TTCT - Hội đồng Bảo an LHQ hiện trong tình trạng "ông nói gà bà nói vịt" khi bàn về trừng phạt CHDCND Triều Tiên khi nước này liên tục có những đe dọa an ninh thế giới bằng các vụ thử tên lửa... Tháp Babel, tranh của Pieter Bruegel bố, vẽ năm 1563, cũng là tình trạng của Hội đồng Bảo an hiện nay - “ông nói gà, bà nói vịt” - khi bàn về Triều Tiên.-Ảnh: wikipedia.org Tương truyền vào năm 2200 trước Công nguyên, dân thành Babylon xây một tòa tháp cao ngất trời. Tháp chưa xây xong, ai nấy không hiểu nhau nói gì nữa, và từ đó loài người mới nói hàng nghìn ngôn ngữ khác nhau. 2.000 năm sau Công nguyên, ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong những phiên họp về Triều Tiên, người ta lại “không hiểu nhau nói gì”, dù khác biệt không phải là do ngôn ngữ. Chưa bao giờ Hội đồng Bảo an lại phải ra hết nghị quyết này đến nghị quyết khác như vào năm 2017 này. Song, càng lên án, càng trừng phạt, Bình Nhưỡng càng “khiêu khích” - từ ngữ chính thức dùng để mô tả hành vi của Triều Tiên. Bom hạt nhân và tên lửa vẫn cứ được thử, với tần suất ngày càng dày hơn. Đằng sau động từ “lên án” của các nghị quyết là những tiếng nói dị biệt. Cứ thế, Triều Tiên sắp làm chủ vũ khí hạt nhân cùng tên lửa liên lục địa đến nơi rồi. Ngày 15-9, Hãng thông tấn Yonhap dẫn thông báo của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng một tên lửa từ khu vực gần Sunan, Bình Nhưỡng vào khoảng 6h57 sáng. Tên lửa bay qua Nhật Bản tới bắc Thái Bình Dương, đạt độ cao khoảng 770km và bay xa khoảng 3.700km. Bom khinh khí Ngày 6-1-2016, một địa chấn cường độ 5,1 đã được ghi nhận ở đông bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng loan báo đã thử nghiệm thành công một quả bom khinh khí (bom H). Các nước bán tín bán nghi, cho rằng Bình Nhưỡng “nổ”. Thành công hay không thành công, vụ nổ này vẫn là một thực tế phản ánh ước ao của ông Kim Jong Un tuyên bố bốn tuần trước đó, hôm 10-12-2015, rằng Triều Tiên có khả năng phát triển bom khinh khí, “biến CHDCND Triều Tiên thành một nhà nước hùng mạnh có vũ khí hạt nhân sẵn sàng được kích nổ nhằm bảo vệ một cách chắc chắn chủ quyền và phẩm giá dân tộc”. Một phát biểu rất rõ rệt về chủ đích: rất “dân tộc”, song cũng chính vì quá “dân tộc” mà thiếu đi trách nhiệm quốc tế, nhất là khi Triều Tiên đang bị Hội đồng Bảo an lên án và trừng phạt. Tuyên bố trên của ông Kim Jong Un là nhằm “trả lời” cuộc họp của Hội đồng Bảo an cùng ngày với chủ đề “Tình hình tại CHDCND Triều Tiên”. Cuộc họp này là một thí dụ về tính phân hóa trong hội đồng: 9 nước đã bỏ phiếu thuận thông qua nội dung nghị trình, 4 nước bỏ phiếu chống là Angola, Trung Quốc, Nga, Venezuela, 2 nước không bỏ phiếu là Chad và Nigeria. Sự phân hóa không chỉ thể hiện trong phiên họp đó, mà còn trong cuộc họp báo hằng ngày của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Bà này nói: “Chúng tôi hi vọng các bên có thể làm nhiều hơn nữa nhằm cải thiện tình hình, đồng thời tiến hành những nỗ lực xây dựng nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo”. Khi kêu gọi “các bên làm nhiều hơn nữa” như thế, chẳng khác gì xem hai bên như là “bình đẳng”, bên nào cũng có lỗi, chứ không chỉ Triều Tiên là duy nhất vi phạm các nghị quyết. Lần lượt, vụ thử hạt nhân ngày 11-2-2013, mà theo Thông tấn xã KCNA của Triều Tiên, là một thiết bị hạt nhân thu nhỏ với sức nổ lớn hơn trước, khoảng 7,7 - 7,8 kiloton, dẫn đến nghị quyết 2207 ngày 4-3-2013. Vụ nổ này là vụ thứ ba của Triều Tiên sau hai vụ trước đó ngày 9-10-2006 và 25-5-2009. Một tháng, một ngày sau vụ thử bom được cho là bom khinh khí ngày 6-1-2016, hôm 7-2-2016, Triều Tiên loan báo đã đưa một vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất và rằng vụ phóng đó chỉ vì mục đích hòa bình. Vấn đề đặt ra là nếu Bình Nhưỡng thực sự đưa được vệ tinh lên quỹ đạo, thì tên lửa phóng vệ tinh cũng có giá trị như các tên lửa liên lục địa. Tên lửa liên lục địa và bom khinh khí, coi như Triều Tiên đã hội đủ các vũ khí hủy diệt hàng loạt mong muốn. Tranh cãi về THAAD Việc Triều Tiên loan báo đã phóng thành công một tên lửa đưa một vệ tinh lên quỹ đạo bắt buộc Hàn Quốc thủ thế, xem lại hệ thống phòng thủ tên lửa của mình. Muốn hay không muốn, vị trí địa lý của Hàn Quốc, quá sát các dàn phóng tên lửa tấn công của Triều Tiên, cũng đặt Hàn Quốc vào vị thế dễ bị “xâm phạm”, nhất là khi Triều Tiên không ngừng cải tiến trình độ phóng tên lửa cùng đầu đạn hạt nhân. Hệ thống tên lửa Patriot/PAC-3 của Mỹ, đang được triển khai ở Hàn Quốc, không đủ sức nhận diện kịp thời bất cứ vụ phóng tên lửa liên lục địa nào của Triều Tiên. Sau vụ phóng tên lửa ngày 7-2-2016, Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu nghĩ đến việc sử dụng lá chắn tên lửa đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) để phòng thủ. Việc Hàn Quốc dựa vào đồng minh Mỹ để phòng thủ tên lửa bắt đầu từ năm 1994, sau khi Triều Tiên đe dọa ngưng tình trạng đình chiến trên bán đảo Triều Tiên. Tiểu đoàn 1, thuộc trung đoàn 43 phòng không của Mỹ được triển khai tại Hàn Quốc để hỗ trợ lá chắn phòng thủ không phận của Hàn Quốc. Có thể thấy tấn tuồng “Tom và Jerry” bắt đầu diễn từ năm 1994 ấy, với Triều Tiên cùng các tên lửa tấn công của mình trong vai Tom, còn Hàn Quốc trong vai Jerry loay hoay tìm kiếm một lá chắn phòng thủ mới trước mỗi nguy cơ mới. Đây là một thực tế hiển nhiên, không đảo nghịch: Triều Tiên tìm kiếm vũ khí tấn công, Hàn Quốc tìm kiếm vũ khí phòng thủ. Việc Mỹ và Hàn Quốc nghĩ đến việc triển khai tên lửa THAAD để phòng chống tên lửa liên lục địa của Triều Tiên đã ngay lập tức khiến các thân hữu của Triều Tiên giãy nảy, do lẽ nếu THAAD được triển khai ở Hàn Quốc, rađa của hệ thống này sẽ “quét” luôn cả các láng giềng của Triều Tiên trong khi “quét” Triều Tiên, và như thế vô hình trung sẽ đánh chặn được thật sớm tên lửa của các nước này. Thành ra, các láng giềng của Triều Tiên lên tiếng phản đối ngay, lồng các phản đối này vào trong nội dung các phiên họp bàn về các vi phạm mới của Triều Tiên, ngay từ khi việc triển khai THAAD mới chỉ là ý định! Từ đó, các cuộc họp của Hội đồng Bảo an tuy cuối cùng vẫn “nhất trí lên án Triều Tiên”, song cũng là những tranh cãi về THAAD, bất kể “nguyên nhân của các nguyên nhân” chính là việc Triều Tiên từ chỗ “không” vũ khí hạt nhân và tên lửa liên lục địa, thành “có”, với một sự tăng tốc nhanh chóng từ tháng 1-2016! Trong phiên họp thứ 7638 của Hội đồng Bảo an ngày 2-3-2016 sau vụ Triều Tiên thử bom được cho là bom khinh khí ngày 6-1-2016 và vụ phóng tên lửa ngày 7-2-2016, vấn đề THAAD đã được nêu ra lần đầu tiên. Đại diện của Trung Quốc là Liu Jieyi (Lưu Cát Nhất) đã dành nhiều thời giờ cho việc phản đối: “Là một láng giềng gần gũi với bán đảo Triều Tiên và là một nhà nước chịu trách nhiệm về sự ổn định ở đó, Trung Quốc luôn khẳng định mục tiêu chung của việc phi hạt nhân hóa bán đảo, chống lại xung đột và sự hỗn loạn trong khu vực, và đã nỗ lực bảo vệ lợi ích an ninh chính đáng của chính mình và các nước khác trong khu vực. Trung Quốc phản đối việc triển khai tên lửa THAAD trên bán đảo Triều Tiên vì một hành động như vậy gây tổn hại đến lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực”. Tám tháng sau vụ thử bom khinh khí ngày 6-1-2016, vào ngày 9-9-2016, một địa chấn với cường độ 5,3 được ghi nhận ở Triều Tiên. Triều Tiên loan báo nay đã có thể gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa. Trong cuộc họp ngày 30-11 của Hội đồng Bảo an, đích thân Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon lên tiếng: “Năm nay hội đồng đã họp khẩn 9 lần nhằm đối phó với các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên, đây là số lần họp khẩn cao chưa từng thấy. Từ tháng 1, CHDCND Triều Tiên đã hai lần thử hạt nhân, và phóng tên lửa kỹ thuật đạn đạo ít nhất 25 lần, bao gồm phóng một vệ tinh, phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm... Chúng ta phải thừa nhận rằng với mỗi vụ thử hay phóng, CHDCND Triều Tiên tiếp tục thực hiện các tiến bộ kỹ thuật trong việc đeo đuổi mục tiêu xây dựng một năng lực quân sự...”. Trong khi tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cùng đại diện các nước khác luận về nguy cơ mới này, đại diện Nga Vladimir Safronkov lại tập trung vào vấn đề đối với nước Nga: “Chúng tôi kịch liệt lên án việc xây dựng vũ khí tấn công gần biên giới CHDCND Triều Tiên cùng các láng giềng của mình, trong đó có việc triển khai THAAD... Một nước không thể đạt được an ninh dài hạn nếu tìm cách xây dựng an ninh cho mình trên lưng an ninh các nước khác”. Tức là, việc triển khai THAAD nhằm phòng chống tên lửa Triều Tiên được xem như là “vũ khí tấn công” nhằm vào Nga. Trung Quốc cũng tiếp tục luận điệu phản đối như cũ. Các đại diện Nga và Trung Quốc quên không hề nhắc an ninh của các hàng xóm khác như Hàn Quốc và Nhật Bản có bị đe dọa bởi sự dung túng Triều Tiên hay không - điều đã thể hiện ngay từ phiên họp này. Đừng đụng tới Triều Tiên Cũng trong phiên họp khẩn đó, ông Safronkov còn lên tiếng về các biện pháp trừng phạt mà Hội đồng Bảo an, gồm Nga, đã nhất trí thông qua: “Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng nghị quyết mới nhất thiết không thể được sử dụng để dập tắt nền kinh tế Triều Tiên hay để làm xấu hơn nữa tình hình nhân đạo cùng tình trạng của người dân”. Bất ngờ thay, phát biểu của đại diện Trung Quốc Liu Jieyi không đồng điệu lắm với phát biểu của Nga: “Như nghị quyết lưu ý, các biện pháp trừng phạt không nhằm làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo ở CHDCND Triều Tiên, không làm tổn hại đến sinh kế của người dân hoặc ảnh hưởng đến kinh tế và các hoạt động thương mại”. Đây cũng là nhận xét của đại diện Nhật Bản Koro Bessho: “Tôi nhấn mạnh rằng những biện pháp trừng phạt này không nhằm vào người dân thường Triều Tiên. Không nên quên rằng việc phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên tiếp tục ăn vào các phúc lợi của người dân Triều Tiên”. Trong phiên họp ngày 28-4-2017 của Hội đồng Bảo an, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã tóm tắt “thành tích” của Triều Tiên: “Hội đồng Bảo an đã thông qua hai nghị quyết trừng phạt và đã họp khẩn 11 lần kể từ tháng 1-2016. Trong giai đoạn đó, CHDCND Triều Tiên đã hai lần thử hạt nhân, hơn 30 lần phóng tên lửa sử dụng kỹ thuật đạn đạo... Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vẫn không thể tiếp cận CHDCND Triều Tiên để xác minh tình trạng chương trình hạt nhân của nước này. IAEA vẫn tiếp tục theo dõi qua hình ảnh vệ tinh...”. Lên án Triều Tiên, song đại diện Trung Quốc cũng ngăn trở việc Mỹ và Hàn Quốc phản ứng: “Chúng tôi yêu cầu Mỹ, Hàn Quốc cùng các bên khác tự kiềm chế không tiến hành hoặc mở rộng các diễn tập quân sự chống lại CHDCND Triều Tiên... Tôi cũng lặp lại sự phản đối của Trung Quốc với việc Mỹ triển khai THAAD tại Hàn Quốc”. Đại diện Anh không đồng ý với lập luận của đại diện Trung Quốc: “Tôi e rằng bất cứ yêu sách nào cho rằng có một sự tương đương về mặt đạo đức giữa các hành động của Triều Tiên và các biện pháp phòng thủ và thận trọng của các nước khác là không phù hợp. Các biện pháp sau này là chính đáng; các hành động kia thì không. Bất chấp những nỗ lực của một số người nhằm che khuất sự khác biệt đó, điều khác biệt này vẫn không thể bị làm ngơ hoặc loại bỏ”. Từ một quá khứ rất phức tạp đó, có thể thấy đằng sau sự nhất trí lên án 15/15 nước, một sự phân hóa rõ rệt vì lợi ích chiến lược riêng của một vài nước, để cố tình quên đi đâu là nguyên nhân, đâu là phản ứng. Cứ thế Triều Tiên “yên ổn” đi đến làm chủ vũ khí hủy diệt trong sự bất lực của Hội đồng Bảo an.■ Tags: Triều TiênThử tên lửaHội đồng bảo anTháp babel
Mạo danh shipper giao hàng lừa đảo ngày càng tinh vi CÔNG TRUNG 25/11/2024 Lừa đảo từ việc mạo danh shipper ngày càng tinh vi, khiến khách hàng lúng túng và rơi vào vòng xoáy mất tiền mà không hề hay biết.
Máy bay Nga bốc cháy dữ dội tại sân bay Thổ Nhĩ Kỳ THANH BÌNH 25/11/2024 Động cơ của chiếc máy bay chở khách do Nga sản xuất đã bốc cháy dữ dội sau khi hạ cánh tại sân bay Antalya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 24-11.
Nước trên các sông dâng cao do mưa lớn, Huế khẩn cấp cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học NHẬT LINH 25/11/2024 Tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát thông báo khẩn cấp cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học vì mưa lớn, nước các sông dâng rất nhanh.
Cận cảnh mảnh vỡ tên lửa siêu vượt âm Oreshnik THANH BÌNH 25/11/2024 Cơ quan An ninh Ukraine đã cho các nhà báo thấy những mảnh kim loại được cho là của tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik.