãi nhiệm tháng 9-2015, từng viết: “Thật khó mà tin rằng kẻ chịu trách nhiệm mọi khó khăn của chúng ta chỉ là phe đối lập...”. Porras nhấn mạnh rất nhiều đến sự cần thiết của “chủ nghĩa thực dụng kinh tế” nhằm chỉnh lại góc nhắm của đảng cầm quyền. Còn cựu bộ trưởng kế hoạch Jorge Giordani, vừa mới bị cho ra khỏi ban lãnh đạo Đảng Xã hội thống nhất, thì công bố một lá thư rất phê phán và đầy tâm tư, trong đó ông tố cáo những lý luận trống rỗng, các chính sách kinh tế vĩ mô cứ phải được lên kế hoạch, và nêu bật nhu cầu sinh hoạt dân chủ, tập thể và phê phán trong đảng”. Thế nhưng, có phải những năm tháng Chavez chỉ toàn màu hồng, hay đơn giản là giá dầu cao khi đó khiến cho Venezuela tránh được những rắc rối hiện giờ, khi giá cả tài nguyên mà họ dồi dào nhất này đang tụt dốc không phanh? Mới đây, tạp chí The Atlantic vừa đăng một bài của Moses Naim và Francisco Toro nhận định rằng kinh tế Venezuela đã tan tác từ trước khủng hoảng giá dầu, vào lúc dầu còn bán được với giá 100 USD/ thùng: bánh mì và giấy vệ sinh đã khan hiếm từ thời đó. Các tác giả viết: “Chính phủ tùy tiện ném tiền của nhà nước vào các khoản đầu tư ngu ngốc; hoạch định những chính sách phi lý như kiểm soát giá cả và tiền tệ; nạn tham nhũng tràn lan trong giới quan chức vô trách nhiệm và cánh hẩu của họ... Kiểm soát giá cả từ thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đến cả bình ăcquy, tã, giấy vệ sinh! Mục đích bề nổi là để kiểm soát lạm phát và giữ giá hàng hóa phải chăng cho người nghèo, nhưng bất cứ ai với một vốn liếng kinh tế học cơ bản cũng có thể thấy trước hậu quả: khi giá cả được đặt dưới giá thành sản xuất, người bán hàng làm sao đủ khả năng giữ cho các kệ hàng tiếp tục được lấp đầy? Kiềm chế giá cả bằng biện pháp hành chính chỉ là tạo ra một ảo ảnh và hàng hóa thì biến mất”. Theo các tác giả, các chính sách dân túy đã nuôi dưỡng nguy cơ lạm phát: “Chính phủ hầu như cho không xăng dầu. Hậu quả là chính phủ thiếu ngân quỹ, phải in tiền thêm để chi tiêu”. Pascal-Emmanuel Gobry của AFP nêu ra những dẫn chứng khác: “Chính phủ không chỉ kiểm soát ngành công nghiệp dầu mỏ, áp đặt thuế “trên trời” những 50% trên vài dự án tư nhân còn sót lại, họ còn quốc hữu hóa các nhà máy gạo, các cơ sở sản xuất nông sản lớn, truất hữu hàng triệu hecta đất nông nghiệp; chiếm một số ngân hàng và đóng cửa một số khác; quốc hữu hóa ngành ximăng; cố gắng quốc hữu ngành khai quặng vàng; sung công nhà máy thép, công ty viễn thông lớn nhất của đất nước, công ty sản xuất điện lớn nhất và nhiều thứ khác nữa...”. Song, vấn đề không dừng ở đó. Theo Pascal-Emmanuel Gobry: “Những người thân cận chế độ lại được hưởng những thứ khác. Nạn tham nhũng như tên lửa thăng thiên từ khi bắt đầu cuộc cách mạng Bolivar. Theo Viện nghiên cứu CATO, 22,5 tỉ USD từ công quỹ đã bị chuyển ra các tài khoản ở nước ngoài mà không có một giải thích nào khả dĩ”. Dò trên bảng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế, Venezuela xếp hạng 158/168! Nhưng có phải cứ chính phủ xã hội là thất bại? Noah Smith viết trên Bloomberg rằng Pháp, Đức và khối nước châu Âu vẫn giữ y tế nhà nước như là phúc lợi mà vẫn cứ thành tựu kinh tế đấy thôi! Vấn đề là “dục tốc bất đạt” - Noah Smith kết luận. Có thể thêm: không thể đem cả một xã hội ra làm thí nghiệm!■ Tags: Tại sao Venezuela
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục TTXVN 26/11/2024 Công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp sẽ được nghỉ từ 25-1 đến 2-2-2025 (26 tháng chạp đến hết mùng 5 tháng giêng).
Chưa được hỗ trợ lãi suất, hội doanh nghiệp gửi tâm thư đến chính quyền TP.HCM NGUYỄN TRÍ 26/11/2024 Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TP.HCM (HAMEE) vừa gửi đơn kêu cứu đến UBND TP.HCM liên quan đến việc giải quyết các khó khăn mà ngành đang phải đối mặt, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ lãi suất theo chương trình kích cầu đầu tư.
Ông Lê Đức Thọ, Đỗ Thắng Hải xin lỗi Đảng và nhân dân TUYẾT MAI 26/11/2024 Chiều 26-11, phiên tòa xét xử 15 bị cáo trong vụ sai phạm tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan kết thúc tranh luận.
Nga tấn công UAV lớn chưa từng có vào Ukraine THANH HIỀN 26/11/2024 Ukraine cáo buộc Nga phóng 188 thiết bị bay không người lái (UAV) vào nước này trong đêm, gây ra thiệt hại nặng nề với lưới điện ở thành phố Ternopil.