TTCT - Sự tiên phong của TP.HCM trong việc thực hiện các chương trình, dự án ứng phó biến đổi khí hậu (*) là điều đáng mừng xét về mặt nhận thức. Song những phân bổ ngân sách với một khoản tài chính khá lớn (gần 26.000 tỉ đồng cho năm năm tới) sẽ gây thắc mắc nếu không được giải đáp trên nền tảng nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Phóng to Xây dựng những tuyến đê bao hay bất cứ công trình kiên cố nào đều cần có những nghiên cứu khoa học thuyết phục. Trong ảnh: huyện Cần Giờ - nơi có khu dự trữ sinh quyển của thế giới, nay là một khu đô thị mới của vùng duyên hải TP.HCM - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước và có vị thế quan trọng đối với hoạt động kinh tế - xã hội của khu vực. Song lại có một đặc điểm bất lợi: được xây dựng trên nền địa chất thấp của đồng bằng Nam bộ, do vậy đây sẽ là đô thị sớm chịu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH). Những động thái của chính quyền thành phố thể hiện qua việc xây dựng một khung chương trình, dự án khá chi tiết để ứng phó với hiện tượng thời tiết cực đoan này là một ứng xử kịp thời vì mục tiêu đảm bảo phát triển bền vững cho thành phố. Tuy nhiên, đề xuất phân bổ 99% ngân quỹ (khoảng 25.656 tỉ đồng) cho các chương trình, dự án đầu tư xây dựng công trình ứng phó BĐKH của TP.HCM khiến người ta đặt câu hỏi “liệu có hợp lý, liệu còn giải pháp nào khác để giảm tỉ trọng của chi phí đầu tư xây dựng trong quỹ chống BĐKH không?”. Số tiền này rất lớn. Vì sao số tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng của các chương trình phòng chống BĐKH của TP.HCM lại lớn như vậy, và chúng ta có giải pháp nào khác để giảm tỉ trọng của chi phí đầu tư trong quỹ chống BĐKH không? Trong bản dự báo tài chính chống BĐKH thuộc “Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về BĐKH” (UNFCCC) có đánh giá rằng: đến năm 2030, thế giới cần một khoản ngân sách từ 49-171 tỉ USD. Trong đó, các nước đang phát triển chiếm khoảng 50% quỹ này, phân bố vào năm “mặt trận” chính gồm nông lâm ngư nghiệp, nguồn nước, sức khỏe con người, bảo vệ bờ biển và cơ sở hạ tầng. Trong đó, đầu tư cho cơ sở hạ tầng dao động từ 8-130 tỉ USD (tương đương 16-76%) tùy vào điều kiện của mỗi quốc gia. Do vậy, có thể thấy với một nước đang phát triển như Việt Nam, việc đầu tư quá lớn cho cơ sở hạ tầng vượt cả mức trung bình của thế giới là một điều đáng lo ngại. Tài chính và cơ sở khoa học Trong chương trình chống BĐKH, các quốc gia châu Âu luôn ưu tiên cho nghiên cứu khoa học, vì họ ý thức được nếu không tính toán và thí nghiệm mô hình kỹ lưỡng, mỗi sai sót tưởng như đơn giản nhất, chẳng hạn xác định cao trình đỉnh đê với sai số 10cm sẽ dẫn đến lãng phí vài triệu euro cho mỗi đoạn đê. Vậy nên quyết định chi 8.300 tỉ đồng để xây dựng đê bao ven sông Sài Gòn mà không có cơ sở thí nghiệm mô hình liệu có quá “dũng cảm” chăng?Với một tuyến đê bao ven sông Sài Gòn (từ Vàm Thuật đến sông Kinh), TP.HCM dự định chi hơn 8.300 tỉ đồng để xây dựng, số tiền này gấp hơn 50 lần phân bổ ngân sách cho nghiên cứu khoa học để đề xuất giải pháp ứng phó BĐKH (chỉ chiếm 0,6%, khoảng 152 tỉ đồng). Các dự án chống BĐKH là cơ hội vàng để chúng ta huy động nguồn tài lực cũng như chất xám của thế giới, qua đó đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học trong nước sẽ có điều kiện giao lưu hợp tác chủ động hơn với các chuyên gia quốc tế hàng đầu. Vậy với 152 tỉ đồng được phân bổ cho các công trình nghiên cứu khoa học đa lĩnh vực, liệu vai trò của khoa học trong chương trình chống BĐKH đã được xem trọng? Cả nước hiện chỉ có lác đác vài phòng thí nghiệm mô hình công trình biển đạt chuẩn của thế giới (tập trung chủ yếu ở Hà Nội). Còn ở TP.HCM, khi tham khảo các công trình nghiên cứu khoa học đầu ngành ở ĐH Bách khoa TP.HCM cũng thấy các nhà khoa học mới chỉ có điều kiện đi sâu vào nghiên cứu lý thuyết thuần túy hoặc cố gắng kết hợp thực nghiệm ở nước ngoài với các giáo sư hướng dẫn. Hai thành phố lớn nhất nước, được tập trung đầu tư cho nghiên cứu chống BĐKH mà còn thiếu và yếu như vậy, nếu không sớm cải thiện vấn đề này thì những chương trình chống BĐKH khác liệu có tránh được tình trạng “xây lâu đài trên cát”? Từng tham gia tính toán những mô hình thí nghiệm công trình tuyến đê trong mực nước biển dâng đầu tiên ở châu Âu, chúng tôi có thể khẳng định khi áp dụng những tính toán lý thuyết thuần túy của khoa học thủy lợi đối với tác động của BĐKH mà không kết hợp với mô hình thực nghiệm sẽ cho ra sai số rất lớn. Vào năm tới, các thành viên trong dự án châu Âu THESEUS dự kiến sẽ công bố những nghiên cứu mới nhất có tầm nhìn 50 năm về các giải pháp ứng phó BĐKH, trong đó gia cố đê có thể là một biện pháp. Như vậy, giải pháp xây dựng đê bao trong thời điểm này của TP.HCM chỉ có thể xem là giải pháp “lấy ngắn nuôi dài”, vì xây dựng tuyến đê vĩnh cửu trăm năm với mực nước biển dâng 2m nhất thiết cần có nghiên cứu khoa học thuyết phục, để thế hệ sau không phải “dọn dẹp” những gì mà chúng ta để lại. Nhưng nói như thế không có nghĩa xem nhẹ việc nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các đô thị lớn, tăng cường bảo vệ các công trình ven biển quan trọng như bến cảng, khu công nghiệp duyên hải... vì đây chính là những nơi tập trung đông dân cư và đầu não kinh tế của đất nước, khi thảm họa xảy ra nếu không kịp thời ứng phó sẽ gây thiệt hại rất lớn. Theo bản báo cáo của Tổ chức Môi trường toàn cầu (Global Environment Facility), Việt Nam đang được đầu tư khoảng 23 triệu USD và đang kêu gọi thêm 1,4 tỉ USD trong những năm tới cho ba dự án thí điểm về (1) quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng ven biển, (2) tăng cường thích ứng BĐKH trong giao thông vùng và riêng cho TP.HCM là 12 triệu USD (cộng 935 triệu USD trong tương lai) cho dự án “Thích ứng với BĐKH ở TP.HCM giai đoạn hai”. Mỗi khu dân cư - một phòng thí nghiệm Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, Việt Nam có truyền thống ứng phó với BĐKH với nhiều kinh nghiệm quý về “phòng vệ tự nhiên” được đánh giá rất cao. Những năm qua Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc đã cung cấp 5,5 triệu USD cho 10 nước, trong đó có Việt Nam, thí điểm từ 8-20 chương trình mẫu của thế giới về “Thích ứng của cộng đồng dân cư đối với BĐKH”. Trong đó người dân sẽ được giúp đỡ để phát huy những kinh nghiệm, sáng kiến ứng phó BĐKH tại khu vực mình sinh sống, mỗi khu vực dân cư này sẽ là những “phòng thí nghiệm” về thích ứng BĐKH. Từ đây, những bài học sống động sẽ được tham khảo hoặc nhân rộng. Đây là cách làm tiết kiệm, phù hợp với các nước đang phát triển mà lại phát huy hiệu quả kho tàng kiến thức trong nhân dân. Chống BĐKH không phải là “bêtông hóa” quốc gia, là đắp đê, là nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng cao ốc. Chống BĐKH ở quốc gia là một loạt nhiệm vụ linh hoạt từ công tác tuyên truyền, gợi mở những sáng kiến trong cộng đồng dân cư đến quyết định bảo vệ các khu vực xung yếu bằng các giải pháp nhân tạo tức thời, hoặc chỉ cần “sống chung với lũ” thông qua các biện pháp tự nhiên mà nông dân ĐBSCL vẫn thường áp dụng mỗi mùa nước nổi. Nắm rõ tư tưởng này, ta hoàn toàn có thể sử dụng hữu ích từng đồng trong ngân sách chống BĐKH. __________ (*) Xem loạt bài về phòng chống biến đổi khí hậu trên TTCT số ra ngày 25-9-2011. Tags: Khoa họcBiến đổi khí hậuKhu dân cư
Cận cảnh điện Thái Hòa dát 300 lạng vàng sau 3 năm đại trùng tu, mở cửa đón khách NHẬT LINH 23/11/2024 Điện Thái Hòa - ngôi điện quan trọng nhất trong Hoàng cung Huế - đã mở cửa trở lại đón khách sau 3 năm đại trùng tu.
Phó tổng thống Philippines: Đã bố trí người ám sát Tổng thống Marcos THANH BÌNH 23/11/2024 Phó tổng thống Philippines đã chỉ thị sát thủ giết chết vợ chồng Tổng thống Marcos và chủ tịch Hạ viện Philippines trong trường hợp bà bị sát hại.
Thêm một vụ đất ông bà để lại ở hẻm 'bà Châu quận 8' Đà Nẵng TRƯỜNG TRUNG 23/11/2024 Thêm một vụ giành quyền sử dụng đường chung tại chính hẻm 'bà Châu quận 8' Đà Nẵng.
Cứu 7 người kẹt trong căn nhà bốc cháy, cảnh sát nhường mặt nạ dưỡng khí cho cô gái mang bầu HỒNG QUANG 23/11/2024 Căn nhà bốc cháy trên phố Trúc Bạch (Hà Nội). Cảnh sát đã đưa 7 người mắc kẹt trên tầng cao ra ngoài.