Tăng giá điện: Cần nhìn vào "chiếc hộp đen" tiêu thụ

GS PHẠM DUY HIỂN 27/02/2011 03:02 GMT+7

TTCT - Không chỉ tăng giá điện lên 15,3%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) còn đồng thời báo trước việc cúp điện luân phiên chẳng những không chấm dứt mà sẽ nhiều hơn năm trước.

Phải nói ngay rằng EVN còn 3 tỉ kWh nữa chưa cân đối được cho mùa khô sắp đến, mặc dù nhiều nhà máy công suất lớn đang đi vào hoạt động. Đó là chưa kể các sự cố kỹ thuật từng là thủ phạm gây cúp điện trong mùa hè năm qua. Cho nên tăng giá lần này rồi lần sau nữa... vẫn không giải quyết được vấn nạn thiếu điện trong những năm tới.

Ai kiểm soát các dự án tiêu tốn điện?

Tại sao thiếu điện? Logic đơn giản là cung không đủ, lỗi của EVN. Tập đoàn này lại đổ do giá điện quá thấp khiến nhà đầu tư nước ngoài không thấy hấp dẫn với thị trường điện Việt Nam. Trong khi Nhà nước chẳng những không thể tiếp tục bù lỗ cho EVN mà lại còn thiếu vốn đầu tư xây các nhà máy mới dù nhu cầu điện cho nền kinh tế tăng rất mạnh, than dầu lại sắp phải nhập khẩu, thủy điện hiện đã chiếm 40% tổng công suất, xem như đã cạn kiệt.

Đúng là từ nhiều năm nay giá điện ở nước ta quá thấp so với nhiều nước trong khu vực. Theo tỉ giá hối đoái mới, giá điện cho hộ tiêu thụ hiện nay chỉ khoảng 5 cent cho 1 kWh, vào loại thấp nhất trong vùng. Nhưng khi chưa tăng đến 10 cent/kWh, nghĩa là gấp đôi giá hiện nay, thị trường điện nước ta vẫn chưa thể hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Trong cơn khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay, giá đầu tư điện ngày càng leo thang. Than vẫn còn khá dồi dào ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng đốt than, dầu sẽ gây ô nhiễm nặng nề và phí tổn xử lý các khí thải sẽ đội giá thành điện chạy than lên rất cao.

Điện hạt nhân cũng đang sốt giá trước xu thế “hồi sinh” xuất hiện gần đây. Năm 2009, khi trình Quốc hội dự án đầu tư nhà máy điện hạt nhân, Bộ Công thương đã lấy suất đầu tư 2.700 USD trên 1 kWh công suất để chứng minh điện hạt nhân sẽ mang lại hiệu quả kinh tế. Nhưng khi làm việc với đối tác xây dựng nhà máy đầu tiên, con số do họ đưa ra đã nhiều hơn gấp rưỡi, chưa kể lãi suất tín dụng và bao nhiêu chi phí nội địa khác sẽ còn đội giá lên cao hơn nhiều.

Xem ra trong bối cảnh hiện nay chưa thấy phép thần nào giúp EVN cung đủ điện cho nền kinh tế trong nhiều năm tới. Song trong bài toán cung cầu tại sao chúng ta chỉ đổ lỗi cho bên cung mà không chịu xem xét phía cầu, cỗ máy kinh tế của chúng ta? Hãy nhìn ra xung quanh thì rõ. Nếu tính tròn cho dễ nhớ, hiện nay bình quân GDP của ta khoảng 1.000 USD, mức mà người Indonesia và Philippines đạt được vào những năm 2000. Nhưng hiện nay bình quân mỗi người Việt Nam dùng hết khoảng 1.000 kWh/năm, gấp đôi nhu cầu của hai người láng giềng mười năm về trước. Chúng ta đi sau họ, thiết bị điện giờ đây tốt hơn, tại sao ta lại xài điện gấp đôi họ trước đây?

Điều nghịch lý là trong khi nhà đầu tư điện chưa mặn mà với giá điện quá thấp hiện nay thì các công nghệ lạc hậu tiêu tốn điện năng không còn đất sống ở các nước khác vẫn tìm thấy tại Việt Nam như một địa chỉ hấp dẫn để “tị nạn”.

Tăng giá lần này sẽ không ngăn được những dự án đầu tư tiêu tốn điện không hề bị ai kiểm soát. Nhờ có điện mà GDP tăng trưởng, song ở đây có bao nhiêu phần là tăng trưởng thật? Xuất khẩu tăng thực chất là xuất điện giá rẻ ra nước ngoài. Năng lượng bị phung phí, nguồn lực ngày càng cạn kiệt. Hai năm qua do kinh tế suy thoái, GDP chỉ tăng khoảng 6%/năm, nhưng tiêu thụ điện vẫn duy trì ở mức 14%, dự kiến năm nay còn tăng đến 17,6%, tiếp tục khẳng định ngôi đầu bảng vững chắc của Việt Nam về lãng phí điện trên thế giới.

Trong khi đó, các nước khác trong khu vực Đông Á tốc độ tiêu thụ điện chỉ tăng 3-8%/năm. Trung Quốc mấy năm trước tăng điện rất mạnh (14%/năm) nhưng vì GDP của họ tăng rất mạnh (12%/năm), vả lại họ là công xưởng toàn cầu, xuất khẩu những mặt hàng rất tốn điện như nhôm, thép, ximăng ra khắp thế giới. Nhận ra mối nguy phát triển nóng, họ kiên quyết hạ tốc độ tăng điện trung bình xuống 7%/năm trong thập niên này. Nếu ta phát triển kinh tế như các nước xung quanh, chẳng những điện không thiếu, Nhà nước không cần phải bỏ ra những khoản tiền khổng lồ để đầu tư vào các nhà máy điện mà còn dành một phần nhỏ số tiền đó bù giá cho dân nghèo.

Thông tin trong “chiếc hộp đen” tiêu thụ điện

Những thông tin trên đây chắc chắn không xa lạ đối với các nhà tham mưu chính sách ở nước ta. Vậy tại sao Việt Nam tự xem mình như một ngoại lệ? Có người cho rằng chúng ta phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng quá nhiều. Nhưng theo thống kê chính thức, điện cho công nghiệp và xây dựng chỉ chiếm 51%, nào có đặc biệt gì hơn các nước khác? Có người bảo do người dân thiếu ý thức tiết kiệm điện.

Nhưng vài con số thống kê cho thấy trong hai năm 2008-2009, điện tiêu thụ ở TP.HCM chỉ tăng 7%/năm, Hải Dương 8,3%, Khánh Hòa 8,4%, Đồng Nai 9,4%/năm... tiến gần đến xu thế chung trong khu vực. Trong khi đó, không rõ vì lý do gì mà điện tiêu thụ ở Hà Nội lại tăng đến 16%/năm, Hải Phòng 15%, Đà Nẵng 15,8%, Quảng Ninh tới 26,8%/năm... Đâu phải do người dân ở các địa phương sau không biết tiết kiệm điện?

Để tìm ra những lỗ thủng, cần phải công khai thông tin chi tiết về tiêu thụ điện. Đây chính là “chiếc hộp đen” chứa đựng nhiều thông tin về khuyết tật của nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tương đối cao nhưng không hiệu quả và bền vững. Nhân tăng giá điện lần này, nhiều người yêu cầu EVN phải công khai tài chính. Đó là đòi hỏi chính đáng, vì điện, than, dầu là tài sản của toàn dân. Nhưng công khai thông tin về tiêu thụ điện còn quan trọng hơn nhiều. Chúng sẽ cho thấy địa phương nào, xí nghiệp nào, dự án nào là thủ phạm gây lãng phí điện, khiến người dân phải gánh chịu, từ đó sẽ có giải pháp xử lý, giúp tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững.

Những thông tin như thế không phải là bí mật quốc gia, nên yêu cầu công khai minh bạch chẳng những rất chính đáng mà còn làm cho xã hội lành mạnh hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận