Thế giới 2017: Cục diện thiên hạ tam phân?

DANH ĐỨC 31/12/2017 07:12 GMT+7

TTCT - Khi những “cái tôi” thật lớn cỡ Vladimir Putin, Tập Cận Bình và Donald Trump (theo thứ tự xuất hiện trên chính trường) gặp nhau, điều gì sẽ xảy ra, nhất là khi, nói theo triết gia Pascal, “cái tôi thì đáng ghét”?

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. -Ảnh: Kommersant
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. -Ảnh: Kommersant

 

Tối thứ hai 18-12-2017, ông Trump đọc bài diễn văn giới thiệu Sách lược an ninh quốc gia của ông bằng luận đề “thắng cử” quen thuộc: “Dân chúng Mỹ đã bầu tôi để làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại…

Chúng tôi đặt ưu tiên cho lợi ích của các công dân chúng tôi và bảo vệ các quyền chủ quyền quốc gia, dân tộc của chúng ta. Nước Mỹ nay đang lĩnh xướng trên trường quốc tế. Chúng ta không trốn tránh các thách thức phải đối diện, chúng ta trực tiếp đối đầu chúng”.

Tam quốc tranh hùng

Không hẹn mà gặp, trong khi ông Trump cam kết với dân Mỹ “đối diện các thách thức”, thì ông Putin, trong thông điệp thường niên đọc trước Quốc hội liên bang Nga hôm 1-12, hô hào dân Nga:

“Chúng ta phải giải quyết tất cả những vấn đề khác nhau trong điều kiện phức tạp và cực kỳ bất thường, đây không phải là một sự kiện độc nhất trong lịch sử của chúng ta. Nhân dân Nga một lần nữa đã chứng tỏ một cách thuyết phục rằng họ có thể vượt qua những thách thức khó khăn, bảo vệ và bảo toàn lợi ích quốc gia, chủ quyền và diễn trình độc lập của mình”.

Cả hai ông Trump và Putin đều nhấn mạnh đến từ “thách thức” và yêu cầu “bảo vệ chủ quyền cùng lợi ích quốc gia”. Vấn đề là các thách thức mà ông Trump quả quyết đang “trực tiếp đối đầu” đó là gì, còn các thách thức mà ông Putin hô hào dân Nga “vượt qua” là gì?

Câu trả lời từ ông Putin cũng trong thông điệp trước Quốc hội liên bang Nga:

“Trong môi trường đầy thách thức ngày nay, mối quan hệ toàn diện và hợp tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc đã trở thành một trong những yếu tố chính đảm bảo sự ổn định toàn cầu và khu vực.

Quan hệ đối tác này có thể được xem như là một mô hình nhằm định hình một trật tự thế giới khỏi sự thống trị của một quốc gia nào, bất kể nước đó hùng mạnh tới đâu, và chiếu cố đến lợi ích của tất cả các quốc gia một cách hài hòa...”.

Thế “mối quan hệ toàn diện và hợp tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc” mà ông Putin long trọng công bố nhắm vào đối thủ nào? Ông không nêu đích danh, song ông cũng khiến người nghe hiểu đó là ai, thậm chí là những ai: “Chúng ta không muốn đối đầu với bất cứ ai…

Không giống các đồng sự của tôi ở nước ngoài, vốn coi nước Nga như một đối thủ, chúng tôi không và chưa hề tìm kiếm thù địch. Chúng tôi cần bạn. Song chúng tôi sẽ không cho phép chà đạp hay không đếm xỉa các lợi ích của chúng tôi”.

Thông điệp của ông rất rõ: ông không tìm kiếm sự đối đầu, song đừng ai chạm đến “lợi ích” của Nga. Việc ông Putin công khai mối quan hệ toàn diện và hợp tác chiến lược Nga - Trung như thế hôm 1-12 khiến nhận định này trong Sách lược an ninh quốc gia Mỹ mà ông Trump công bố 18 ngày sau trở nên dễ hiểu:

“Trung Quốc và Nga thách đố sức mạnh, thế lực, ảnh hưởng cùng lợi ích của Mỹ, mưu đồ làm xói mòn nền an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ. Họ quyết tâm giảm kinh tế tự do và sòng phẳng, tăng cường quân sự, kiểm soát thông tin và dữ liệu nhằm đàn áp xã hội của họ và bành trướng ảnh hưởng của họ”.

Tất nhiên, Sách lược an ninh mới này tuy mang tên ông Trump song câu chữ cũng như lời lẽ không phải là của ông, mà là của cả giới cầm quyền Mỹ, cái khung chính trị cố hữu của Mỹ, được Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ chấp bút.

Nếu như ông Trump và ông Putin thố lộ tâm tư hơi nhiều, thì ông Tập lại kín đáo. Trong báo cáo đọc trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 ngày 18-10-2017, ông Tập không nói nhiều đến các thách thức từ bên ngoài mà đề cập chủ yếu thách thức nội bộ, từ vấn đề Đài Loan tới các nguy cơ xâm nhập, khủng bố, nổi loạn và nạn tham nhũng.

Vấn đề Biển Đông, ông cũng đơn giản gói ghém trong mấy chữ “việc xây dựng trên các đảo và bãi đá ở Nam Hải (tức Biển Đông) đã có những tiến bộ vững chãi”.

Chủ yếu, ông giao nhiệm vụ cho quân đội: “Quân đội được xây dựng để chiến đấu. Quân đội chúng ta xem khả năng chiến đấu như chuẩn mực phải đạt đến trong mọi công tác của mình và tập trung vào việc làm sao chiến thắng khi có lệnh…

Điều đó sẽ cho phép chúng ta định hình vị thế quân sự của chúng ta, xử lý các khủng hoảng, ngăn chặn và chiến thắng các cuộc chiến tranh”.

Cụm từ sau cùng “ngăn chặn và chiến thắng các cuộc chiến tranh” có thể được hiểu như hai mệnh đề chính của chiến lược quốc phòng Trung Quốc: ngăn chặn các cuộc chiến có thể động chạm đến lợi ích những nơi mà Trung Quốc coi là “sân sau”. Và nếu chiến tranh thì phải thắng.

 

Xung đột lợi ích nghiêm trọng

Có thể thấy từ khóa chung cả trong chính sách đối ngoại của ông Putin lẫn Sách lược an ninh quốc gia của ông Trump là “lợi ích”: “lợi ích của chúng ta” (ông Putin), “lợi ích của nước Mỹ” (ông Trump). Khi lợi ích va chạm, xung đột xảy ra.

Thật ra, ông Trump chỉ thừa kế di sản từ các tiền nhiệm chứ chưa hẳn ông hứng thú gì trong va chạm với ông Putin.

Còn nhớ, ông đã “chiều lòng” ông Putin như thế nào khi thể theo yêu cầu của ông này, tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov trong phòng Bầu dục cùng đại sứ Nga Sergey Kislyak hồi tháng 5 năm nay, giữa những nghi vấn về vai trò của ông đại sứ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Một buổi tiếp mà báo chí Mỹ than là không có một phóng viên ảnh nào được vào chụp hình, ngoại trừ của phía… Nga!

Trung Quốc và Nga thách đố sức mạnh, thế lực, ảnh hưởng cùng lợi ích của Mỹ, mưu đồ làm xói mòn nền an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ”

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Trường hợp Syria

Thành ra, dù muốn dù không, ông Trump vẫn cứ phải “dính” tới các cuộc chạm trán giữa Mỹ và Nga, bắt đầu là ở Syria. Lợi ích Mỹ và Nga ở đây va chạm khi ông Trump còn chưa là ứng viên tổng thống.

Từ tháng 10-2015, Cheryl Rofer, một nhà khoa học về hưu sau 35 năm làm việc tại phòng thí nghiệm hạt nhân Los Alamos, có kinh nghiệm tháo gỡ hạt nhân ở Estonia và Kazakhstan, đã viết về lợi ích của Nga ở Syria:

“Putin đang cố ổn định Trung Đông. Đây là một trong những mục tiêu của Putin liên quan đến việc can thiệp vào Syria. Sự can thiệp của phương Tây đã gây bất ổn cho Iraq và Libya, và giờ đây không thấy có giải pháp nào.

Mặc dù cuộc nội chiến Syria bắt nguồn từ nước này, song ông Putin dường như tin rằng tất cả bất ổn bắt nguồn từ sự can thiệp của phương Tây. Trong lập luận này, hỗ trợ chính phủ hiện tại Assad sẽ nhằm ổn định lại Syria và có thể cả khu vực xung quanh.

Sự bất ổn ở khu vực này là đặc biệt nguy hiểm với Nga: nước này có hơn 10% người Hồi giáo, trong đó nhiều người sống ở khu vực Caucasus “dễ bay hơi”, lại không xa Syria. Có những người Nga đã tham gia lực lượng chống Assad ở Syria, và họ có thể gây rối khi trở về nhà”.

Ngoài lợi ích gắn chặt với an ninh nội địa Nga, Syria còn là vùng ảnh hưởng của Nga. Tác giả Rofer phân tích: “Bashar al-Assad là đồng minh duy nhất của Nga trên Địa Trung Hải và là “thân chủ” của Liên Xô cũ hiện còn sót lại trong khu vực.

Nga có cảng ở Tartus và Latakia cùng một căn cứ không quân nhỏ ở Latakia. Nga cần giữ Assad đứng vững và cần ở yên tại các căn cứ này để bổ sung cho căn cứ hải quân ở Crimea trong việc triển khai thế lực ở Địa Trung Hải…

Syria còn là con đường tiềm năng của các ống dẫn khí đốt từ Nga ra Địa Trung Hải, và Syria đã ký hợp tác thăm dò khí đốt với Nga”.

Hai năm ba tháng sau ngày đưa không quân giúp đỡ ông Assad “chống khủng bố”, cuối cùng, hôm 6-11-2017, ông Putin đã có thể loan báo với truyền thông Nga rằng “cách đây hai giờ, bộ trưởng quốc phòng đã báo cáo rằng các chiến dịch ở bờ đông và bờ tây sông Euphrates đã hoàn tất với thất bại hoàn toàn của bọn khủng bố…

Giờ đây, Chính phủ Syria, các nước trong khu vực và Liên Hiệp Quốc sẽ bước qua giai đoạn kế tiếp - khởi sự tiến trình chính trị, như đã thỏa thuận trong cuộc gặp ba bên giữa các tổng thống Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tại Sochi”.

Năm ngày sau, ông Putin bay qua Syria và trước các quân nhân Nga ở căn cứ không quân Khmeimim, mà từ tháng 1-2017 được Syria sang nhượng trong 49 năm, có thể gia hạn thêm 25 năm, tức tới năm 2091, ông đã tuyên bố:

“Tại đây, ở Syria, các bạn đang bảo vệ đất nước… Các bạn đã giáng một đòn hủy diệt vào những kẻ đã không biết xấu hổ trực tiếp công khai đe dọa đất nước chúng ta”. Chạm đến ông Assad ở Syria tức là đe dọa nước Nga: Quá rõ lợi ích địa chính trị của Nga ở Syria!

Trường hợp Triều Tiên

Từ đầu thập niên 1950 tới nay, bán đảo Triều Tiên luôn là “trái độn” cho hai thế lực đối kháng sau khi đã là bãi chiến trường giành giật. Liên Xô cũ, rồi giờ là Nga và Trung Quốc đối đầu với Mỹ, bảo vệ Triều Tiên tới cùng, cũng như Mỹ bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản như bảo vệ con ngươi của mình.

Trong bối cảnh đó, việc Triều Tiên rút ra khỏi hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân vào năm 2003, rồi trở thành một nước đang làm chủ không chỉ bom hạt nhân mà cả bom khinh khí cùng tên lửa liên lục địa có thể bắn tới nước Mỹ, là một quá trình ung dung tự tại bất chấp mọi nghị quyết lên án và trừng phạt của Liên Hiệp Quốc mà cả Nga và Trung Quốc đều tham gia bỏ phiếu thuận.

Đặc biệt, quá trình thử nghiệm bom và tên lửa đã tăng tốc tối đa trong năm 2017 vừa qua, mặc cho tân tổng thống Mỹ có giận dữ, la hét, đe dọa ra sao! Ông Trump càng lớn tiếng, ông Kim Jong Un càng thử nhiều bom, phóng nhiều tên lửa!

Sở dĩ nói Triều Tiên ung dung tự tại trước mọi đe dọa của Mỹ là do mỗi khi họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thì Nga và Trung Quốc đều lên tiếng yêu cầu Mỹ đừng khiêu khích Triều Tiên bằng cách tập trận răn đe sau mỗi vụ thử tên lửa hay bom.

Vào tháng 9, trong cao điểm thử vũ khí của Triều Tiên, Nga và Trung Quốc rầm rộ tập trận hải quân sát Triều Tiên cũng để răn đe Mỹ chớ đụng vào Triều Tiên (Euronews 18-9-2017). Hôm 10-8-2017, Bắc Kinh cảnh cáo Mỹ rằng Trung Quốc sẽ ngăn việc lật đổ ông Kim Jong Un (UPI 11-9-2017) và đứng về phía Triều Tiên nếu ông Trump “trút cơn thịnh nộ và bão lửa” như lời ông nói (Evening Standard 11-9-2017).

Gần đây, khi Mỹ - Hàn tập trận không quân thì cả Nga và Trung Quốc cùng tập trận không quân dọc biên giới Triều Tiên để đáp trả (Newsweek 13-12-2017). Những răn đe này phản ánh yêu cầu mà ông Tập đã đặt ra cho quân đội Trung Quốc là “ngăn chặn (và chiến thắng) các cuộc chiến tranh”, khi liên quan đến lợi ích của Trung Quốc. Có vẻ như ông Trump đang “lưỡng đầu thọ địch”, và ông lại còn tỏ ra non nớt hơn hai nhà lãnh đạo kỳ cựu kia. ■

Sự khác biệt giữa ba ông Trump, Putin và Tập lần lượt trong khâu “ăn nói” không hẳn do bản chất các ông, mà còn do khác biệt về thông tin trong các xã hội: ở nơi nào quyền được thông tin càng lớn, các chính khách càng phát biểu chi tiết và công khai. Song, đây cũng là con dao hai lưỡi khi cung cấp cho thiên hạ quá nhiều thông tin về những suy nghĩ của phe ta, từ các lãnh đạo cho tới các cơ sở nghiên cứu chính sách, và nhiều khi chưa ra tay đã oang oang cả thế giới cùng biết trước.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận