Cao nguyên Golan: Miếng gân gà sắp bị nuốt trôi?

SÁNG ÁNH 07/04/2019 18:04 GMT+7

Trong bộ phim truyện Cô dâu Syria thực hiện tại Israel (The Syrian Bride, 2004), nhân vật chính là Mona, cô gái thuộc tộc Druze sống ở làng Majdal Shams thuộc khu vực Israel kiểm soát trên cao nguyên Golan. Cô nhận lời cầu hôn từ xa của một thanh niên sống tại Syria, bên kia lằn ranh ngưng bắn kiểm soát bởi lực lượng Liên Hiệp Quốc UNDOF.

Cảnh trong phim The Syrian Bride.

Xin phép băng qua “lằn ranh tím” của Liên Hiệp Quốc (LHQ) rất khó khăn và phải mất 6 tháng thủ tục, một khi đi rồi thì không thể trở lại, mà người chồng tương lai thì Mona không biết rõ vì hoàn cảnh ngăn cách đó. Việc lấy chồng xa này, trong gia đình cô kẻ chống, người bênh. Làng xóm kẻ tán thành, người phê bình, gièm pha.

Vào ngày cưới, khi rời phía Israel, giấy thông hành của cô bị Israel chơi xấu đóng dấu vào. Phía Syria không cho cô nhập cảnh, vì như vậy là công nhận chủ quyền của Israel tại khu vực. Nhân viên LHQ phải giúp cô quay về năn nỉ Israel xóa con dấu. Nhưng đến trạm kiểm soát Syria thì bên đấy lại đổi ý, và thước chót của bộ phim không biết cô dâu mặc áo cưới sẽ đi về đâu.

Bộ phim hư cấu này phản ánh tình cảnh của dân cư trong khu vực Golan sau chiến tranh năm 1967. Biên giới quốc gia tại đây được phân định giữa Anh và Pháp bởi hiệp ước Sykes-Picot 1916 và áp dụng sau Thế chiến thứ nhất, với Syria và Lebanon thuộc Pháp đô hộ, còn Palestine và Jordan thuộc Anh. Đây là biên giới được quốc tế và LHQ công nhận sau khi Israel lập quốc trên lãnh thổ Palestine vào năm 1948. Chuyện này hết sức rạch ròi, Israel thành lập là trên lãnh thổ của Palestine thuộc Anh, chứ không có phần nào trên lãnh thổ Syria thuộc Pháp.

Cao nguyên Golan và khu vực kế cận, cả hai bên đường ranh Palestine và Syria, cũng như các khu vực cao nguyên xa gần tại Trung Đông, là nơi sinh sống và trú thân của các giáo phái hay sắc tộc thiểu số. 

Vùng đất phức tạp nhất thế giới?

Thí dụ người Ả Rập Kitô giáo sống ở vùng núi đồi Lebanon, người Ả Rập giáo phái Hồi ly khai Alawite tại Syria, tức là thuộc sắc tộc đa số nhưng thuộc giáo phái thiểu số. Ngược lại, các nơi hiểm trở này cũng có người Kurd Hồi Sunni (tại Syria, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran) hay người Circassian Hồi Sunni (Palestine, Syria), tức là theo tôn giáo đa số nhưng sắc tộc thiểu số và cả người Yazidi (sắc tộc thiểu số) theo một tôn giáo kỳ bí cũng thiểu số nốt, đạo Yazidi. Tóm lại, có gì khác người thì lên núi ở xa cho yên thân.

Cuối thế kỷ 19, Nga hoàng đuổi người Circassian (một sắc dân thuộc nhóm chủng tộc Turkic) khỏi vùng Hắc Hải sang đế quốc Ottoman. Đế quốc này cho họ đi xa lập ấp tại vùng Golan và Palestine thuộc đế quốc. Tại đây và kế cận, Jordan và Lebanon ngày nay, là khu vực của người Ả Rập theo tôn giáo Druze, một tôn giáo bí tích đồng bộ hóa kiểu Cao Đài và thành lập từ thế kỷ 11.

Hai thiểu số này tại Palestine được Nhà nước Israel công nhận khi thành lập năm 1948. Trong khi người Ả Rập Hồi hay Kitô giáo không được gia nhập quân đội Israel thì người Circassian và Druze được phép và được khuyến khích. Người Druze có mặt trong nội các Israel, làm bộ trưởng, đại biểu, có lúc làm chủ tịch quốc hội. Họ có mặt nhiều trong quân đội, trong các lữ đoàn dù thiện chiến, lữ đoàn bộ binh ưu tú Golani hay biệt kích Bộ tổng tham mưu (Sayeret Matkal).

Tại Syria, chính quyền quốc gia là do thiểu số giáo phái Alawite nắm giữ, nên coi thiểu số giáo phái Druze là đồng minh. Tại Lebanon, người Druze là thành phần quan trọng của quốc gia, không thể thiếu trong bất kỳ nội các nào và sơn hà một cõi.

Như vậy, dù mang quốc tịch nào, Israel, Syria hay Lebanon, người Druze trước hết và sau cùng vẫn là người Druze. Yếu tố Druze này càng áp đảo ở vùng “tam biên” Golan đầy tranh chấp khi Israel đang chiếm giữ 1.110km2 lãnh thổ của Syria và 22km2 lãnh thổ Lebanon (vùng các nông trại Shebaa).

Trong thời gian 1949-1967, Israel lập các kibbutz (hợp tác xã nông nghiệp) người Do Thái bên phía Israel. Hai bên không ngớt khiêu khích và chạm súng.

Theo tướng Israel Matti Peled - cựu thống đốc Gaza, “phần lớn” các vụ khiêu khích là do Israel gây ra. Trong cuộc phỏng vấn năm 1976 (chỉ được tiết lộ vào năm 1997), tướng Israel Moshe Dayan nói: “Theo tôi biết, các vụ khiêu khích này, trên 80% nhưng cứ cho là 80% đi, là do chúng ta gây ra”. Khi chiến tranh 6 ngày (1967) nổ ra, tướng Dayan, lúc đó là bộ trưởng quốc phòng, phản đối việc đánh Golan vì ông đang phải đối phó với hai mặt trận Jordan và Ai Cập. Theo ông thì Golan không đe dọa an ninh Israel, gây hấn tại đó còn thêm nguy hiểm vì hao binh tốn lính, chuốc thêm kẻ thù Syria. Việc động binh tại Golan là do lệnh của thủ tướng, theo đòi hỏi của các kibbutz trong vùng, vì “lòng tham” của thành phần này, muốn bành trướng đất canh tác và nguồn nước ngọt.

Tại Golan, quân Syria đại bại, hơn 100.000 người Syria bỏ nhà cửa rời vùng đất bị chiếm đóng. Theo tướng Dayan, chiếm đất địch là món hàng gây áp lực để trả lại khi thương thuyết, trao đổi lấy hòa bình.

Ngay sau khi ngưng bắn năm 1967, Chính phủ Israel đã có quyết định hoàn trả Golan nhưng không thực hiện được. Nhưng vì “tôi cũng là nông dân”, Dayan hiểu tâm lý của nhóm lợi ích kibbutz, trong trường hợp này là để chiếm giữ canh tác và đặt quyền lợi của họ trên an ninh quốc gia của Israel.

Sau chiến tranh năm 1973, “lằn ranh tím” được xác định năm 1974, với 5% đất chiếm đóng đặt dưới quyền giám sát của LHQ. Năm 1981, vì việc canh tác và đưa dân đến định cư đã rồi, Israel đơn phương xác định chủ quyền trên cao nguyên Golan và Shebaa. Sự “hợp thức hóa” việc chiếm đóng Golan này bị LHQ lên án (nghị quyết 497), nhưng Israel là nước chiếm kỷ lục thế giới về việc coi thường các nghị quyết của LHQ (tất cả 80 nghị quyết từ khi lập quốc năm 1948).

Cao nguyên Golan bị Israel chiếm đóng từ năm 1967. Ảnh: alaraby.co.uk
Cao nguyên Golan bị Israel chiếm đóng từ năm 1967. Ảnh: alaraby.co.uk

Chiến tranh thời mới

Năm 2011, chính quyền Syria bị nội chiến đe dọa và không còn kiểm soát vùng lãnh thổ gần “lằn ranh tím” của họ nữa. Khu vực này lọt vào tay phiến loạn, Hồi giáo cực đoan như lực lượng Jabhat Al Nusra. Al Nusra là chi nhánh của al-Qaeda tại Syria nhưng lại được Israel bao che và giúp đỡ, bảo đảm cho họ một hành lang dọc biên giới không bị phi pháo Syria đánh phá, khiến có câu đùa: “Ai bảo al-Qaeda không có không lực? Đó là không lực Israel!”.

2.000 chiến binh Al Nusra mang thương tích được quân y Israel điều trị trong nước và được cả Thủ tướng Benjamin Netanyahu đến vấn an và ủy lạo “vì lý do nhân đạo”, thiếu điều ông trao họ huy chương. Việc này đã gây ra mâu thuẫn nội bộ tại Israel và bất mãn trong cộng đồng người Druze Israel.

Trong khu vực họ kiểm soát tại Syria, Al Nusra hà hiếp người Druze Syria vì khác giáo phái và vì như đã nói, thành phần Druze được chính quyền Assad đối xử thân thiện. Việc hà hiếp này của Al Nusra gây bất bình cho đồng giáo - đồng tộc Druze của họ tại Israel bên kia biên giới. Người Druze Israel theo tỉ lệ dân số, đóng góp nhiều hơn người Do Thái trong các đơn vị tác chiến của quốc gia, là thành phần yêu nước Israel bậc nhất, nhưng đồng thời bênh đồng giáo của họ tại Syria. Họ bèn chặn một đoàn quân đội Israel tải thương binh Al Nusra và lôi thương binh ra giết sạch, đồng thời làm lớn, phản đối lên trung ương, khiến việc “nhân đạo” với al-Qaeda phải đình chỉ.

"Thừa nước đục” tại Syria để “thả câu” là chính sách dễ hiểu: Israel còn mua dầu hỏa từ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Rốt cuộc, kẻ thù đáng ngại nhất của Israel không phải là IS hay al-Qaeda, mà là một Syria thống nhất, an bình và hùng mạnh. Vì vậy, bất kể ý thức hệ và tôn giáo, Israel yểm trợ các lực lượng phiến loạn chống lại trung ương tại Syria.

Hiện Israel đang lâm vào một khủng hoảng “hiện sinh”. Quốc gia này được thành lập trên căn bản người Do Thái di dân từ Âu châu đến Palestine sau Thế chiến thứ hai. Tình thế nay đã khác và số người Do Thái sinh ở ngay Israel giờ ồ ạt di dân sang Tây Âu và Bắc Mỹ. Người Do Thái không còn bị kỳ thị ở châu Âu hay Mỹ và tất nhiên sinh sống tại những nơi này khỏe hơn là phải đi lính nghĩa vụ, dẹp loạn ở Gaza, bắn và bị bắn, bị trẻ con Palestine ném đá.

Khi Israel xâm lăng Lebanon năm 2006, các con của thủ tướng lúc đó Ehud Olmert đã kịp... định cư Hoa Kỳ. Ở Mỹ, 300 nhân viên ngoại giao của Israel mang song tịch Israel - Mỹ. Nhưng nếu người Israel di cư hết thì ai giữ nước đây (ngoài người Druze)?

Trong thập niên 1990, khi Liên Xô tan rã, chính quyền Reagan có ý nhận sang Mỹ 1 triệu người Do Thái từ Liên Xô. Israel không thích việc này, mà muốn họ sang Israel, gây ra rạn nứt trong quan hệ song phương. Israel cũng nới lỏng các điều kiện tôn giáo, tạo điều kiện cho một người Do Thái ở Liên Xô, và sau này là Nga, có thể mang cả gia đình mấy đời, bao gồm cả những người không theo Do Thái giáo, sang Israel định cư.

Thành phần này được cấp nhà cấp đất ở những khu chiếm đóng bất hợp pháp và trở nên quan trọng trên chính trường Israel. Là dân mới đến, họ hung hăng quá khích hơn người Israel cũ. Tác giả Miko Peled, con trai tướng Matti Peled nói ở trên, có bận gặp một binh sĩ Israel gốc Nga hành hung một ông già người Palestine. Ông không khỏi nhận xét là bạn quân nhân này mới đến đây vài năm và nói tiếng Hebrew còn chưa sõi, trong khi ông già Ả Rập đã sống trên đất này đời đời kiếp kiếp. Nhưng thành phần nhập cư và nhập tịch mới tại Israel là then chốt trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Netanyahu hiện nay.

Tại sao Golan?

Ngày 9-4 này, Israel có bầu cử và ông Netanyahu đang gặp khó khăn trong chuyện Bộ Tư pháp chính thức truy tố ông về tội nhũng lạm, ăn tiền, cụ thể là 3,9 triệu USD trong chuyện mua tàu ngầm. Không hiểu Thượng đế có chỉ định Tổng thống Donald Trump để cứu vớt Israel như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới phát biểu, nhưng hẳn là ông Trump có cứu ông Netanyahu.

Năm 2017, Hoa Kỳ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, một bước ngoặt so với tất cả các chính quyền Mỹ trước đây và bị Đại hội đồng LHQ lập tức lên án lần nữa. Ngày 25-3, chỉ hơn hai tuần trước bầu cử, ông Trump lại tặng ông Netanyahu một món quà nữa: công nhận chủ quyền của Israel trên cao nguyên Golan, đi ngược các chính quyền Mỹ trước đây và các nghị quyết của LHQ.

Ông Trump dựa vào 30-35% cử tri Hoa Kỳ thuộc thành phần “truyền giáo” (Evangelical). Thành phần này tin là ngày tận thế gần kề như theo Kinh thánh và phán xét cuối cùng sẽ xảy ra tại Israel, nên ủng hộ hết mình quốc gia này, trong khi chính thành phần gốc Do Thái tại Mỹ đang rời xa Israel vì chính sách cực đoan quá đáng ở “quê nhà”.

Chính quyền Trump trước đây có một số nhân vật được coi là “người lớn” - có lý trí và hiểu biết, có thể can ngăn - ở Bộ Ngoại giao (Rex Tillerson), Bộ Quốc phòng (Jim Mattis) và chánh Văn phòng Nhà Trắng (John Kelly). Họ đều đã bị thay thế và quân sư cho tổng thống về Israel là cố vấn an ninh quốc gia quá khích John Bolton cùng con rể Jared Kushner.

Một đồng minh mới và quan trọng của ông Trump trên chính trường Mỹ là thượng nghị sĩ bang South Carolina Linsey Graham. Ông này cần thành phần truyền giáo ở bang mình nên sau khi đã mạt sát ông Trump đủ điều, giờ lại nhẫn nhục vuốt ve tổng thống vì lẽ sống số 1 của mọi thượng nghị sĩ là... tái cử. Ông Graham sang Israel với Ngoại trưởng Pompeo, thăm Golan và ủng hộ việc sáp nhập phần đất này vào Israel. Đại sứ Syria tại LHQ vì thế phát biểu là nếu Hoa Kỳ muốn tặng đất cho Israel thì sao không tặng bang South Carolina! ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận