TTCT - Mỗi năm, hàng chục ngàn người Bắc Phi và Trung Đông nỗ lực vượt sóng gió của Địa Trung Hải để đến các nước Nam Âu xin tị nạn. Tuy nhiên, châu Âu chưa bao giờ là miền đất hứa đối với họ. Phóng to Trẻ em nhập cư từ Trung Đông sống trong một trại tị nạn tồi tàn trên đảo Lampedusa ở Ý Từ đầu tháng 10, dư luận châu Âu liên tiếp rúng động vì những tấn thảm kịch của người tị nạn. Ngày 2-10, ít nhất 359 người tị nạn Bắc Phi chết đuối thảm thương ngoài khơi đảo Lampedusa (Ý) khi con tàu chở họ bốc cháy. Ngày 12-10, thêm 31 người tị nạn từ Syria và Palestine thiệt mạng trên vùng biển Malta, ngay gần đảo Lampedusa. Chuyện bi thương đến nỗi Thủ tướng Malta Joseph Muscat cảnh báo: “Chúng ta (châu Âu) đang xây một nghĩa địa trên Địa Trung Hải”. Theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), từ ngày 1-1 đến ngày 30-9 năm nay, ít nhất 30.100 người tị nạn Bắc Phi và Trung Đông đã vượt Địa Trung Hải sang Ý và Malta, cao gấp đôi số người của cả năm 2012. Hầu như ngày nào cũng có vài chiếc thuyền nhỏ chật cứng người xuất phát từ bờ biển Bắc Phi, vượt quãng đường dài 112km trên biển để tới đảo Lampedusa thuộc vùng Sicily (Ý) hoặc bờ biển Malta gần đó. Và tai nạn thường xuyên xảy ra. Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) ước tính trong 20 năm qua, khoảng 25.000 người tị nạn đã chết đuối trên Địa Trung Hải. Hoặc là chết, hoặc là đi Trong thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, làn sóng tị nạn đổ vào châu Âu chủ yếu vì mục đích kinh tế, tìm kiếm công ăn việc làm. Nhưng hiện tại tình trạng chiến tranh ở Syria, Somalia và thể chế độc tài ở Eritrea đã đẩy hàng chục ngàn người dân các nước này tới bờ biển Bắc Phi để tìm đường sang châu Âu. “Họ biết phải mạo hiểm tính mạng nhưng đó là quyết định dựa trên lý trí. Họ xác định hoặc là đối mặt với tử thần ở quê nhà, hoặc liều mạng với cơ hội tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu cho họ và con cái họ. Hoặc là chết, hoặc là đi” - báo Daily Mail dẫn lời giáo sư nhân chủng học Maurizio Albahari thuộc ĐH Notre Dame (Mỹ) nhận định. Làn sóng người tị nạn chủ yếu đổ vào các nước ven biển ở Nam Âu gồm Ý, Malta, Tây Ban Nha, Hi Lạp và Cyprus. Để vượt biển, họ phải chi hàng ngàn USD cho các nhóm buôn người ở Bắc Phi. Nhưng châu Âu không hề chào đón họ. Theo tạp chí Đức Der Spiegel, sau thảm kịch ở Lampedusa, Ủy ban Châu Âu (EC) đã thông qua việc triển khai hệ thống theo dõi Eurosur nhằm giảm số lượng người nhập cư bất hợp pháp trên biển. Hệ thống trị giá 331 triệu USD này sử dụng máy bay không người lái, thiết bị tình báo, cảm biến trên biển, hệ thống theo dõi bằng vệ tinh... để giám sát và ngăn chặn các chiếc tàu chở người nhập cư trên Địa Trung Hải. Nhờ đó, Algeria và Libya sẽ được cảnh báo sớm về những chiếc tàu chở người tị nạn rời bến để triển khai quân bắt giữ họ trước khi họ vượt biển sang châu Âu. Bà Ska Keller, thành viên Nghị viện châu Âu, mô tả: “Các nước này sẽ làm hộ công việc chân tay bẩn thỉu đó thay cho châu Âu”. Bà tiết lộ giải cứu các tình huống khẩn cấp trên biển không phải là nhiệm vụ của Eurosur. Có nghĩa là những tai nạn kinh hoàng vẫn có thể sẽ tiếp diễn mà không có sự can thiệp hoặc cứu hộ. Kể cả khi đặt chân lên được châu Âu, người nhập cư cũng không dễ dàng trụ lại. Do đến từ các nước có chiến tranh hay xung đột, họ được quyền nộp đơn xin tị nạn chính trị. Tuy nhiên, ngay cả các nạn nhân sống sót sau thảm họa ở Lampedusa cũng sẽ phải đối mặt với quy trình nộp đơn xin tị nạn, chờ xét duyệt kéo dài. Nếu bị tòa án Ý xác định là người nhập cư bất hợp pháp, họ sẽ bị phạt 5.000 euro (6.782 USD) và bị trục xuất. Theo trang World News Bulletin, năm ngoái Hi Lạp chỉ trao quy chế tị nạn cho vỏn vẹn hai người Syria và bắt giữ 8.000 người tị nạn khác. Tại Pháp, tới 90% đơn xin tị nạn bị bác sau 22 tháng xét duyệt. Chỉ có Ý và Anh tỏ ra hào phóng hơn khi lần lượt duyệt 30% và 60% đơn xin tị nạn. Tình hình ở Tây Ban Nha còn tồi tệ hơn. Mỗi năm, hàng nghìn người vượt biển đến quốc gia này bị trục xuất dù có thuộc dạng được xin tị nạn chính trị hay không. Các bức tường cao 3-6m bao quanh hai thành phố ven biển ở Tây Ban Nha là Ceuta và Melilla, nằm trên địa phận Morocco, ngăn chặn sự xâm nhập của người tị nạn. Chúng bị đặt biệt danh là “Bức tường ô nhục của châu Âu”. Vô số người tị nạn đã mất mạng khi cố leo qua các bức tường này, hoặc bị ngã chết, hoặc bị lính biên phòng Tây Ban Nha và Morocco dùng súng bắn hạ. Cuộc sống trần ai ở đất khách Ở các nước như Ý hay Hi Lạp, trong khi chờ xét đơn xin tị nạn, người nhập cư bị nhốt trong những trại tập trung bẩn thỉu, chật chội. Cơ quan Quyền cơ bản EU từng mô tả đây là “thảm họa nhân đạo”. Theo Der Spiegel, một trại tập trung như thế trên cánh đồng ở Apulia, cách thủ đô Rome (Ý) bốn giờ xe chạy, có tên Ghetto (khu tập trung Do Thái dưới thời Đức quốc xã) hay “Mogadishu mới”. Đó thực tế là một khu ổ chuột khổng lồ, không điện nước, không nhà vệ sinh. Cư dân nơi đây ngủ trong những chiếc lều tạm bợ, không hề được chăm sóc y tế. Hằng ngày đàn ông đi làm công việc tay chân với mức lương bèo bọt, trong khi phụ nữ đi bán dâm. Còn những trại tị nạn ở Đức bị ví như những nhà tù. Không ít trường hợp người tị nạn tự tử vì cuộc sống quá khổ cực. Nhiều người thừa nhận họ không thể tưởng tượng được rằng khi đến châu Âu lại phải sống một cuộc đời địa ngục như vậy. Khi được cho phép tị nạn hay nhập cư, họ chỉ có thể kiếm được những công việc với mức lương cao lắm là 50-60 USD/tuần, không đủ để tồn tại. Theo quy định của EU, người nhập cư tại châu Âu chỉ được quyền xin tị nạn ở quốc gia mà người đó đặt chân đến đầu tiên. Kể cả sau khi được cư trú ở châu Âu, họ cũng không được phép sinh sống và làm việc tại các nước khác. Do đó, cơ hội kiếm việc làm là rất khó. Theo báo Anh Express, riêng ở Anh có hơn 600.000 người nhập cư từ Bắc Phi và Trung Đông không có việc làm. Và người tị nạn luôn bị phân biệt đối xử, thậm chí bị tấn công. Theo báo Anh Daily Mail, tại Hi Lạp ngày nào người nhập cư da đen cũng bị tấn công phân biệt chủng tộc. Hồi tháng 8, anh Hassan Mekki, người Sudan, 32 tuổi, bị những kẻ mặc đồ đen tấn công ở Athens. Khi tỉnh dậy, người anh đầy vết thương, cổ bị rạch một vết hình chữ X. Đảng cực hữu Bình minh vàng ở Hi Lạp đang mở chiến dịch tẩy chay người nhập cư. Các thành viên đảng này bị cáo buộc dính líu đến nhiều vụ tấn công phân biệt chủng tộc. Theo RIA Novosti, vài ngày qua làn sóng chống người nhập cư đang bùng nổ. Sau vụ một người Nga tình nghi bị người nhập cư sát hại, hàng nghìn người Nga cực đoan đã đổ ra đường phố biểu tình chống người nhập cư và gây bạo động. Cảnh sát đã bắt giữ ít nhất 1.200 kẻ gây rối. Cao ủy nhân quyền Nils Muiznieks thuộc Hội đồng châu Âu mô tả tình trạng hiện nay của người nhập cư là “một vấn đề nhân quyền nghiêm trọng”. Nhưng giới quan sát nhận định bất chấp sự chấn động của thảm kịch Lampedusa, chính sách về người nhập cư và tị nạn của EU vẫn sẽ không có chuyển biến. Chỉ chào đón nhà giàu Theo Der Spiegel, trong khi ngoảnh mặt với người tị nạn và nhập cư nghèo khổ từ Bắc Phi và Trung Đông, châu Âu lại hân hoan chào đón làn sóng người nhập cư giàu có từ Trung Quốc, Ả Rập và Nga. Bất cứ ai chịu trả tiền cũng sẽ trở thành thượng khách. Ví dụ chính quyền Latvia cấp giấy phép định cư năm năm và thị thực Schengen cho bất cứ ai mua bất động sản trị giá 95.000-190.000 USD ở nước này. Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hi Lạp và Hungary cũng có những chính sách tương tự. Tags: Trung ĐôngTị nạnBắc PhiNhập cư lậu
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.