TTCT - Từ những chuyện “lớn” đến những chuyện nhỏ nhặt đời thường, như hũ mắm đậu ngon nức tiếng của bà ngoại, lu nước mưa ngọt lịm nhà dì tư, những trái mãng cầu chim ăn rụng đầy vườn... Ký ức rơi rớt từ đâu, cứ thế tuần tự được gom về. Nhớ, mà sao như níu kéo... Gần tới cuối năm, mấy chị em cùng “tóc bạc như nhau” hào hứng bàn chuyện đón Tết. Bà chị đã về hưu một buổi chiều nắng quái ngồi trước thềm nhà bà ngoại nhìn xa xăm. Gió làm xào xạc hàng dừa già lắm rồi, già còn hơn tuổi của bà chị ngồi thềm nắng. Bà chị nhớ góc này hồi đó mình tắm mưa, góc kia bà ngoại (giờ đã “phủi chân ngồi bàn thờ” - như đám cháu vẫn đùa) phơi củi, sân phẳng chỗ này ngoại phơi lúa, còn góc nọ cuối năm ngoại cơi một cái bếp to để nấu bánh tét bánh ít. Thế là bà chị về hưu đã vài năm bàn với cô em gái thứ là cô giáo, mới về hưu tức thì: “Tết này tụi mình về quê nấu bánh tét đi”. Cô em gái thứ bắn tin lên “phây”. Nhỏ em gái út “lạc trôi” tận trời xa, đã thủ sẵn vé về Việt Nam ăn Tết Mậu Tuất rồi, nhảy vào hưởng ứng: “Ừ được đó, nhưng không chỉ bánh tét bánh ít nhe. Bên này nhờ đi chùa, em học được cách gói bánh chưng luôn rồi. Tết này về em sẽ gói bánh chưng”. Cô bạn của cô em thứ - từ xứ cầu Rồng, cầm lòng không đậu, rón rén: “Mê quá, cho tui tham gia với. Chừng nào gói vậy?”. Thế là inbox nhộn nhịp, chốt ngày N giờ G, máy bay J. “Nhà tui ba người đó nhe, có thằng nhỏ nữa”. “Bi nhiêu mà nhỏ chị?...”. Nhỏ em út xứ hoa tulip hỏi bạn của bà chị - cô giáo. “Mới... năm cuối đại học”. “Trùi!”. Cô bạn bẽn lẽn: “Ừ, muốn cho nó biết không khí đón Tết dưới quê là sao mừ. Nó sinh ra lớn lên ở thành phố...”. “Rồi rồi, bi nhiêu cũng được. Nhà ngoại rộng mà. Không đủ chỗ ngủ thì qua “tá túc” nhà dì Tư, dì Út, tha hồ...”. Một cô giáo đang dạy Đại học M nói: “Cho tui một “suất” gia đình. Có hai đứa cháu 3 và 5 tuổi. Được hông?”. “Cho tụi nhỏ biết thế nào là “ngồi canh nồi nấu bánh chưng xanh” mà. “Chơi” luôn” - bà chị lớn hào sảng. Cô em út tung cái icon thằng người đấm bụng cười vui quá, phán: “Rồi, tui sẽ khuyến mãi thêm bánh cam và chè cho tụi nhỏ, lấy sức... thức đêm!”... Phòng chat của mấy bà già về hưu và sắp về hưu, nhờ “thế giới phẳng” mà tưng bừng rộn rịp bất kể múi giờ. Bà má bắt đầu ngồi tính, bao nhiêu người, bao nhiêu bánh, nếp gì, đậu gì, thịt dặn đâu, gom bao nhiêu củi. Bà má, thừa hưởng ngôi nhà của bà ngoại, đã tám mươi ngoài, cười móm mém: “Bày đặt thì tha hồ làm nghe con”. Đứa con gái đã về hưu trấn an: “Bà già cứ yên tâm. Vui sống cho con cháu về gói bánh cho bà coi”. Ừ, bà già coi cũng đủ no rồi, chứ ăn uống bao nhiêu, chưa kể bà ăn chay trường. Mà đám con chắc cũng chẳng vì cái bánh tét bánh chưng đậu xanh thịt mỡ. Hết một nửa trong số đó đã quen chay tịnh suốt mùa giêng. Bà chị già bảo: “Tại tao nhớ khói. Khói của những buổi chiều 29, 30... Của củi từ nồi bánh”. Nhỏ em “lạc trôi” góp: “Em cũng nhớ mùi củi cháy, rồi mùi bánh lúc vớt ra”. Cô em thứ: “Em nhớ bà ngoại quá. Nhớ cái nhà bà khi còn nền đất vách lá chứ không phải gạch Tàu cửa kính như bây giờ. Em nhớ cái không khí. Em nhớ những buổi chiều trước giao thừa”. Từ ngôi nhà vách lá, mùi khói bếp củi đó đến nay là một khoảng thời gian bằng mấy đời người. Má họ lấy chồng lên thành phố, bà ngoại góa bụa từ lâu ở lại quê. Con cháu ngoại đi xa, mỗi Tết tụ về, ngoại lại gói bánh đãi cháu, con. Đến khi ngoại mất thì vườn tược quạnh quẽ, những đứa con mê mải cuộc sống thị thành, nồi bánh tét đi vào dĩ vãng. Giờ đứa con gái của bà đã trở thành bà ngoại, bà nội, trở về căn nhà cũ, thì những hồi ức xa xưa của đám cháu lại ùa về. Chúng nhớ... Nồi bánh tét đã kéo những đứa con rất xa trở lại. Nhưng biết được bao lâu? Những bà mẹ cố đưa mấy “đứa nhỏ” của mình về, liệu có neo đậu được trong con, cháu mình ký ức quê hương? Nhưng thôi. Đời mình có khói, có mùi bánh đêm 30, có đêm trừ tịch ngồi bên bếp lửa nhìn ra góc vườn tối đen nhát nhau những con ma, thách nhau dám một mình đi tới góc cây ô môi cuối vườn. Năn nỉ người già kể chuyện “bà năm bị ma giấu”, chuyện “má gánh tép đi bán bị tắt đèn khi ngang qua khu gò mộ”, rồi lan man sang chuyện chiến tranh, chuyện “dì tư gánh cháu một bên, nồi niêu một bên chạy pháo kích...”. Từ những chuyện “lớn” đến những chuyện nhỏ nhặt đời thường, như hũ mắm đậu ngon nức tiếng của bà ngoại, lu nước mưa ngọt lịm nhà dì tư, những trái mãng cầu chim ăn rụng đầy vườn... Ký ức rơi rớt từ đâu, cứ thế tuần tự được gom về. Nhớ, mà sao như níu kéo... Hốt nhiên bà chị già nhớ đến một cuốn sách vừa đọc, khi tác giả luận bàn về văn hóa dân tộc thời toàn cầu hóa, đã cảm thán “công dân toàn cầu có thú vị không, hay là con người trơn tuột chẳng có gốc rễ văn hóa nào cụ thể”. Những đứa con về với quê hương Tết này, liệu có thấy mình bén được một chút rễ?■ Tags: Quê hươngTếtThèm một quê nhà
Phóng viên Tuổi Trẻ đặt câu hỏi về cây trồng tại Hà Nội còn bọc nguyên vỏ bao xi măng ở rễ PHẠM TUẤN 03/10/2024 Liên quan tới việc cây xanh tại Hà Nội không tháo bầu cây khi trồng bị bật gốc sau bão số 3, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sẽ truy tìm chủ đầu tư.
Vụ nam sinh 'thân mật': Sở GD&ĐT Hà Nội nói cô giáo 'hòa đồng nhưng thiếu nghiệp vụ sư phạm' PHẠM TUẤN 03/10/2024 Liên quan tới vụ nam sinh thân mật với giáo viên ngay trên bục giảng, ông Nguyễn Quang Tuấn - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội - cho biết cô giáo là người hòa đồng, thân mật với học sinh nhưng 'thiếu nghiệp vụ sư phạm'.
Công ty dược NAC trốn thuế và thao túng tâm lý bệnh nhân ra sao? DANH TRỌNG 03/10/2024 Vũ Đăng Thái, giám đốc Công ty dược phẩm công nghệ cao NAC, cùng nhiều cấp dưới bị khởi tố với cáo buộc có dấu hiệu che giấu doanh thu để trốn thuế và giả danh bác sĩ bệnh viện lớn, có uy tín để bán các sản phẩm trị nám, dưỡng da.
Em bé Làng Nủ: 'Bố mẹ mất rồi, nhờ chú làm ảnh bố mẹ và anh em cháu' NGUYỄN HOÀNG TUẤN 03/10/2024 Biết có người nhận làm phục chế ảnh miễn phí, bé Phúc (15 tuổi, sống tại Làng Nủ, Bảo Yên, Lào Cai) liên hệ ngay để nhờ phục chế ảnh bố mẹ đã khuất.