TTCT - Biểu tình ở Belarus đã kéo dài gần một tháng sau bầu cử 9-8. Bước sang tuần thứ tư, cục diện vẫn chưa ngã ngũ, biểu tình của những người chống đối lẫn ủng hộ Tổng thống Alexander Lukashenko vẫn tiếp diễn. Ngày 31-8, ông Lukashenko đã úp mở về khả năng trưng cầu dân ý với hiến pháp mới, điều mà giới phân tích cho là để xoa dịu phần nào những người biểu tình. “Tôi muốn thấy những thay đổi để thúc đẩy xã hội tiến lên” - ông Lukashenko nói với trang tin Euronews - “Chúng tôi khẳng định sẽ tiến hành những thay đổi đó và đề xuất chúng với người dân”. Chưa trình bày cụ thể về những thay đổi, nhưng ông thừa nhận hệ thống chính trị hiện giờ “ít nhiều có tính toàn trị” và hệ thống sắp tới sẽ “không gắn kết với một cá nhân cụ thể nào, bao gồm Lukashenko”.Ngày 23-8, người Lithuania xếp thành một “chuỗi người” dài 32km, chạy từ thủ đô Vilnius đến làng Medininkai giáp giới Belarus, để bày tỏ ủng hộ phe đối lập Belarus. Ảnh: Euro NewsCả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã lên án cuộc bầu cử ngày 9-8 là không tự do và công bằng. Các bộ trưởng ngoại giao EU tuần trước đã chuẩn bị các biện pháp trừng phạt nhắm vào giới chức cấp cao Belarus. Ngày 31-8, ba thành viên thuộc vùng Baltic của EU, cũng là láng giềng của Belarus - Lithuania, Latvia và Estonia - đã tự thông qua các lệnh cấm vận với 30 quan chức cấp cao của nước này, bao gồm chính ông Lukashenko.Một tuần trước, ngày 22-8, tổng thống Belarus đã quyết định đưa các đơn vị chủ lực của lực lượng vũ trang vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, mô tả đây là “quyết định nghiêm trọng nhất lần đầu tiên sau một phần tư thế kỷ”. Tại cuộc họp ở Grodno ngày 23-8 có sự tham gia của ông Lukashenko, Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin nhận định: “Phe đối lập và các thế lực bên ngoài có thể sử dụng các hoạt động của an ninh của Belarus nhằm ổn định tình hình đất nước làm cớ để lật đổ chế độ chính trị Belarus”. Theo ông Khrenin, kịch bản như thế có thể xảy ra nhờ những đơn vị NATO triển khai ở khu vực lân cận biên giới Belarus. 18 máy bay chiến đấu F-16 của không quân Mỹ gần đây đã được chuyển từ Đức đến căn cứ không quân Lask của Ba Lan, có thể được sử dụng để “hỗ trợ trên không cho các hành động này”. Ông Khrenin cũng lưu ý “thời gian bay [của những chiếc máy bay đấy đến biên giới Belarus] là khoảng 22 phút”. Để phòng ngừa, Belarus đã triển khai các lực lượng phản ứng nhanh của mình.Phương án liên bang?Muốn hay không, một thực tế là chế độ của Tổng thống Lukashenko đã bị rạn nứt. Tổng thống duy nhất trong lịch sử Belarus đã mất đi sự ủng hộ rộng rãi trong xã hội, và sau kết quả bầu cử và các cuộc biểu tình, tính chính danh của ông đã suy giảm nghiêm trọng.Đến nay, ông Lukashenko phần nào đã xoay xở được với làn sóng phản kháng đầu tiên, củng cố được, dù là tạm thời, cơ hội ở lại vị trí lãnh đạo đất nước. Nói là tạm thời do tính hợp pháp của danh vị tổng thống nhiệm kỳ thứ sáu đã lung lay đáng kể bởi các cáo buộc gian lận phiếu bầu (kết quả chính thức là ông Lukashenko hơn 80% số phiếu, trong khi ứng viên đối lập Svetlana Tikhanovskaya về thứ hai với chỉ hơn 10%) và việc trấn áp phe đối lập (một số thủ lĩnh bị bắt giam trước bầu cử). Tuy nhiên, do phe đối lập thiếu những lãnh đạo mạnh mẽ và một chương trình hành động kinh tế, xã hội rõ ràng nên khoảng chân không tạm thời chưa được lấp đầy. Tổng thống Lukashenko, trong khi đó, đã củng cố quyền lực, tái bổ nhiệm chính phủ, đưa những “vị thâm niên” trở lại những vị trí cũ và tưởng thưởng cho giới quan chức an ninh trung thành. Những người ủng hộ ông Lukashenko cũng trở nên tích cực hơn với những cuộc biểu tình tổ chức ở nhiều nơi tại Belarus.Phản ứng của phương Tây ủng hộ phe đối lập Belarus hiện cũng có phần kém quyết liệt hơn so với thời Maidan của Ukraine. Hoa Kỳ đang bận rộn với cuộc đấu tranh chính trị nội bộ gay cấn, chưa cấm vận Belarus. EU không công nhận kết quả bầu cử Belarus nhưng cũng không tuyên bố bà Tikhanovskaya, đã chạy sang Litva hai ngày sau bầu cử, là người chiến thắng. Thủ tướng Đức Angela Merkel chỉ kêu gọi Belarus “tìm con đường riêng, điều nên diễn ra qua đối thoại trong nước, không nên có sự can thiệp từ bên ngoài”. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nói: EU “không muốn kịch bản Ukraine lặp lại ở Belarus”. So với thời Maidan, phe đối lập Belarus đã không đạt được sức ép chính trị hợp nhất.Một ứng viên tổng thống Belarus, ông Valery Tsepkalo, đã đến Ba Lan sau khi quá cảnh Nga và Ukraine, nơi ông gặp Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputovich và cố gắng tổ chức một quỹ Mỹ - Ba Lan để hỗ trợ các cuộc biểu tình. Tại cuộc gặp, ông Czaputovich đã nhắc lại kế hoạch 5 điểm của Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nhằm ủng hộ phe đối lập Belarus: hỗ trợ người bị trấn áp, học bổng cho sinh viên, giảm nhẹ việc tham gia và tiếp cận thị trường lao động Ba Lan cho người Belarus, hỗ trợ truyền thông độc lập ở Belarus, và hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ. Các chuyên gia phương Tây cũng bắt đầu xây dựng hình ảnh nhà lãnh đạo đối lập từ ứng viên về nhì Tikhanovskaya. Bà này đã tổ chức một hội đồng phối hợp của phe đối lập, bao gồm các trí thức có quan điểm thân phương Tây, ủng hộ chủ nghĩa dân tộc và bài Nga. Đáp lại, an ninh Belarus đã khởi tố hình sự hội đồng này vì “đe dọa an ninh quốc gia và cướp chính quyền”, khiến một số thành viên rời hội đồng.Bà Tikhanovskaya cũng đã gặp chính trị gia, nhà báo Pháp Bernard Henri-Levy, được truyền thông Nga gọi là “giáo hoàng xám của chủ nghĩa tự do thế giới” (Luận chứng và sự kiện). Không úp mở, tờ Expert gọi thẳng thừng Henri-Levy là “chuyên gia về sự sụp đổ của các quốc gia và chiến tranh Nam Tư, Libya, Gruzia và Ukraine”.Hai bên đều dè chừngTrong bối cảnh Belarus, có thể thấy Ba Lan đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng địa chính trị sang phía đông, hình thành một vòng cung Đông Âu từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Warsaw, Minsk và Kiev đến các nước Baltic dưới sự bảo trợ chính trị từ Washington. Tất nhiên, một liên minh như vậy ở trung tâm Âu - Á sẽ đi ngược lợi ích của cả Nga và các nước Trung Âu. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Matxcơva, Paris và Berlin cuối cùng đã đạt được sự hiểu biết về việc giải quyết vấn đề Belarus.Đến nay, trong cuộc khủng hoảng Belarus, Matxcơva chỉ xuất hiện trong những tuyên bố mang tính kích động của ông Lukashenko: lúc đầu ông Lukashenko cáo buộc người Nga có ý định phá hoại Minsk với vụ scandal 33 tay súng đánh thuê (mà điều tra từ phía Nga cho là hành động khiêu khích của an ninh Ukraine). Sau đó, giữa các cuộc biểu tình, ông Lukashenko thường xuyên gọi điện cho Tổng thống Nga V. Putin bóng gió về sự sẵn sàng của đối tác Nga giúp Belarus giải quyết xung đột bằng vũ lực. Cuối cùng, Kremlin đã tìm kiếm một giải pháp ngoại giao, và phần nào có kết quả. Nhưng vấn đề chính vẫn tồn tại: Belarus vẫn được cai trị bởi một tổng thống bị phản đối, bị coi là độc tài, với rất ít cơ hội tái đắc cử. Đối với Nga, ông cũng là một nhà đàm phán ngoan cố. Nhiều người tin rằng việc Belarus hội nhập sâu rộng vào một quốc gia liên bang Nga - Belarus là cơ hội duy nhất để xoay chuyển cuộc khủng hoảng có lợi cho hai nước. Hơn nữa, tất cả các tài liệu và lộ trình của dự án này đã có sẵn và chỉ đang chờ quyết định chính trị từ Minsk. Tất nhiên, với sự chênh lệch thực lực của hai nước, nhiều người Belarus sẽ thấy dự án liên bang này thực chất là sự sáp nhập Belarus vào Nga.Về phía EU, Brussels không công nhận ông Lukashenko được bầu hợp pháp, nhưng ông “Lukashenka giống như [ông Nicolas] Maduro [Tổng thống Venezuela], dù muốn hay không, họ đang kiểm soát chính phủ và chúng tôi phải tiếp tục làm việc với họ”, Cao ủy Ngoại giao EU Josep Borrell cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Tây Ban Nha El Pais. Theo ông Borrell, trường hợp của Belarus không thể so sánh với Ukraine. Ở Ukraine, “những người biểu tình mang cờ châu Âu” và Ukraine phải đối mặt với sự lựa chọn giữa châu Âu và Nga trong chính sách đối ngoại. Còn vấn đề của Belarus “không phải là lựa chọn giữa Nga và châu Âu, mà là đạt được tự do và dân chủ. Brussels ủng hộ nỗ lực cải cách chính trị của người dân Belarus nhưng không muốn đóng vai trò nhân tố gây bất ổn”.■Người dân biểu tình không phải vì xúc xích, mà vì tự do“Nga sẽ cố gắng tránh can thiệp quân sự. Ủng hộ ông Lukashenko bằng cách đó sẽ làm thay đổi nhanh chóng và không thể đảo ngược thái độ của xã hội Belarus với Nga. Nó còn kéo theo một cuộc khủng hoảng mới trong quan hệ với phương Tây: các biện pháp trừng phạt, một vòng leo thang mới, phản ứng của NATO. Do đó, can thiệp quân sự chỉ có thể được lựa chọn trong những trường hợp khắc nghiệt nhất, nếu chế độ nhà nước sụp đổ và có một lượng lớn người tị nạn...Cho đến lúc đó, Nga có nhiều lựa chọn khác. Hai nước có quan hệ mật thiết với nhau, Nga có thể thực hiện các biện pháp mang tính kinh tế để xoa dịu tình hình Belarus như tăng trợ cấp trực tiếp hoặc gián tiếp, linh hoạt hơn trong định giá các nguồn năng lượng và tạo thêm cơ hội cho sản phẩm của Belarus vào thị trường Nga. Nhưng tất cả những biện pháp này sẽ không thể xoay chuyển tình thế trong nước. Người dân biểu tình không phải vì xúc xích, mà vì tự do.10 năm trước, khi tình trạng bất ổn bắt đầu ở Kyrgyzstan, giới lãnh đạo nước này đã kêu gọi Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) hỗ trợ quân sự. Nhưng CSTO đã quyết định không can thiệp. Tôi hi vọng bây giờ nhận thức chung và đánh giá tỉnh táo về hậu quả cũng sẽ chiếm ưu thế, và các sự kiện sẽ diễn ra theo kịch bản của Armenia. Khi [Thủ tướng Nikol] Pashinyan lên nắm quyền [vào năm 2018], hệ thống chính trị ở Armenia đã thay đổi, nhưng quan hệ Nga - Armenia không bị ảnh hưởng nhiều.Vì vậy, ngoại trừ tình hình xấu đi triệt để và sa vào nội chiến, phản ứng của Nga sẽ thận trọng và phụ thuộc vào mức độ ổn định của chế độ. Hiện có rất nhiều tin đồn, bao gồm cả việc ông Lukashenko sẵn sàng từ chức và các cuộc tham vấn đang được tiến hành về cách tìm người kế nhiệm. Tình hình có thể rõ ràng trong vài ngày tới”.Andrey KortunovTổng giám đốc Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế, trả lời trên Meduza.io Tags: NgaDân chủBiểu tìnhBelarusCách mạng màu
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Nước sông rút nhanh, bắt đầu rà soát trục vớt, làm cầu phao ở cầu Phong Châu DƯƠNG LIỄU 14/09/2024 Sáng 14-9, lực lượng chức năng Phú Thọ chuẩn bị công tác trục vớt phần cầu Phong Châu bị sập và làm cầu phao tạm thay thế.
Khách Tây xuống đường phụ dọn dẹp cây đổ ở Hà Nội sau bão Yagi HỒNG QUANG 14/09/2024 Hàng chục người nước ngoài có mặt tại các vườn hoa, con đường ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội sáng 14-9 cùng lực lượng chức năng dọn dẹp đường phố sau bão Yagi.
Diễn viên Nam Thư làm việc với Công an Đà Lạt vụ tố homestay làm lộ hình ảnh M.V 14/09/2024 Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho hay diễn viên Nam Thư đã đến Đà Lạt làm việc với cơ quan công an liên quan đến nội dung tố cáo trước đó.
Miền Nam chìm trong biển nước do mưa bão là tin đồn thất thiệt LÊ PHAN 14/09/2024 Trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn 'sắp tới miền Nam cũng có mưa bão, tất cả chìm trong biển nước' khiến nhiều người hoang mang.