TTCT - Để đạt con số 500.000 doanh nghiệp còn hoạt động vào năm 2020, TP.HCM cần có thêm hơn 200.000 doanh nghiệp mới nữa. Con số này ở đâu? Cán bộ Phòng kinh tế Q.Tân Bình (bìa trái) giải thích các thủ tục hành chính cho anh Hoàng Thanh Hải (giữa) - quản lý Công ty TNHH Giang Ghẹ -Tự Trung Sở KH-ĐT TP.HCM cho biết đang xây dựng kế hoạch và các giải pháp thực hiện để trình UBND TP. Hiện TP có gần 300.000 doanh nghiệp (DN), mỗi năm có thêm khoảng 30.000 DN thành lập mới. Như vậy, ngoài việc duy trì số DN hiện có, từ nay đến năm 2020, bình quân mỗi năm TP phải có thêm 50.000 DN mới, tức tăng hơn 20.000 DN so với hiện nay. Vận động 100.000 hộ kinh doanh lên doanh nghiệp Hiện TP.HCM có gần 300.000 DN, nhưng chỉ có 175.516 DN đang hoạt động. Trong đó, số DN có sử dụng hóa đơn dưới 110.000 và chưa đến 45% trong số này có thuế thu nhập DN. Số DN ngưng hoạt động, chuyển ra ngoài địa bàn TP đang có xu hướng ngày càng tăng. Để các DN hoạt động tốt, Nhà nước sẽ tạo điều kiện để DN đăng ký kinh doanh và gia nhập thị trường bằng cách kết hợp ba thủ tục cùng lúc (thành lập DN, thông báo mẫu dấu, đăng ký thông tin cập nhật tài khoản ngân hàng). Cách làm này sẽ giảm được phân nửa thời gian so với quy định. Đồng thời tăng cường hướng dẫn thành lập DN, đăng ký kinh doanh và làm thủ tục đầu tư dự án qua mạng... Ngoài ra, Sở KH-ĐT cũng cam kết cải cách hành chính, thực hiện các giải pháp như rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư kinh doanh, triển khai các dịch vụ hỗ trợ DN, đặc biệt là các DN chất lượng cao... TP cũng sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ phát triển DN như đối thoại, tháo gỡ vướng mắc kịp thời cho các DN, xây dựng hai dự án hỗ trợ hạ tầng cơ sở và hỗ trợ hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp, xúc tiến cung - cầu công nghệ... Theo UBND TP, để đến năm 2020 có 500.000 DN hoạt động, TP nhìn vào ba nguồn. Đối với các DN đang hoạt động, TP sẽ có chính sách hỗ trợ phát triển, nuôi dưỡng. Kế đến là nguồn DN từ các chương trình khởi nghiệp của các ngành trên địa bàn TP. Nguồn này khá dồi dào: từ các câu lạc bộ, chương trình khởi nghiệp khắp TP của các tổ chức đoàn thể, hiệp hội nghề nghiệp... TP sẽ xây dựng kế hoạch thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo để kích thích tinh thần khởi nghiệp trong nhân dân, nhất là trong tầng lớp trí thức, sinh viên, thanh niên. Tiếp theo là nguồn DN từ các hộ kinh doanh cá thể có đủ điều kiện và có nhu cầu mở rộng kinh doanh. TP hiện có khoảng 296.000 hộ kinh doanh cá thể và các quận, huyện đang rà soát lại quy mô, ngành nghề cũng như tiềm năng để dự tính bao nhiêu cơ sở có khả năng đăng ký thành lập DN. Ước tính, các địa phương có thể vận động thành lập từ 90.000-100.000 DN từ các hộ kinh doanh cá thể. Cũng theo UBND TP, việc xây dựng kế hoạch nâng cao các chính sách để hỗ trợ và phát triển 500.000 DN hoạt động đến năm 2020 là cần thiết. Những chính sách này sẽ giảm được lượng DN giải thể, phá sản, góp phần tăng số lượng DN hoạt động. Chính sách này cũng hỗ trợ cho cộng đồng DN phát triển bền vững, tạo ra những DN lớn, có thương hiệu mạnh, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế TP. DN hiện hữu phát triển mạnh sẽ có nhu cầu mở thêm các DN con và sẽ là động lực thu hút cá nhân, nhà đầu tư mới tham gia thị trường, thành lập DN. Ít cơ sở kinh doanh có tiềm năng Theo tổng hợp của Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP, nguyên nhân chính khiến các hộ kinh doanh cá thể không muốn phát triển lên DN là do thủ tục rườm rà, phức tạp. Khi lên DN cần phải có một bộ máy quản lý chuyên nghiệp hơn (giám đốc, kế toán, thủ quỹ...). Ngoài ra, DN còn phải chấp hành việc thanh tra, kiểm tra, chứng từ hóa đơn phải lưu trữ... Các hộ kinh doanh cá thể hoạt động theo hình thức hộ gia đình, quen kinh doanh theo kiểu truyền thống nên có tâm lý ngại chuyển đổi. Kết quả khảo sát tại các quận, huyện cho thấy: Q.1 có 17.800 DN đang hoạt động, 15.266 hộ kinh doanh cá thể và bước đầu chỉ có 10 hộ kinh doanh cá thể chuyển lên DN. Q.1 muốn có 1.000 hộ kinh doanh cá thể chuyển lên DN nhưng cho rằng rất khó đạt được mục tiêu này. Q.9 hiện có 9.795 DN, trong đó có 500 DN mới thành lập dưới một năm. Có 10.005 hộ kinh doanh cá thể và bước đầu chỉ có 12 hộ kinh doanh cá thể có trên 10 lao động, đủ điều kiện thành lập DN. Q.9 hi vọng có 500 hộ kinh doanh thành lập DN đến năm 2020. Tại H.Hóc Môn hiện có 6.000 DN. Năm 2016, huyện này có 1.000 DN thành lập mới (số giải thể bằng 50% thành lập mới) và không có hộ kinh doanh cá thể có trên 10 lao động.■ Mạnh tay xử lý cán bộ làm khó doanh nghiệp Mục tiêu 500.000 DN đến năm 2020 (bằng nửa tổng số DN cả nước đến năm 2020) và riêng năm 2017 thành lập mới 50.000 DN của TP.HCM là một quyết tâm chính trị rất cao, vì phát triển DN sẽ tạo và nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho TP, góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP. Tôi ủng hộ điều này, nhưng vấn đề là làm sao để các DN này lớn mạnh, các hộ kinh doanh cá thể phát triển thành DN một cách thực chất, không gượng ép. Hiện TP có khoảng 296.000 hộ kinh doanh cá thể, nhưng chỉ có 132.000 hộ kinh doanh có sử dụng hóa đơn và chỉ 160.000 hộ kinh doanh có doanh thu, có đến 45.000 hộ chỉ cho thuê tài sản, nhà… Để đạt được mục tiêu trên, cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra sau cấp phép. Qua khảo sát, nhiều địa phương cho rằng sự phối hợp thông tin, quản lý chưa đồng bộ, thiếu giám sát dẫn đến tình trạng nhiều DN “ma”, DN có đăng ký nhưng không hoạt động, DN trốn thuế, có biểu hiện tiêu cực… Cơ quan chức năng cần quan tâm nhiều hơn đến công tác kiểm tra DN. Hiện ngành thuế TP thiếu 2.800 biên chế, một cán bộ thuế phải phụ trách trên 200 DN thì làm sao kiểm tra được hết. Có DN khi thành lập mới đến lúc giải thể chưa thể kiểm tra được. Về phía TP, cần chú trọng các chính sách thu hút đầu tư, các chương trình kích cầu về ưu đãi thuế, nhà xưởng, đất đai, vốn, đổi mới công nghệ… sao cho hiệu quả hơn nữa, đến tay DN kịp thời. Thực tế, các DN cho rằng khó tiếp cận các ưu đãi, thủ tục còn phức tạp, chậm. Công tác tuyên truyền để DN, hộ kinh doanh cá thể, gia đình, cá nhân hiểu và thấy được sự cần thiết khi phát triển thành DN, giúp họ có thông tin đầy đủ, tự tin khi thành lập DN là điều cần làm ngay. Để TP có thêm nhiều DN hoạt động hiệu quả, nhất thiết phải tạo động lực cho lớp trẻ mạnh dạn khởi nghiệp, nhất thiết phải có quỹ đầu tư mạo hiểm để thúc đẩy khởi nghiệp, tạo động lực để phát triển các ý tưởng, đề tài nghiên cứu thành hiện thực; phát triển vườn ươm DN, doanh nhân một cách thiết thực, thực sự là nguồn nhân lực có chất lượng đúng nghĩa cho nền kinh tế nước nhà. Đồng thời để làm trong sạch môi trường đầu tư, phải xử lý nghiêm minh, không để tình trạng cán bộ công chức gây phiền hà cho DN, không để DN kêu ca là phải có khoản chi phí không chính thức. Ngược lại, các DN cần có ý thức cộng đồng trách nhiệm, nói không với tiêu cực, mạnh dạn tố giác những tiêu cực của đơn vị, cá nhân qua các phương tiện thông tin đại chúng, đường dây nóng và tuyệt đối không chi các khoản chi phí không chính thức. Ông Cao Thanh Bình (phó Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP) Tags: Thành lập doanh nghiệpLên đời doanh nghiệpLên đời cho hộ kinh doanh
Tin tức thế giới 26-11: Mỹ lần đầu xác nhận cho Ukraine dùng tên lửa ATACMS bắn sâu vào Nga BÌNH AN 26/11/2024 Ông Biden và ông Macron chuẩn bị công bố thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel - Hezbollah; EU khởi kiện lên WTO việc Trung Quốc về thuế.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.