Tăng học phí: Nghĩ về chuyện bất công xã hội

Thạc sĩ LÊ MINH TIẾN 22/09/2003 05:09 GMT+7

TTCN - Gần đây có hai sự kiện có liên quan đến vấn đề học phí rất đáng chú ý. Thứ nhất là chuyện của bạn Nguyễn Thanh Lập hai lần thi đậu Đại học Bách khoa TP.HCM với điểm cao nhưng “cổng trường vẫn xa” do không có khả năng đóng học phí để nhập học. Thứ hai, theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, ngay trong quí 1-2004 sắp đến sẽ đồng loạt tăng thu học phí ở tất cả các bậc học, mà bậc học đại học sẽ có mức tăng cao nhất là từ 180.000đ/tháng lên 250.000đ/tháng.

 
 

 Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai, tăng học phí như thế để tăng chất lượng đào tạo, bởi với mức học phí như hiện nay các trường gần như không có kinh phí cho sinh viên, học sinh thực tập, nghiên cứu khoa học - tức “học phí tăng sẽ tỉ lệ thuận với chất lượng đào tạo”  (VnExpress.net 12-9-2003).

Chuyện của bạn Lập không có gì để bàn nữa bởi cả với mức học phí đại học như hiện nay cũng đã, đang và sẽ làm cho rất nhiều học sinh vùng sâu, vùng xa phải nhìn cổng trường đại học với sự tiếc nuối và ao ước. 

Bởi lẽ gia đình họ không thể kham nổi mức học phí đó, và bởi ngoài tiền học phí, sinh viên ở các tỉnh còn phải lo tiền ăn, tiền ở (vì ký túc xá có hạn), và các loại chi phí cho việc đi lại, tập sách nữa; trong khi thu nhập chính yếu của gia đình đa phần là từ hoạt động nông nghiệp. Mà nguồn thu từ nông nghiệp thì ít khi ổn định và thường không cao.

Chuyện tăng học phí mà Bộ GD-ĐT mới là điều cần bàn sâu hơn. Theo quan điểm của bộ, mức thu học phí hiện nay không đủ mà nói trắng ra là hiện nay các trường không có đủ (nhiều) tiền để đầu tư cơ sở vật chất nhằm từ đó nâng cao chất lượng đào tạo. 

Liệu các trường đại học hiện nay có thiếu tiền? Câu trả lời có thể là đúng đối với các trường đại học dân lập “trẻ tuổi”, nhưng với các trường có “thâm niên”, nhất là các trường đại học công, câu trả lời là hoàn toàn không. 

Tại sao? Nếu chỉ dựa duy nhất vào nguồn thu học phí của các lớp đào tạo đại học chính qui thì rõ ràng các trường đại học của ta nghèo thật, nhưng đó không phải là nguồn thu duy nhất của các trường đại học. 

Bởi bên cạnh nguồn thu đó đa phần các trường đại học hiện nay còn có nguồn thu từ các loại hình đào tạo tại chức với mức học phí rất cao, các loại hình đào tạo theo hợp đồng với các tỉnh, các công ty, các hợp đồng chuyển giao công nghệ, các nguồn tài trợ từ hợp tác với nước ngoài, rồi nguồn thu từ các trung tâm đào tạo theo dạng chứng chỉ như trung tâm ngoại ngữ, tin học... 

Những nguồn thu này có được bộ tính vào là nguồn thu của trường không? Nếu không thì các nguồn thu ấy được sử dụng vào việc gì? Để trang bị máy lạnh cho các phòng ban của các sếp, chia chác nhau hay làm gì?

Cần phải nhìn một cách tổng quát về nguồn thu như thế để thấy các trường chẳng hề nghèo, để từ đó giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho các sinh viên chính qui vốn chỉ có thể sống và học tập từ sự hỗ trợ của gia đình. 

Một điều nữa là vị thứ trưởng ấy cũng quả quyết rằng “học phí tăng sẽ tỉ lệ thuận với chất lượng đào tạo”. Đây lại là một quả quyết mới nghe thì rất hợp lý, nhưng câu chuyện không hoàn toàn là như vậy. 

Nếu nhìn giáo dục là một hệ thống tổng hòa bao gồm các yếu tố quản lý - thầy dạy - người học -nội dung/phương pháp giảng dạy - cơ sở vật chất thì việc chỉ cải thiện yếu tố cơ sở vật chất không thôi vẫn không nâng cao được chất lượng đào tạo của hệ thống giáo dục. 

Nếu đầu vào của những yếu tố như quản lý, người dạy, người học, nội dung/phương pháp giảng dạy kém thì chất lượng của toàn hệ thống, tức đầu ra, cũng không thể tốt được. Lấy ví dụ như một nhà máy có dây chuyền sản xuất rất hiện đại nhưng giám đốc tồi, thợ không lành nghề, nguyên liệu đầu vào kém chất lượng thì sản phẩm nhà máy này tạo ra vẫn không ai thèm xài. 

Cũng vậy, muốn nâng cao chất lượng của nền giáo dục, mà cụ thể ở đây là giáo dục đại học, thì cần phải cải thiện chất lượng quản lý, chất lượng người dạy, chất lượng người học, nội dung/phương pháp, cơ sở vật chất một cách đồng bộ. Liệu tăng học phí thì có thể giúp cải thiện được chất lượng của toàn bộ các yếu tố trên của hệ thống giáo dục hay không? 

Trong tất cả các yếu tố trên thì cải thiện chất lượng cơ sở vật chất là dễ nhất bởi chỉ cần có tiền là được (và do đó chỉ cần tăng học phí là xong), nhưng cải thiện chất lượng của những yếu tố khác như quản lý, người dạy, người học (hai năm nay chất lượng đầu vào cực kỳ kém khi điểm thi trung bình cách mức trung bình kỳ vọng một khoảng cách “không tưởng” là 7 điểm), nội dung/phương pháp dạy mới là điều khó hơn nhiều mức; và hình như đến nay Bộ GD-ĐT chưa làm được gì nhiều để cải thiện chất lượng của những yếu tố này.

Cần lưu ý một điều rằng câu chuyện chất lượng của nền giáo dục không bao giờ chỉ là câu chuyện của tiền bạc. Nhưng một quyết định trong giáo dục có liên quan đến chuyện tiền bạc lại thường gây ra những bất công về mặt xã hội và những người nghèo thường là nạn nhân của sự bất công đó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận