Thu nhập của cha và điểm SAT của con

NGUYỄN VŨ 07/11/2023 09:58 GMT+7

TTCT - Bố mẹ giàu, bố mẹ nghèo có tác động gì đến điểm thi của con cái không? Một nghiên cứu mới công bố của Opportunity Insights thuộc Đại học Harvard dựa trên điểm thi SAT cho là có: bố mẹ càng giàu, điểm thi SAT của con càng cao.

Minh họa: Lex Villena/Reason.com

Minh họa: Lex Villena/Reason.com

SAT là kỳ thi chuẩn hóa do tổ chức phi lợi nhuận College Board tổ chức. Điểm thi là một trong những yếu tố dùng trong tuyển sinh đại học; em nào được 1.300 điểm là rất khá, đủ sức được nhận vào nhiều trường đại học hàng đầu ở Mỹ.

Khoảng cách xa

Theo nghiên cứu nói trên, so sánh giữa các gia đình thuộc nhóm 20% giàu nhất với nhóm 20% nghèo nhất thì con em nhóm đầu có khả năng đạt 1.300 điểm cao gấp 7 lần con em nhóm sau.

Khoảng cách này còn lớn hơn nhiều khi so sánh với nhóm 1% giàu nhất, khả năng con em của họ đạt 1.300 điểm cao gấp 13 lần. Nói cách khác, với các gia đình giàu có, một phần ba con em họ đạt điểm SAT cao, từ 1.300 điểm trở lên; học sinh thuộc các gia đình trung lưu đạt mức điểm này thì ít hơn nhiều, chỉ khoảng 5%. Tỉ lệ này còn thấp hơn ở con em nhà nghèo, thậm chí chỉ một phần năm có tham gia kỳ thi SAT.

Phân tích kết quả của nghiên cứu, tờ The New York Times cho rằng chênh lệch nói trên cho thấy tính bất bình đẳng của nền giáo dục Mỹ: ngay từ nhỏ con em các gia đình giàu - nghèo tiếp nhận nền giáo dục khác xa nhau, cả trong lẫn ngoài trường, chủ yếu do sự khác biệt về thời gian và tiền bạc cha mẹ bỏ ra cho con.

Trong năm thập niên qua, cùng với sự cách biệt giàu nghèo ngày càng tăng, năng lực học tập của học sinh đo bằng kết quả các kỳ thi cũng giãn ra theo thu nhập của bố mẹ. Nhiều người nhận xét học sinh mẫu giáo ở các khu phố nghèo thậm chí không được đứng cùng vạch xuất phát với học sinh mẫu giáo khu nhà giàu.

Các giải pháp hiện nay mới chỉ ở phần ngọn gồm chính sách ưu tiên tuyển sinh một số đối tượng như người da màu (affirmative action) nhưng chính sách này mới bị Tòa án tối cao Mỹ tuyên là bất hợp lệ. 

Cũng có phong trào đòi hỏi các trường đại học bỏ các chính sách như ưu tiên cho con em cựu sinh viên (legacy admission), chọn tuyển từ các trường tư thục nổi tiếng, ưu tiên cho việc tuyển các vận động viên các môn thể thao. Và cũng từ đó mới hiểu vì sao nhiều trường đại học hàng đầu ở Mỹ bỏ, không dùng điểm SAT trong tuyển sinh.

Tỷ lệ học sinh đạt điểm 1300 hoặc cao hơn trong kỳ thi SAT (theo phần trăm thu nhập của phụ huynh). Nguồn: College Board

Tỷ lệ học sinh đạt điểm 1300 hoặc cao hơn trong kỳ thi SAT (theo phần trăm thu nhập của phụ huynh). Nguồn: College Board

Gốc rễ vấn đề

Tuyển sinh chỉ là phần ngọn, phần gốc khó có chính sách giải quyết nạn bất bình đẳng. Con em những gia đình thuộc top 0,1% những người giàu nhất, tức gia đình có thu nhập bình quân 11,3 triệu đô la mỗi năm, thường được điểm số cao nhất. Đó là bởi các em này có thể theo học các trường tư thục nổi tiếng, mùa hè được đi du lịch khắp thế giới, được chuẩn bị vào đại học bởi các dịch vụ dự bị đại học đắt tiền.

Chênh lệch kết quả học tập giữa con em gia đình dư giả đôi chút với gia đình sống chật vật là lớn nhất. Người có thu nhập khá thường nghĩ đến chuyện dọn qua sống ở khu trung lưu, nơi có những ngôi trường có chất lượng tốt hơn, môi trường học tập khá hơn. Họ cũng có điều kiện cho con đi học thêm để chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng.

Chất lượng giáo dục ở trường giàu và trường nghèo cũng khác nhau. Trường nghèo khó tuyển hay giữ chân giáo viên giỏi; bao nhiêu ngân sách đổ vào sửa chữa trường, tổ chức dạy thêm để giúp học sinh yếu kém lên lớp… 

Trường giàu có điều kiện tổ chức ngoại khóa, cho học sinh đi tham quan, mở các lớp năng khiếu. Cha mẹ có điều kiện về tài chính mới có thời giờ theo dõi việc học của con, giữ liên lạc với nhà trường hay tham gia các hoạt động của nhà trường.

Nghiên cứu của Opportunity Insights còn cho thấy "học thầy không tày học bạn" - học sinh ở các khu khá giả duy trì quan hệ bạn bè tốt hơn, có tác động lên kết quả học tập của nhau nhiều hơn học sinh khu nghèo vì các em còn trăm nỗi lo toan ngoài nhà trường.

Trường giàu trường nghèo đã có tác động; nhưng tác động nhiều hơn gấp bội lần là những gì xảy ra bên ngoài nhà trường như học sinh làm gì vào ban đêm, trong gia đình bố mẹ dùng ngôn ngữ với vốn từ vựng như thế nào, mức độ stress trong sinh hoạt gia đình, mức độ an ninh trong khu phố.

Các yếu tố này suy cho cùng cũng do tình trạng giàu nghèo tạo ra. Trước lứa tuổi đi mẫu giáo, cho trẻ làm trắc nghiệm về nhận thức thì con của các gia đình có thu nhập cao nhất đạt điểm cao hơn con của gia đình có thu nhập thấp nhất đến 60%.

Cách đây nửa thế kỷ, bố mẹ giàu hay nghèo đều có cùng thời gian chia sẻ với con cái. Nay theo nghiên cứu, bố mẹ giàu có nhiều thời gian trò chuyện trực tiếp với con hơn bố mẹ nghèo. 

Số tiền bố mẹ giàu bỏ ra cho con tăng nhanh hơn mức đầu tư cho con của bố mẹ nghèo, kể cả cho tham gia các hoạt động văn hóa, ngoại khóa. Gia đình nghèo có những sự kiện gây căng thẳng nhiều hơn, như nỗi lo toan cơm áo gạo tiền hằng ngày hay khả năng phải dọn nhà đi nơi khác thường xuyên hơn.

Tổng số điểm trung bình các phần thi của SAT theo năm học. Nguồn: College Board

Tổng số điểm trung bình các phần thi của SAT theo năm học. Nguồn: College Board

Điểm thi SAT chỉ là kết quả cuối cùng; các nhà nghiên cứu cho rằng trước đó các trải nghiệm như cha mẹ đọc sách cho con nghe ngay khi còn nhỏ, đi thăm viện bảo tàng, các trại hè khoa học… tất cả đều thể hiện lên kết quả bài thi SAT.

Có thể nói SAT là một bài trắc nghiệm về độ giàu nghèo nhưng bản thân nó chỉ là triệu chứng chứ không phải nguyên nhân. Các yếu tố tuyển sinh khác như bài luận, thư giới thiệu cũng chịu ảnh hưởng của mức độ giàu nghèo của gia đình thí sinh nhưng cũng chỉ là triệu chứng.

Thay đổi chúng có thể giảm bớt mức bất bình đẳng do thu nhập nhưng giải pháp phải nhắm đến thời điểm sớm hơn, ngay từ khi trẻ vừa bước chân vào mẫu giáo. Và đó là vấn đề xã hội chứ không phải do chính sách giáo dục.

Sự trở lại của SAT

Năm 2020, khi xảy ra đại dịch COVID-19, nhiều trường đại học, gồm cả những trường danh tiếng như MIT, ngừng bắt buộc phải có kết quả SAT trong hồ sơ xin nhập học. College Board tạm dừng tổ chức thi vào các tháng 3, 5, và 6-2020. Ngay cả khi các kỳ thi được tổ chức lại vào tháng 8 cùng năm, nhiều trung tâm khảo thí vẫn còn đóng cửa hoặc phải giảm quy mô vì lo ngại sức khỏe và an toàn, theo thông cáo của College Board.

Đến năm nay, số lượng thi đã tăng trở lại. Theo College Board, 1,9 triệu học sinh tốt nghiệp cấp III trong năm 2023 đã thi SAT. Con số này hơn năm liền kề trước đó nhưng vẫn chưa bằng năm 2020 (2,19 triệu). Tổ chức này cũng cho biết dù số lượng thí sinh tăng, điểm trung bình môn toán, đọc và viết vẫn trên đà giảm năm thứ ba liên tiếp và thấp hơn nhiều so với năm 2017 (1.028 so với 1.082).

Cho đến nay vẫn có nơi xem kết quả bài thi SAT là yếu tố phụ trong tuyển sinh chứ không bắt buộc. Các trường không đòi điểm SAT sẽ chú ý nhiều hơn đến điểm trung bình (GPA) của học sinh. Về vấn đề này, đại diện MIT, vốn bắt buộc hồ sơ thi tuyển phải có điểm SAT trở lại từ tháng 3-2022, cho rằng kết quả bài thi chuẩn hóa này vẫn cần thiết, vì nó giúp nhà trường "đánh giá tốt hơn sự sẵn sàng học tập của tất cả các ứng viên".

Chẳng hạn, theo Stu Schmill - trưởng bộ phận phụ trách nhập học và dịch vụ tài chính sinh viên, điểm toán SAT là chỉ báo hữu ích về mức độ sẵn sàng của học sinh đối với một trường học tập trung vào STEM như MIT. Schmill kết luận yêu cầu có điểm thì bài thi như SAT "công bằng và minh bạch hơn" so với chính sách xem các bài kiểm tra này là tùy chọn.T.A.

Số học sinh thi SAT ít nhất một lần theo các năm.  Nguồn: College Board

Số học sinh thi SAT ít nhất một lần theo các năm. Nguồn: College Board

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận