Thế hệ mai sau Ăn gì?

SATYAJIT DAS 12/07/2017 19:07 GMT+7

TTCT - Khắp thế giới, sự chia rẽ thế hệ đang ngày càng tồi tệ hơn. Thế hệ hiện tại đang lấy đi quá nhiều nguồn lực, khiến cuộc sống của thế hệ tương lai gặp nhiều rủi ro.

minh họa
minh họa

 

Nhà triết học người Ireland Edmund Burke nhìn xã hội là quan hệ đối tác giữa những người đang sống, đã qua đời và cả những ai chưa được sinh ra.

Vay, nợ và mượn

Việc không thấu hiểu quan hệ này đã tạo ra những xu hướng bất ổn trên toàn thế giới trong những thập niên gần đây, mà trong đó phần tài sản tương lai và tài nguyên được dùng cho tiêu dùng hiện tại đang ngày càng khiến các thế hệ tương lai rơi vào hoàn cảnh bất lợi.

Nếu không có cam kết xử lý sự bất bình đẳng này, những bất ổn xã hội ở nhiều nơi sẽ tăng nhanh chóng.

Mấu chốt của hiện tượng này là tiêu chuẩn sống và sự thịnh vượng tăng lên nhanh chóng trong vòng 50 năm qua, chủ yếu dựa trên số nợ đang gia tăng, trong khi con người tảng lờ những phí tổn đến từ thiệt hại môi trường và sự phân chia sai lầm các nguồn lực có giới hạn và ngày càng khan hiếm.

Một phần lớn tăng trưởng kinh tế gần đây là dựa vào tiền vay - hiện đang ở mức chóng mặt là 325% GDP toàn cầu. Nợ cho phép các xã hội tiêu dùng nhiều hơn do số tiền mượn trước đó được dùng mua một món gì đó cho hiện tại, đổi lại lời hứa là người mượn sẽ trả nợ trong tương lai.

Những người cần dịch vụ xã hội, chăm sóc y tế, tiền lương hưu nhưng họ không có tiền (từ ngân sách) giúp chi trả chi phí này đã tăng thêm.

Số tiền phải trả sẽ sớm trở nên khó khả thi, cộng với thay đổi về cơ cấu dân số trên thế giới sẽ càng làm việc này khó được thực hiện hơn.

Những hành động tàn phá môi trường cũng tạo ra các phí tổn cho tương lai: chi phí phục hồi thiệt hại hoặc những thiệt hại không thể đảo ngược được đã ảnh hưởng tới tiêu chuẩn sống hoặc chất lượng sống của thế hệ tương lai.

Cách tiếp cận đang phổ biến khắp nơi để giải quyết vấn đề này ngày càng làm tăng những căng thẳng mang tính thế hệ đó.

Chiến lược chính hiện nay là “đá quả bóng cho người khác” hay “mở rộng và giả vờ”, tránh những quyết định cần kíp có thể khiến giảm tiêu chuẩn sống hiện tại, tránh những hi sinh cần thiết và để các vấn đề cùng các chi phí liên quan cho thế hệ tương lai giải quyết.

Thay vì giảm mức nợ cao, các nhà chính sách sử dụng các động cơ tài chính như nới lỏng định lượng và mức lãi suất âm hay siêu thấp để duy trì chúng, hi vọng kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại và mức lạm phát vừa đủ sẽ giúp phục hồi kinh tế và giảm nợ.

Thay vì thừa nhận rằng Trái đất đơn giản là không thể hỗ trợ hơn 10 tỉ người đều khát khao sống cuộc sống phong cách người Mỹ hay người châu Âu, các nhà chính sách lại chỉ nỗ lực giảm việc sử dụng tài nguyên quá mức.

Ngay cả những nỗ lực khiêm tốn để giải quyết những thiệt hại môi trường cũng bị chống đối, giống như cuộc cãi vã gần đây về Thỏa thuận khí hậu Paris.

“Ăn thịt” con mình

Đo lường gánh nặng ngày càng lớn lên thế hệ tương lai là việc có thể làm được. Ví dụ nhìn vào tỉ lệ phụ thuộc đang tăng, hay số người nghỉ hưu sẽ phụ thuộc vào số người có việc làm. Năm 1970, ở Mỹ có 5,3 công nhân trên 1 người nghỉ hưu.

Năm 2010, con số là 4,5 và sẽ giảm còn 2,6 vào năm 2050. Ở Đức, số công nhân trên người nghỉ hưu sẽ giảm xuống 1,6 năm 2050 so với 4,1 năm 1970.

Ở Nhật - xã hội già nhất của loài người, tỉ lệ sẽ giảm còn 1,2 vào năm 2050 so với 8,5 vào năm 1970. Nói cách khác, số người đi làm trong tương lai sẽ không đủ để “gánh” số người nghỉ hưu.

Các nhà phân tích ngân khố cũng có cái nhìn bi quan tương tự. Trong nghiên cứu năm 2010 “Đừng hỏi liệu các chính phủ có vỡ nợ không, mà hỏi là họ sẽ vỡ nợ thế nào?”, Arnaud Mares (Tổ chức tài chính Morgan Stanley) phân tích tình trạng có thể trả nợ được của quốc gia, hay sự khác biệt giữa ngân sách thực sự với ngân sách tiềm năng của chính phủ là một chuyện và mức nợ hiện có với những cam kết tương lai là chuyện khác.

Nghiên cứu cho biết mức giá trị thuần của Mỹ là âm 800% GDP nước này, tức doanh thu từ thuế tương lai của nước này ít hơn so với nghĩa vụ cam kết là 8 lần so với giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ mà Mỹ sản xuất trong một năm.

Giá trị thuần của các quốc gia châu Âu ở khoảng từ âm 250% (Ý) tới âm 1.800% (Hi Lạp). Đối với Đức, Pháp và Anh, các con số là khoảng âm 500%, âm 600% và âm 1.000% GDP. Tức là những quốc gia này đã cầm cố bản thân trên khả năng có thể trả nợ được dễ dàng.

Một thước đo biểu lộ cuối cùng là khái niệm về phúc lợi thuế thuần của cuộc đời, tức đo lường lợi ích phúc lợi nhận được trong cuộc đời một người bằng cách tính toán sự khác biệt giữa tất cả các loại thuế họ trả và tất cả phúc lợi mà chính phủ chuyển đổi để người đó đã nhận hoặc sẽ nhận.

Một nghiên cứu năm 2010 từ Quỹ Tiền tệ quốc tế nhận thấy gánh nặng thuế cả đời ở Mỹ là dương (tiền đóng thuế ít hơn phúc lợi nhận được) cho tất cả mọi lứa tuổi trên 18, với phúc lợi lớn nhất đổ dồn cho những người hơn 50 tuổi.

Nhưng con số cho các thế hệ tương lai là âm (phúc lợi nhận được sẽ ít hơn thuế phải đóng), nghĩa là họ sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ trách nhiệm bắt buộc với thế hệ lớn tuổi.

Những phương thức so sánh như vậy có thể không thể hiện hết sự thiếu sót khi chúng không tính được những chi phí do tổn hại môi trường, hay giá hàng hóa cao hơn do nguồn tài nguyên thiên nhiên khan hiếm hơn.

Các thế hệ tương lai sẽ phải chịu được chi phí cuối cùng của những quyết định hành động hay không hành động hiện tại.

Tương tự bức tranh “Saturn đang ăn thịt con trai mình” (Saturn devouring his son) nổi tiếng của nghệ sĩ Tây Ban Nha Francisco Goya (1746-1828), ngày nay người già đang “ăn” những đứa con của mình.

Bức tranh mô tả một trong những vị thần Hi Lạp, Saturn, trong cơn điên cuồng ăn thịt một trong những con trai của mình. Theo truyền thuyết, Saturn, người đã lật đổ cha, biết được lời tiên tri rằng một trong những con trai mình sẽ lật đổ mình theo cách tương tự.

Bị ám ảnh bởi lời tiên tri đó, Saturn ăn thịt các con ngay khi chúng vừa ra đời. Vợ ông ta cuối cùng cũng giấu được một đứa con và đứa con này đã chứng minh lời tiên tri là đúng.

Kích tiêu dùng hay kích tài khóa?

Các nhà hoạch định chính sách, trong khi vẫn khẳng định họ có thể làm được nhiều việc để vực dậy tăng trưởng và lạm phát, bắt đầu thấy mình giống như hiệp sĩ đang chấn thương nặng nhưng vẫn đe dọa sẽ làm cho đối thủ máu chảy đầu rơi.

Thực tế là các chính phủ và các ngân hàng trung ương còn rất ít “vũ khí” để có thể thay đổi cục diện, có thể đã đánh mất cơ hội từng có nhằm thay đổi tình trạng đình trệ lâu nay.

Tác giả cho rằng nền kinh tế thực sự đã không phản ứng tích cực với mức lãi suất 0% hoặc âm. Các yếu tố tiếp tục khiến người dân thắt chặt chi tiêu cá nhân bao gồm: nợ cao, thu nhập đình trệ, thất nghiệp, thiếu việc làm và sự không chắc chắn của nền kinh tế.

Ngay cả những người giàu dù giàu có hơn cũng không thể thực sự chi tiêu nhiều như trước đây.

Nhu cầu tăng chậm trên quy mô quốc tế và nguồn cung hàng hóa của nhiều ngành vượt quá nhu cầu đã khiến đầu tư suy giảm.

Dù các ngân hàng trung ương có nhiều tiền cho vay với lãi suất rẻ cũng không cải thiện được nhu cầu vay tiền, vòng quay của tiền vẫn ở mức thấp. Các chính sách tiền tệ phi truyền thống cũng ảnh hưởng tới nhiều cơ chế thị trường cơ bản.

Cùng lúc đó, những hạn chế của các chính sách này cũng đang càng lúc càng rõ. Các ngân hàng trung ương châu Âu và Nhật Bản ngày càng có ít chứng khoán phù hợp để mua vào.

Vẫn chưa rõ ràng về việc các cắt giảm tỉ lệ lãi suất thêm nữa hoặc nới lỏng định lượng liệu có ảnh hưởng tới tỉ lệ lãi suất, các giá trị tài sản hay giá trị tiền tệ hay không. Điều này khiến tạo ra một sự nhất trí mới: Các chính phủ phải chọn cách mềm yếu là sử dụng kích thích tài khóa.

Nhưng nhiều nền kinh tế đã tăng thâm hụt ngân sách quá lớn, vài trường hợp là thâm hụt ngân sách cơ cấu. Nếu chi tiêu của chính phủ nhằm thúc đẩy tiêu dùng, cần phải tiếp tục để duy trì tính hiệu quả.

Còn nếu chính phủ chi tiền cho các khoản đầu tư hạ tầng, ảnh hưởng lâu dài sẽ còn tùy vào dự án. Việc các chính phủ có thể vay mượn với lãi suất thấp bất thường, thậm chí là âm, không có nghĩa là các khoản chi tiêu này có thể đem lại hiệu quả cao. Mối nguy hiểm là số vốn đó có thể biến thành các tài sản đem lại hiệu quả thấp.

Hơn nữa, ảnh hưởng nhiều tầng của chi tiêu chính phủ phải đủ cao để tạo ra khả năng tự tồn tại, vòng tròn tăng trưởng kinh tế mạnh khỏe, từ đó cải thiện thu nhập và việc làm.

Nếu không, ngay cả khi việc chi tiêu đem lại lợi ích cho xã hội, nó cũng không tạo ra thịnh vượng, đặc biệt về lâu dài.

Mặt khác, sử dụng biện pháp cực đoan sẽ chỉ làm tổn thương thay vì khôi phục niềm tin trong công chúng. Việc khiến dân chúng giữ chặt tiền tiết kiệm vì tỉ lệ lãi suất âm cùng với các ngân hàng trung ương in tiền và đổ vào dân chúng càng tạo ra bất ổn lẫn lo lắng cho tương lai.

Nói với công chúng rằng nền kinh tế cơ bản ổn là vô tác dụng, vì các doanh nghiệp và các hộ gia đình đương nhiên tự hỏi vì sao. Nếu mọi thứ đều ổn thì các biện pháp phi chính thống liệu có cần thiết hay không?■

Hạnh Nguyên

(chuyển ngữ từ Bloomberg)

Các nhà lập chính sách đã mất đi cơ hội tốt nhất nhằm tránh thế tiến thoái lưỡng nan này nhiều năm trước, ngay sau khủng hoảng năm 2008. Các chính quyền khi đó nên bắt đầu tìm cách thoát khỏi mô hình phát triển dựa vào tiêu dùng nhờ vay nợ hay đầu tư; tái cơ cấu các khoản chi tiêu không có sẵn tài chính hay không bền vững; giải quyết mất cân bằng toàn cầu.

Việc này có thể đã khiến kinh tế toàn cầu suy giảm và buộc các quốc gia phải tìm cách hỗ trợ các nhóm người yếu thế có được tấm nệm để cuộc đời đỡ khổ cực hơn. Nhưng nó cũng đã có thể tạo ra nền tảng phục hồi mạnh hơn và bền vững hơn. Bằng cách cố gắng chặn trước sự đau đớn (như hiện nay), các lãnh đạo chỉ có làm cho mình nhức đầu thêm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận