Tiến tới một nền hòa bình "tiêu cực"?

TƯỜNG ANH 24/02/2024 05:00 GMT+7

TTCT - Tại Hội nghị an ninh Munich cuối tuần qua, Cao ủy đặc trách đối ngoại EU Josep Borrell tuyên bố tình hình Ukraine "sẽ được giải quyết sau ba tháng nữa trên chiến trường".

Hội nghị diễn ra cùng lúc với việc thất thủ cứ điểm Avdiivka (hay Avdeyevka), một diễn biến quan trọng đang khiến cục diện chiến sự Ukraine ngày càng rõ ràng hơn.

ông Zelensky đến thăm Avdeyevka hồi tháng 12-2023. Ảnh: Reuters

ông Zelensky đến thăm Avdeyevka hồi tháng 12-2023. Ảnh: Reuters

Ngày 17-2, vào ngày 724 chiến sự Ukraine, Kiev chính thức thừa nhận Avdeyevka thất thủ sau 4 tháng ác liệt giao tranh kể từ 9-10-2023. Là một trong những khu vực phòng thủ vững chắc nhất của quân đội Ukraine, Avdeyevka đã bị Nga chiếm nhanh hơn Bakhmut.

Thắng lợi chiến lược của Nga

Đây là chiến thắng quan trọng về mặt chiến lược đầu tiên của Nga kể từ mùa xuân hè năm 2022. Avdeyevka nằm ở ngoại ô Donetsk, là thành phố tiền tuyến kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở đông nam Ukraine vào năm 2014. 

Xung quanh thành phố luôn xảy ra giao chiến, bùng lên khốc liệt từ cuối năm 2023. Nằm cách thủ phủ Donetsk 22km về phía bắc, Avdeyevka chỉ hơn 30.000 dân trước đây nay gần như bị san bằng, chỉ còn khoảng 900 dân.

Tuy nhiên, đây là một cứ điểm chiến sự quan trọng với nhà máy than cốc kiên cố và hệ thống công sự được Ukraine gia cố thành một "pháo đài bất khả xâm phạm". Theo các nhà phân tích quân sự trên Strana News ngày 17-2, nếu việc chiếm Bakhmut không mở ra không gian cho việc tiến quân, thì chiến thắng Avdeyevka giúp Nga giải quyết được ít nhất một vấn đề chiến lược: đưa mặt trận ra khỏi vùng Donetsk.

Với vai trò là một trung tâm thông tin liên lạc, các con đường xuyên qua Avdeyevka đi theo hướng tây đến Kurakhovo và Pokrovskoye, xa hơn về phía bắc - đến Pavlograd và Kharkov, về phía tây - đến Zaporozhye, và phía nam - tới Ugledar. Vì vậy, rất có thể trong tương lai rất gần, giao tranh sẽ phát triển ở những hướng này, đẩy chiến sự sâu hơn vào Ukraine.

Nguyên nhân dẫn đến việc mất Avdeyevka, theo các nhà phân tích quân sự, là do sự vượt trội về vũ khí lẫn nhân lực của phía Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nêu lý do về "sự thiếu hụt vũ khí giả tạo", tức thiếu nguồn cung của phương Tây. Petr Pavel, tổng thống Cộng hòa Czech, thì nói tại Munich: "Nga đã học được nhiều bài học và họ sản xuất nhiều đạn dược và thiết bị hơn mức chúng ta có thể cung cấp chúng".

Lenta.ru tường thuật: "Trong cuộc tấn công Avdeyevka ngày 9-10-2023, Nga đã sử dụng những quả bom bay nặng nhất trong kho vũ khí nội địa. Đó là loại bom máy bay có thể điều chỉnh (KAB) nặng 500 và 1.500kg, cũng như bom lượn hạng nhẹ KAB-20S (dành cho UAV). (KAB là bom lượn và được lắp đặt chủ yếu trên máy bay chiến đấu dòng Sukhoi của Nga. Khi tiếp xúc với mặt đất, đạn có thể xuyên thủng các công sự bê tông cao tới 5m và có bán kính nổ khoảng 100m với phần nổ có độ phân mảnh cao). 

Quân đội Nga còn tăng cường đáng kể việc sử dụng máy bay không người lái. Ngoài ra, một số quân nhân Ukraine còn nói về cải tiến trong quản lý trận chiến và chiến thuật của người Nga, lưu ý rằng ở Avdeyevka, lực lượng Nga "chiến đấu chuyên nghiệp hơn ở Bakhmut"".

Ý nghĩa thông tin và chính trị của việc mất Avdeyevka cũng rất lớn. Điều này xảy ra vào kỷ niệm 2 năm chiến sự, một tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Nga, ngay sau khi tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valerii Zaluzhnyi từ chức và tướng Oleksandr Syrskyi lên thay thế. Julian Röcpke viết trên tờ Bild (Đức) ngày 18-2 cho rằng xung đột giữa tổng tư lệnh Zaluzhnyi và Zelensky là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc mất Avdeyevka.

"Zaluzhnyi muốn ngăn chặn cuộc bao vây và rút quân vào phút cuối với tổn thất nặng nề, như từng xảy ra vào tháng 5-2023 tại Bakhmut. Tuy nhiên, Zelensky nhất quyết bảo vệ Avdeyevka cho đến phút cuối. Thay vì rút lui vào giữa tháng 11 theo yêu cầu của Zaluzhnyi, đích thân tổng thống đã đến thành phố vào cuối tháng 12", Röcpke viết. 

Ở đó, ông Zelensky hứa sẽ luân chuyển và tăng cường quân phòng thủ Avdeyevka, "nhưng sáu tuần trôi qua trước khi quân tiếp viện đến. Những người lính của lữ đoàn xung kích thứ ba chỉ đến trong tuần này, cuối cùng chỉ có thể đảm bảo rút lui". 

Röcpke tin rằng Avdeyevka có thể trở thành "đỉnh cao của cả loạt các chinh phục của Nga và những thất bại của Kiev ở Ukraine".

Ảnh: Sky News

Ảnh: Sky News

Đô đốc Rob Bauer, chủ tịch Ủy ban quân sự NATO, thừa nhận trên tờ Financial Times rằng phương Tây từng "quá lạc quan về cuộc chiến vào năm 2023" khi tin rằng "nếu chúng ta cung cấp cho Ukraine đạn dược và sự huấn luyện mà họ cần, họ sẽ giành chiến thắng". Ông nói thêm, giờ đây, "chúng ta phải cẩn thận để không quá bi quan vào năm 2024".

Các thỏa thuận an ninh mang ý nghĩa chính trị

Tuần qua, thêm hai đồng minh châu Âu của Ukraine đã ký các hiệp ước an ninh song phương với Kiev. Các đồng minh đã nhất trí về những văn kiện này tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào năm 2023, khi các hiệp định song phương được đề xuất như một hình thức thay thế cho lời mời gia nhập NATO. 

Kiev hy vọng sẽ ký kết chúng không chỉ với các thành viên của liên minh, mà còn với gần 30 quốc gia nói chung. Những thỏa thuận này sẽ tạm thời tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine bằng viện trợ quân sự trong nhiều năm tới, giúp nước này khởi động lại ngành công nghiệp quốc phòng và chuẩn bị trở thành thành viên NATO.

Tuy nhiên, điều cần lưu ý trong các thỏa thuận này là các đồng minh vẫn không muốn chiến đấu vì Ukraine. Không có nghĩa vụ nào như điều 5 của Hiến chương NATO về phòng thủ tập thể, và tất cả các nghĩa vụ mà các đồng minh phương Tây thực hiện (cung cấp vũ khí, tiền bạc và "hỗ trợ cải cách" cho Ukraine) gần như tương ứng với những gì họ đang làm. 

Trong bối cảnh đó, Kiev đang gặp rất nhiều vấn đề ở mặt trận, cũng như các trở ngại trong việc Quốc hội Hoa Kỳ thông qua gói viện trợ cho Ukraine và triển vọng (nguy cơ?) thắng cử của Donald Trump.

Vương quốc Anh là nước đầu tiên ký thỏa thuận này, vào 12-1-2023, trong chuyến thăm của Thủ tướng Rishi Sunak tới thủ đô Ukraine. Thỏa thuận có thời hạn 10 năm với khả năng gia hạn bao gồm nghĩa vụ của các bên trong trường hợp có hành vi gây hấn chống lại một trong hai bên. 

Trong trường hợp xảy ra "một cuộc tấn công vũ trang của Nga vào Ukraine", London cam kết bắt đầu tham vấn với các đồng minh về hành động tiếp theo trong vòng 24 giờ và cung cấp "hỗ trợ nhanh chóng và bền vững" bằng vũ khí, tiền bạc và các biện pháp trừng phạt.

Nhưng người Anh không có nghĩa vụ tham gia cuộc chiến đứng về phía Ukraine. Nói cách khác, hiệp ước này mô tả đúng những gì người Anh đã thực hiện với Kiev từ sau 24-2-2022. Nhà khoa học chính trị Ukraine Ruslan Bortnik nhận xét với Strana News: 

"Đây không phải là Bản ghi nhớ Budapest, nhưng cũng không phải là những đảm bảo an ninh như những bảo đảm mà Hoa Kỳ đã cung cấp cho Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines - nó là một cái gì đó ở giữa".

Ảnh: Rubryka.com

Ảnh: Rubryka.com

Vào 16-2 tại Berlin, đến lượt Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ký với Tổng thống Zelensky các thỏa thuận tương tự. Ở những điểm thiết yếu, hai hiệp ước này lặp lại thỏa thuận với Vương quốc Anh. Về phần mình, Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bridget Brink đảm bảo một văn bản tương tự sẽ được ký kết giữa Washington và Kiev, nhưng không nêu thời điểm cụ thể.

Tại sao người Mỹ cần hiệp ước riêng dù họ vẫn đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra liên minh ủng hộ cũng như tổ chức hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine? Vấn đề nằm ở chiến dịch tranh cử tổng thống và sự leo thang đấu tranh chính trị nội bộ ở Hoa Kỳ. 

Chính quyền Joe Biden đang gặp những vấn đề lớn trong việc đảm bảo hỗ trợ cho Ukraine ở mức độ như trước, và tình trạng này có thể kéo dài nghiêm trọng nếu ông Trump trở lại làm tổng thống Mỹ.

Trong khi đó, nhà khoa học chính trị Vadim Karasev mô tả các thỏa thuận an ninh là "tín hiệu cho sự kết thúc chiến tranh". Lý do là bởi "những thỏa thuận này mang tính chất phòng thủ, chứ không phải tấn công, là sự ổn định hiện trạng chứ không phải chuẩn bị cho những trận chiến lớn mới. Nước Mỹ đang rời bỏ chiến tranh và đi bỏ phiếu. Người Mỹ có vấn đề với biên giới phía nam của họ, không hơi đâu mà lo tới các biên giới của Ukraine năm 1991".

Cũng theo Karasev, dù các thỏa thuận như vậy đánh dấu sự chuyển đổi từ chiến tranh sang hòa bình, đó sẽ không phải là một nền hòa bình toàn diện, mà là hòa bình "tiêu cực", nơi những mâu thuẫn và xung đột được quản lý, sửa chữa, nhưng không được loại bỏ như khi đạt được một nền hòa bình "tích cực". ■

Văn phòng Tổng thống Ukraine vẫn coi loạt thỏa thuận an ninh song phương nói trên như một thành công trong chính sách đối ngoại, điều rất quan trọng trong tình hình mặt trận ảm đạm của Kiev hiện nay. Hơn nữa, ngày càng có nhiều cuộc tranh luận trong chính giới Ukraine về tính hợp pháp của Tổng thống Zelensky.

Ngày 20-5 tới đánh dấu chính thức kết thúc nhiệm kỳ 5 năm của ông. Phe đối lập nói vị thế của tổng thống sau thời điểm này là bất hợp pháp, vì hiến pháp không đề cập đến lệnh cấm bầu cử tổng thống trong thời gian thiết quân luật (không giống như Quốc hội - Verkhovna Rada, mà quyền lực của nó, theo hiến pháp, tiếp tục cho đến ngày diễn ra cuộc họp đầu tiên của Quốc hội mới).

Theo các cuộc thăm dò, phần lớn người dân Ukraine phản đối các cuộc bầu cử trong thời chiến. Ngoài ra, nhiều luật sư còn viện dẫn điều 108 của hiến pháp, trong đó nói đến "tính liên tục quyền lực của tổng thống".

Tuy nhiên, nếu tình hình ở mặt trận trở nên tồi tệ hơn, các vấn đề kinh tế xã hội ở Ukraine nảy sinh do sự hỗ trợ của phương Tây bị gián đoạn, nếu các vụ bê bối tham nhũng vẫn tiếp diễn, các đối thủ của ông Zelensky sẽ lợi dụng tất cả những điều này để tấn công mạnh mẽ vào tổng thống.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận