TTCT - Khai trí là gì trong thời đại này? Và làm thế nào để xây dựng một Việt Nam trí thức hơn? Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong trong ngày khai giảng - Như HùngMột trong những điều đầu tiên nhắc tới khi nói về khai trí là giáo dục toàn diện, nhưng khai trí không chỉ là giáo dục. Khai trí còn đòi hỏi một cách tiếp cận thích hợp để hướng tới một xã hội văn minh. Thái độ này có được không phải chỉ thông qua hiểu biết và tích lũy kiến thức.Quá trình khai trí cũng có thể được đánh giá thông qua sự sẵn sàng xem xét và chấp nhận các kết quả suy luận logic dựa trên một phương pháp khoa học, dù quá trình suy luận đó đi ngược lại với những ý kiến và kiến thức đang tồn tại trong xã hội. Điều này có thể dẫn tới những giá trị và chuẩn mực mới thay thế những giá trị và chuẩn mực cũ.Như vậy, cũng sẽ cần sự chấp nhận các quan điểm và ý kiến đa dạng. Quá trình khai trí, vì thế, là việc chấp nhận các quan điểm không chính thống trong xã hội bên cạnh các quan điểm chính thống.Tiếp nhận cái mớiNgoài việc dựa trên suy luận logic, phong trào khai trí ở châu Âu bắt đầu từ thế kỷ 17 còn là về sự thiêng liêng bất khả xâm phạm của cá nhân. Tuy nhiên, thúc đẩy quá trình này một cách cực đoan có thể dẫn tới nhấn mạnh quá mức tính duy lý so với cảm xúc, điều rất quan trọng để con người yêu thương và cảm nhận. Một xã hội toàn những người có bằng tiến sĩ vẫn có thể sản sinh ra những kẻ ngu dốt duy lý nhưng lại thiếu các giá trị nhân bản. Trong tư tưởng phương Đông, điều này tương ứng với sự đối lập giữa pháp trị và đức trị.Thêm vào đó, sự khai trí không chỉ là về những ý tưởng mới, hay các xu hướng thời thượng trên thế giới. Vấn đề nằm ở tâm lý tiếp nhận, hướng tới những cách tư duy và thực hành mới. Khai trí không hẳn là sự thích nghi, như kiểu chúng ta học cách dùng điện thoại thông minh ở tuổi 70 mà đụng chạm tới những phần cơ bản của con người: tâm hồn, thay đổi hành vi và lịch sử.Khai trí cũng không phải là một mục tiêu để đạt tới rồi duy trì cho nhiều thế hệ. Đó là một quá trình tương đối với thời gian và không gian, vì các ý tưởng và hành vi thay đổi qua từng thế hệ. Quá trình khai trí có thể tụt lùi. Những tiến bộ về vật chất và mức sống cũng có thể đạt được mà không cần quá trình khai trí. Nhưng những con người, xã hội và dân tộc sẽ tụt hậu nếu cứ bám lấy cách suy nghĩ cũ mà không cân nhắc sự thích hợp với hiện tại.Một ví dụ cho điều này là những giải thích mới với các kinh kệ tôn giáo, hay các ý tưởng chính trị do các nhà lãnh đạo độc tài thực thi, những người đóng cửa đất nước và đóng cửa tầm nhìn của người dân do sợ hãi các ý tưởng mới sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới người dân của họ, và do đó ảnh hưởng tới cấu trúc quyền lực.Khai trí cũng liên quan tới không gian vì mỗi nơi có các vấn đề và quan điểm văn hóa riêng biệt, và khai trí có nghĩa là một người đủ khôn ngoan để hiểu và chấp nhận những khác biệt đó. Những xã hội nhắm mắt trước các khiếm khuyết của mình và kháng cự các thay đổi tích cực có thể tới nhờ sự dung hợp những ý tưởng mới sẽ tiến bộ chậm chạp trong quá trình khai trí.Trong các xã hội đóng cửa, sợ thay đổi, quá trình khai trí với từng cá nhân vẫn có thể diễn ra, nhưng một lực lượng khai trí có tính hệ thống cho toàn xã hội sẽ có quy mô nhỏ hơn nhiều so với một xã hội khác chấp nhận quá trình khai trí thông qua giáo dục cũng như dung hợp một quan điểm chấp nhận đối với thay đổi và sáng tạo. Nói cách khác, quá trình khai trí gắn chặt với khả năng cạnh tranh và sự thành công. Điều này đúng với cả các cá nhân lẫn các quốc gia.Khai trí ở Việt NamKhông thể nói rằng xã hội Việt Nam, nhất là xã hội đô thị, phản kháng sự thay đổi và các ý tưởng mới từ bên ngoài. Tiến trình lịch sử cho thấy khá rõ ràng là các cuộc cách mạng xã hội chủ yếu do tầng lớp tinh hoa ở đô thị dẫn dắt, và chính ở những vùng đô thị mà các ý tưởng cách mạng từ bên ngoài đâm chồi bén rễ đầu tiên. Xã hội Việt Nam từng rất khôn ngoan trong áp dụng các ý tưởng mới để đạt được những mục đích nhất định.Phong trào Duy Tân nhắm tới việc cải tạo xã hội thông qua mở mang dân trí và qua đó tới mục đích cao cả hơn, giành độc lập dân tộc. Trong trường hợp này, khai trí được coi là một công cụ hơn là một mục tiêu. Chẳng hạn, việc sử dụng chữ quốc ngữ là một ví dụ tốt về quá trình khai trí, khi một xã hội ủng hộ áp dụng một hệ thống chữ viết mới và từ bỏ hệ thống cũ không chỉ khó học mà còn là sự cản trở với quá trình khai trí của toàn xã hội và độc lập dân tộc.Sự áp dụng chữ quốc ngữ từng vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ. Nền văn hóa Việt Nam cũng đã dung hòa các tập quán ngoại lai và biến những tập quán này thành của riêng họ sau một hoặc hai thế hệ.Như thế, bản chất xã hội Việt Nam là pha trộn giữa mới và cũ, một quá trình bán-khai-trí. Việt Nam có khát khao lớn trong phát triển đất nước và tăng tính cạnh tranh, nhưng thường tự cản trở mình tiến lên khi không có tư duy phê phán với những gì họ cần làm để cạnh tranh và phát triển.Chẳng hạn, trong quan điểm của nhiều bậc cha mẹ và các học sinh, tấm bằng đại học sẽ khiến một thanh niên có khả năng cạnh tranh trong công việc. Thành công trong hầu hết, nếu không nói là tất cả trường hợp, được định nghĩa qua tấm bằng đại học. Nhưng kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy các cá nhân có rất nhiều con đường dẫn tới thành công. Một số doanh nhân, nhà phát minh thành công nhất không hề có tấm bằng đại học.Thật ra, trong một nền kinh tế thật sự trưởng thành, kỹ sư và thợ lành nghề có thể có thu nhập cao hơn nhiều so với những người tốt nghiệp đại học, nền kinh tế đó cũng cần nhiều kỹ sư và thợ lành nghề hơn. Tình trạng ở Việt Nam hiện giờ rõ ràng là thừa thầy thiếu thợ, đã trở thành vấn đề mang tính cấu trúc với nền kinh tế khi thị trường việc làm không tương ứng với hệ thống giáo dục. Rõ ràng, một quan điểm cân bằng và cởi mở hơn với giáo dục là rất cần lúc này.Thẳng thắn mà nói, xã hội Việt Nam vẫn gây áp lực lớn và liên tục lên các cá nhân, những hành vi và suy nghĩ không phù hợp với các tiêu chuẩn và tập quán chung thường bị chê trách. Áp lực tâm lý được thể hiện thông qua cả việc phê phán trực tiếp và gián tiếp, buộc thiểu số phải thay đổi hành vi. Trong khi từng cá nhân người Việt có khuynh hướng chấp nhận tư duy và hành vi không theo chuẩn mực chung, họ lại vẫn có khuynh hướng không lên tiếng bảo vệ những người đang chịu áp lực này, ít ra là không công khai.Ai sẽ thúc đẩy?Quá trình khai trí sẽ được thúc đẩy nhanh hơn ở Việt Nam nếu những người ở các vị trí cao hơn trong xã hội, những người lãnh đạo, làm gương bằng các hành động cá nhân, lên tiếng bảo vệ quá trình khai trí và những ai chịu áp lực vì quá trình đó.Sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo đã giúp ích rất nhiều cho các mục tiêu xã hội như hỗ trợ người nhiễm HIV hay sử dụng ma túy, những nhóm dân số thiệt thòi và dễ tổn thương. Tham nhũng không thể tồn tại nếu các nhà lãnh đạo có đạo đức cầm quyền và chống tham nhũng tới cùng. Để có đạo đức cầm quyền, các nhà lãnh đạo phải ngay thẳng trong mọi hành xử của họ.Tiếp đó, quá trình khai trí phải được “phô diễn” thuận lợi trong môi trường trường học. Giáo viên và những người làm công tác giáo dục, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực này cần làm gương cho học sinh, như những nhà lãnh đạo làm gương cho cả đất nước. Nhưng quan trọng không kém là chương trình đào tạo. Thay vì nhắm tới đào tạo ra những người làm các công việc hiện có (điều vẫn cần thiết), chương trình giáo dục phải có tính chất khai sáng.Người Việt Nam có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, nhưng định nghĩa về “lễ” và việc nhấn mạnh yếu tố này cần xem xét lại. Theo Khổng Nho, “lễ” là thái độ cần thiết mà mọi người cần có trong một xã hội có trật tự, người trẻ phải tôn trọng người già; các mối quan hệ gia đình và xã hội đều có chuẩn mực và cần phải tránh việc xâm hại chuẩn mực đó.Quan điểm như thế là sự thiên vị rõ ràng cho trật tự bảo thủ đã được thiết lập, nhấn mạnh quá nhiều vào sự tôn trọng và tránh né xung đột, ngay cả khi cái giá phải trả là cần thiết để thúc đẩy tiến trình khai trí.Sự lãng mạn của tư duyCũng đáng đặt ra câu hỏi là có nên theo đuổi tiến trình khai trí bằng mọi giá? Nếu chúng ta tìm hiểu tới gốc rễ của ý tưởng khai trí và việc một xã hội quốc tế đã tiến hóa ra sao kể từ khi theo đuổi ý tưởng đó, chúng ta sẽ được khai trí về việc theo đuổi tiến trình khai trí bằng bất cứ giá nào có thể dẫn tới hi sinh những nhu cầu chung của cộng đồng cho các nhu cầu cá nhân, sử dụng tư duy duy lý như cách giải thích duy nhất cho hành động.Điều này cũng không đúng. Quá trình khai trí liên tục đứng trước thử thách là cần áp dụng các phương pháp luận khoa học chuẩn xác. Những phương pháp cũ có nguy cơ trở nên lỗi thời nếu không được cập nhật và trong những trường hợp tồi tệ có thể dẫn tới biện minh cho những giá trị phi nhân bản.Nếu sự duy lý trở nên cực đoan mà không quan tâm tới khía cạnh lãng mạn của tư duy và trải nghiệm con người, cuộc sống con người sẽ khô cứng, vô vị và tẻ nhạt cả về tầm nhìn lẫn sự đa dạng. Nói cách khác, trong bản thân quá trình khai trí đã có những mầm mống của phản khai trí.Điều cần nhấn mạnh là sự chấp nhận và dung hòa lẫn nhau để có thể học hỏi. Sự chấp nhận là không có giới hạn và như thế quá trình khai trí nên được thiết lập theo một số quy tắc theo đuổi những giá trị nhân bản, những giá trị nền tảng và bền vững với thời gian.Như vậy, khai trí - với lịch sử đóng góp vào sự phát triển của con người - là một hành trình không có điểm dừng, với sự tập trung vào cá nhân, để mỗi con người ý thức được nhu cầu được thông tin, được hiểu biết và tư duy logic, nhưng đồng thời cũng luôn nhớ tới cảm xúc và sự lãng mạn.(HẢI MINH chuyển ngữ) Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Đông du và những góc nhìn về khai trí Tiếp theo Tags: Khai tríPhát triển con ngườiDavid KohGiáo dục tiến bộ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
Đà Lạt hướng tới mục tiêu trở thành hình mẫu tiêu biểu về tăng trưởng xanh MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.