Thuốc men bị chính trị hóa: Chính trị gia làm ơn tránh qua

QUỐC HỌC 19/08/2020 22:08 GMT+7

TTCT - Đại dịch COVID-19 làm cho ngay cả thuốc men, một vấn đề hoàn toàn là khoa học, vẫn bị chính trị hóa một cách nặng nề.

Ảnh: The Washington Times
Ảnh: The Washington Times

Trước nay, để giải quyết vấn đề xơ vữa mạch vành có thể gây ra nhồi máu cơ tim cấp, người ta thường tiến hành thủ thuật đặt stent bên trong mạch máu bị hẹp. Nhưng tháng 11-2019, một nghiên cứu quy mô lớn thực hiện ở Mỹ cho thấy đặt stent không hiệu quả gì hơn uống các loại thuốc hạ cholesterol trong việc ngăn ngừa nhồi máu cơ tim. 

Tuy nhiên, sau nghiên cứu gây xôn xao đó, các bệnh viện vẫn đặt stent, các nghiên cứu khác vẫn được tiến hành, các tranh luận vẫn diễn ra, chừng mực, lịch sự, gói gọn trong giới chuyên môn. Đó là tình hình nghiên cứu thuốc men y tế trước đại dịch.

COVID-19 thay đổi tất cả. Loại thuốc trước nay dùng để điều trị bệnh sốt rét - hydroxychloroquine - là trường hợp điển hình cho chuyện thuốc men bị chính trị hóa nặng nề, bởi chuyện ủng hộ hay phản đối dùng loại thuốc này trị COVID-19 lại bị gắn với chuyện khác biệt tả khuynh hay hữu khuynh.

Không bàn tới chuyện hydroxychloroquine có hiệu quả trong điều trị hay giảm nhẹ triệu chứng COVID-19 hay không (bởi ngay cả những bác sĩ giỏi nhất, nổi tiếng nhất cũng có người nói không, người nói có và nhiều người nói không biết), bài viết này ghi nhận các tranh cãi chung quanh hydroxychloroquine, tìm hiểu vì sao đến nông nỗi chính trị hóa một loại thuốc, và nên giải quyết tình hình như thế nào.

Hydroxychloroquine bị chính trị hóa thế nào?

Vào những ngày đầu dịch bùng phát ở Trung Quốc, báo chí nước này đưa tin thuốc điều trị sốt rét chloroquine phosphate có hiệu quả nhất định đối với COVID-19 nhưng ít ai chú ý. Mọi sự chỉ bắt đầu nổi lên khi một nhà vi sinh người Pháp - tiến sĩ Didier Raoult công bố một nghiên cứu trên Journal of Antimicrobial Agents hồi tháng 3-2020, cho rằng dùng hydroxychloroquine kết hợp với kháng sinh azithromycin tỏ ra có hiệu quả trên bệnh nhân COVID-19.

Đây là một nghiên cứu nhỏ, không có nhóm đối chứng, lẽ ra cần được kiểm chứng bằng các nghiên cứu khác lớn hơn. Nhưng đến ngày 19-3, Tổng thống Donald Trump tuyên bố tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng rằng hydroxychloroquine là thần dược, sẽ nhanh chóng thay đổi tình hình dịch bệnh. Sau đó ông dẫn link nghiên cứu của tiến sĩ Raoult trên tài khoản Twitter của mình.

Ngay lập tức dư luận xã hội phân thành hai phe: phe tin vào giới thiệu của ông Trump đã chia sẻ mẩu tweet của ông đến 300.000 lần, họ nhắc đến hydroxychloroquine đến 55 triệu lần trong các tương tác trên Facebook. Một số bác sĩ khác như bác sĩ Vladimir Zelenko ở bang New York cho biết đã chữa lành nhiều người nhờ hydroxychloroquine. Phe còn lại liên tục nói không có bằng chứng nào cho thấy hydroxychloroquine có tác dụng chữa lành COVID-19.

Cả hai phe đều dùng lời lẽ nặng nề cho nhau. Bên tin nói bên chống là thế lực đen tối chỉ muốn dịch tràn ra để Trump thất bại; bên chống nói bên tin là ngu ngốc, cả tin, dại khờ… Ai cũng nói như thể họ nắm chân lý trong tay.

Từ Mỹ, tranh cãi về thuốc hydroxychloroquine lan ra thế giới; tổng thống Brazil cổ vũ cho nó hết lời; một nghị sĩ ở Úc mua nguyên một trang quảng cáo trên báo để tung ra đề xuất của ông: mua 1 triệu liều hydroxychloroquine để làm kho vũ khí chống COVID-19.

Bỗng nhiên xuất hiện một xu hướng lạ kỳ: ai chọn hydroxychloroquine làm thuốc chống COVID-19 ắt là một người theo phái hữu, ủng hộ ông Trump; ai chống hydroxychloroquine ắt là một người tả khuynh, có xu hướng cấp tiến, chống ông Trump trên mọi phương diện.

Các chính trị gia - xin tránh qua một bên

Thật khó giữ một thái độ khách quan trước các diễn biến liên quan đến thuốc hydroxychloroquine. Ví dụ, mới cuối tháng trước, mạng xã hội sôi sục với phát biểu của bác sĩ Stella Immanuel cùng một nhóm bác sĩ. Bà nói: “Không ai buộc phải chết. Con virus này có cách trị - đó là hydroxychloroquine. Tôi đã điều trị cho hơn 350 bệnh nhân mà chưa có ai tử vong”.

Phe ủng hộ đua nhau chia sẻ video này và khi các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter gỡ hết các đường link đến video này, họ càng có cớ cho rằng phe cấp tiến nắm trong tay mạng xã hội muốn bịt miệng những tiếng nói “chân thật”. Họ phẫn nộ cho rằng Facebook không có quyền xét đoán bác sĩ nào nói đúng, bác sĩ nào nói sai.

Phe phản đối trưng ra các dữ kiện như bà Immanuel từng bị kiện vì làm bệnh nhân chết, tự cho bà là “chiếc rìu chiến đấu của Chúa”, từng nói ADN của người ngoài hành tinh đang được dùng trong điều trị y khoa, rằng giới khoa học đang tìm một loại vaccine mà khi tiêm vào, người ta không còn theo tôn giáo nữa… Toàn là những tuyên bố phản khoa học, không có chút gì là từ một bác sĩ điều trị cả!

Bác bỏ phát biểu của những nhân vật như bà Immanuel thì dễ, nhưng với những nhân vật uy tín như tiến sĩ Harvey Risch - giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế công thuộc Đại học Yale thì sao? Ông là tác giả của hơn 300 nghiên cứu đăng trên những tạp chí có bình duyệt.

Trong một bài viết rất thuyết phục và chừng mực trên tờ Newsweek, ông cho biết đã phân tích 5 nghiên cứu cho thấy hydroxychloroquine là an toàn và có những lợi ích rất đáng kể cho bệnh nhân COVID-19.

Sau phân tích này ông còn thống kê thêm 7 nghiên cứu khác cũng cho ra kết quả tương tự. Bản thân ông biết hai bác sĩ từng cứu hàng trăm bệnh nhân nhờ cho họ dùng thuốc này nhưng giờ đang có khả năng bị tước giấy phép hành nghề, uy tín bị vùi dập.

Risch nhận định thuốc đã bị chính trị hóa cao độ, nhiều người xem nó là thước đo nhân dạng chính trị trong khi chưa có thêm nhiều nghiên cứu diện rộng khác về nó. Theo ông, để thuốc phát huy tác dụng phải uống sớm ngay sau khi nhập viện và nên dùng chung với kháng sinh azithromycin hay doxycycline và kẽm. Bài báo của ông bị nhiều người lên tiếng phản bác.

Cách mà các mạng xã hội biến cuộc tranh cãi quanh thuốc hydroxychloroquine thành chuyện đối chọi giữa thông tin khoa học và thông tin sai lệch là một sai lầm. Các mạng xã hội không đủ chuyên môn, không đủ năng lực để tự phán đoán đâu là sai đâu là đúng để kiểm duyệt thông tin, chuyện đó phải để giới khoa học tự giải quyết. Cứ thử tưởng tượng có ai đăng tin đặt stent không hiệu quả hơn uống thuốc giảm cholesterol và Facebook đòi xóa tin này thì còn gì là tranh cãi khoa học?

Thứ đến, giới chuyên môn dù đứng ở phe nào cũng nên nhấn mạnh với công chúng là không nên tự mình dùng thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Sau đó cứ để hai bên tranh luận cho ngã ngũ, bên nào cũng có quyền tiến hành các nghiên cứu sâu rộng để chứng minh luận điểm của mình.

Quan trọng hơn hết: xin các chính trị gia hãy tránh xa ra một bên - những vấn đề chưa rõ xin đừng xía vô làm méo mó nhận định của công chúng. Hiện tượng “ghét ai ghét cả đường đi” là có thật - nhiều lúc người ta phản đối không chịu đeo khẩu trang chỉ vì ghét lập luận của một chính khách nào đó.

Khách quan mà nói, hiện tin tức về các nghiên cứu bác bỏ hydroxychloroquine như một phương thuốc điều trị COVID-19 là áp đảo các nghiên cứu hay ý kiến ngược lại, một phần do báo chí dòng chính thích đăng loại tin đầu hơn loại tin sau. Chẳng hạn, chuyện Hiệp hội Bác sĩ và phẫu thuật viên Mỹ (AAPS) kiện FDA và Bộ Y tế Mỹ ngưng không cho sử dụng hydroxychloroquine tại Mỹ được rất ít báo đưa tin.

Dù sao cũng không thể bỏ qua những ý kiến như của tiến sĩ Risch hay kiến nghị sau đây của một bác sĩ tên tuổi ở Việt Nam trên mạng xã hội: “Tôi, một thầy thuốc lâm sàng và là một công dân Việt Nam, tha thiết kiến nghị Bộ Y tế chấp thuận phác đồ hydroxychloroquine + azithromycin + kẽm để điều trị sớm cho những người nhiễm [COVID-19] ở giai đoạn đầu, đồng thời ban hành những hướng dẫn chi tiết để hạn chế tác dụng phụ nếu có”. Hãy để các nhà khoa học nghiên cứu tiếp vì con virus corona vẫn đang hoành hành. ■

Đáng tiếc hơn nữa là các nghiên cứu khoa học về hydroxychloroquine, thay vì phải rất cẩn trọng trong bối cảnh đó, lại để xảy ra nhiều sai sót, phải đính chính hay rút lại. Nghiên cứu của ông Raoult ủng hộ hydroxychloroquine bị chê là thiếu tính khoa học đã đành, một nghiên cứu chỉ ra sự nguy hiểm của hydroxychloroquine đăng trên tạp chí uy tín The Lancet cũng mang tai tiếng không kém.

Nghiên cứu này công bố hồi tháng 5-2020 cho rằng hydroxychloroquine và một loại thuốc tương tự, chloroquine làm tăng tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19. Một kết luận chấn động như thế đã buộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngưng ngay việc thử nghiệm thuốc hydroxychloroquine mà họ đang tiến hành; nhiều nước cho ngưng việc thử nghiệm cũng vì kết luận này. Nó gây lo ngại cho nhiều bệnh nhân trước đó được bác sĩ cho uống hydroxychloroquine và nhất là những bệnh nhân đã tham gia các thử nghiệm ở nhiều nơi trên thế giới.

Thế nhưng đến cuối tháng 5-2020, các nhà khoa học bắt đầu chất vấn nghiên cứu trên The Lancet, nhất là độ tin cậy của dữ liệu được sử dụng. Hãng Surgisphere - nơi cung cấp số liệu làm nền tảng cho nghiên cứu này - đã bị tạp chí New England Journal of Medicine rút bài do số liệu không đáng tin cậy.

Hãng Surgisphere nói họ dùng số liệu do 671 bệnh viện trên 6 đại lục cung cấp, gồm hồ sơ của hơn 100.000 bệnh nhân nhưng cũng nói theo kiểu “nước đôi” là họ dùng “dữ liệu lớn”, “học máy”, trí tuệ nhân tạo”, tức rất có thể dữ liệu là “đồ ảo”. Cuối cùng The Lancet quyết định rút lại bài báo gây chấn động đó sau một cuộc điều tra.

Cho đến nay các nghiên cứu mới nhất, có đối chứng được thiết kế cẩn thận đều kết luận hydroxychloroquine không có tác dụng điều trị COVID-19, sử dụng thuốc này có thể gây ra những phản ứng phụ như làm tim đập nhanh…

Loại nghiên cứu ủng hộ thì ít hơn, có thể kể đến nghiên cứu của Tổ chức Henry Ford cho rằng tỉ lệ tử vong trên bệnh nhân trong bệnh viện có dùng hydroxychloroquine thấp hơn bệnh nhân không dùng đến 50%.

Nghiên cứu mới nhất là của Ý trên 539 bệnh nhân ở Milan, cho biết bệnh nhân COVID-19 nào có dùng hydroxychloroquine cộng với azithromycin thì khả năng tử vong giảm đến 66%. Nghĩa là tranh cãi không vì sự xuất hiện của các nghiên cứu mà đi đến chỗ ngã ngũ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận