Thở được không khí của bao la

DẠ NGÂN THỰC HIỆN 04/01/2012 20:01 GMT+7

TTCT - Xin chào tác giả có duyên với giải nhì. Nhưng mình sẽ nói chuyện đó sau. Bạn thật sự viết văn từ khi nào, duyên do gì và vì sao?

Phóng to
Tác giả Võ Diệu Thanh - Ảnh: Dạ Ngân

- Võ Diệu Thanh: Hồi còn tiểu học, gặp đâu có bóng dáng văn là tôi ôm đọc. Nấu cơm, giặt đồ, thậm chí vừa đan lưới vừa đọc. Ti-mua và đồng đội, Dòng sông thơ ấu, Tây du ký, Hai cây phong và Tuổi thơ im lặng của Duy Khán. Tự hỏi sao quê ông này thiêng liêng, ấm áp và lạ lùng, quê mình có như vậy không?

Bắt đầu kiếm những điều giống như Tuổi thơ im lặng tại quê mình. Chỉ là tìm thôi, nghĩ ngợi vẩn vơ liên tục thôi. Khi gặp cuộc thi văn chương học đường do Hội văn nghệ tỉnh nhà tổ chức, những ý nghĩ đó bắt đầu bò ra giấy. Rất mắc cỡ, dự thi cũng rất lén lút. Vậy mà được giải nhất, trị giá bằng hai chỉ vàng, đang học lớp 12 mà có chừng đó vinh dự lắm. Bỗng nhiên bỏ viết, tám năm, theo học sư phạm và “làm kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”. Tôi viết lại năm 2004 và viết liên tục cho đến bây giờ.

* Tỉnh lẻ chật hẹp, tôi từng nếm trải và thách thức nó. Bạn có đời riêng không suôn sẻ, bạn cảm thấy thế nào về môi trường của mình?

- Yên ắng quá cũng dễ bị ngủ quên. Nếu cả đời chỉ ngồi trong ngôi trường tiểu học này, gặp những gương mặt rất quen thuộc, cười những nụ cười rất thường lệ chắc tôi chết ngộp mất. Nhờ viết văn, tôi như được thở không khí của bao la. Tôi thấy bình tâm hơn với những gì rất xưa cũ nơi này. Tôi thích cuộc sống kiểu như hễ hết nước mắm, hết gạo có thể chạy re vô bếp nhà kế bên, không cần hỏi. Rồi nhà kế bên cũng đối với mình như vậy. Cái gì cũng có hai mặt

* Chúng ta không thích thú với kiểu xếp loại “nhà văn khu vực”, nhưng thật sự bạn nghĩ gì về miền Tây và những bạn viết của mình ở đó?

- Ham vui và thích ngẫu hứng. Ngôn ngữ dân dã cũng thay đổi không ngừng. Cùng một sự kiện, người miền Tây hôm nay gọi khác, nhưng một thời gian đã gọi khác nữa. Không khí của tài tử mà. Nhưng đồng bằng bát ngát, tính cách con người lại không khác biệt mấy, cuộc sống ít biến động, đấu tranh ít khốc liệt. Không khí văn chương còn y đó nhưng tác phẩm vượt người đi trước chưa có nhiều, nhất là tác phẩm hàn lâm.

* Đối tượng nào khiến bạn quan tâm nhất? Nông dân ư? Sao không là nhà giáo mà là nông dân?

- Mọi thành phần nơi đây đều sinh ra từ nông dân. Giáo dục đang bị kêu rêu quá. Tôi sẽ phải chín chắn hơn với đề tài này. Viết về nồi cơm mình rất dễ bị chủ quan chi phối.

* Truyện vừa sắp ra mắt Những hạt bụi tật nguyền cho thấy bút lực bạn sẽ dài nhưng làm thế nào để không là “phó Nguyễn Ngọc Tư”, bạn có nghĩ đến cái bóng của cô bạn ấy khi thử sức với truyện vừa không?

- Ngọc Tư giống như một thứ men kích thích cho văn học miền Tây bớt trầm lắng, mê ngủ. Tôi không thể không nghĩ tới Ngọc Tư khi viết truyện chị vừa nhắc. Những hạt bụi tật nguyền khá kịch tính, khá khốc liệt nhưng tôi không đặt lên vai nó sứ mệnh nào hết. Viết để giải thoát khỏi một ám ảnh hiện thực mà thôi. Tôi thấy Ngọc Tư hơi bị vất vả để bứt mình khỏi cái bóng của Cánh đồng bất tận. Tôi muốn mình thong dong hơn để còn chơi bền với văn chương.

* Tôi đánh giá rất cao Giống mùa nghịch và còn đánh giá cao hơn truyện dự thi thứ hai của cuộc thi Truyện ngắn ĐBSCL lần thứ tư này. Đó là truyện Mười bảy cây số đường ma. Nếu có toàn quyền tôi sẽ cho cả chùm truyện ấy giải nhất. Bạn công phu và ưng ý truyện nào nhất, vì sao?

- Giống mùa nghịch là một sự miệt mài, kỳ công, cố gắng viết để thi. Viết gần xong, hơn 4.000 chữ, nhưng sau đó tôi xóa sạch, viết lại theo bố cục mới. Viết đến đoạn cuối tôi đã khóc. Không phải vì thấy nó quá hay, mà vì trong cuộc sống có nhiều khi tôi luôn phải gạt nước mắt để vững chân. Nhưng tôi thích Mười bảy cây số đường ma hơn. Như một con đường lạ giữa một vùng quê quen thuộc. Tôi tin sẽ không ít người đồng tình với nhận định của chị về hai truyện trên.

* Riêng với truyện ngắn thì tôi cũng từng là tác giả chỉ ở cỡ giải nhì. Giải nhì Văn Nghệ Quân Đội năm 1987, giải nhì báo Tuổi Trẻ 1989. Còn bạn thì giải nhì cuộc thi Văn học tuổi hai mươi, bây giờ cũng lại về nhì. Nếu nói về mình một cách ngắn gọn từ khi bắt đầu với văn chương, bạn sẽ tóm tắt như thế nào?

- Tôi hiểu tâm trạng chị và tôi biết chị cũng không phiền vì điều đó. Tận nhân lực nhưng cũng phải tri thiên mệnh. Tóm tắt mình ư, tôi là một cây viết “ham học, ham viết, ham chơi và thân thiện”.

* Chúng ta đều là những người mẹ chống chèo và bị văn chương dẫn dụ. Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh. Chúc bạn chân cứng đá mềm và thành công hơn nữa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận