TTCT - Tác phẩm mới nhất của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk Suy nghĩ kỳ lạ của tôi (*) đã được Nga chọn trao giải thưởng Lev Tolstoy “Yasnaya Polyana”. Orhan Pamuk -Getty Images Cùng với tác phẩm này, năm 2016 Nga cũng đã giới thiệu một tác phẩm mới khác của nhà văn: Người đàn bà tóc đỏ. TTCT trích giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của Orhan Pamuk trên Lenta.ru nhân dịp ông sang Nga nhận giải thưởng vào tháng 2-2017. Cuộc đời một người chưa phải là tiểu thuyết hay Ông không ít lần thú nhận tình yêu với Tolstoy và Dostoyevski. Và dường như tiểu thuyết Suy nghĩ kỳ lạ của tôi là tiểu thuyết kiểu Tolstoy: chậm rãi, đều đều, tỉ mỉ... - Dĩ nhiên, đó là một tiểu thuyết kiểu Tolstoy - trong ý nghĩa đó nó cũng mang tính toàn cảnh và việc tuần tự tường thuật lịch sử đóng một vai trò lớn trong đó. Nhân vật chính cũng không phiến diện: tôi chỉ ra những mặt tốt và xấu của ông ta. Còn Người đàn bà tóc đỏ là tiểu thuyết, nếu có thể nói như thế, kiểu Dostoyevski: đam mê chết người, sự cân bằng của nhân vật trên ranh giới thiện, ác, mâu thuẫn nội tâm... Và còn quá nhiều thứ diễn ra và cốt truyện mang tính lâm ly bi kịch rõ ràng, điều đặc trưng cho Dostoyevski. Tại sao hai tiểu thuyết viết liên tục nhau lại khác nhau đến vậy? - Tôi rất vui vì hai tiểu thuyết được công bố nối tiếp nhau lại không giống nhau đến thế. Khi còn trẻ tôi đã chọn ra quy tắc: không bao giờ viết những quyển sách giống nhau. Không chỉ trong ý nghĩa đề tài và văn phong, mà còn trên quan điểm hình thức, tạo hình, diện mạo. Vì thế tôi không có những (tiểu thuyết) ước định như “Lolita” hay “Mobi Dick” mà khi nói về chúng, người ta bảo là những quyển sách nổi tiếng nhất của các tác giả này. Sách đen là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của tôi ở Mỹ, Tuyết thì ở Trung Quốc, Tên tôi là Đỏ thì ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi thay đổi với mỗi quyển sách, luôn nghĩ về hình thức, về việc ai sẽ là người kể chuyện. Người đàn bà tóc đỏ là một tiểu thuyết tri thức ngắn, mặc dù nó dựa trên một câu chuyện thực tế. Như các bạn còn nhớ, Hegel đã lần đầu tiên lịch sử hóa các hình thức văn chương. Trước đó, phong cách và thể loại là tĩnh tại, các tác giả tập trung vào một hình mẫu nhất định. Hegel đã đưa vào khái niệm về tinh thần tự phát triển - sự tiến bộ, phá hủy và xây dựng lại trong một hình thức mới. Tức là cho phép lịch sử phát triển. Điều đó trao cho các tác giả sự can đảm để chọn bất cứ hình thức nào, văn phong nào và chơi cùng chúng. Còn bây giờ, ở tuổi 65, tôi có thể không nghĩ về lịch sử văn học, mà nghĩ nhiều hơn về cảm giác hài hước của mình. Có thể nói, Suy nghĩ kỳ lạ của tôi trong một mức độ nhất định là một tiểu thuyết cổ điển theo phong cách của thế kỷ 19. Trong đó có rất nhiều (phong cách) của riêng tôi... Ông kể là để thu thập tư liệu cho Suy nghĩ kỳ lạ của tôi, ông đã làm quen với nhiều người bán hàng ở Istanbul. Việc đó diễn ra thế nào? - Ồ, tôi bảo họ, tôi muốn mua một ít boza(1) để uống. Một số người nhận ra tôi, một số thì không. Tôi bảo tôi là nhà văn, viết tiểu thuyết và muốn nói chuyện với họ. Họ kể đã tới Istanbul như thế nào, chẳng hạn như, từ Anatolia, sống ra sao, làm việc ra sao - chúng tôi trò chuyện, trò chuyện, trò chuyện... Tôi nói chuyện với những người bán boza, gà và gạo. Ở Istanbul có nhiều góc phố của những người buôn bán như thế. Rất vui. 20 năm qua tôi làm như thế: khi gặp gì đó hay hoặc người nào đó thú vị, tôi làm tất cả để tiếp cận ông ta, tự giới thiệu, bảo tôi là tiểu thuyết gia và hỏi ông ta có đồng ý cho tôi phỏng vấn không. Đó là cách tôi làm việc. Sau đó một số người, dĩ nhiên, nhận ra mình trong các tiểu thuyết. Nhưng trước tiên, tôi không bao giờ mô tả độc một người. Thứ hai, tôi cố tránh viết một quyển sách mà chỉ dựa vào câu chuyện của một người. Không một cuộc đời nào xứng đáng để trở thành nền cho tiểu thuyết. Nhân vật văn học - đó luôn là sự kết hợp của nhiều người. Tôi thường nghe: “Ôi, ngài Pamuk, hãy viết về cuộc đời tôi này. Tôi sẽ kể ông nghe - thú vị lắm!”. Nhưng chỉ thú vị khi nào bạn nghe người đó và hàng trăm người khác. Với tiểu thuyết cần nhiều câu chuyện. Cuộc đời một người - đó vẫn chưa là một tiểu thuyết hay (cười). Tiểu thuyết Suy nghĩ kỳ lạ của tôi Chẳng lẽ không có một câu chuyện nào gây ấn tượng mạnh cho ông? - Có một điều mà tôi nhận ra khi nghe vô số các câu chuyện đó: tất cả phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ đều bị trấn áp, ở nhà, tại góc bếp riêng của họ. Phát hiện đó khiến những quyển sách của tôi mang tính nữ quyền hơn. Chẳng hạn, khi tôi trò chuyện với một người bán gà và gạo ngoài phố, tự giới thiệu xong, tôi bắt đầu hỏi việc bán buôn thế nào, làm ăn ra sao... Mọi người thích nói về công việc của mình, họ thích khi ai đó để ý đến họ. Chúng tôi nói chuyện năm phút về bóng đá, về lúa gạo, ông ta có tự mình mua hay không. Ông ta đáp (bắt chước một con buôn tự hào): “Tự tôi mua hết, lau sạch, tự tôi làm tất”. Và 10 phút sau bỗng nhiên ông ta nói: “Thật ra vợ tôi mua và chuẩn bị - vợ tôi làm hết mọi thứ” (cười). Ông có món ăn đường phố yêu thích nào không? - Tôi hỏi một người bán hàng bí mật là đâu: tại sao tất cả các thức ăn đường phố đều ngon? Ông ta đáp (bắt chước người bán hàng): “Vì chúng bẩn” (cười ha ha). Sự phá hủy thành phố làm tôi đau đớn Trong tiểu thuyết Suy nghĩ kỳ lạ của tôi, Istanbul cũng là nhân vật chính, như Mevlut. Sau vài thập niên Mevlut sống ở Istanbul, thành phố đã thay đổi nhiều. Riêng ông, ông thấy gì trước những đổi thay diện mạo cuộc sống Istanbul? Ông thích gì, tiếc nuối điều gì? - Trong bài thơ Con thiên nga của Baudelaire có viết: “Thành phố đổi thay mau chóng quá / Đổi thay nhanh hơn cả bóng người” (trích bản dịch của Vũ Đình Liên - Thivien.net - ND). Sự phá hủy và thay đổi của thành phố là một đề tài nhạy cảm và đau đớn đối với tôi. Istanbul luôn thay đổi. Nhiều bạn bè tôi hoài niệm về Istanbul cũ: những ngôi nhà gỗ, dân cư ít hơn, không có du khách, sự u hoài, vẻ đẹp, cái hư nát, cảm giác của một thành phố cổ. Nhưng cũng không nên bỏ qua sự hiểu biết tôn giáo của thế giới: thật ra tất cả chúng ta chỉ là những khách du phương. Istanbul, hay Matxcơva, Saint Petersburg của các bạn sẽ không còn là những thành phố như thế này sau các bạn. Những tòa nhà, thức ăn, biển quảng cáo, sách báo, hình ảnh, phim, âm nhạc - một làn sóng to lớn, một làn sóng mới sẽ đến và rồi chúng ta sẽ chết, thời đại đen tối trôi qua, nhiều thứ bị lãng quên và biến mất - toàn bộ những nền văn hóa. Quá khứ và tương lai không phải luôn là đường thẳng. Thành phố của tôi giờ đang thay đổi. Thế hệ sau muốn phá hủy và làm cái mới. Đâu là những tiêu chí đạo đức, xã hội và thẩm mỹ để chống lại việc này? Tôi nghĩ về điều này nhiều năm qua, nhưng hiện vẫn chưa có lời đáp cho câu hỏi đó. Tầm quan trọng riêng của chúng ta - đó chính là vấn đề. Nhưng nói chung có những bảo tàng cho việc đó. Chúng ta muốn ghi dấu gì đó trong đời mình, giữ gìn nó. Đó là một vấn đề phức tạp, có quan hệ với cái chết và tôn giáo: ý nghĩa cuộc sống là đâu, sau tôi sẽ là gì? Văn học nghệ thuật viết về điều đó. Trong Suy nghĩ kỳ lạ của tôi, tôi đồng nhất mình với nhân vật chính Mevlut. Thật dễ chịu khi nhìn thế giới bằng đôi mắt của ông ấy. Tôi viết cuốn tiểu thuyết sử thi, toàn cảnh này về 40 năm cuộc đời Mevlut ở Istanbul cho những kẻ hoài cổ, như tôi. Tôi sẽ nói với các bạn thế này: ở Thổ Nhĩ Kỳ chính phủ đang thay đổi hình dáng những con thuyền, cách chi trả, phá hủy công viên... mà không hỏi ý các bạn. Điều đó làm tôi thương tổn. Tôi quan tâm đến hình dáng tàu thuyền ở Istanbul. Tôi nhớ taxi, những đường phố cũ, âm nhạc đường phố (ông cất tiếng rao như một người bán rong): “Boza, yaourt đây!”. Nhưng khó mà tìm ra những tiêu chí: khi nào cần chống lại những cải cách và khi nào thì thụ hưởng chúng. Vậy đâu là chỗ yêu thích nhất của ông ở Istanbul? - (Cười) Cô lại hỏi giống sinh viên của tôi rồi! Họ ghé qua và hỏi chỗ yêu thích ở Istanbul của tôi. Tôi nổi giận bảo họ: “Với các bạn tôi là ai - du khách đến từ Istanbul à? Tôi là giáo sư”. Tôi luôn đưa tất cả các bạn bè mình đến Bosphorus(2), ngồi trong những nhà hàng địa phương, đi thuyền - chỉ có ở đó bạn mới hiểu không khí của Istanbul. Nửa năm nay tôi sống ở New York và khi trở về Istanbul, cái đầu tiên mà tôi thấy là thư viện của tôi, tất cả những đồ vật Thổ Nhĩ Kỳ, không khí đặc biệt. Đối với tôi Istanbul là Bosphorus, những góc phố câm lặng - đó là tất cả. Có khả năng nào cho một tiểu thuyết của ông không phải về Istanbul? - Tôi đi dạy, tôi là giáo sư ở Đại học Columbia. Không bao giờ tôi nghĩ mình sẽ đi dạy, nhưng 10 năm trước người ta đề nghị tôi công việc ở Đại học Columbia. Lúc đó ở Thổ Nhĩ Kỳ tôi bị trấn áp, vì thế tôi nghĩ New York là nơi dễ chịu hơn, nên nhận lời. Sau nhiều năm giảng dạy, người ta bắt đầu hỏi: “Sao, bây giờ ông sẽ viết tiểu thuyết về chúng tôi chứ”. Tôi đáp: “Đừng lo, tôi sẽ viết tiểu thuyết về khu trường sở, tôi muốn người ta cười nhạo các bạn”. Nhưng rồi năm tháng trước, tôi nghĩ là, (hạ giọng) có thể, thật sự tôi có thể viết một cuốn tiểu thuyết mà nơi hành động diễn ra sẽ là New York. Đó là phản ứng cảm tính cho những gì đang xảy ra hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi cũng chưa biết chắc lắm. Nhưng đấy là lần đầu tiên, khi vì tình hình chính trị mà tôi quyết định làm điều tôi từng nói với những người hâm mộ.■ (*): Sau khi được dịch ra tiếng Nga năm 2016. (1): Một thức uống truyền thống có cồn của Thổ Nhĩ Kỳ, được nấu từ lúa mạch, yến mạch, kê hoặc ngô. Trong Suy nghĩ kỳ lạ của tôi, nhân vật chính Mevlut chuyên gánh yaourt, boza đi bán dạo. (2): Một eo biển thiên nhiên, hẹp ở tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ, chia cắt phần thuộc châu Âu của Thổ với phần châu Á của nước này, nối biển Marmara với biển Đen. Orhan Pamuk đoạt Nobel văn học 2006 vì “cuộc tìm kiếm linh hồn cho thành phố u buồn của mình”. Tiểu thuyết mới của ông Suy nghĩ kỳ lạ của tôi viết trong sáu năm và được cho là “Istanbul nhất” trong tất cả các tác phẩm của nhà văn. Các diễn tiến trong sách bao trùm suốt một thời kỳ hơn 40 năm, từ 1969 - 2012. Nhân vật chính, một người bán hàng rong trên đường phố Istanbul tên Mevlut, đã chứng kiến những con đường Istanbul dần được lấp đầy bởi những con người mới, thành phố có thêm những tòa nhà mới và mất đi những tòa nhà cũ ra sao. Dưới mắt của người bán hàng rong, những cuộc đảo chính, đổi thay chính quyền diễn ra, còn Mevlut vẫn gánh rượu boza rao bán khắp các phố phường, vào những tối mùa đông ông đặt ra cho mình câu hỏi: ông khác với những người khác ra sao, vì sao trong đầu ông đầy những suy nghĩ kỳ lạ về tất cả mọi điều trên thế giới, về người ông yêu thật sự là ai, cô gái mà ông đã viết những cánh thư trong suốt ba năm thời trai trẻ... Tags: Orhan PamukNhà văn Thổ Nhĩ KỳChúng ta chỉ là du khách
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Việt Nam - Myanmar (hiệp 2) 2-0: Xuân Son nâng tỷ số QUỐC THẮNG 21/12/2024 Bùi Vĩ Hào kiến tạo để Xuân Son ghi bàn thắng nâng tỷ số lên 2-0 cho Việt Nam. Đến lúc này có thể nói tiền đạo Nguyễn Xuân Son đã có màn ra mắt ấn tượng cùng Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Cung cấp cho mỗi công chức một trợ lý ảo, người kém cũng thành khá giỏi THÀNH CHUNG 21/12/2024 Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, với cách làm mới hiện nay, hãy cung cấp trợ lý ảo cho công chức và mỗi khi làm việc gì, cần thông tin gì hãy “hỏi trợ lý ảo”.
Giang hồ cộm cán đem hung khí ra tận mỏ cát bắt chủ 'chia mỏ' VĂN PHÒNG ĐÀ NẴNG 21/12/2024 Giang hồ cộm cán ở Quảng Ngãi cho người ra bãi cát gây chuyện, đe dọa, tạo sức ép rồi ngang nhiên cho xe ra bãi cát doanh nghiệp trúng đấu giá xúc cát mang đi bán. Đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Người dân Làng Nủ cúng tổ tiên trước ngày khánh thành khu tái định cư: 'Ấm cúng và bớt hoang mang' CHÍ TUỆ 21/12/2024 Chiều 21-12, người dân thôn Làng Nủ tất bật chuẩn bị cho buổi lễ khánh thành khu tái định cư thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai (vào sáng 22-12), một số gia đình bắt đầu làm lễ vào nhà mới trong niềm vui lớn.